Bán mạng ở dãy núi đá Kiện Khê

18/10/2018 - 11:00

PNO - Biết các mỏ đá thường xảy ra sai phạm về an toàn lao động, nhưng vì lương phu đá cao gấp đôi lương công nhân khu công nghiệp nên nhiều người dân Kiện Khê, H.Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam sẵn sàng “đổi mạng sống lấy miếng ăn”…

Những tai nạn kinh hoàng

Hà Nam ngày gió lạnh, càng đến gần thôn Lan Mát (thị trấn Kiện Khê, H.Thanh Liêm) trời càng mịt mù. Nắng hanh hao khiến mũi bà Nguyễn Thị Thọ thêm khụt khịt: “Làng này lúc nào mà không bụi, dù đông hay hè, lúc nào cũng như sương mù ấy. Càng cuối làng bụi càng khủng khiếp”.

Vừa nói bà vừa mang chậu nước ra trước nhà vẩy vẩy rồi lặng lẽ trở vào gian nhà nhỏ, tối om. Bàn thờ giữa nhà leo lét ánh đèn vàng vọt. Con trai Nguyễn Bá Hùng của bà vừa qua giỗ đầu sau sáu - bảy năm nằm liệt. Anh Hùng rơi từ độ cao hơn hai mươi mét khi treo mình khoan đá.

Ban mang o day nui da Kien Khe
Con trai bà Thọ nằm liệt nhiều năm rồi qua đời vì tai nạn khi treo mình trên núi đá

Ông Nguyễn Văn Chuân kể, những năm 90 của thế kỷ trước, khi các mỏ đá ở Kiện Khê còn thuộc sự quản lý của hợp tác xã khai thác đá Thanh Lâm, gia đình ông Chuân cũng như các hộ trong thôn, mỗi nhà được hợp tác xã “chia” cho một lối đá rộng 10m để khai thác. Trước khi cài mìn, cài thuốc nổ “bửa” đá khênh đi bán, các ông được đi học mấy tháng về kỹ thuật khai thác đá và an toàn lao động.

Từ bấy dân chiêm trũng quê ông bớt đói. Nhưng cũng từ đó, những dãy núi đá vốn yên lành, thơ mộng đã “nuốt” mất cỡ hai chục người đàn ông trong cái làng bé nhỏ của ông. Người em họ ông Chuân là trưởng thôn Trần Văn Thức, cả bố và em trai ông Thức đều bỏ mạng trong lối đá. Một người em trai khác là ông Trần Văn Trường cũng suýt bị đá vùi thây. Năm 1995, ông Trường bị đá đè đứt lìa cả hai chân, cánh phu đá chia nhau người đưa ông Trường đến bệnh viện, người mang hai cái chân về bỏ vào chum để nếu ông Trường không qua khỏi thì bỏ đôi chân vào quan tài mà chôn cho được… toàn thây.

Trước đó một năm, người em họ khác của ông Chuân và con trai ông Trọng qua đời mới thực sự hãi hùng. Hai người bị cuốn vào máy nghiền đá, “anh em tôi phải bốc bột đá lẫn thi thể vào mũ cối, mang về bó lại để có cái mà vùi xuống mộ, khi cải táng chỉ thấy vài mẩu xương cốt lẫn trong đá vụn”.

Đằng nào cũng chết, nhận tiền cho xong

Bản thân ông Chuân cũng vì mỏ đá mà ba lần chết hụt. Ông là trường hợp sống sót hy hữu sau vụ tai nạn kinh hoàng trong giai đoạn khai thác đá “thô sơ”. Gương mặt méo mó, ông Chuân kể lại rành rẽ chuyện xảy ra hơn hai mươi năm trước: trong một lần đốt đoạn dây dẫn quá cũ, dây cháy nhanh khiến ông không kịp trở tay. Sau tiếng nổ, mọi người nhìn thấy ông Chuân mất mắt, mất mũi, vỡ má, sập hàm ếch…

Ban mang o day nui da Kien Khe
Ông Chuân kể về lần tai nạn khiến khuôn mặt mình biến dạng, vỡ gan, mất mật…

Ông được đưa thẳng đến bệnh viện tỉnh nhưng các bác sĩ lắc đầu. Chiều tối, người nhà chở ông Chuân từ bệnh viện tỉnh lên Bênh viện Răng - Hàm - Mặt Trung ương. “Lúc đó 18g, người ta giao ca rồi. Một ông giáo sư hết giờ làm đang ra về, thấy thông báo có một ca hy hữu, ông bèn nán lại lật tấm vải trên người tôi. Ông ấy “ra lệnh” “chuyển ngay sang Việt Đức”. Ấy là sau này tôi nghe người nhà kể lại vậy, chứ khi đó tôi cầm chắc cái chết có biết gì đâu” - ông Chuân kể, giọng tỉnh bơ.

Sang đến Bệnh viện Việt Đức, ông Chuân được chẩn đoán thêm: vỡ gan, mất mật, gãy 8 cái răng. Khi đó bệnh viện hết máu, người nhà ông phải chạy đi khắp nơi để mua 13 bịch máu về truyền. Ba ngày sau ông Chuân mới tỉnh.

“Chỉnh hình đến lần thứ ba thì nhà tôi khánh kiệt. Sau năm lần phẫu thuật, ba lần chỉnh hình, không hiểu sao tôi… vẫn sống” - cái giọng sang sảng của ông Chuân và cách kể tưng tửng của ông, cứ như thể việc ông vỡ gan, mất mật chẳng có… “nghĩa lý” gì.

Thậm chí khi chúng tôi bày tỏ sự xót xa, hối tiếc cho quãng thời gian làm đá của ông Chuân, ông vẫn thản nhiên đến sững sờ: “Sau khi bị tai nạn, tôi mới nghiệm ra số đã thế thì không tránh được. Nhiều người bảo bây giờ hiện đại nên ít tai nạn hơn nhưng không phải. Chỉ là giảm được phần nào, vẫn thường xuyên xảy ra tai nạn, thường xuyên có người bỏ mạng, nhưng họ đã dùng tiền để “ỉm” đi. Năm ngoái có công ty chết cùng lúc hai người nát bấy trong máy nghiền đá. Gia đình nhận tiền đền bù hai trăm triệu mỗi người xong là lặng im, tất cả đều chấp nhận “đằng nào cũng đã chết, có kiện cũng không làm người nhà mình sống lại được”. Thô sơ hay hiện đại không phải là vấn đề, mà nó là sinh nghề tử nghiệp. Có quay lại ngày đó tôi vẫn làm đá thôi. Không làm đá thì lấy gì mà sống?”.

Bên cạnh sai phạm của chủ mỏ là nhận thức từ người lao động

“Không làm đá thì lấy gì mà sống?”. Câu hỏi ấy cứ day dứt trong tâm trí và thôi thúc chúng tôi đi tìm câu trả lời. Hết đất Lan Mát, qua con sông nhỏ sang làng Sở, làng Kiện thuần nông. Chúng tôi hỏi: “Tại sao biết tai nạn luôn rình rập mà họ vẫn “lao đầu” vào lối đá? Làng Sở, làng Kiện cũng ít ruộng, không nghề phụ, mà có ai chọn mỏ đá để bán sức đâu?”.

Ban mang o day nui da Kien Khe
Nổ mìn khai thác đá (Ảnh minh hoạ)

Bà Vũ Thị H. ngẫm nghĩ giây lát rồi trả lời: “Khoan đá để đặt mìn là công việc ít nguy hiểm nhất mà đã có giá dao động từ 350.000 - 420.000 đồng/ngày công”. Người chị em họ của bà H. đang làm công nhân trong một công ty sản xuất nước giải khát, khi công nhân nghỉ một tuần để chờ đơn hàng mới, bà ấy “đâm” vào lối đá vì tham và tiếc mỗi ngày công 400.000 đồng. Cứ “lao” vào mà không cần ký kết hợp đồng. Được ba ngày thì bị đá đè chết.

Anh kỹ sư Trần Văn K. nói nửa như thanh minh, nửa như thú tội: “Đúng là còn những sai phạm trong an toàn lao động, nhiều mỏ ăn bớt các khâu kỹ thuật để cắt giảm chi phí, tăng lợi nhuận. Nhưng cũng phải nói đến nhận thức của không ít người lao động. Có nhiều “đội quân Ju-mông” - những người muốn lao động tự do - nay làm mỏ này, mai chán bỏ đi làm mỏ khác chứ không muốn ràng buộc. Thậm chí có những công nhân, khi chúng tôi tập huấn về an toàn lao động, họ chỉ tham gia theo lối “đánh trống ghi tên” chứ không hề ý thức được việc đảm bảo an toàn cho chính 
bản thân”.

Rời Kiện Khê với những cái chết thê lương đã, đang và sẽ còn tiếp tục, với thái độ như bàng quan trước chính mạng sống của mình, với lối chấp nhận “đổi mạng sống lấy miếng ăn” của người lao động (bên cạnh sai phạm của các chủ mỏ bấy lâu nay đã được đề cập quá nhiều); câu nói của ông Chuân khi tiễn chúng tôi đã nhanh chóng theo bụi cuốn mịt mù vào những dãy đá bị băm nát, nham nhở: “Làm phu đá về đến nhà mới biết là mình còn sống. Sinh nghề tử nghiệp, phải chấp nhận thôi”. 

Uông Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI