Bóc trần trò lừa đảo của hệ thống siêu thị dỏm

05/03/2018 - 09:57

PNO - Phụ kho lương 600.000 đồng/ngày, phụ xe 10 triệu đồng/tháng, lái xe 14 triệu đồng/tháng... là mức lương hấp dẫn mà nhóm tự xưng là “Hệ thống phát triển siêu thị Miền Nam - Việt Nam” tuyển dụng.Thực chất, đây là thủ đoạn lừa...

“Lò” tuyển dụng lừa đảo

Ngày 1/3, trang timvieclam123.net đăng thông tin: “Hệ thống phát triển siêu thị Miền Nam - Việt Nam” cần tuyển dụng 100 nam phụ xe giao hàng siêu thị, lương 10 triệu đồng/tháng; 150 nam phụ kho hàng hóa tại siêu thị, lương 600.000 đồng/ngày; 50 tài xế, lương 12 triệu đồng/tháng. Bên dưới tin tuyển dụng, có số điện thoại 0869980xxx của một người tự xưng là Cao Thắng - trưởng phòng nhân sự.

Boc tran tro lua dao cua he thong sieu thi dom
Bà Ngân thông tin về mức lương cao ngất ngưởng để lừa người lao động

Chúng tôi gọi vào số điện thoại trên, một phụ nữ nghe máy: “Đúng rồi! Chỗ chị đang tuyển người làm cho siêu thị. Nếu có nhu cầu, sáng mai mang theo giấy chứng minh nhân dân (CMND) đến ngã tư An Sương gọi điện, chị cho nhân viên ra đón”. Ngày 2/3, chúng tôi đến điểm hẹn, người phụ nữ trên yêu cầu dời điểm hẹn đến Trường THCS An Phú Đông, Q.12, gần cầu vượt Ngã tư Ga. 

Khoảng 9g cùng ngày, chúng tôi được hai thanh niên chạy xe máy ra đón và dắt vào căn nhà số 39/71 An Phú Đông 9, khu phố 1, P. An Phú Đông, Q.12. Bên ngoài căn nhà, có dán một tấm bảng nhỏ đề tên “Công ty TNHH Thương mại dịch vụ vận chuyển hàng hóa Phát Đạt”. Nhiều thanh niên xăm trổ đứng trông chừng và hướng dẫn ứng viên vào bên trong.

Tại đây, chưa đầy một giờ, đã có khoảng 30 người lao động (NLĐ) đến xin việc. Họ đều là lao động phổ thông ở các tỉnh, thông qua mẩu tin tuyển dụng việc làm trên mạng. Trong lúc nhiều người còn ngỡ ngàng với “điểm tuyển dụng” của hệ thống siêu thị lớn thì một người đàn ông chạy ra “lùa” mọi người vào bên trong: “Đến xin việc phải không? Mau vô trong làm thủ tục, đứng ở đây làm gì”. 

“Văn phòng tuyển dụng” rộng chừng 25m2, có kê một dãy bàn cho bốn phụ nữ ngồi phỏng vấn; người đến xin việc đứng, ngồi, chen chúc chờ đến lượt. Ở bàn phỏng vấn, người phụ nữ tên Ngân gọi cùng lúc từ ba, bốn người vào. Bà Ngân đọc răm rắp như đã thuộc lòng mức lương, mô tả công việc cho tất cả mọi người. Bà Ngân chỉ hỏi qua loa vài câu, thu tiền rồi chuyển giấy tờ qua bàn khác để làm thủ tục.

Khoảng 15 phút sau, bà Ngân gọi tôi, Tuấn (quê Long An), Lâm (quê Tây Ninh) vào phỏng vấn. Chúng tôi chưa kịp ngồi, bà Ngân đã giục: “Cho chị mượn giấy CMND đi”. Chúng tôi nói muốn xin việc ở siêu thị, bà Ngân nói: “Ngồi xuống, ngồi xuống đưa chứng minh đây, ai xin làm tài xế thì đưa thêm bằng lái cho chị”.

Cầm trên tay CMND của chúng tôi, bà Ngân mới hỏi chỗ ở hiện tại, rồi nói: “Vậy giờ em muốn làm ở quận 7 hay quận 4”. Chúng tôi chọn quận 4, bà Ngân cho biết, công việc của chúng tôi là làm nhân viên ở kho, ngày làm 8 tiếng, bốc hàng chỉ nặng 25kg, lương 600.000 đồng/ngày, Chủ nhật được nghỉ. Với trường hợp của Tuấn hay Lâm, có thể về Tây Ninh, Long An làm việc vì ở đó vẫn có kho của công ty.

Phổ biến xong, bà Ngân yêu cầu mỗi chúng tôi đóng 500.000 đồng để công ty tạm giữ một tuần và 100.000 đồng làm thẻ nhân viên. Vừa thu tiền, bà Ngân vừa chuyển CMND của chúng tôi qua cho một phụ nữ có tên Phan Anh để làm hợp đồng khoán việc và yêu cầu chúng tôi ký tên liền chứ không kịp đọc. 

Boc tran tro lua dao cua he thong sieu thi dom
 

Xong việc, người phụ nữ tên Phan Anh bỏ hợp đồng vào một bao thư, bên ngoài có ghi số điện thoại 09616266xx của người đàn ông tên Hải và yêu cầu chúng tôi trong buổi chiều phải gọi điện cho người này để sáng hôm sau đến nhận việc. 

Theo ghi nhận của chúng tôi, những người đến xin việc tại số  39/71 An Phú Đông 9 đều phải đóng 600.000 đồng. Bà Ngân hứa, chỉ giữ số tiền này một tuần, sau đó trả lại, nhưng trong hợp đồng lại thể hiện: “Sau khi giao kết hợp đồng, bên B (NLĐ) không thực hiện theo những thỏa thuận như không nhận việc, làm việc chưa đủ 10 ngày, nghỉ ngang với bất cứ lý do nào thì bên A sẽ không hoàn trả lại số tiền ký quỹ”. Ngoài ra, còn có những điều khoản khá chung chung, được viết chèn thêm.

Lật lọng và đe dọa người lao động

Theo hướng dẫn, chiều 2/3, chúng tôi gọi điện cho người đàn ông tên Hải. Qua điện thoại, Hải chỉ hỏi vài câu rồi nhắn tin cho chúng tôi số điện thoại 09876321xx để gặp một người đàn ông tên Quý. Quý hẹn chúng tôi sáng hôm sau đến cầu Tân Thuận 2 (quận 7), sau đó dời điểm hẹn đến cầu vượt Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh) vào buổi chiều. 

15g ngày 3/3, chúng tôi gặp Quý tại một quán nước ven đường ở cầu vượt Nguyễn Văn Linh. Quý là người đàn ông khoảng 40 tuổi, bặm trợn với một vài vết sẹo trên mặt, đang ngồi với hai NLĐ cầm hợp đồng xin việc. Nói nhỏ nhẹ được vài câu, Quý đã to tiếng chửi để trấn áp.

Quý nhìn chúng tôi rồi hỏi như ra lệnh: “Giấy của mày đâu?” Chúng tôi cầm tờ hợp đồng đưa cho Quý, gã xem một hồi rồi nói: “Mai đi làm luôn nha”. “Làm việc gì anh” - chúng tôi hỏi. Quý nói: “Bốc xếp, làm ở cảng Tân Thuận. Tao làm bốc xếp không à. Nghề này ăn theo sản phẩm mà”. Thấy chúng tôi hoảng hốt, Quý trấn an: “Bốc xếp vậy chớ có ngày làm được 300.000 đồng lận đó. Làm sản phẩm chứ không phải công nhật (tính theo ngày) nha”. Nói xong, Quý rút ra một tập giấy chứa hàng chục hợp đồng giống hệt như của chúng tôi, rồi hỏi: “Có làm không, để tao ghi tên”.

Chúng tôi nói, thỏa thuận ban đầu với công ty là làm việc ở kho siêu thị, tính lương mỗi ngày 600.000 đồng, Quý tỏ vẻ giận dữ: “Tao không biết, tao nhận mày, tao nói công việc của tao là vậy đó. Tao không biết công ty đó là công ty nào cả. Nó đưa mày qua đây, nó hưởng tiền của mày thôi”. Sau một hồi trò chuyện, chúng tôi không đồng ý nhận việc vì không đúng như thỏa thuận ban đầu.

Lúc này, Quý cầm viết quẹt vài chữ vào mặt sau hợp đồng rồi giữ luôn. Chúng tôi tỏ ý muốn lấy lại hợp đồng để đến công ty lấy lại tiền, Quý nói: “Mày không đọc kỹ hợp đồng à, muốn lấy lại tiền phải bồi thường 1,5 triệu đồng đó. Mày ngon thì qua đó lấy lại tiền đi. Khi đi nhớ mang theo bông nha”, rồi hậm hực trả lại hợp đồng cho chúng tôi. 

Boc tran tro lua dao cua he thong sieu thi dom
Quý đe dọa khi chúng tôi tỏ ý muốn quay lại công ty đòi tiền

Trong vòng 30 phút, có năm người tìm đến chỗ Quý nhận việc nhưng đều phải thất thểu ra về với lời hứa mơ hồ của Quý, đồng thời bị “tịch thu” luôn cả hợp đồng đã ký với Công ty TNHH Thương mại dịch vụ vận chuyển hàng hóa Phát Đạt.

Anh Hòa (30 tuổi, quê ở huyện Cần Đước, tỉnh Long An) lắc đầu: “Ăn tết xong còn đúng 1 triệu đồng, sáng sớm đã chạy xe máy từ Long An lên quận 12 xin việc, không ngờ bị nó lừa mất 600.000 đồng. Hôm tôi đến xin việc, có gần 50 người, tính ra mỗi ngày tụi nó kiếm bộn tiền”.

Chiêu trò cũ nhưng phổ biến

Đầu tháng 2/2017, Báo Phụ Nữ TP.HCM nhận được đơn kêu cứu của T.D. (SN 1996, ngụ TP.HCM) phản ánh việc bị các đối tượng mạo danh tuyển dụng làm việc tại nhà sách Fahasa với mức lương 45.000 đồng/giờ và được chọn nơi làm việc gần nhà. Liên hệ với người đăng tin tuyển dụng, D. được hướng dẫn đến số 256/66 Phan Huy Ích, P.12, Q.12 để phỏng vấn, bị thu 500.000 đồng thế chân, 200.000 đồng để làm thẻ ngân hàng và hồ sơ nhân viên, rồi được giao cho một tờ giấy và yêu cầu đến số 264/2 Lê Quang Định, P.11, Q. Bình Thạnh nhận việc.

Đến nơi, D. bị thu thêm 90.000 đồng rồi cho một số điện thoại để liên lạc, lấy đồng phục vào hôm sau, nhưng khi D. gọi điện thì một phụ nữ bảo hồ sơ không được chấp nhận, đề nghị liên hệ lại chỗ ban đầu lấy lại tiền. Khi D. trở lại số 256/66 Phan Huy Ích thì căn nhà này đóng cửa im ỉm, nhiều nạn nhân đến đòi tiền chỉ biết đứng nhìn nhau.  

Tương tự, đầu tháng 1/2018, nhiều sinh viên ứngtuyển tại cơ sở số 179 Miếu Bình Đông, P. Bình Hưng Hòa, Q. Bình Tân để làm nhân viên rạp chiếu phim đã bị lừa thu 500.000 đồng/người. 

Mạo danh siêu thị, nhà sách, rạp phim để lừa người tìm việc là chiêu trò không mới nhưng vẫn “có đất sống”. Rất mong cơ quản quản lý tại các địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở tuyển dụng lừa đảo này. 

Sơn Vinh

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(5)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI