‘Vua ngân hàng’ Nguyễn Tấn Đời: Bài 1 – Tay trắng thành tỷ phú

28/10/2018 - 16:35

PNO - Sau 1975, trong số người định cư tại Canada có một người đàn ông trung niên nhập cảnh với 2 bàn tay trắng. Không an phận chờ trợ giúp, ông gom góp được chút vốn liếng nhỏ để bắt đầu sự nghiệp kinh doanh nơi đất khách.

LTS: Họ là người đã gầy dựng nên những thương hiệu, sản phẩm gắn bó một thời với người dân Việt Nam, đến nỗi mà giờ đây mỗi khi nhắc đến xà bông cô Ba, kem đánh răng Hynos, dầu khuynh diệp bác sĩ Tín, dầu gió Nhị Thiên Đường, dầu cù là Mac Phsu, bia BGI hay ngân hàng Tín Nghĩa rất nhiều người vẫn còn nhớ...

Thành công đó có được không hề dễ dàng, càng không chỉ dựa vào may mắn, mà chính từ ý chí, nghị lực, cùng tư duy kinh doanh nhạy bén biết nắm bắt cơ hội làm giàu của những con người dám nghĩ, dám làm.

Nói như ông Nguyễn Tấn Đời trong hồi ký của mình, rằng muốn có sự thành công, chúng ta phải tự thân vận động, lao động bằng chính bàn tay khối óc của mình. Và phải biết tận dụng mọi cơ hội nhưng phải có tâm, phải ngay thẳng. Còn sự may mắn là một cơn mưa cho tất cả mọi người, nếu ai biết chuẩn bị kịp thời được đồ chứa tốt và lớn thì hứng được nhiều nước trời cho…

Bài 1: Chuyện chưa nói hết về huyền thoại xà bông Cô Ba

Bài 2: Sự trở lại của Dạ Lan

Bài 3: Thorakao - Một thời vàng son

Bài 4: Bột ngọt Vị Hương Tố - Ly kỳ chuyện 'châu chấu đá xe'

Thù hay bạn đều là ân nhân

Người đàn ông ấy là Nguyễn Tấn Đời, vốn là một thương gia giàu có nhưng bị tán gia bại sản. Khi đến Canada, lúc này tuổi đời của ông đã quá 50, có vợ con bên cạnh nhưng ông không chịu ngồi yên một chỗ. Ông năn nỉ con gái bán chiếc vòng cẩm thạch để giúp ông chút vốn kinh doanh nhỏ sống qua ngày.

Hàng ngày ông lân la ngoài phố, gặp gỡ người này, trò chuyện với người kia. Một hôm, ông tình cờ diện kiến được với chủ một công ty người Nhật - ông này vốn trước kia là bạn ông cùng làm ăn ở Sài Gòn. Sau lần trò chuyện đó, ông Sato - tên ông chủ người Nhật - hiểu rõ hoàn cảnh của ông đã giúp ông vốn liếng cùng hỗ trợ kỹ thuật để mở một nhà hàng Kobe tại Canada.  

‘Vua ngan hang’ Nguyen Tan Doi: Bai 1 – Tay trang thanh ty phu
Chân dung ông Nguyễn Tấn Đời. Ảnh tư liệu

Điểm xuất phát đã có, từ nhà hàng này, không bao lâu sau ông tiếp tục khuếch trương mở hàng loạt nhà hàng khác. Chuỗi nhà hàng Kobe của ông một thời làm mưa làm gió trên đất Canada.

Không chịu ngồi yên thụ hưởng những gì mình đã làm được, chỉ vài năm sau, năm 1980 ông tiếp tục phát triển sang đất Mỹ. Các chi nhánh nhà hàng của ông có mặt khắp các tiểu bang như Washington DC, Texas, Chicago, New York, Califonia, Hawaii, Floriada. Ông Nguyễn Tấn Đời trở lại thành tỉ phú trên xứ người.

Một người đã đứng tuổi không tài sản vốn liếng chỉ trong vài năm nơi đất khách đã làm nên cơ nghiệp. Vậy mà ông đau đáu muốn trở về quê hương làm lại những gì đã mất. Thế nhưng, chưa kịp thực hiện thì ông lâm bệnh và mất ngày 6/7/1995 tại Orlando, Floria (Hoa Kỳ), hưởng thọ 73 tuổi.

Trước khi qua đời, ông Nguyễn Tấn Đời kịp để lại cho hậu thế quyển hồi ký về cuộc đời của mình. Trong quyển hồi ký đó, ông ghi lại các bí quyết để ông thành công: "Muốn có sự thành công, chúng ta phải tự thân vận động, lao động bằng chính bàn tay khối óc của mình. Và phải biết tận dụng mọi cơ hội nhưng phải có tâm, phải ngay thẳng.

Còn sự may mắn là một cơn mưa cho tất cả mọi người, nếu ai biết chuẩn bị kịp thời được đồ chứa tốt và lớn thì hứng được nhiều nước trời cho. Đồ chứa tốt, lớn chính là đức độ, khả năng làm việc, sự tìm tòi, học hỏi, sự kiên nhẫn về tổ chức và nhất là nhạy cảm, linh hoạt, sáng kiến, biết quan sát tìm hiểu để đúc kết kinh nghiệm cho sự thành công.

Với ông, dù tiểu nhân hay quân tử tất cả ông đều xem là ân nhân bởi chính nhờ những người này đã giúp ông nung nấu ý chí, giúp ông thành công.

Thành công bước đầu với hãng gạch ngói Đời Tân

Nguyễn Tấn Đời sinh năm 1922 tại Bình Hòa, TP Long Xuyên (An Giang). Thuở nhỏ, ông vừa đi học vừa đi lùa bò thuê. Năm 23 tuổi ông rời quê lên Sài Gòn theo học cao đẳng tiểu học. Cách mạng tháng 8 bùng lên, ông lại trở về để rồi sau đó lại tiếp tục lên Sài Gòn, không phải tiếp tục học mà tìm kế sinh nhai.

Xa nhà, xa quê không tiền bạc, không người thân thích, ban ngày ông Đời lân la khắp nơi tìm việc. Ban đêm ông tìm đến những mái hiên để dỗ giấc ngủ. Một thời gian sau, tình cờ một người bạn giới thiệu cho ông chân thư ký cho một hãng buôn của người Pháp, cuộc sống lênh đênh của ông chấm dứt. Tuy nhiên, nghề ngồi một chỗ này không phù hợp với ông. Ông nhanh chóng bước vào nghề môi giới. Ông hoạt động trong nhiều lĩnh vực nhưng chuyên tâm nhiều nhất vào vật liệu xây dưng và vải vóc.

Ông thành công ngay những ngày đầu bước chân vào lĩnh vực mới. Tên tuổi của nhà môi giới Nguyễn Tấn Đời bắt đầu có ảnh hưởng trong giới kinh doanh. Ông kiếm được rất nhiều tiền nhưng không ăn chơi lãng phí. Ông tích lũy để nhanh chóng có được số vốn lớn rồi sắm xe hơi, sau đó mon men bước vào lĩnh vực tiền tệ và đã bị thất bại thảm hại ngay từ đầu.

Số vốn liếng tích cóp được bị mất sạch. Chiếc xe hơi phải bán đi, thế nhưng với ông những sự cố ấy chưa làm ông nản chí. Nhờ uy tín tạo được, ông vay mượn bạn bè, những người thân quen một số vốn để hiên ngang bước vào lĩnh vực gạch ngói. Hãng gạch ngói Đời Tân do ông làm chủ ra đời tại 321 Bến Bình Đông, Chợ Lớn vào năm 1949.

‘Vua ngan hang’ Nguyen Tan Doi: Bai 1 – Tay trang thanh ty phu
Hãng gạch ngói Đời Tân. Ảnh tư liệu

Ông Đời không được đào tạo qua một trường lớp nào vậy mà ông vẫn mạnh dạn lao vào. Ông mua nhiều máy móc làm gạch để xây dựng xưởng. Đồng thời, với mớ kinh nghiệm ít ỏi ông lượm lặt được trong quãng thời gian chăn bò trên đất Campuchia, mẻ gạch đầu tiên của ông ra đời.

Để tiêu thụ được sản phẩm làm ra, ông chủ lò Nguyễn Tấn Đời còn phải đảm nhận thêm vai trò chào hàng và quảng cáo.

Một mình ông len lỏi vào tận các công trình đang xây dựng không kể lớn nhỏ, xắn tay lợp ngói, lát gạch để giới thiệu sản phẩm đến tận các công nhân cũng như chủ công trình. Quả thật vậy, sản phẩm của ông nằm cạnh sản phẩm của các hãng khác nổi bật khiến ai cũng phải thán phục.

Mặc dù là chủ hãng nhưng ông không câu nệ. Theo ông, việc gì ông cũng có thể làm được miễn sao hàng của ông được nhiều người chiếu cố.

Ông cất công tìm xin địa chỉ nhà đang xây dựng hay chuẩn bị xây dựng. Ông đến tận nơi chào hàng, mời mọc. Kết quả không bao lâu, tiếng tăm của gạch Đời Tân nổi lên và bắt đầu thao túng thị trường. Không dừng lại ở thành quả có được, đích thân ông sang Pháp đến các hãng gạch ngói danh tiếng tìm hiểu và học hỏi. Nhờ vậy, gạch Đời Tân luôn có những mặt hàng mới đạt chất lượng về sản phẩm và mẫu mã.

Nhờ cách giới thiệu sản phẩm như thế không bao lâu gạch ngói Đời Tân nổi tiếng khắp cả miền nam Việt Nam. Gạch ngói Đời Tân trở thành mặt hàng không thể thiếu trong các công trình và dự án.

Thành công ở lãnh vực gạch ngói chưa làm ông thỏa mãn. Ông bắt đầu len lỏi sang các lãnh vực khác, bất kể là gì cũng chuyên tâm nghiên cứu thật sâu sát. Ông không học nhiều nhưng kiến thức của ông khá rộng. Khi đã bắt tay vào một việc gì thì ông đã am tường thật sâu sắc công việc đó. Có thể nói, nhờ vậy mà ông ít khi gặp thất bại.

Làm gì có tiền miễn hợp pháp và lương thiện

Khi người Mỹ đưa quân vào Việt Nam, họ đã thải ra một lượng rác khổng lồ. Với con mắt của người bình thường thì đây là những thứ bỏ đi nhưng với ông Đời, ông đã nhìn thấy lợi nhuận kếch xù trong đó. Ông mua toàn bộ rác thải đó với giá… gần như cho không.

‘Vua ngan hang’ Nguyen Tan Doi: Bai 1 – Tay trang thanh ty phu
Ông Đời từng được mệnh danh là “vua cao ốc” nhờ sở hữu nhiều căn nhà cao tầng cho thuê vào những năm 1960 – 1970

Cũng trong thời điểm này, tại Sài Gòn hãng sản xuất dây điện Vidico phá sản. Ông Đời mua lại hãng kịp lúc ông biến mớ rác thải đã mua thành nguyên liệu chế biến dây điện. Từ một hãng làm ăn thua lỗ, ông đã cứu toàn bộ công nhân ở đây thoát khỏi tình trạng thất nghiệp. Thị trường có thêm loại sản phẩm mới được tiêu thụ mạnh và làm chao đảo hàng ngoại nhập cùng loại.

Trước đó, năm 1952 ông mạnh dạn nhập khẩu lưới đánh cá từ Nhật, xuất khẩu gạo sang Hồng kông, Singapore. Ở một lãnh vực khác, ông mở công ty quảng cáo, cạnh tranh mạnh mẽ với công ty quảng cáo AIP của người Pháp. Ông còn với tay sang lĩnh vực phim ảnh, lập công ty Cửu Long Film, nhập phim từ Pháp về Việt – Campuchia – Lào rồi làm phụ đề cho thuê. Đến năm 1954, hiệp định Genève được ký kết, người Pháp vội vã bán đồn điền để về nước, Nguyễn Tấn Đời bung tiền mua lại toàn bộ.

Những năm sau đó, ông đấu giá hội chợ ở Campuchia đồng thời mở thêm một công ty nhập khẩu xe đạp và máy móc nông ngư cụ đem về tiêu thụ tại miền Nam… Từ những thành quả này, ông tiếp tục nhập máy cày từ  Âu – Mỹ về bán cho nông dân.

Ông cũng không ngần ngại đóng hàng loạt chiếc tàu đánh cá trang bị thiết bị đông lạnh hoạt động ngày đêm trên biển. Ông đã đạt được những thành công hết sức to lớn.

Ông còn liên tục xây hàng loạt cao ốc nằm rải rác trên các trục lộ chính trong thành phố với hàng ngàn phòng. Với dịch vụ cao ốc đồ sộ, ông Đời đã thu về một khoảng lợi nhuận khổng lồ không phải ai cũng có thể có được. Đến lúc này thì mức độ giàu có của ông Đời đã lên đến chót vót ít có người theo kịp.

‘Vua ngan hang’ Nguyen Tan Doi: Bai 1 – Tay trang thanh ty phu
Khách sạn President (727, Trần Hưng Đạo, Quận 5)

Dường như ít ai biết chung cư 727 Trần Hưng Đạo (P.1, Q.5, TP.HCM) được xây dựng vào năm 1962, qui mô 13 tầng lầu, 6 block nhà với tổng số 1.200 phòng là của ông Nguyễn Tấn Đời. Ngoài cao ốc này, ông Đời còn có trong tay 6 tòa nhà, tất cả đều được cho thuê, như cao ốc Mai Loan với 125 phòng trên đường Trương Định khai trương vào năm 1954, cao ốc Tân Lộc với 5 tầng lầu, 90 phòng ở đường Lê Thánh Tôn, cao ốc 937 Trần Hưng Đạo (Victoria) với 240 phòng, cao ốc Đức Tân ở số 491 đường Phan Thanh Giản (nay là Điện Biên Phủ) và cao ốc Prince ở số 175 - 177 đường Phạm Ngũ Lão. 

Ông Nguyễn Tấn Đời trở thành chủ nhân của nhiều cao ốc, nếu không muốn gọi ông là "vua cao ốc". Sự thành công của ông ngoài những yếu tố thường tình, nhiều người đã phải thán phục ông ở chỗ ông biết nhìn xa trông rộng. Từ một người tay trắng sau nhiều năm ông trở thành ông chủ lớn. Ông Đời vẫn còn tiếp tục con đường kinh doanh không mệt mỏi của mình.

Vua gạch ngói, vua cao ốc, ông Nguyễn Tấn Đời liên tục thành công rực rỡ ở nhiều lãnh vực khác nhau. Dường như ông là một hiện tượng hiếm hoi ở cuối thế kỷ 20...

Bài 2: Tỷ phú thành tay trắng

Trần Chánh Nghĩa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI