Bố mẹ nên làm gì khi con bị lạc ở nơi đông người?

04/09/2018 - 10:15

PNO - Bà Nguyễn Trần Hoài Thương, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ khách du lịch TP Vũng Tàu đưa ra lời khuyên cho các bậc phụ huynh khi đưa trẻ đi chơi ở những chỗ đông người dịp lễ, tết...

Trong hai ngày nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, Trung tâm Hỗ trợ khách du lịch TP Vũng Tàu đã phối hợp hỗ trợ tìm kiếm 30 trường hợp trẻ bị thất lạc khi đi tắm biển, vui chơi tại Bãi Sau, TP Vũng Tàu. Bà Nguyễn Trần Hoài Thương, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ khách du lịch TP Vũng Tàu đưa ra lời khuyên dành cho các bậc phụ huynh.

Bo me nen lam gi khi con bi lac o noi dong nguoi?
30 trường hợp trẻ bị thất lạc khi đi tắm biển, vui chơi tại Bãi Sau, TP Vũng Tàu dịp 2/9

* Chỉ trong hai ngày có đến 30 trẻ bị lạc khi đi tắm biển Vũng Tàu. Trung tâm đã xử lý tình huống trẻ em liên tiếp đi lạc này như thế nào, thưa bà?

- Cứ đến các dịp lễ tết, ngày nghỉ cuối tuần, khách du lịch đổ về các bãi biển, trung tâm vui chơi của cả nước nói chung và TP. Vũng Tàu nói riêng. Trung tâm chính thức đi vào hoạt động được hơn 7 tháng nhưng đã phối hợp hỗ trợ tìm kiếm gần 300 trẻ đi lạc gia đình khi đi tắm biển.

Khi có trẻ bị lạc, chúng tôi đã kết nối với nhiều kênh thông tin như Đài cấp cứu số 1 và 2, Ban Quản lý các khu du lịch, Tổ Công tác trật tự Bãi Sau, Thành đoàn, các khu du lịch cùng các hộ kinh doanh để phối hợp hỗ trợ tìm kiếm trẻ lạc hoặc người thân có trẻ bị lạc.

Sáu tháng nay, ai cũng quen rồi, thấy có người đi tìm trẻ lạc là các hộ kinh doanh hay thợ chụp ảnh đều hướng dẫn lên trung tâm để nhờ hỗ trợ tìm kiếm trẻ lạc hoặc thấy có trẻ lạc, mọi người sẽ đưa bé lên Trung tâm để hỗ trợ tìm kiếm người thân. Chính vì thế, chỉ trong vòng 30 phút đến một hai giờ đồng hồ, cũng có khi chỉ 15 phút sau là ba mẹ hoặc người thân đã tìm được trẻ đi lạc.  

Bo me nen lam gi khi con bi lac o noi dong nguoi?
Trung tâm Hỗ trợ khách du lịch TP Vũng Tàu làm thủ tục trao trả trẻ bị lạc khi tắm biển

* Theo bà, vì sao xuất hiện liên tục tình trạng trẻ em bị lạc bố mẹ khi đi tắm biển?

- Trẻ em có bản tính hiếu động và tò mò, nên rất dễ bị lạc khi đi cùng cha mẹ hoặc người thân khi đến những nơi đông người như chợ, siêu thị, công viên, trung tâm giải trí, khu du lịch... Chỉ cần bố mẹ mải lo tập trung một vấn đề nào đó là bé có thể buông tay chạy đến những nơi bé cảm thấy thích thú.

Riêng đối với những trẻ em đi tắm biển, khi lên bờ sẽ bị mất phương hướng, có nhiều em bị lạc kể lại,“con tắm biển xong khi lên bờ tìm chỗ ngồi của ba mẹ thì con không nhìn thấy ba mẹ đâu vì các hàng ghế giống nhau nên con bị nhầm lẫn”. Chỉ cần nhầm lẫn khoảng 3 dãy bàn ghế thì trẻ sẽ bị lạc ngay.

* Từ thực tế này, bố mẹ cần hướng dẫn cho con em mình những kỹ năng nào để  trẻ biết cách tìm lại người thân, không bị hoảng loạn khi bị lạc ở chỗ đông người?

- Cha mẹ có thể hướng dẫn trẻ một số cách phòng tránh và ứng phó khi bị lạc bằng cách dạy con ghi nhớ số điện thoại di động của ba, mẹ và ít nhất một số điện thoại cố định của người thân thường gọi hằng ngày (ông bà nội, ngoại, cô, dì…).

Khi đi đến chỗ đông người, bé phải luôn nắm tay ba mẹ. Ba mẹ phải thỏa thuận trước địa điểm đứng đợi nếu bị lạc. Dạy con không hoảng sợ nghe theo lời dụ dỗ của người lạ. Khi bị lạc, bé nên đến các trạm cứu hộ, nhân viên trật tự, quầy thu ngân, công an… (những người có mặc đồng phục) nhờ giúp đỡ (gọi điện thoại cho bố mẹ, hoặc nhờ hỗ trợ phát loa…)  hoặc đứng yên tại chỗ chờ ba mẹ quay lại đón.

Bo me nen lam gi khi con bi lac o noi dong nguoi?
Phụ huynh nên có thói quen giữ ảnh con trong ví, trong điện thoại để những lúc khẩn cấp có thể nhờ hỗ trợ thuận tiện hơn.

* Chính bản thân phụ huynh cũng phải trang bị kiến thức thế nào để giữ con em mình không bị lạc và biết cách xử lý tình huống ra sao khi con em mình bị lạc, thưa bà?

- Khi phụ huynh phát hiện trẻ bị lạc, đầu tiên nên tìm đến những nơi có phát loa để thông báo nhờ phối hợp hỗ trợ tìm kiếm. Bạn phải liên lạc càng nhanh càng tốt với người có trách nhiệm ở khu công cộng đó.

Khi đi chơi chỗ đông người, cha mẹ có thể cho con mặc bộ đồ bắt mắt, sáng màu để cha mẹ có thể nhận biết nhanh được vị trí con mình ở đâu. Dù trẻ rất thích tự do chạy nhảy nhưng việc nắm tay con chốn đông người là hoàn toàn không thừa. Với trẻ nhỏ, cha mẹ nên bế trên tay. Cha mẹ không nên cho bé đi khỏi tầm mắt mình quá xa.

Phụ huynh nên có thói quen giữ ảnh con trong ví, trong điện thoại để những lúc khẩn cấp như thế này có thể nhờ hỗ trợ thuận tiện hơn.

Trẻ có thể dễ dàng bị thu hút bởi cảnh vật hai bên đường và quay lại ngắm nhìn chúng. Cha mẹ hãy bình tĩnh đứng lại 5 phút gọi tên con thật to, sau đó mới đi tìm và nhờ tới sự trợ giúp của nhân viên an ninh.

Nếu bố mẹ không tìm thấy con thì phương án cuối cùng là báo công an nơi gần nhất.

Bà Nguyễn Trần Hoài Thương kể: "Dịp lễ 30/4, có bé gái 12 tuổi ở TP Biên Hòa đi tắm biển với dì, bắt đầu đi lạc lúc 17g nhưng đến 17g người thân vẫn chưa tìm kiếm được. Lúc đó, dì của cháu không dám báo với bố mẹ bé gái nên đến Trung tâm nhờ hỗ trợ tìm kiếm. Vừa đến Trung tâm, chị này rất tuyệt vọng và ngất xỉu.

Sau khi đã có thông tin về bé gái đi lạc, tôi đã liên lạc với Thành đoàn nhờ phối hợp hỗ trợ tìm kiếm. Bí thư Thành đoàn đã huy động hơn 20 thanh niên, cùng với 3 người của Trung tâm đi tìm kiếm. Đến 21g30, chúng tôi phát hiện bé gái đi lạc ở khu du lịch Paradise, cách chỗ dì cháu tắm biển gần 3 km.

Lúc gặp, bé gái không khóc, trông rất mệt mỏi nhưng khi gặp dì thì cháu òa khóc. Cháu nói cố đi kiếm dì nhưng không được, cháu cũng không nhớ nổi số điện thoại của dì.

Sau khi làm thủ tục cho hai dì cháu về, tôi dặn dò bé gái và gia đình, phải nhớ số điện thoại của ba mẹ, khi tắm biển không được rời ba mẹ hoặc người thân... Hôm đó, 22g, tôi mới về nhà". 

Gia Hưng (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI