Bài 1: 'Sống chung' với côn trùng để có rau củ hữu cơ

01/09/2018 - 06:00

PNO - Tại một hội nghị về nông sản, chủ một gian hàng khẳng định, rau củ của mình có thể ăn liền mà không lo ngộ độc. Ông lấy những lá rau đưa lên miệng nhai. Người ta làm theo, rồi gật gù khen ngon...

LTS: Rau sạch đã trở thành một xa xỉ phẩm. Không ngờ rằng, người dân của một đất nước nông nghiệp lại hoài nghi về rau củ quả được giới thiệu là "sạch", "an toàn". Bóng ma hóa chất mấy mươi năm phủ lên lớp lớp ruộng vườn Việt, trở thành một nỗi ám ảnh khủng khiếp. Nền nông nghiệp thuần túy, chân phương từ đất, nước và những dưỡng chất tự nhiên đã trở thành một quá khứ đẹp đẽ mà xa xôi.

Và trong cơn giật mình tập thể, những-người-làm-nông Việt lần lượt tìm về với nông nghiệp sạch. Tìm về, mà như khai mở. Cuộc khai mở có những kỹ sư, cử nhân nông nghiệp, nhân viên văn phòng, doanh nhân, những đại gia tầm cỡ, và cả những người nông dân chân chất. Nó như một cuộc "phục thiện". Đường "phục thiện" đầy thử thách, trần ai, nhưng khấp khởi những tín hiệu lành.

Mười năm trước, tại một hội nghị về nông sản ở TP.HCM, người ta ngạc nhiên khi chủ một gian hàng khẳng định, rau củ của mình có thể ăn liền mà không lo ngộ độc. Thấy khách ngạc nhiên nhưng dè dặt, ông chủ nhanh nhẹn lấy những lá rau bất kỳ đưa lên miệng nhai ngon lành. Người ta bắt đầu rải rác, rồi ồ ạt làm theo, rồi gật gù khen vị ngọt thơm lâu lắm rồi mới thấy lại trong rau củ.

Bai 1: 'Song chung' voi con trung de co rau cu huu co
Ở tuổi gần bảy mươi, tiến sĩ Nguyễn Bá Hùng vẫn say mê làm những trại rau hữu cơ trên khắp cả nước

Kinh ngạc loại rau trồng… ăn được

“Người chủ vườn" ấy chính là Nguyễn Bá Hùng - tiến sĩ ngành di truyền giống thực vật tại Viện Nghiên cứu nông nghiệp quốc gia Pháp (INRA), Viện trưởng Viện nông nghiệp hữu cơ Việt Nam. Buổi “ăn thử rau sạch" ấy diễn ra vào thời điểm mà thuật ngữ “hữu cơ” còn xa lạ, còn hình ảnh một loại rau an toàn đã trở nên khó tin với người Việt. Cũng thời điểm đó, ông Hùng đã có một vườn rau trồng theo phương pháp organic (hữu cơ) đầu tiên tại Đà Lạt.

Nghịch lý ở chỗ, phương pháp hiện đại bậc nhất này lại được miêu tả như chính cách làm nông sơ khai nhất của người Việt: không dùng bất cứ loại phân bón hóa học hay thuốc trừ sâu, diệt cỏ nào. Đất và nước trồng rau cũng phải xét nghiệm hàng trăm chỉ tiêu để biết rõ là không tồn dư hóa chất, kim loại nặng…

Thời gian đó cũng là những ngày khai mở gian nan của vị tiến sĩ nông nghiệp với con đường hữu cơ cho nông sản Việt. Tại trang trại Organik ở xã Đa Thọ, TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, khu vườn được xử lý theo tiêu chuẩn organic với đất sạch, nước sạch đã được phủ lên bởi những loại cây rau đủ màu sắc. Rau mọc tươi tốt, xen với những cây hoa sặc sỡ đủ chiều cao, nhiều màu sắc.

Tưởng khu vườn đẹp mắt là trò chơi ngông của vị tiến sĩ đã tự tin làm chủ kỹ thuật trồng trọt, nhưng khi nghe ông Hùng chia sẻ, chúng tôi mới biết, những cây hoa rực rỡ trong vườn rau kia chính là vật nhử côn trùng. Những cây hoa được tuyển chọn và trồng có chủ ý sẽ “quyến rũ" côn trùng trong vườn, gián tiếp bảo vệ vườn rau. Thấy chúng tôi thích thú, ông Hùng say sưa kể về đặc tính của từng loài vật vẫn được cho là phá hoại và cả những thiên địch trong vườn. Từng “tính cách" của loài vật được phân tích sinh động qua lời vị tiến sĩ, khiến việc “làm nông" trở thành một điều gì đó mới mẻ, thú vị với chính những người con nhà nông, có tìm hiểu về nông nghiệp. 

Năm 2005, Organik của ông là nhà vườn đầu tiên tại Việt Nam đạt được chứng nhận GlobalGAP và EuroGAP - hai chứng nhận quốc tế uy tín về nông sản. Cũng trong giai đoạn này, ông tiếp cận được với những khách sạn lớn, cộng đồng người Việt tại nước ngoài - những người tiên phong trong việc “trở lại" với nông sản sạch. Khái niệm organic lan tỏa trong xã hội. Cùng với phương pháp hữu cơ, ông mang về và trồng thành công ở Đà Lạt 2.000 loại rau củ, tiên phong với các loại rau củ baby, chuyển giao công nghệ cho hàng chục hộ nông dân ở Đà Lạt. Với những sản phẩm “có thể ăn liền", không lo tồn dư hóa chất, ông được người dân thương mến gọi là “tiến sĩ rau sạch".

Bai 1: 'Song chung' voi con trung de co rau cu huu co
Tiến sĩ Nguyễn Bá Hùng

Hiểu “tính nết” côn trùng để chung sống

Bẵng đi nhiều năm, người ta không thấy ông Hùng xuất hiện ở những sự kiện về nông nghiệp hữu cơ tại TP.HCM, số điện thoại bao năm ông dùng cũng đã đổi. Những người biết ông nhiều cũng không nắm chính xác về công việc hiện tại của ông, họ chỉ truyền tai nhau rằng, ông Hùng đã bán toàn bộ trang trại rau hữu cơ tại Đà Lạt từ mấy năm trước cho một doanh nghiệp nào đó và nhiều người mất liên lạc. Phải qua vài người, tôi mới liên hệ được với ông. Vẫn giọng hồ hởi khi nói về rau củ hữu cơ, ông hẹn tôi ghé nhà riêng tại Đà Lạt…

Ở tuổi ngoài sáu mươi, chân tay vị “tiến sĩ rau sạch” không còn thanh thoát như lần gặp cách đây gần chục năm trên cánh đồng của ông, nhưng ánh mắt ông vẫn đầy vẻ rạng ngời khi nói về nông nghiệp hữu cơ. Trái với sự e dè của tôi, ông rất vui vẻ nói về việc bán trang trại: “Chú già rồi, chẳng thể ngày ngày lên vườn chăm cây như khi sức khỏe còn dồi dào, nên để cho người khác làm. Nhưng giờ chú làm tới sáu trại rau củ hữu cơ trên khắp cả nước này đấy”. Vừa nói, ông Hùng vừa rút điện thoại ra mở hàng loạt hình ảnh khoe với tôi: “Đây này, hằng ngày, kỹ sư tại các trại cứ đến giờ là gửi hình ảnh từng luống rau về cho chú qua Viber (một ứng dụng nói chuyện, nhắn tin trực tuyến). Bất cứ cây rau nào có dấu hiệu bệnh tật hay bị sâu bệnh tấn công là anh em cũng cập nhật cho chú để ngăn chặn kịp thời.

Bai 1: 'Song chung' voi con trung de co rau cu huu co
Hoa được trồng xen lẩn với những luống rau để xua đuổi côn trùng. Ảnh: Văn Báu

Mọi câu chuyện về loài vật, vườn tược vẫn được ông kể với vẻ thích thú, có chút khẽ khàng của một người khám phá. Tôi còn nhớ, ngay từ lúc dồn tiền bạc mua khu trang trại lớn tại xã Đa Thọ, TP.Đà Lạt, ông Hùng kiên quyết loại bỏ hoàn toàn các mối nguy dù với xác suất nhỏ nhất. Ông đào hẳn lớp đất dày đến gần 2m bỏ đi. Đến lúc này, ông vẫn vào vai người nghiên cứu khi làm nông nghiệp. Chỉ khác là, giờ đây, ông đã hiểu tính nết từng “người bạn” trong vườn. Ngày mới khai mở vườn rau, ông trải qua 5 năm trời èo uột, lắm lúc tả tơi với côn trùng, sâu bệnh; nhưng ông tích lũy được rất nhiều hiểu biết về cây cỏ, thiên địch trong vườn.

Thời đó, các loại chế phẩm sinh học hay các loại thảo dược tự chế từ tỏi, ớt đã được một số kỹ sư thử nghiệm làm mô hình trồng trọt không hóa chất, nhưng bằng sự am hiểu loài vật, theo ông, những chế phẩm này chỉ làm sâu bệnh, côn trùng “choáng” chứ không chết được. Hơn nữa, không phải loài sâu bệnh, côn trùng nào cũng có hại; chỉ cần biết sắp xếp, phân bổ từng loại cây trồng, loài vật trong vườn là có thể bảo vệ được rau củ. Và việc nghiên cứu chính xác tập tính của một loài sâu hại có thể khiến ông mất ăn mất ngủ. 

Người đàn ông gần bảy mươi tuổi hồn nhiên kể: “Sao lại có loại côn trùng khôn thế không biết! Xứ lạnh nó đã lỏi (khôn lỏi) đã đành, ở xứ nóng như Sài Gòn, nó càng quỷ quyệt hơn. Có nâng cây lên cao với đà nhảy của chúng, rồi chúng lại tìm cách bám lên quần áo của công nhân để tấn công cây. Nhưng lại chẳng thể qua mặt được tớ nhé”. Ông Hùng nói rồi mở nhanh tấm hình những luống rau được ngăn cách bởi những dải ni-lông vàng. Xen kẽ đó, ông dành những khoảng đất trống để chứa cây cỏ hay rau nhổ bỏ. Ông Hùng giải thích: “Loại côn trùng này thường tấn công theo một chiều, màu vàng của tấm chắn làm chúng hoa mắt, không xác định được phương hướng. Mình che chắn để trong trường hợp nó có phá, cũng chỉ phá từng ô; khi mình biết chính xác nó đang ở ô nào là có thể diệt được. Những cây rau, cây cỏ được chất đống ở ô đất trống thực chất để bẫy chúng vào mới giữ được rau trong ruộng”.

Cùng một loại côn trùng, nhưng ở mỗi vùng miền khác nhau, chúng lại có những thói quen, tập tính khác nhau, nên không thể áp dụng chung một cách. Những kiến thức về sinh vật, cộng với kinh nghiệm thực tế canh tác hữu cơ do chính mình mày mò, trải nghiệm… khiến vị tiến sĩ ở tuổi xấp xỉ 70 mà luôn bừng bừng đam mê với nông nghiệp hữu cơ. Cuộc gặp giữa chúng tôi với ông thi thoảng lại gián đoạn bởi những cuộc gọi từ các trại rau, nơi có các kỹ sư mà ông nhận đào tạo, truyền nghề, truyền tất cả những kinh nghiệm của mình để có được rau quả sạch một cách tự nhiên nhất. 

“Không thể làm hữu cơ một mình”

Đó là chia sẻ của ông Hùng về lý do sẵn sàng tư vấn cho bất kỳ ai có đam mê làm hữu cơ. Ông bảo, đó là điều hấp dẫn ông nhất. Những kiến thức về hữu cơ nếu không truyền đạt được hết, khi có thời gian, ông sẽ viết thành sách cho những người muốn đi vào con đường này.

Bai 1: 'Song chung' voi con trung de co rau cu huu co
Một trang trại rau hữu cơ tại Đà Lạt. Ảnh minh họa

Theo ông, ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam, chỉ nên trồng rau quả nhiệt đới, còn ở Lâm Đồng, Gia Lai hay các tỉnh vùng cao, có thể trồng cây ôn đới, vùng đất cát Bình Thuận thì nên trồng cây họ đậu… Hiệu quả nhất là làm hữu cơ từ chính những giống cây bản địa, vì hơn hết, nó đã trải qua hàng trăm, hàng ngàn năm gắn bó với điều kiện thổ nhưỡng của vùng đó rồi, trong bản thân những loại cây đó đã có những đặc tính tự nhiên kháng bệnh. Nếu mỗi vùng chỉ tập trung trồng những giống bản địa theo hướng hữu cơ, sẽ tốt hơn, đỡ nhọc công nghĩ cách diệt trừ sâu bệnh vì bản địa vốn có sẵn các loài thiên địch trong đó, vừa bảo tồn được các loại giống, đặc sản địa phương, vừa làm sạch được môi trường, thị trường cũng sẽ đa dạng sản phẩm hơn.

Lời khuyên của ông với những người muốn làm hữu cơ luôn là câu hỏi có kiểm được những vùng đất cách ly với những khu vực đông dân cư không, đồng nghĩa với việc cách ly với lối canh tác hóa học không. Yêu cầu này, theo ông Hùng là rất khó, vì hiện đất chật người đông. Tìm được nơi làm trại rồi, phải lấy mẫu đất, nước đi phân tích, đáp ứng đủ 255 chỉ tiêu về tồn dư hóa chất, kim loại nặng mới đáp ứng yêu cầu đầu tiên để canh tác hữu cơ. Hơn chục năm trước, các tổ chức chứng nhận chỉ yêu cầu 128 chỉ tiêu thôi, nhưng môi trường tại Việt Nam ngày càng đối mặt với các mối nguy cơ ô nhiễm, nên yêu cầu từ các tổ chức về chứng nhận ngày càng khắt khe hơn.

Ông Hùng bảo, thị trường sản phẩm hữu cơ ngay tại Việt Nam cũng còn rộng lắm. Hơn 90 triệu người, chỉ cần 20% trong số đó tiêu dùng hữu cơ thôi, ngành này cũng khỏe rồi. Tuy nhiên, cái khó của người làm hữu cơ là phải làm từ tâm, chứ làm kiểu “cơ hội” thì… ác lắm. Có người mua ít sản phẩm hữu cơ rồi phối trộn sản phẩm không phải hữu cơ để bán hưởng lợi. Có người có chứng nhận nhưng diện tích được chứng nhận chỉ một vài sào, mà lại có đến năm bảy cửa hàng. Đó là những người vì lợi nhuận mà không quan tâm đến người tiêu dùng. 

Bai 1: 'Song chung' voi con trung de co rau cu huu co
Ông Hùng bên vườn rau hữu cơ. Ảnh: Văn Báu

Có những điều, khi trải qua rồi, vị tiến sĩ này mới phát hiện là mình đã làm ngược. Chẳng hạn, để làm nông trại hữu cơ, nhiều người sẵn sàng dọn sạch cây cỏ trên khu đất ấy để trồng các loại rau quả mà mình mong muốn. Thế nhưng, việc chặt bỏ này giống như loại bỏ sự cân bằng sinh thái một cách tự nhiên. Chẳng có loại cây nào có thể sống khỏe khi xung quanh nó không còn cây cối nào khác. Những trại ông tư vấn sau này đều giữ lại những loại cây lớn có trong tự nhiên, nếu không có, phải trồng lại để vừa tạo cảnh quan, vừa tạo sự cân bằng. Đây giống như hàng rào sinh học, vừa giúp chắn gió, xua đuổi côn trùng, vừa là nguồn bổ sung ô-xy, hấp thụ CO2, giúp cân bằng môi trường quanh đó. Để một trang trại hữu cơ thành một tiểu hệ sinh thái, cần đến 5 - 10 năm. Ông nói, khi có cộng đồng cùng nhau trồng, chia sẻ kinh nghiệm, sẽ nhanh hơn. “Làm hữu cơ mà làm một mình, không đi được đến đâu. Chỉ khi nó lan rộng ra cộng đồng thì mới khác được”. 

Ông Hùng kể, chỉ cần một vài con bọ nhảy, sau một đêm cũng có thể làm tan tành cả một luống cải; chúng đi tới đâu, lá cây lủng lỗ chỗ tới đó. Sau nhiều ngày theo dõi, ông phát hiện điểm yếu của loại côn trùng này là chỉ nhảy được độ cao tối đa là 50cm. Thế là ông cùng công nhân cặm cụi đóng đất, giá thể vào bịch, đưa lên giàn cao hơn mặt đất 50 - 60cm để có được những cây rau không dùng hóa chất, phân hóa học, thậm chí là không có chế phẩm sinh học mà vẫn cho thân, lá láng bóng. Rau củ trong vườn của ông tránh sâu bệnh theo những cách như vậy. Đôi khi, với cả mét vuông đất trồng rau, ông thu được chưa đầy nửa ký rau, nhưng vẫn thấy vui như được mùa. 

Đăng Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI