Bí thư Đinh La Thăng: Sở ngành phải tận tâm với doanh nghiệp, không đùn đẩy nhau

07/03/2017 - 15:28

PNO - Sáng 7/3, Thành ủy, HĐND, UBND TP.HCM đã tổ chức Hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo TP và doanh nghiệp (DN) trong nước năm 2017 với Chủ đề “Đồng hành và phát triển cùng DN”.

Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng ghi nhận những kiến nghị của các DN rất tâm huyết, trách nhiệm. Việc tiếp tục cải cách hành chính, giải quyết những khó khăn vướng mắc là hết sức cần thiết để giúp cho TP phát triển nhanh và mạnh hơn.

Bi thu Dinh La Thang: So nganh phai tan tam voi doanh nghiep, khong dun day nhau
Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng tiếp xúc với các đại diện doanh nghiệp TP.

Ông Thăng  mong cộng đồng DN không chỉ trong buổi họp mặt này mà qua các kênh khác nhau, tiếp tục tham mưu, chia sẻ, kiến nghị những cơ chế chính sách cụ thể hơn nữa. “Các DN cũng phải đẩy mạnh, tăng tốc đổi mới công nghệ mới đuổi kịp các DN nước ngoài. Cần chủ động, mạnh mẽ trong quá trình hội nhập vì thị trường không chỉ trong nước mà còn là thị trường của các nước trong khu vực và thế giới”, ông Thăng nói.

Bí thư Thành ủy đề nghị các sở - ban- ngành phải tận tâm, tận tụy với DN không đùn đầy cho sở này, ngành kia. Phải đưa ra được chương trình hành động để tạo mọi điều kiện tốt nhất cho cộng đồng DN có cùng khát vọng, đồng hành vươn lên…

Doanh nghiệp trong nước “tiếp tay” để loại bỏ nhau

Tại Hội nghị, bà Lê Thanh Lâm - Phó tổng giám đốc Saigon Food đại diện Hiệp hội Lương thực Thực phẩm cho biết, có 2 vấn đề nóng bỏng trong thời gian qua. Đó là thị trường bán lẻ trong siêu thị và an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Chuỗi các cửa hàng tiện lợi phát triển ồ ạt, tạo điều kiện các DN và người tiêu dùng có nhiều cơ hội hơn nhưng chính việc phát triển ồ ạt này khó kiểm chức được chất lượng sản phẩm

“Người dân bây giờ, mỗi buổi sáng thức dậy đều phải suy nghĩ hôm nay ăn gì, uống gì vì ATVSTP có bảo đảm và việc họ chọn hệ thống siêu thị là phướng án an toàn nhất. Nhưng việc một số hệ thống siêu thị thay đổi chủ và việc họ tăng chiết khấu (15- 30%) làm cho giá thành bị đội lên”, bà Lâm bức xúc.

Theo bà Lâm nhà nước cần có cơ chế giám sát mức chiết khấu của hệ thống siêu thị ngoại vì nếu không thì siêu thị nội khó “đua” được với họ, việc kinh doanh sẽ vô cùng khó khăn.

Còn ông Diệp Dũng - Chủ tịch HĐQT Saigon. Coop nhận định, thị trường bán lẻ nội không cạnh tranh được với nước ngoài có lý do chính do chuỗi giá trị cung ứng.

“Các tập đoàn sản xuất của các nước phát triển khi họ đến đầu tư tại một nước nào đó, thì họ có cả một “binh đoàn” cung ứng. Chính “binh đoàn” này, làm cho các DN nội khó và gần như không cạnh tranh được với họ. Họ có công nghệ - tiềm lực kinh tế và những quy chuẫn quốc tế cho sản phẩm. Đó là chưa nói tới “binh đoàn” bán lẻ của nước họ đi theo cùng. Tại sao họ có mối liên kết chặt chẽ đó là vì họ có sự chia sẻ, tầm nhìn dài hạn, chiếm lĩnh thị trường từ từ và có chiến thuật rõ ràng.

Còn chúng ta từ hệ thống quản trị, hệ thống sản xuất, chuẩn hóa sản phẩm, 3 yếu tố này các DN của chúng ta không làm được. Nhiều DN vì không làm được và muốn tồn tại, đã “tiếp tay” cho họ bằng cách chấp nhận mức đòi chiết khấu của họ - đó là cách chúng ta tự loại bỏ nhau”, Ông Dũng trăn trở.

Bà Mai Hương - Giám đốc Golden nhận định, để DN nội cạnh tranh được với các DN nước ngoài các Hiệp hội phải xây dựng được thương hiệu riêng cho mình, định hướng rõ ràng cho từng DN thành viên. “Bây giờ nếu chúng ta xây dựng được bộ tiêu chuẩn thương hiệu riêng cho Hiệp hội và TP cũng phải xây dựng được thương hiệu riêng cho mình thì mới đứng vững và cạnh tranh lành mạnh với các DN nước ngoài”, bà Hương cho hay.

Cần giúp DN  tiếp cận các nguồn vốn

Ông Kiều Huỳnh Sơn - Giám đốc Máy và sản xuất thép Việt (đại diện Hiệp hội Cơ khí Điện) cho rằng, việc TP có nhiều chính sách khuyến khích, kích thích các DN phát triển sản xuất, kinh doanh đem lại một số kết quả rất tốt nhưng thực tế, mới chỉ có một số DN nhất định tiếp cận được những ưu đãi này.

Bi thu Dinh La Thang: So nganh phai tan tam voi doanh nghiep, khong dun day nhau
Lãnh đạo TP.HCM thăm hỏi, giao lưu với các đại biểu doanh nghiệp.

Theo ông Sơn, DN nhỏ không tiếp cận được với các khu công nghiệp vì với đòi hỏi từ 10.000 m2 trong khi họ chỉ cần khoảng 500 m2. KCN Hiệp Phước có cơ chế cho các DN nhỏ tiệp cận nhưng giá thành rất cao. “TP cần áp dụng các cơ chế chính sách cho các DN nhỏ để hình thành các tiểu khu trong KCN. Vốn kích cầu, hỗ trợ bù giá; Có cơ chế, chính sách đặc thù cần xây dựng những khu nhà xưởng từ 700- 1.000m2 và cho thuê trung hạn từ 5-10 năm hoặc ngắn hạn từ 3-5 năm”, ông Sơn kiến nghị

Theo ông Nguyễn Cao Trí- Tổng giám đốc Kappelland Holding mong muốn TP phải rà soát lại các cơ chế, chính sách để các DN cùng phải có được sự công bằng như nhau. Cần tập trung những đầu mối của các DN về một sở- ngành và “đầu mối” này chính là nơi tháo gỡ những khó khăn từ đất đai, giải phóng mặt bằng, quận- huyện bê trễ trong các thủ tục, giấy tờ, làm khó DN…

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND Nguyễn Thành Phong cho rằng các kiến nghị của DN đều là tâm huyết, trách nhiệm mong muốn TP ngày càng phát triển, cải cách mạnh mẽ hơn nữa để hỗ trợ các DN phát triển.

Ông Phong khẳng định: “Qua những Hội nghị này, giúp cho các DN và TP “thấu hiểu” nhau hơn. Trong dài hạn, TP sẽ tập trung bước vào phát triển chủ yếu dựa trên đổi mới sáng tạo, lấy tăng trường chiều sâu làm chủ đạo và TP kiên quyết không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế là thông điệp của TP.

Xây dựng TP trở thành TP công nghệ thông minh và xây dựng một số DN của TP nằm trong top 500 DN thương hiệu của thế giới. TP tái cam kết luốn đồng hành, tạo mọi thuận lợi nhất cho DN phát triển”.

Quỳnh Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI