Chiếc xe biển số 51B-32010 - Thương như chuyển thương từ xã

28/02/2019 - 06:00

PNO - Bốn tháng qua, nhiều dân xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi, TP.HCM truyền tai nhau, cùng lấy bút lông, phấn bảng viết trên góc nhà ba số điện thoại di động, để dành “gọi khi hữu sự”.

Chúng tôi tìm về xã Phước Hiệp từ một thông tin nhỏ trên trang Facebook của một UBND cấp xã mới ra chưa đầy một tháng đã thu hút trên 30.000 lượt “like” và cũng ngần ấy lượt chia sẻ. 

Rằng ở xã nhà có Mạnh Thường Quân giấu tên tặng cho người dân một chiếc xe chuyển bệnh trang bị đầy đủ trang thiết bị y tế từ bình ô-xy, băng ca, ghế nâng, túi sơ cấp cứu… Để xe cứu thương được vận hành, ông Trần Văn Cụi, Chủ tịch UBND xã Phước Hiệp, đã lập ra nhóm điều hành chuyển thương miễn phí. Ba thanh niên của xã có bằng lái tình nguyện làm tài xế không công.

Chiec xe bien so 51B-32010 - Thuong nhu chuyen thuong tu xa
Hình ảnh về chiếc xe cứu thương miễn phí xã Phước Hiệp được hàng chục ngàn chia sẻ trên mạng xã hội

Từ đó đến nay đã có hơn 20 lượt chuyển thương và cũng từ đó, nhiều câu chuyện đời đẹp như huyền thoại rộ lên ở vùng đất thép. Có cụ ông, cụ bà suýt mất mạng vì cơn tai biến, nhiều cánh tay, đôi chân của người còn rất trẻ suýt đứt lìa đã kịp được nối lại… Tất cả nhờ chiếc xe cứu thương mang biển số 51B-32010.

Ông - Chủ tịch UBND xã Phước Hiệp: 25 ca bệnh được chuyển 

Trong 25 ca chuyển bệnh, có 10 ca tai biến, đột quỵ não. Còn lại là tai nạn giao thông. Hầu hết các ca bệnh đều cần đến bệnh viện trong ”thời gian vàng”. Theo chúng tôi, hiệu suất của xe chuyển bệnh đến nay vô cùng hiệu quả. Bởi địa bàn xã Phước Hiệp vừa có đoạn kéo dài theo quốc lộ 22, vừa có nhiều đường xương cá hẻo lánh, nơi nào cũng chực chờ xảy ra tai nạn giao thông. Việc chậm đưa đến bệnh viện những người bệnh có nguy cơ nguy hiểm tính mạng. Ngăn được trường hợp nào là quý trường hợp đó.

Tuy nhiên, qua những con số thống kê, chúng tôi cũng thấy đau đáu trong lòng. Xe có thể phục vụ xa hơn, rộng hơn, nhiều hơn nhưng nhiều người dân các xã bạn chưa biết đến. Chúng tôi mong chuyến xe của xã mình có thể cứu được nhiều người bệnh hơn.

Khi nghe chúng tôi tìm đến nhà bà Lê Thị Húng hỏi về đợt chuyển thương ngày 5/12/2018, người dân ở ấp Phước Hòa, xã Phước Hiệp đã tận tình dẫn đến tận nơi. “Ghé thăm bà ấy đi, sẽ vui lắm đó. Từ ngày được cứu về, gặp ai bả cũng cảm ơn”.

Người mẹ đơn thân xấp xỉ tuổi 80 ấy cho biết không ngờ mình còn sống đến hôm nay. Bởi ngay trong hôm bà cấp cứu ở Bệnh viện đa khoa khu vực Củ Chi, có người ở tuổi bà lên cơn tai biến như bà, đã qua đời trước khi gia đình kịp đưa vào bệnh viện.

Bà Húng sống một mình trong căn nhà cấp bốn. Người con gái duy nhất có chồng tận tỉnh Tây Ninh. Buổi sáng, khi bà lên cơn choáng, người hàng xóm nhìn thấy gọi hỏi bà làm sao, bà kêu tôi mệt quá rồi té xỉu.

Xóm nằm trong còn hẻm vắng, không một bóng xe. May thay, người hàng xóm hỏi chuyện bà Húng hôm ấy là dì Đặng Thị Châu, tổ trưởng tổ 1 ở ấp Phước Hòa. Chợt nhớ số điện thoại xe chuyển bệnh mà xã thông báo về các tổ, dì tiện tay bấm gọi cầu may. 

Dì Châu nhớ lại: “Gọi xe rồi, tôi vẫn chưa tin sẽ có xe vào chở bà ấy đi cấp cứu. Nhưng chưa đầy 5 phút sau, xe đã rà sát vô nhà… Tôi thấy thằng Bình chở nước đá, nước ngọt ngồi chễm chệ chỗ tài xế. Nghĩ lại may mà hôm đó còn có nó, nếu không xóm có chuyện buồn rồi”.

Chiec xe bien so 51B-32010 - Thuong nhu chuyen thuong tu xa
Tài xế Đỗ Quốc Bình và bà Lê Thị Húng. Bà Húng nói: “Không có nó, tôi đã chết rồi”

Đỗ Quốc Bình sinh năm 1983, là chủ đại lý bia, nước ngọt, kiêm tuyển thủ bóng đá xã Phước Hiệp. Theo lời anh Bình, ngay khi nhận được xe, ông Cụi đã mời Bình cùng hai người có bằng lái xe, giỏi nghề của xã là anh Đỗ Chân Lý và công an viên Phạm Phan Trọng Vũ lên bàn chuyện lập tổ chuyển thương. Anh Bình nói: “Gì chứ nghe chuyện cứu người, ba anh em không ai từ chối. Xe có rồi, xăng cũng có rồi, tụi tôi chỉ có chạy”.

Ông - Trưởng ban Dân vận huyện ủy Củ Chi: Sẽ nhân rộng mô hình

Có thể nói chiếc xe chuyển thương từ thiện của Phước Hiệp là mô hình thiết thực trong cuộc sống. Người có của, người có công sức, người có tâm và thời gian cùng chia sẻ. Cách làm của Phước Hiệp hay và cần nhân rộng. Điều đáng quý là lãnh đạo xã đã chọn được những tài xế từ tâm, thiện nguyện để gánh vác công việc chung này. Chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình khi có thể để những người bệnh nghèo, người bị tai nạn bất ngờ được cứu chữa kịp thời. 

Vì không nỡ bỏ người bệnh, nên suốt bốn tháng qua, hầu như tuần nào đội chuyển thương thiện nguyện ấy cũng có việc để làm. Những ngày tết Nguyên đán càng không được nghỉ, vì người bị tai nạn giao thông không ít.

Có khi anh Lý đang trong ca trực ban, phải xin chỉ huy lấy xe đưa người bị tai nạn giao thông đi cấp cứu. Khi thì anh Vũ đang ngồi dùng cơm với gia đình, bỏ dở chén cơm chạy lo chuyển bệnh… 

Mới sáng 18/2 đây thôi, đang trên đường giao nước ngọt, nghe báo có tai nạn trên đường liên xã Ba Sa - Cây Trâm, anh Bình tạt ngang trạm xá xã, bỏ chiếc xe giao hàng của mình cả buổi trời để chuyển anh Nguyễn Văn Lộc vào Bệnh viện Củ Chi. Vừa đi vừa liên hệ phòng cấp cứu bệnh viện để báo tin có cấp cứu. Anh Vũ nói: “Riết rồi ba anh em y như nhân viên lái xe 115, ai cũng chuyên nghiệp. Anh Bình còn có khả năng sơ cấp cứu nên đã hướng dẫn chúng tôi, đỡ cho người bệnh lắm”. 

Người dân được cứu hầu như không tin là mình được đi xe chuyển thương từ thiện. Có lão nông hơn 70 tuổi sau khi lành cái chân vì tai nạn giao thông đã tìm đến xã để cảm ơn chú tài xế đêm khuya cứu mình. Vì bác tài không nhận “bồi dưỡng”, quỹ đổ xăng, sửa xe lại có thêm một chút tiền. Người không bị tai nạn hay nhờ chuyển thương đem về đóng góp. Ông Cụi nói: “Hình như việc làm này chạm đến trái tim của nhiều người”.

Ông Hoàng Văn Hào, ngụ ở ấp Tân Định, xã Tân Thông Hội, ngậm ngùi: “Nghe kể chuyện xã Phước Hiệp có xe chuyển thương từ thiện mà thương, mà mừng. Hồi chị ruột tôi bệnh giữa đồng không, vì không vào kịp bệnh viện mà qua đời. Xứ này, xe vô tận nhà rước quý hơn vàng”.

Lúc 15g ngày 24/2, trên đường Cây Trâm xảy ra một tai nạn nhỏ, chiếc xe biển số 51B-32010, trong lúc de vào cổng rào chở chị Nguyễn Thị Gái bị tai biến đến Bệnh viện Củ Chi thì bị va mạnh làm bể bóng đèn. Tài xế Bình chưa kịp lo lắng không có kinh phí sửa xe thì Chủ tịch UBND xã đã vỗ vai, không lo, cứu được mạng người là quan trọng nhất.

Lúc ấy, dưới cái nắng chang chang trời đất thép, từng giọt mồ hôi vẫn rơi trên vai người tài xế, nhưng Bình đã rạng rỡ nụ cười. Anh biết mình đã và đang làm được. Cùng các anh Vũ, Lý, Bình sẽ tiếp tục hành trình, không chỉ cho xã Phước Hiệp mà cho cả người dân cần chuyển thương ở các xã Phước Thạnh, Thái Mỹ, Trung lập Thượng, Trung Lập Hạ. 

Bà - Chủ tịch hội LHPN huyện Củ Chi: Mong có nhiều chuyến xe chuyển thương 

Từ khi nhận thông tin và theo dõi trang tin của xã Phước Hiệp, tôi cảm thấy rất vui. Huyện Củ Chi vẫn còn nhiều nơi rất hẻo lánh, như các ấp Cây Trâm, Ba Sa, Phước Hiệp, những tuyến đường Phạm Văn Cội, Trung Lập… Tìm một chuyến xe ra bệnh viện giữa đêm khuya là điều không dễ dàng. Một việc làm nhân ái đã được lan tỏa, chia sẻ, được cộng đồng và người dân ủng hộ. Chiếc xe không chỉ chở người bệnh mà chở cả cái tình, tấm lòng của người dân trao gửi cho nhau. Chỉ mong nhiều người dân biết đến “dịch vụ miễn phí” này và chung tay giữ gìn, phát huy nhiều hơn nữa.

Nghi Anh

“Cần chuyển thương, cứ gọi chúng tôi: 
Bình (0938 711 401), Vũ (0932 141 389) và Lý (0908 494 650)”.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI