Cần hình sự hóa hành vi lái xe khi đã uống rượu bia

04/01/2019 - 11:30

PNO - Hành vi lái xe khi đã uống rượu bia quá mức bị các quốc gia trên thế giới nghiêm cấm và xử phạt rất nặng. Ở Việt Nam, mức chế tài với hành vi này còn quá nhẹ.

Chiều 3/1, thượng tá Nguyễn Minh Sáng - Người phát ngôn Công an tỉnh Long An - xác nhận, cơ quan này đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam bị can Phạm Thành Hiếu - 32 tuổi, người lái xe container gây tai nạn ở ngã tư Bình Nhựt, H.Bến Lức, tỉnh Long An làm 4 người chết và 18 người bị thương chiều 2/1.

Trước đó, Hiếu đã uống rượu bia ở nhà người quen rồi lái xe chở hàng về TP.HCM, đến khu vực trên thì gây tai nạn thảm khốc. Qua kiểm tra ban đầu, nghi can này còn dương tính với ma túy.

Tài xế chủ quan, mạng người phấp phỏng

Trước đó, tối 21/10/2018, bà Nguyễn Thị Nga lái xe BMW sau khi đã uống rượu bia, gây tai nạn liên hoàn ở ngã tư Hàng Xanh (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) làm một người chết và nhiều người khác bị thương. Kết quả đo nồng độ cồn bà Nga gấp gần 4 lần so với mức cho phép.

Can hinh su hoa hanh vi lai xe khi da uong ruou bia

Lực lượng cảnh sát giao thông đang kiểm tra nồng độ cồn dịp cuối năm

Trong đợt cao điểm tấn công trấn áp các loại tội phạm, bảo đảm trật tự giao thông, trật tự xã hội dịp lễ, Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ - đường sắt (PC 08) Công an TP.HCM đã có nhiều đợt ra quân xử lý vi phạm về nồng độ cồn. Tối 28/12, theo chân Đội CSGT Nam Sài Gòn, phóng viên ghi nhận, trong vòng 1 giờ, lực lượng chức năng kiểm tra 5 người điều khiển phương tiện thì đã có 4 người vi phạm về nồng độ cồn. Theo PC 08, trong 10 tháng đầu năm 2018, CSGT TP.HCM đã xử phạt hơn 21.000 trường hợp vi phạm liên quan đến nồng độ cồn, trong đó có hơn 1.000 trường hợp lái ô tô. Chỉ sau hai đợt ra quân cao điểm trong năm 2018, CSGT cả nước xử phạt hơn 27.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, tước giấy phép 5.000 tài xế.

Trung tá Huỳnh Trung Phong - Trường phòng PC08 Công an TP.HCM -  cho biết, trong đợt cao điểm cuối năm, lực lượng CSGT sẽ tập trung xử lý các hành vi như vi phạm về nồng độ cồn, vi phạm tốc độ, xe chở quá khổ quá tải. Thế nhưng, theo nhận định của nhiều chuyên gia, việc bố trí lực lượng kiểm tra, xử phạt chỉ là giải pháp tình thế. Trên thực tế, đối tượng dễ nhận biết và kiểm tra nồng độ cồn là những người chạy xe máy, còn người say xỉn lái ô tô, CSGT rất khó nhận biết, trong khi hậu quả tai nạn do ô tô gây ra thường lớn hơn.

Chiều 3/1, tiếp xúc với chúng tôi trong một căn nhà trọ ở Q.Bình Tân, TP.HCM, tài xế H.V.V. - 42 tuổi, từng gây ra vụ tai nạn trên đường Tên Lửa nhiều năm trước - vẫn còn nguyên nỗi ám ảnh. Anh V. cho biết, năm đó anh làm nghề lái taxi, vào dịp cuối năm, nhà một người quen tổ chức tiệc tất niên nên sẵn xe, anh chở vợ con đến dự. Ý thức được mình là người lái xe, anh V. chỉ uống 3 lon bia. Thế nhưng, đến 22g cùng ngày, khi anh V. lái xe về đường Tên Lửa thì va chạm với xe máy khiến một phụ nữ bị thương nặng. Vụ đó, anh V. bị tước giấy phép lái xe do có nồng độ cồn vượt mức cho phép. Từ đó, anh V. bỏ nghề. “Khi uống, mình chủ quan nghĩ rằng, ngày thường uống cả chục lon mới say nên nếu chỉ uống 3 - 4 lon thì chạy xe bình thường, nhưng thực tế, khi uống rượu bia vào, việc xử lý tình huống không còn nhạy và chính xác” - anh V. chia sẻ.

Lái xe khi say xỉn là hành vi sát nhân

Có dịp cùng tham gia các đợt cao điểm kiểm tra nồng độ cồn của lực lượng CSGT, phóng viên ghi nhận, hầu hết người lái xe vi phạm quy định về nồng độ cồn đều cho rằng, mình chỉ mới uống 2 - 3 chai bia nên vẫn có thể lái xe bình thường và xin được “bỏ qua”. Tuy nhiên, theo Nghị định 46/2016 người lái xe bị phạt khi nồng độ cồn vượt quá 50 mi-li-gam/100 mi-li-lít máu hoặc vượt quá 0,25 mi-li-gam/lít khí thở. Mức phạt sẽ tăng dần theo nồng độ cồn trong máu hoặc khí thở và chỉ cần uống 2 chai bia, nồng độ cồn sẽ vượt mức cho phép.

Theo các chuyên gia, mức giới hạn nồng độ cồn như trên được áp dụng rất phổ biến. Bởi theo các nghiên cứu, khi có nồng độ cồn từ 0,3 - 0,5 mi-li-gam/lít khí thở, người ta sẽ có cảm giác buồn ngủ, giảm sự tập trung và chú ý, phản xạ chậm và kém khả năng phối hợp các động tác, giảm khả năng phán xét và đưa ra quyết định hợp lý, trương lực cơ giảm; nếu điều khiển xe, rất dễ gây tai nạn.

Luật sư Nguyễn Tri Đức - Giám đốc Công ty Luật 360, Đoàn luật sư TP.HCM - bức xúc, hành vi lái xe khi đã uống rượu bia quá mức bị các quốc gia trên thế giới nghiêm cấm và xử phạt rất nặng. Ở Việt Nam, mức chế tài với hành vi này còn quá nhẹ. Luật sư Đức cho rằng, cần hình sự hóa mọi hành vi điều khiển phương tiện giao thông khi đã uống rượu bia quá mức, xem đó như hành vi sát nhân, mới mong giảm thiểu những tai nạn đau lòng.

Sơn Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI