Bán thận dễ như bán… xe máy

19/12/2018 - 07:11

PNO - Dù đã có nhiều đường dây buôn bán thận bị triệt phá, nhưng các “chợ thận” vẫn hoạt động công khai và rầm rộ trên mạng xã hội.

Thâm nhập “thị trường” này trong vai người bán thận, chúng tôi mới nhận ra, việc bán thận chỉ đơn giản như bán một chiếc xe máy.

Thủ tục nhanh gọn

Trong vai đôi vợ chồng có hoàn cảnh khó khăn, phải bán thận vì cần tiền gấp, chúng tôi đã liên lạc được với nhiều tay trung gian để tìm hiểu quy trình mua bán này.

Khi bày tỏ lo lắng về sức khỏe sau khi bán thận, một trung gian tên Ly - chuyên “thu mua” thận ở TP.Huế - khẳng định ngay: “Với vết mổ hiến thận, anh chị yên tâm, một năm sau vẫn sinh đẻ bình thường. Sau này anh chị vào bệnh viện, bác sĩ trưởng khoa cũng sẽ tư vấn như vậy. Hơn nữa, sau khi hiến xong, mình sẽ có bảo hiểm y tế trọn đời, chi trả 100% luôn”.

Ban than de nhu ban… xe may
Lời cam đoan của một tay “cò” nội tạng.

Ly cũng quảng cáo thêm rằng, do hiến ở Bệnh viện Trung ương Huế là bệnh viện của Nhà nước nên bảo hiểm trọn đời này có giá trị toàn quốc: “Đi đâu cũng dùng được hết, bảo hiểm đến khi chết thì thôi, nhưng cái này chỉ mình được hưởng chứ không được ủy quyền cho ai hết”.

Trung gian này cho biết, nếu đồng ý, có thể khám sức khỏe tại các phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện, nhưng nên khám ở phòng khám để có kết quả nhanh hơn. Người hiến trước tiên phải làm các xét nghiệm nhóm máu, viêm gan siêu vi B, C và siêu âm ổ bụng, khi có kết quả thì gửi cho Ly để xem xét khả năng.

Sau đó, Ly sẽ mua vé ô tô cho người hiến vào Huế để tiếp tục làm xét nghiệm lần nữa tại bệnh viện, khi đó mới có thể khẳng định là hiến được hay không.

Ly nói: “Chị nhóm máu O nên dễ hiến, anh nhóm máu A thì phải đợi sang năm. Giá thận em có thể trả cho chị là 230 triệu đồng, đó là chưa tính tiền bồi dưỡng. Anh chị hiến xong, người nhận có thể trả thêm 20-50 triệu đồng, tùy theo họ có nhiều hay ít. Em sẽ mua vé cho chị vào trước, nếu hiến được thì khi nào cần ký giấy tờ pháp lý, em sẽ gửi vé cho anh vào”.

“Có tăng tiền lên được không, anh thấy người ta bán được 280 triệu đồng/quả, vợ chồng anh đang cần tiền quá. Anh muốn ứng trước tiền để tiêu tết thì sao?” - chúng tôi hỏi. Ly quả quyết: “Em chỉ có thể ứng trước cho anh chị 15-20 triệu tiêu tết.

Chỗ em còn có hơn 30 người đang chờ, gần tết ai cũng đòi ứng tiền, mà ứng nhiều hơn thì em không đáp ứng được. Còn giá thận thì tùy người nhận, họ bồi dưỡng nhiều thì mình được nhiều thôi, nhưng bên em thấp nhất là 20 triệu. Chị yên tâm là sẽ cầm đủ 230 triệu, không tốn thêm, tất cả chi phí khác bên em lo”.

Ban than de nhu ban… xe may

Tang vật do cơ quan chức năng thu giữ khi phá một đường dây mua bán thận tại TP.Hà Nội.

Sau đó, Ly hướng dẫn chúng tôi chuẩn bị các giấy tờ pháp lý như sổ hộ khẩu, giấy đăng ký kết hôn, giấy xác nhận dân sự có dán ảnh và bản sao giấy khai sinh. Khi nghe chúng tôi nói đã có hai con nhỏ, Ly yêu cầu chúng tôi phải mang theo giấy khai sinh của các con.

Đáng nói, trong quá trình tư vấn, khi thấy chúng tôi vẫn còn “lăn tăn” về việc có ảnh hưởng sức khỏe sau khi hiến thận hay không, Ly đã thuyết phục một cách thiếu hiểu biết rằng: “Anh chị yên tâm là không ảnh hưởng sức khỏe, mỗi người có hai quả thận, lúc bình thường thì có một quả hoạt động thôi. Bác sĩ sẽ cắt quả không hoạt động nên không ảnh hưởng về sau”.

Chốt lại câu chuyện, để chúng tôi thêm yên tâm, đối tượng này còn khẳng định: “Mình làm tại Bệnh viện Trung ương Huế còn được cấp bảo hiểm, nên anh chị yên tâm. Ở Việt Nam, không có chỗ làm chui đâu, làm chui là chết đó”.

Ban than de nhu ban… xe may
Một đối tượng khẳng định, không cần người ký, cũng có thể “hiến” tạng.

Mặc dù cho rằng trong đường dây của mình có 30 người đang chờ hiến thận, nhưng chỉ một ngày sau, Ly liên tục gọi điện cho chúng tôi, giục khám sức khỏe và gửi giấy tờ vào. “Anh đưa chị đi khám luôn đi, rồi gửi giấy cho em. Xong rồi em gửi vé ra, thứ Bảy này chị vào Huế, thứ Hai em dẫn đi viện khám lần nữa, nếu ổn là ra tết, anh chị có tiền” - Ly thúc giục.

Làm giả giấy tờ để “hiến”

Khác với Ly, một tay trung gian khác tên Định khẳng định, hiến ở TP.Hà Nội hay ở Huế là tùy người hiến, nhưng nếu người hiến vào trong Huế thì tiền bồi dưỡng sẽ cao hơn.

Định thuyết phục: “Em hiến ở Hà Nội thì 200 triệu, còn ở Huế thì 220 triệu, ngoài ra, còn có tiền bồi dưỡng. Bên anh toàn tiến sĩ, bác sĩ cao cấp họ làm. Bọn anh làm là làm tại bệnh viện trung ương, nên em yên tâm. Em hiến một quả, nó không ảnh hưởng gì sức khỏe đâu. Giờ anh đang ngồi với mấy người, đều là người hiến cả, anh cũng là người từng hiến nên mới làm nghề này chứ em. Anh hiến được 4 năm rồi vẫn khỏe, làm việc bình thường”.

Đối tượng này cũng cho rằng, nữ thì dễ hiến hơn nam bởi sau đó không ăn nhậu, thuốc lá nên sức khỏe tốt hơn. Phải mất khoảng 3-4 tháng mới xong các thủ tục, giấy tờ. Cũng giống như đường dây của Ly, Định cho biết, chỉ có thể ứng trước 15 - 20 triệu đồng sau khi xong thủ tục pháp lý bởi “giá chung là thế rồi”.

Hiến thận nhanh hay chậm, ngoài việc sức khỏe của người hiến có đảm bảo hay không, còn liên quan đến bệnh viện, người nhận. “Có người 2 tháng nhưng cũng có người chỉ 20 ngày. Không ai hứa trước được việc này, vì nó phụ thuộc nhiều thứ. Khi em đủ điều kiện hiến thì chi phí đi lại anh lo, bên anh cũng sắp xếp người chăm sóc em sau khi phẫu thuật” - Định nói.

Qua tìm hiểu và xác minh một số đối tượng cò mồi nội tạng, chúng tôi nhận thấy, việc hoàn thành thủ tục pháp lý và người ký bảo lãnh hiến tạng cũng có thể “lách” được. Một cò mồi cho biết, việc lách luật sẽ khiến giá thận giảm nhưng đảm bảo cho một số người cần tiền, giấu gia đình đi hiến thận.

Các đối tượng này sẽ làm giả giấy đăng ký kết hôn, sau đó cùng người hiến đến khám tại bệnh viện. Trước khi phẫu thuật, chính các đối tượng cò mồi sẽ là người ký giấy bảo lãnh cho người hiến.

Theo nguồn tin riêng của phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM, trong đơn tự nguyện hiến thận của chị Trần Thị T.H. - sinh năm 1988, trú tại thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương - có xác nhận của Trần D.M. - sinh năm 1979, trú tại xã C.V, H.Thanh Chương, tỉnh Nghệ An - được cho là chồng của chị H.

“Vợ chồng” M. gửi kèm bệnh viện bản sao đã công chứng giấy chứng nhận kết hôn ngày 25/12/2017. Qua xác minh của chúng tôi, Trần D.M. thường trú tại xã trên trong sổ đăng ký kết hôn và hồ sơ lưu trữ năm 2017 của cán bộ hộ tịch xã, không có cặp đôi H. và M. trong số 65 cặp đã đăng ký.

Qua xác minh, giấy chứng minh nhân dân của Trần Thị T.H. cũng không phải do Công an tỉnh Nghệ An cấp như trong hồ sơ hiến thận của họ. Đặc biệt, khi chúng tôi tra số điện thoại của Trần D.M. trên mạng thì M. “hiện nguyên hình” là một tay cò thận, hoạt động từ năm 2014.

Cũng trong quá trình trao đổi với các đối tượng trung gian mua bán thận, khi nhắc đến từ “bán thận”, các đối tượng này đều “chỉnh” ngay lại là “hiến thận”. “Hiến thận chứ, nói bán thận, công an bắt bọn em đấy” - một tay “cò thận” vừa cười vừa nói.

An Vũ - Uông Ngọc

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(42)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI