Việt Nam đối diện với cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung ra sao?

07/05/2019 - 21:15

PNO - Tổng thống Mỹ cảnh báo, mức thuế 25% có thể được áp dụng cho hơn 325 tỷ đô la hàng hóa trong tương lai của Trung Quốc. Điều này làm rung chuyển nền kinh tế toàn cầu. Việt Nam đối diện cuộc chiến’ này ra sao?

​Trong hai Tweet được đăng vào chiều Chủ nhật, tổng thống Mỹ, Donal Trump đe dọa sẽ tăng thuế nhập khẩu hiện tại 10% đối với 200 tỷ đô la hàng hóa Trung Quốc được bán ở Mỹ lên 25% vào ngày 10/5. Ông cũng cảnh báo rằng thuế quan mới này có thể được áp dụng cho hơn 325 tỷ đô la hàng hóa trong tương lai - điều đó có nghĩa là tất cả hàng nhập khẩu của Trung Quốc được bao phủ bởi thuế quan. Điều này làm rung chuyển  nền kinh tế toàn cầu. Việt Nam (VN) đối diện ‘cuộc chiến’ này ra sao? 

Viet Nam doi dien voi cuoc chien thuong mai My-Trung ra sao?

Cá tra Việt Nam, một trong những mặt hàng xuất khẩu qua Mỹ

Mỹ đã áp đặt đối với một số hàng hóa Trung Quốc được bán ở nước này từ khoảng một năm trước, như là một phần của tranh chấp thương mại đang diễn ra đối với hàng hóa  làm từ thép và nhôm.

Chính quyền Trump cũng áp thuế 25% đối với 50 tỷ đô la hàng hóa công nghệ Trung Quốc vào tháng 6/2018, bao gồm hàng hóa hàng không vũ trụ, ô tô, công nghệ truyền thông và robot.

Nhà Trắng sau đó áp thuế 10% đối với 200 tỷ đô la hàng hóa vào tháng 9, đối với một loạt các sản phẩm bao gồm nguyên liệu thực phẩm, vật liệu xây dựng, phụ tùng xe đạp và báo động chống trộm. Đây là mức thuế có thể tăng lên 25%.

Trump đe dọa sẽ tăng thuế trước đó, nhưng đã đồng ý một thỏa thuận tạm ngừng áp dụng mức thuế vào cuối năm ngoái với Chủ tịch Trung Quốc, ông Tập Cận Bình, để cho phép các bên có thêm thời gian để đàm phán.

Ngân hàng UBS của Thụy Sỹ cho hay, thuế quan mới và các biện pháp trả đũa có thể sẽ là lực cản đối với thương mại toàn cầu.

Cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung chắc chắn tác động sâu- rộng kinh tế thế giới. Nhiều nước sẽ đối diện với cơ hội thuận lợi lẫn khó khăn, thách thức.

Trump hy vọng đạt được điều gì? Mục tiêu của tranh chấp mở rộng này là Mỹ muốn bảo vệ vị trí nền kinh tế hàng đầu thế giới, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp thuê thêm nhân công ở Mỹ và sản xuất sản phẩm ở đó.

Tuy vậy, về phía các doanh nghiệp Mỹ, họ có thể chọn nhà cung cấp hàng hóa từ các thị trường giá rẻ, hợp tác với nền kinh tế tương tự Trung Quốc. VN là một trong những quốc gia đó.  Với tốc độ tăng trưởng ở mức cao, hiện nay, Hoa Kỳ vẫn duy trì vị thế là đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 20% trong tổng trị giá xuất khẩu của cả nước. Dự báo đến năm 2020, thương mại 2 chiều giữa VN- Mỹ sẽ đạt khoảng 57 tỷ USD và xuất khẩu của Mỹ vào Việt Nam sẽ tăng gấp đôi hiện nay.  

Như vậy, trong bối cảnh mới, trên cơ sở này, VN càng có nhiều hy vọng mở ra các cơ hội hợp tác mạnh và nhiều hơn nữa. Doanh nghiệp cần tiếp tục tuân theo quy chuẩn của WTO, các quy chuẩn về nguồn gốc hàng hóa và quy chuẩn xuất khẩu vào Mỹ. Điều này yêu cầu doanh nghiệp cần có đủ kiến thức về luât pháp thương mại quốc tế.

Tuy nhiên, điều đáng nói là, ngoài việc mỗi doanh nghiệp tự nỗ lực, thì trong lúc này, để đạt được tầm vóc xuất khẩu như mong muốn, vai trò của chính phủ rất lớn.

Quan hệ kinh tế song phương giữa 2 nước Việt - Mỹ đã có bước phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, một số ngành hàng như thủy, hải sản, nông sản thực phẩm, có thể cạnh tranh nhóm hàng Trung Quốc bị Mỹ tăng thuế lần này, đang gặp nhiều rào cản phi thuế quan khi đối mặt với các quy chuẩn khắt khe làm tăng chi phí sản xuất cho doanh nghiệp, giảm lợi thế cạnh tranh.

Ví dụ trong quá trình xuất khẩu hàng nông sản vào thị trường Mỹ, Bộ Công thương đã đề nghị Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ, với tư cách là đầu mối trong Hội đồng Thương mại và Đầu tư (TIFA), cần có ý kiến tới các cơ quan hữu quan của Mỹ để sớm công bố quyết định cuối cùng về việc công nhận “Tiêu chuẩn tương đồng” cho cá tra, basa xuất khẩu của Việt Nam. Đồng thời đẩy nhanh xem xét vấn đề kinh tế thị trường, cũng như có quyết định khách quan trong các vụ việc tranh chấp thương mại liên quan tới hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Nhưng để đạt được mục tiêu này, cũng như những cơ hội mà cuộc chiến Mỹ Trung mở ra, ở tầm vỹ mô đòi hỏi Việt Nam - Mỹ phải tăng cường hợp tác trao đổi thông tin, đối thoại nhằm xử lý kịp thời các rào cản thương mại.

Mỹ tăng cường biện pháp phòng vệ thương mại với hàng hàng hóa Trung Quốc sẽ dẫn đến xuất hiện xu thế bảo hộ trên toàn cầu. Mặt khác, sự xung đột thương mại này kéo theo nguy cơ Trung Quốc xuất tràn hàng hóa qua nước thứ 3, dẫn đến nguy cơ nước thứ 3 cũng bị Chính phủ Mỹ áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. 

Việt Nam đang gánh chịu hệ quả nặng nề từ các chính sách phòng vệ thương mại mà Mỹ đang áp dụng. Đơn cử, ngay sau khi Mỹ áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại chống bán phá giá với thép nhập khẩu của Trung Quốc theo đạo luật 232, thì nhiều mặt hàng thép nhập khẩu từ Việt Nam đã bị áp dụng mức thuế chống bán phá giá lên đến 250%.

Ngoài ra, đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, Chính phủ Mỹ đang điều tra phòng vệ thương mại chống bán phá giá 14 vụ và phòng vệ thương mại chống trợ cấp là 6 vụ. Trong số đó, có 13/14 vụ phòng vệ thương mại chống bán phá giá và 6/6 vụ phòng vệ thương mại chống trợ cấp là bị kiện và điều tra đồng thời với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. 

Do đó, để chủ động phát huy lợi thế tích cực và giảm tiêu cực mà cuộc chiến Mỹ -Trung ảnh hưởng toàn cầu, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư và tăng tốc quá trình tái cấu trúc ngành công thương. Tháo dở những rào cản kỹ thuật vẫn tồn tại trong việc tăng cường tiếp cận các thị trường nước ngoài là điều mà Việt Nam cần làm tốt hơn khi các hiệp định như CPTPP hay hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU sắp đi vào hiệu lực.

Phạm Tuyết 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI