Chính quyền lờ, dù biết doanh nghiệp sai, dân kêu cũng mặc

14/08/2019 - 07:47

PNO - Chưa đền bù xong, chủ đầu tư vẫn ngang nhiên cho san lấp hàng chục héc-ta đất lúa để thực hiện dự án khu dân cư. Cơ quan chức năng biết sai nhưng vẫn gật đầu cho nhà đầu tư làm.

Chinh quyen lo, du biet doanh nghiep sai, dan keu cung mac
Dù chưa đền bù hết cho người dân nhưng chủ đầu tư dự án Khu dân cư nông thôn mới Gia An đã đổ đất san lấp lúa

Ngày 30/1/2019, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ký Quyết định số 91/QĐ-UBND chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu dân cư nông thôn mới Gia An (tại xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa) với tổng diện tích 9,388ha. Tiếp đó, ngày 14/6/2019, UBND huyện Tư Nghĩa ra thông báo thu hồi đất số 1544/TB-UBND để thực hiện dự án trên; thời gian điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm là 90 ngày đối với đất nông nghiệp và 180 ngày đối với đất phi nông nghiệp. 

Theo phản ánh của người dân thôn An Hội Nam 1, xã Nghĩa Kỳ, khi nhiều hộ dân vẫn chưa đồng ý chấp thuận giá đền bù, Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Gia An (trụ sở tại TP.Quảng Ngãi) đã triển khai san lấp mặt bằng. 

Hộ ông Nguyễn Thành Hạnh có hơn 3 sào đất lúa (500m2/sào) chưa đồng ý với đơn giá đền bù do chủ đầu tư đưa ra là 74 triệu đồng/sào.

“Cách đây vài năm, chính quyền đã thu hồi hơn một sào đất ruộng của gia đình tôi để làm đường dẫn lên cao tốc Quảng Ngãi - Đà Nẵng với đơn giá 70 triệu đồng/sào. Đây là chủ trương của nhà nước nên gia đình tôi đồng ý nhận tiền đền bù, giao đất cho chính quyền. Còn dự án Gia An này là doanh nghiệp lấy đất lúa để làm khu dân cư bán, nên tôi không đồng ý với giá đó. Gia đình tôi bao đời nay làm nông, đây là diện tích đất lúa cuối cùng của gia đình, với số tiền đền bù thấp, tụi tôi biết làm gì để sinh sống sau này” - ông Hạnh nói. 

Bà Võ Thị Phố không giấu được bức xúc: “Nếu chính quyền lấy đất để mở trường học, trạm y tế thì tôi đồng ý với giá đền bù này. Còn đây là công ty bất động sản, họ lấy đất mở khu dân cư để bán thì phải có mức đền bù phù hợp cho nông dân. Hiện nay, chủ đầu tư đã đổ đất tại ruộng của những hộ đồng ý nhận đền bù. Họ đổ đất làm lấp luôn kênh dẫn nước, lúa của chúng tôi đang trổ bông mà không có nước”.

Chủ tịch UBND xã Nghĩa Kỳ Nguyễn Hồng Hà cho hay, dự án này có khoảng 87 hộ dân bị ảnh hưởng; đến nay, còn khoảng 30 hộ chưa đồng ý phương án bồi thường của chủ đầu tư. 

Ông Hà cho biết, UBND tỉnh đã cấp chủ trương đầu tư, huyện ra thông báo thu hồi đất, nhiều hộ dân đồng thuận nhận tiền bồi thường nên doanh nghiệp mới mạnh dạn san lấp mặt bằng; còn nếu khoảng 80% hộ dân không đồng thuận nhận tiền đền bù thì chính quyền sẵn sàng can thiệp.

Ông Hà nói: “Giá bồi thường là do chủ đầu tư và người dân tự thỏa thuận, chính quyền địa phương chỉ giải thích cho người dân hiểu mức giá bồi thường do tỉnh đưa ra cũng như việc đảm bảo quá trình tổ chức thi công, an toàn giao thông vùng dự án”. 

Chinh quyen lo, du biet doanh nghiep sai, dan keu cung mac
Dự án Khu dân cư du lịch suối nước khoáng Nghĩa Thuận chưa hoàn thành thủ tục theo quy định, đã rầm rộ đổ đất san lấp mặt bằng

Đây không phải là dự án duy nhất ở tỉnh Quảng Ngãi ngang nhiên san lấp mặt bằng khi chưa đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. 

Dự án Khu dân cư du lịch suối nước khoáng Nghĩa Thuận (xã Nghĩa Thuận, huyện Tư Nghĩa) do Công ty cổ phần Thương mại du lịch Hà - Mỹ Á làm chủ đầu tư, có diện tích khoảng 7,19ha cũng đã san lấp mặt bằng rầm rộ. 

Dự án đã được UBND huyện Tư Nghĩa phê duyệt phương án bồi thường nhưng khi việc đền bù vẫn chưa hoàn thành (16 hộ chưa đồng ý), chủ đầu tư đã san lấp mặt bằng được khoảng 60%, đồng thời xây dựng kênh thoát nước. 

Ông Võ Hữu Tĩnh, Phó giám đốc Công ty cổ phần Thương mại du lịch Hà - Mỹ Á, cho rằng: “Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường yêu cầu chủ đầu tư làm trước để giao đất tái định cư cho những hộ dân bị ảnh hưởng khi tỉnh mở tuyến đường đấu nối ĐT623B vào dự án Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng tắm bùn suối nước nóng Nghĩa Thuận. Đến nay, chúng tôi đã có quyết định chủ trương đầu tư, quyết định phê duyệt đánh giá tác động môi trường, phê duyệt quy hoạch 1/500, quyết định thu hồi đất”.

Trao đổi về các dự án này, ông Huỳnh Ngọc Quận - Phó chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa - nói: “Theo tôi được biết, cả hai dự án trên đều chưa được cấp giấy phép thu hồi đất, giao đất. Việc chưa hoàn thành công tác đền bù cũng như thủ tục pháp lý mà chủ đầu tư đã san lấp mặt bằng là sai. Với việc chủ đầu tư dự án Khu dân cư nông thôn mới Gia An tại xã Nghĩa Kỳ san lấp mặt bằng khi đang lập phương án bồi thường, tôi đã nắm được thông tin và đang chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra. Về nguyên tắc, chủ đầu tư muốn thi công dự án thì phải được cơ quan chức năng cấp giấy phép thu hồi đất, giấy phép xây dựng”. 

Ông Nguyễn Phong - Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi - cho hay, tại Quảng Ngãi, có nhiều dự án mà sau khi chủ đầu tư đền bù cho dân xong, chưa san lấp mặt bằng thì người dân lại tiếp tục sản xuất, khiến chủ đầu tư và chính quyền gặp nhiều khó khăn trong việc thu hồi đất sau đó. 

Do đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ra thông báo về việc sau khi giải phóng mặt bằng liền bờ, liền thửa thì Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu cho UBND tỉnh ra quyết định thu hồi đất nhằm giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, có giấy phép thu hồi đất thì mới cấp giấy phép xây dựng. 

Ông Đỗ Minh Hải - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi - xác nhận: “Cả hai dự án trên đều chưa được cấp giấy phép thu hồi đất. Việc chủ đầu tư san lấp mặt bằng là sai, nhưng do họ đã trả tiền đền bù cho người dân nên khi san lấp mặt bằng, người dân cũng không có ý kiến”. 

Hoàng Thanh Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI