Cạnh tranh bình đẳng để nâng chất lượng xử lý rác

12/11/2018 - 18:00

PNO - Quản lý chất thải rắn đang là vấn đề bức xúc của các đô thị Việt Nam. Lượng rác thải ngày càng gia tăng cả về khối lượng cũng như chủng loại trong hợp phần chất thải rắn đô thị.

Ngày 7/11, Hiệp hội Môi trường đô thị và khu công nghiệp Việt Nam đã tổ chức hội thảo “Công nghệ, thiết bị thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn phù hợp điều kiện của Việt Nam”.

Quá tải chất thải rắn

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Hòa - Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Môi trường đô thị và khu công nghiệp Việt Nam - cho biết, quản lý chất thải rắn đang là vấn đề bức xúc của các đô thị Việt Nam. Lượng rác thải ngày càng gia tăng cả về khối lượng cũng như chủng loại trong hợp phần chất thải rắn đô thị. Điều này dẫn đến những khó khăn, phức tạp trong việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải của các đơn vị chuyên trách.

Canh tranh binh dang de nang chat luong xu ly rac
Quản lý chất thải rắn đang là vấn đề bức xúc của các đô thị Việt Nam

Theo thống kê, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh ở khu vực đô thị khoảng 38.000 tấn/ngày, tăng bình quân 12%/năm. Lượng chất thải rắn phát sinh ở khu vực đô thị là 0,7kg/người/ngày, ở nông thôn là 0,3kg/người/ngày. Ở khu vực đô thị, nơi thải rác nhiều nhất là TP.HCM: 1,3kg/người/ngày, kế đến là TP.Hà Nội: 1kg/người/ngày. Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt hiện nay tại khu vực nội thành trung bình đạt khoảng 85%, khu vực ngoại thành khoảng 60%, còn khu vực nông thôn chỉ đạt khoảng 40 - 55% so với lượng rác phát sinh.

Tổng lượng chất thải rắn phát sinh từ các khu công nghiệp vào khoảng 7 triệu tấn/năm, chất thải nguy hại phát sinh trên toàn quốc khoảng 800.000 tấn/năm. Một số cơ sở sản xuất công nghiệp nằm ngoài cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ không ký hợp đồng thu gom xử lý dẫn đến việc đổ chất thải bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường. Chất thải xây dựng, công nghiệp nguy hại cũng chưa được thu gom triệt để do công tác quản lý chưa chặt chẽ. Hiện Việt Nam rất thiếu các khu xử lý chất thải rắn công nghiệp, xây dựng, đặc biệt là các khu xử lý chất thải tập trung quy mô lớn.

Theo giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng - Viện trưởng Viện Môi trường đô thị và Công nghệ Việt Nam - tổng lượng chất thải rắn của Việt Nam khoảng 12,8 triệu tấn/năm, trong đó, khu vực đô thị là 6,9 triệu tấn/năm được xử lý chủ yếu bằng phương pháp chôn lấp (TP.Hà Nội 85,5%, TP.HCM 76%). Trong khi đó, cả nước mới chỉ có 35 cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị đang hoạt động. Ngoài một số cơ sở có quy mô, phần lớn công suất trung bình của các cơ sở chỉ đạt mức từ 100 - 200 tấn/ngày. Công nghệ xử lý hiện nay là chôn lấp, ủ phân hữu cơ và đốt. Việc sử dụng công nghệ đốt còn rất hạn chế và lạc hậu, công suất nhỏ, khí thải phát sinh chưa được kiểm soát chặt chẽ.

Tỷ lệ thu gom rác ở Việt Nam mới chỉ đạt 70 - 80% tổng lượng rác thải, trong khi khâu vận chuyển còn nhiều hạn chế đã gây tác động tiêu cực đến môi trường đô thị và sức khỏe người dân. Đến nay, cả nước có khoảng 660 bãi chôn lấp có quy mô trên 1ha/bãi và nhiều bãi chôn lấp quy mô nhỏ ở các xã nhưng chỉ có 128 bãi chôn lấp hợp vệ sinh, chiếm tỷ lệ 18,2%. Đối với hình thức đốt, cả nước có 200 lò, công suất dưới 500kg/giờ. Nhiều lò đốt rác đầu tư công nghệ hạn chế gây phát thải nhiều chất độc hại vào môi trường.

Xem chất thải rắn là tài nguyên

Từ năm 2005, tại TP.HCM, việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn xây dựng ở nội thành được giao cho Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM và đơn vị này tự hạch toán kinh doanh; còn công ty dịch vụ công ích các huyện ngoại thành chịu trách nhiệm quản lý rác ở khu vực ngoại thành. Ngoại trừ lượng rác ít ỏi do các chủ đầu tư ký hợp đồng với Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM (số lượng khoảng 1.250 tấn/ngày) được đưa đến trạm trung chuyển, số còn lại được các chủ nguồn thải chuyển nhượng tự do trên thị trường hoặc thải bỏ tùy tiện ở các bãi đất trống. 

Theo các chuyên gia môi trường, để đáp ứng yêu cầu mới trong hoạt động thu gom và xử lý chất thải rắn xây dựng, cần thiết phải đầu tư nhà máy xử lý hiện đại theo hướng tăng tỷ lệ tái chế, giảm tỷ lệ chôn lấp. Theo đó, chất thải rắn sinh hoạt và xây dựng cần được xử lý bằng hai công nghệ chính là chôn lấp và tái chế chất thải. Với công nghệ tái chế, chất thải rắn xây dựng có thể tái chế, tái sử dụng dưới dạng vật liệu san nền, đổ bê tông hoặc làm nguyên liệu sản xuất gạch không nung. Hiện Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã có văn bản đề nghị UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương quy hoạch vị trí xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn xây dựng. 

Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 7/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 nêu rõ: “Chất thải rắn phát sinh phải được quản lý theo hướng coi là tài nguyên, được phân loại, thu gom phù hợp với công nghệ xử lý được lựa chọn; khuyến khích xử lý chất thải thành nguyên liệu, nhiên liệu, các sản phẩm thân thiện môi trường, xử lý chất thải kết hợp với thu hồi năng lượng, tiết kiệm đất đai và phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của từng địa phương, vùng và đất nước”.

Để quan điểm này trở thành hiện thực hoàn toàn không đơn giản. Phát biểu tại hội thảo, ông Huỳnh Minh Nhựt - Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM - cho rằng, cần huy động mọi nguồn lực đầu tư cho công tác quản lý, xử lý chất thải rắn, bao gồm nguồn từ ngân sách nhà nước, quỹ bảo vệ môi trường, từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; mở rộng hỗ trợ tín dụng nhà nước cho các công trình đầu tư dự án tái chế, tái sử dụng và thu hồi năng lượng từ chất thải rắn cũng như các ưu đãi về thuế, phí và lệ phí. Muốn vậy, Chính phủ cần có chính sách, tạo cơ chế bình đẳng để các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực vệ sinh môi trường tự do cạnh tranh, góp phần nâng cấp chất lượng hiệu quả trong công tác thu gom, vận chuyển, góp phần giảm chi ngân sách. 

Hạnh Chi

Từ khóa cba
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI