Cái bang trá hình rầm rộ cướp cạn - Bài 1: Nghề ngồi đường giành... hàng từ thiện

25/12/2017 - 11:41

PNO - Cuối năm, cùng với dòng người đổ xô đi làm từ thiện, tại nhiều tuyến đường ở TP.HCM cũng xuất hiện những băng nhóm giả làm người vô gia cư ngồi ở ngã tư, vỉa hè xin ăn.

Những gói quà từ thiện đáng lẽ sẽ thuộc về người vô gia cư đã bị những băng nhóm này tranh, cướp; những hộp đồ ăn còn nóng hổi bị vứt vào sọt rác; “đầu nậu” thu mua đồ từ thiện với giá rẻ mạt ngay trên vỉa hè... Đó là những gì phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM chứng kiến sau gần một tháng nhập vai làm “cái bang”.

Cứ một chiếc xe chở quà từ thiện dừng lại, sẽ có vài chục người bủa vây xung quanh xin, thậm chí giật quà. Nhiều người còn đua theo nhóm từ thiện để nhận quà đợt 2, đợt 3. Cứ thế, chỉ sau vài giờ, nhóm người làm “nghề” nằm đường đã thu hoạch được hàng đống quà, ngồi hả hê tính toán chiến lợi phẩm sẽ đem bán. 

Cai bang tra hinh ram ro cuop can - Bai 1: Nghe ngoi duong gianh... hang tu thien
Cả băng ngồi đường xông vào “cướp cạn” một nhóm phát quà từ thiện

Vào “nghề” săn quà từ thiện

Sau những đợt cao điểm lập lại trật tự mỹ quan đô thị, tình trạng trẻ em lang thang, người ăn xin tại TP.HCM dần vắng bóng. Nhưng trong khoảng vài tháng trở lại đây, nạn ăn xin tái bùng phát trên nhiều ngả đường.

Khoảng 20g30 ngày 6/12, tại đường Ba Tháng Hai, gần vòng xoay Công trường Dân Chủ, P.12, Q.10, xuất hiện một nhóm hơn 30 người, trong đó hơn một nửa là đàn ông khoảng 30-45 tuổi, vô tư cười nói trên vỉa hè.

Đến 21g, một phụ nữ tên Lu nói như ra lệnh: “Tới giờ rồi, chuẩn bị đi kìa”. Sau câu nói, nhóm người này lẩn vào góc tối sát mái hiên, những phụ nữ còn lại trải tấm bìa các-tông ngồi nằm vật vờ ngay trên vỉa hè, bên cạnh là những chiếc xe đạp cũ. Chưa đầy 5 phút sau, hai chiếc xe máy chở theo nhiều túi quà lớn tấp vào lề đường. Một người vẫy tay, một “đội quân” vùng dậy chạy ra vây quanh hai chiếc xe máy, lao nhao nhận quà. Người nhận trước chạy vào cất để kịp quay trở ra nhận túi quà thứ hai.

Chỉ trong nháy mắt, nhóm người trên đã lùa được hàng chục túi quà. Chiếc xe rời đi, một người đàn ông mở túi quà kiểm tra với vẻ mặt đầy thất vọng: “Có một hộp cơm chay với hai hộp sữa à”. Nói dứt lời, ông ta ném hộp cơm chay vào góc tường, cầm hai hộp sữa bỏ vào túi ni-lông màu trắng treo sẵn trên chiếc xe đạp.

Cai bang tra hinh ram ro cuop can - Bai 1: Nghe ngoi duong gianh... hang tu thien
Nam thanh niên chừng 25 tuổi vẫn ra ngồi đường để hưởng quà

Thông qua H. “khùng”, một người chạy xe ôm trên đường Ba Tháng Hai, chúng tôi được biết, nhóm người trên “hành nghề” nằm đường, giả làm người vô gia cư để nhận quà từ thiện. H. tiết lộ: “Mỗi tối, tụi nó chỉ việc ra đây nằm chờ người ta cho quà từ thiện. Thấy vậy chứ một đêm kiếm vài trăm ngàn khỏe re, đâu cần phải đi làm”. “Đơn giản vậy à?” - chúng tôi hỏi. H. nói: “Không tin, mai mày cứ ra ngồi với tụi nó sẽ biết. Nhưng nhớ ngồi cho ngoan, chứ láo nháo, coi chừng ăn đòn”.

Dứt lời, H. chỉ tay về phía một người đàn ông cao to, khoảng 45 tuổi đứng bên kia đường: “Nó là Đầu Trọc, ngồi đường hơn 15 năm rồi đó. Ra làm, cố bám theo nó, sẽ yên ổn”.

Hai ngày sau, chúng tôi trong bộ dạng quần đùi, áo thun, tay xách theo túi bóng đen cho giống... người vô gia cư để nhập bọn với người đàn ông có tên Đầu Trọc. Thấy chúng tôi đến, nhóm người làm “nghề” ngồi đường có vẻ cảnh giác. Người đàn ông tên Đầu Trọc bước ra chống nạnh, hỏi: “Mày ở đâu tới đây?”. Nghe chúng tôi nói chuyện có vẻ ngoan, gã gật đầu. Trước khi rời đi, gã quay lại dặn: “Ở đây không có ma cũ ma mới gì hết. Nhưng nhớ đàng hoàng, đừng làm tụi tao mất miếng cơm”.

Cai bang tra hinh ram ro cuop can - Bai 1: Nghe ngoi duong gianh... hang tu thien
Nhóm thanh niên bủa vây người làm từ thiện “xin” quà

Sau một tuần gia nhập nhóm của Đầu Trọc, chúng tôi nhận thấy, những người “hành nghề” ở đây đều là người quen biết hoặc bà con với nhau, đa số có nhà, sống trong khu ga Hòa Hưng, chợ Vườn Chuối. Nhóm của Đầu Trọc hầu hết có “thâm niên” từ 10-20 năm làm “nghề” ngồi đường. Ai cũng nắm rõ mùa nào, ngày nào, quà từ thiện nhiều hay ít.  

Công việc của băng nhóm Đầu Trọc được gọi là “nghề” ngồi đường là vì họ đều có nơi ở ổn định. Mỗi tối, khoảng 20g30, nhóm này tập trung ra đường Ba Tháng Hai, đoạn gần vòng xoay Công trường Dân Chủ đón những người đi phát quà từ thiện. Chỉ vài giờ nhận quà cũng đủ sống. Nhóm này ngụy trang rất kỹ. Họ “sắm” một chiếc xe đạp, treo vài túi bóng, bìa các-tông cho giống những người vô gia cư nhặt ve chai rồi ra ngồi ở một vị trí cố định. Nhóm phụ nữ sẽ ngồi vạ vật sát lề đường, nhóm đàn ông ngồi sát bên trong. Khi một chiếc xe chở quà từ thiện dừng lại, cả nhóm sẽ cùng xông ra nhận quà.

Đủ chiêu “cướp cạn”

22g30 ngày 16/12, một nhóm bạn trẻ đi trên bốn chiếc xe máy trờ tới rồi tấp lên vỉa hè trước số 20/A đường Ba Tháng Hai, P.12, Q.10. Đám người ăn xin nhác thấy liền lao tới ngay khi xe máy chưa dừng lại hẳn. Trên mỗi xe là một túi to đựng nhiều hộp thức ăn, người ngồi sau còn ôm thêm một thùng xốp, cũng chứa thức ăn nóng ấm.

Nhào lấy được hộp cơm, Út - một phụ nữ chừng 30 tuổi, dáng người thấp nhỏ, ăn vận trẻ trung đúng “mốt” chứ không như mọi người xung quanh - vừa kịp quay mình là mở ngay hộp, nhìn rồi bĩu môi: “Lại cơm chay”. Nhóm người chưa biết hộp đựng thức ăn gì vẫn còn bao kín quanh nhóm xe, một bạn nữ trẻ làm từ thiện hô lớn: “Mọi người từ từ, ai cũng có phần mà”. Một phụ nữ tên Thệ, khoảng 40 tuổi, nói lại: “Thì cho đi. Cơm chay ai mà giựt”. Bạn trẻ ngỡ ngàng.

Cai bang tra hinh ram ro cuop can - Bai 1: Nghe ngoi duong gianh... hang tu thien
Út - sau khi nhận quà vội chạy vào cất rồi ra xin “tua 2”

Khi nhóm bạn trẻ vừa đi chưa xa, bà Thệ quay lại đưa hai hộp cơm chay cho Đầu Trọc rồi ngoái nhìn sang tôi đang ngồi cạnh bên: “Bữa nay ba mươi. Chiều giờ gần chục hộp cơm chay rồi. Ai mà ăn cho nổi”. Lát sau, đôi vợ chồng trung niên ăn vận sang trọng ngồi trên xe SH chạy tới, phía trước chở một bịch trắng có chừng 20 hộp nhựa thức ăn. Dưới ánh đèn đường, có thể biết ngay đó là hộp cơm sườn. Tất cả lại nhào ra.

Chị vợ phía sau phát cho mỗi người hai tờ 10.000 đồng. Cả đám nhao nhao. Người phía sau chồm lấn quơ quơ tay, người đứng sát thì tiền chưa kịp móc ra đã bị giật mất. Chị vợ phẫn nộ quát: “Xin hay cướp mà làm dữ vậy”. Anh chồng ngồi cầm lái ngơ ngác trước cảnh tượng quá bất ngờ. Anh vội nhìn xuống bửng xe thì chiếc bao đã trống toác tự bao giờ. 

0g ngày 17/12, một chiếc xe tải nhẹ hiệu Daihatsu đi cùng hai xe máy chạy chầm chậm định dừng lại trước số nhà 20A đường Ba Tháng Hai. Cả nhóm người lại lao ra, có vẻ đông hơn hôm trước cả chục người. Quan sát vị trí dừng đậu không thuận tiện, tài xế xe tải chạy qua luôn. Cả nhóm chạy nhanh theo xe, có người hô lớn: “Dừng cho xin đi!”. 

Hai thanh niên chạy xe máy huơ huơ tay chỉ về phía trước. Cả nhóm chạy theo chiếc xe tải đang dừng cách đó khoảng 150m, lao đến nhận quà là mền và sữa. Mỗi lần nhận xong một túi quà, họ lại vội chạy đến xin thêm một túi nữa. Có lẽ nhóm người quá đông nên người phát quà không biết ai nhận, ai chưa.

Cai bang tra hinh ram ro cuop can - Bai 1: Nghe ngoi duong gianh... hang tu thien
Hai nam thanh niên hớn hở khoe “chiến lợi phẩm” sau khi đón lõng “cướp cạn” được rất nhiều mền

Sau khi nhận được hai túi quà, Út và bà Thệ vội lấy xe đạp chạy ngược chiều lên tận khu vực ngã tư Cao Thắng - Ba Tháng Hai “đón đường” để xin thêm ít phần quà nữa. Thấy Út chạy đi, hai phụ nữ khác cũng vẫy tay ra hiệu cho hai thanh niên đi xe máy đang đứng trước số 12 đường Ba Tháng Hai đến chở mình phóng theo “đón lõng” chiếc xe đang chở quà từ thiện.

Khoảng 15 phút sau, nhóm người trên trở lại, cười hả hê với “chiến lợi phẩm” là hàng đống mền. Riêng hai phụ nữ được hai thanh niên chở bằng xe máy bám theo đã “cướp cạn” được cả thảy sáu chiếc mền.

Tôi giả vờ than với Đầu Trọc rằng mình đứng từ sớm đến giờ nhưng chưa được “món hàng” ngon nào. Đầu Trọc có vẻ đắc chí: “Mày phải lì đòn hơn. Càng khuya, đồ cho càng xịn, tiền càng nhiều. Hôm qua lúc mày vừa về, có cặp kia ghé móc xỉa cho hai trăm liền”.

Chiêu một ngụm nước trà xanh tự nấu mang theo mỗi ngày, Đầu Trọc nói tiếp: “Vài bữa nữa mày sẽ thấy, hàng nhiều lắm, lượm ngon ơ à. Hai bà đang đi bên kia đó, mày thấy không. Một bà ở Thị Nghè, một bà phía bên kia chợ Vườn Chuối, nhà cửa đàng hoàng mà không chịu ngủ. Đi lất thất cả đêm, nhìn già tóc bạc vậy chứ kiếm bạc triệu không đó. Nhìn thấy vậy, ai có tiền đi ngang qua mà không cho, bèo lắm cũng 50.000 đồng”.  

Có nhà vẫn ra nằm đường

Từ đầu tháng 11 đến nay, dọc những cung đường Châu Văn Liêm (Q.5), Ba Tháng Hai (Q.10), Hai Bà Trưng (Q.1), ngã tư Nơ Trang Long - Lê Quang Định (Q. Bình Thạnh), xuất hiện hàng chục băng nhóm với hàng trăm người đủ độ tuổi ra làm “nghề nằm đường”. Các nhóm này phân chia lãnh địa rất rõ ràng, mỗi nhóm tập trung từ 10-20 người, chọn một chỗ ngồi cố định trên vỉa hè. 

Cai bang tra hinh ram ro cuop can - Bai 1: Nghe ngoi duong gianh... hang tu thien
Dáng vẻ thời trang của một tay “ngồi đường” chừng 45 tuổi

Tối 17/12, trong vai một người làm nghề xe ôm, chúng tôi tiếp xúc với người đàn ông tên Thuận, khoảng 35 tuổi, ngồi trước số nhà 40 đường Ba Tháng Hai, P.12, Q.10. Khi chúng tôi hỏi về công việc ngồi đường, Thuận nói: “Tôi làm nghề này cũng hơn chục năm rồi, nhưng có ăn cũng chỉ vào dịp cuối năm. Mấy ngày thường, ở khu Bệnh viện Ung Bướu (Q. Bình Thạnh), người ta cho quà nhiều chứ ở đây vắng”.

Thuận cho biết, ở khu vực anh ta ngồi, toàn những người quen biết với nhau nên “dễ sống”. Nếu trôi dạt qua nơi khác, nhất định sẽ bị no đòn. “Cách đây vài bữa, thằng Câm (ý chỉ người đàn ông bị câm) bên chỗ tôi dạt qua chỗ khác ngồi, bị tụi nó đánh chảy máu mũi. Chỗ nào quen chỗ đó, mình qua đó không động chạm nhưng ra giành đồ, tụi nó thấy cũng khó chịu” - Thuận cảnh báo.

Tối 18/12, theo chân một nhóm thiện nguyện đi phát bánh mì, sữa, chúng tôi tiếp cận với một phụ nữ tự xưng tên Hương, khoảng 40 tuổi, ngồi ở lề đường trước Nhà hát Hòa Bình (Q.10). Khi chúng tôi hỏi quê quán, công việc, bà Hương ấp úng: “Hồi nhỏ cha mẹ chết, sống bụi đời nên chị không biết quê ở đâu. Bây giờ tứ cố vô thân, phải sống ở lề đường”. Sau khi kể khổ, bà Hương xin thêm hai phần quà của nhóm thiện nguyện để... cho người quen.

Nói là vậy, nhưng khi nhóm thiện nguyện vừa rời đi, bà Hương vội ném bánh mì đi và cho mấy lốc sữa vào một bao tải lớn; bên trong chiếc bao tải chứa đầy sữa, bánh, mì gói, chăn màn, quần áo của các nhóm từ thiện cho. Bà Hương quay sang nói với người phụ nữ ngồi bên: “Vô mùa rồi, người ta đi cho nhiều. Tiếc cái năm nay ít người cho bao thư quá”.

Cai bang tra hinh ram ro cuop can - Bai 1: Nghe ngoi duong gianh... hang tu thien
Cả băng ngồi đường xông vào “cướp cạn” một nhóm phát quà từ thiện

Sau một hồi gom quà từ thiện, đúng 0g, bà Hương vội vẫy tay ra hiệu cho một phụ nữ... gom hàng. Hai chiếc bao tải đầy ắp đồ từ thiện được đưa lên xe. Hai phụ nữ chạy xe đến đường Ngô Quyền rồi vòng nhiều vòng quanh Bệnh viện Chợ Rẫy (Q.5). Sau một hồi lòng vòng, khoảng 0g30, bà Hương tấp xe vào một tiệm thuốc tây, mua ống kim tiêm, chạy về hướng Q.8, lẻn vào một con hẻm rồi mất dạng. Cùng lúc đó, chúng tôi phát hiện người đi cùng bà Hương lúc nãy đang khệ nệ xách hai túi quà từ thiện vào một căn nhà trong hẻm đường Trần Minh Quyền (Q.10).

Ngày 18/12, tiếp cận nhóm làm “nghề” ngồi đường trước Nhà hát Hòa Bình (Q.10), chúng tôi phát hiện, có rất nhiều người trong số này đi xe máy, xe đạp điện đến nhưng che áo mưa, giấu sau gốc cây rồi giả vờ ngồi đường làm người vô gia cư. Sau 0g, nhóm người này ung dung lấy xe máy, chở đồ từ thiện ra về. Bám theo một phụ nữ chạy xe đạp điện chở theo nhiều bao quà lớn, chúng tôi thấy người này đi vào một căn nhà trong hẻm 462 đường Ba Tháng Hai, P.10. Q.10. 

Trước khi trở về nhà, chúng tôi gặp một người đàn ông làm nghề nhặt ve chai đang ngồi co ro bên vỉa hè ngấu nghiến một hộp cơm đã nguội lạnh. Một nhóm thiện nguyện tấp xe vào lề đường, gửi tặng ông một gói quà có bánh bao và sữa. Người đàn ông nhẹ nhàng từ chối: “Chú ăn hộp cơm này đủ rồi, con để dành cho những người khác chưa có”. Chúng tôi dừng lại, hỏi ông vì sao người khác tranh nhau nhận quà, ông lại chỉ nhận đủ cho mình.

Ông nói: “Ban ngày, tui đi lượm ve chai cũng được hơn 100.000 đồng, đủ sống. Tối đã có hộp cơm này ăn khuya rồi, còn nhiều người khác chưa có ăn. Còn nhóm bên kia “cướp” quà từ thiện chuyên nghiệp, tụi nó trục lợi trên lòng tốt, trên miếng ăn của người vô gia cư”. 

Cùng bạn đọc!

Thực hiện bài báo này, chúng tôi chỉ muốn gióng lên một hồi chuông cảnh báo về thực trạng tình thương, tấm lòng của nhiều người bị đặt nhầm chỗ, đồng thời vạch trần những kẻ đang trục lợi trên lòng tốt của nhiều người. Ở bài viết tiếp theo, chúng tôi sẽ chỉ rõ “đường đi của những túi quà từ thiện”. Trong “cung đường” ấy, có những hộp cơm nóng hổi vừa trao tay đã bị vứt vào sọt rác và việc “đầu nậu” thu mua quà từ thiện với giá rẻ mạt ngay trên vỉa hè...

Nhóm Phóng Viên
(Còn tiếp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI