Biệt đội cứu người dưng

08/06/2019 - 11:37

PNO - Biệt đội SOS Sài Gòn là tên của một nhóm bạn trẻ chuyên đi cấp cứu người gặp nạn giữa đêm khuya.

“Anh ơi, cứu em với…! Xe em bị mắc lầy ở gần chùa Q.2. Anh định vị giúp, máy em sắp hết pin…”. Tút… tút… tút… Cả nhóm thuộc Biệt đội SOS Sài Gòn khẩn trương xác định địa điểm, nhanh chóng lên xe tỏa ra các hướng tìm nạn nhân. 

Cuộc gọi lúc 0g

“Anh em tập trung ở đoạn Mai Chí Thọ (Q.2) ngay nhé, có người gặp nạn!”. Vừa nghe lời nhắn của một thành viên, cả nhóm liền quay đầu xe, bật đèn hiệu trực chỉ hướng Q.2. 15 phút sau, cả nhóm đã có mặt.

Biet doi cuu nguoi dung
 

Chia nhau tìm kiếm, phát hiện ra chiếc xe gặp nạn, 2 thanh niên say xỉn nằm úp mặt xuống vũng bùn. Không ngần ngại, một thành viên liền tiếp cận và đưa nạn nhân ra khỏi vũng lầy. May mắn, người bị nạn chỉ bị xây xát nhẹ. Sau đó đội còn đưa họ về tận phòng trọ. Đồng hồ điểm gần 2g sáng. Đó là lần may mắn cứu hộ thành công cả người lẫn xe - Nguyễn Hoàng Phúc (22 tuổi), đội phó Biệt đội SOS Sài Gòn vẫn không thể quên mỗi khi nhớ lại.

23g một ngày cuối tuần giữa tháng Năm, khi những cơn mưa đầu mùa bắt đầu nặng hạt, Biệt đội SOS Sài Gòn lên đường làm nhiệm vụ. Hôm nay nhóm đi 4 người, trên xe lỉnh kỉnh nào dụng cụ bơm vá xe, bugi, rồi cả bông băng, thuốc sát trùng… Đội rảo trên nhiều tuyến đường ở TP.HCM để tìm người cần giúp.

Biet doi cuu nguoi dung
 

Bỗng, số điện thoại hotline reo inh ỏi, tin báo từ người dân cho biết có tai nạn giao thông ở khu vực Mũi Tàu - Trường Chinh (đoạn Cộng Hòa, Q.Tân Bình). Nạn nhân bị thương vùng đầu. Sau khi sơ cứu, các thành viên liền đưa vào Bệnh viện Thống Nhất gần đó cấp cứu, được bác sĩ chẩn đoán chấn thương sọ não, cần phẫu thuật gấp. Do người bị nạn chưa tỉnh, lại không có giấy tờ gì trong người nên cả nhóm liền đưa thông tin nạn nhân lên mạng để tìm người thân. Nhờ cấp cứu kịp thời, người bị nạn đã qua cơn nguy kịch.

Trên đường về, đội lại gặp một “đệ tử lưu linh” say xỉn, té ngã giữa đường. Một bạn nữ trong đội nhanh chóng đem hộp sơ cấp cứu, cẩn trọng lấy thuốc sát trùng và băng bó lại vết thương trên đùi nạn nhân. Nhận thấy tai nạn không quá nghiêm trọng, nhóm đã hỏi địa chỉ và đưa nạn nhân về tận nhà trong sự ngỡ ngàng, cảm kích của người dân xung quanh. Lúc đó đã hơn 4g sáng.

“Không phải lúc nào tụi mình cứu hộ cũng thành công. Có trường hợp xe hư, nếu sửa được thì chúng mình sửa ngay. Nhưng gặp “ca khó” thì chúng mình hỗ trợ đẩy xe về tận nhà, dù họ ở Q.2, Q.9, hay Q.7, Q.6, Hóc Môn... Còn gặp các trường hợp tai nạn giao thông thì nhóm sẽ sơ cứu, nếu tình huống khẩn cấp, nạn nhân bị nặng thì lập tức gọi xe cứu thương hoặc taxi chở nạn nhân đến bệnh viện... Nhưng cũng có trường hợp nhận được tin báo trễ, cả nhóm đến nơi thì người bị nạn đã ra đi” - Thúy, thành viên đội cứu hộ cho biết.

Và những cú đánh như “trời giáng”

Biệt đội SOS Sài Gòn đa phần là những bạn trẻ 9X, không ngại đêm hôm, mưa gió, hễ có người gọi cứu hộ xe máy, tai nạn giao thông, sơ cứu người bị nạn... họ lập tức có mặt.

Kể về nhóm của mình, Phạm Văn Sắc (23 tuổi), người sáng lập kiêm đội trưởng cho biết, vốn có nghề sửa xe, nhiều lần đi trên đường lúc đêm khuya, thấy người bị hư xe dắt bộ mà không tìm được nơi sửa; hay lúc sau cơn mưa, đường ngập, nhiều phụ nữ hư xe giữa đường rất khổ sở... “Lúc đó mình nghĩ mình biết vá xe, sửa xe, tại sao không dừng lại giúp họ. Rồi mình và một số anh em trong nhóm phượt đã lên ý tưởng về một đội cứu hộ giúp đỡ những ai gặp sự cố giao thông lúc nửa đêm. Ý tưởng nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của nhiều người. Tháng 3/2017, Biệt đội SOS Sài Gòn ra đời. Hiện đội có 10 thành viên chính thức và rất nhiều cộng tác viên ở khắp TP.HCM”.

Biet doi cuu nguoi dung
 

Không ít kỷ niệm kể ra “chảy nước mắt” mà các bạn trẻ đội SOS gặp phải khi giúp người dưng. Đó là lần đang băng bó vết thương cho người bị té xe trên đường ở Q.Thủ Đức, thì bất ngờ nhận những cú đánh như “trời giáng”. Hóa ra đó là người nhà của nạn nhân. Họ tưởng “ân nhân” là người gây tai nạn nên nhào vô “xử”. Sau khi giải thích họ mới ngừng tay và xin lỗi, cảm ơn.

Một kỷ niệm khác, khi thấy một nạn nhân bị tai nạn giao thông trên Quốc lộ 1A, cả nhóm tức tốc đưa nạn nhân vào Bệnh viện Q.12 cấp cứu. Vậy mà cũng bị người nhà đánh. Thế là phải kể lại, giải thích đủ điều họ mới ngưng tay. Khi đó thì đứa nào cũng đã bị bầm dập. Có người còn tưởng nhóm là kẻ cướp, vá xe giá “cắt cổ”; họ còn giam thành viên lại, giữ chìa khóa xe và giấy tờ, báo cho công an…

“Tủi thân và chạnh lòng lắm chứ! Cũng bởi người dân không tin lại có một nhóm người “rảnh” chuyên đi hỗ trợ miễn phí như vậy. Nhưng có hề gì, chúng tôi vẫn tiếp tục công việc của mình” - Phúc trải lòng.

Rồi cũng không ít lần khi đội đang giúp người bị nạn ở Q.Tân Bình thì nhận được lời đề nghị từ Q.7. Nhưng lực lượng ít người, khoảng cách giữa hai địa điểm lại khá xa nên SOS Sài Gòn không thể qua được. Hậu quả: lập tức nhận “gạch đá” không thương tiếc: “Lập đội SOS ra làm cái gì mà người ta gặp chuyện không qua giúp, dẹp luôn đi”. Nguyễn Thanh Tịnh (19 tuổi) cho biết: “Từ chối một ai đó thật sự bọn mình rất áy náy, nhưng nhiều trường hợp không thể làm khác”.

Dẫu vậy, vẫn có những chuyện vui trở thành động lực cho các bạn trẻ. Có lần khi thấy các thành viên SOS nhiệt tình cứu hộ xe kẹo kéo của mình giữa dòng nước cuồn cuộn, hai vợ chồng hát tặng cả nhóm tới mấy bài. Hay có khi đi cứu hộ về, thấy có tờ 200.000 đồng của ai đó “len lén” bỏ vào hộp cấp cứu của nhóm. Và những cái ôm thắm thiết, những giọt nước mắt chân thành của người xa lạ khi được nhóm giúp đỡ. 

Ước gì có xe cứu thương!

Có người thắc mắc tại sao phải làm chuyện bao đồng, tự lấy dây buộc mình như vậy? Đội phó Hoàng Phúc cho rằng, đa số thành viên trong nhóm đều được người khác cứu giúp khi gặp tai nạn, sự cố trên đường. Khi trải qua cảm giác cần được giúp đỡ vào đêm khuya một mình chơ vơ ngoài đường, mình mới hiểu được trong lúc khó khăn mà có người giúp đỡ thì đáng quý biết chừng nào. Thế nên dù ai nói gì thì nhóm vẫn tồn tại, vẫn giúp đỡ mọi người hằng đêm.

Biet doi cuu nguoi dung
Nhóm nhận được bằng khen cho việc làm vì cộng đồng của mình

Hiện, nhóm trực 4 ngày là thứ Tư - Sáu - Bảy và Chủ nhật trên các tuyến đường Phạm Văn Đồng, ngã tư Thủ Đức, ngã tư An Sương, ngã tư Hàng Xanh vì đây là các tuyến quốc lộ nếu người dân gặp sự cố trong đêm, rất khó xử lý. “Nói là tuần trực bốn ngày nhưng ngày nào chúng tôi cũng được người dân “cầu cứu”, nên đa phần các ngày còn lại đội đều sẵn sàng hỗ trợ đến 0g mỗi đêm” - Tịnh nói. 

Mỗi thành viên đến với nhóm không phải vì ham vui, mà với tinh thần tình nguyện. Ban ngày mỗi người một công việc, người sửa xe, nhân viên văn phòng, giáo viên, hướng dẫn viên du lịch… Nhưng khi cả thành phố lên đèn, họ lại khoác lên chiếc áo SOS, xách đồ nghề, đeo túi cứu thương, lên xe tỏa khắp thành phố. Biệt đội SOS Sài Gòn đã được phép gắn đèn chớp, còi hú ưu tiên, dùng bộ đàm và gậy dạ quang từ 22g đến 2g sáng để có thể làm việc chuyên nghiệp. 

Trong đội còn có nhiều thành viên nữ. Như Thúy hiện là sinh viên Trường đại học Y Dược TP.HCM nhưng có thể vá xe thuần thục, mới tham gia được 5 tháng; hay Nguyệt (25 tuổi) vốn là nhân viên làm việc ở bệnh viện đã đồng hành cứu người hơn một năm qua. “Những đóng góp của chúng mình trong hoạt động giúp đỡ người gặp nạn của nhóm SOS không nhiều, chủ yếu là những phần việc như lấy dụng cụ, rọi đèn pin để các anh sửa xe, hỗ trợ chở nạn nhân đến bệnh viện… Tuy nhiên, qua những việc làm này, mình muốn nhắn nhủ đến mọi người, nhất là các bạn trẻ, hãy sống và hành động vì cộng đồng, để cuộc sống này đẹp hơn” - Nguyệt trải lòng.

“Đội đang ước ao có thêm chiếc xe cứu thương khi làm nhiệm vụ, bởi có trường hợp mình không thể đưa nạn nhân bằng xe máy đến bệnh viện. Nếu có thêm chiếc xe cứu thương, chắc tụi em đi cứu người suốt đêm” - đội trưởng Phạm Văn Sắc hy vọng. 

Hải Trung Kim

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI