Vay tiền lãi suất thấp gửi nơi cao hưởng chênh lệch có dễ 'ăn'?

21/06/2019 - 15:25

PNO - Nhiều người vay tiền nơi có lãi suất thấp rồi gửi tiết kiệm nơi có lãi suất cao hơn để hưởng chênh lệch.

Hình thức quay vòng vốn để hưởng chênh lệch đang được nhiều người sử dụng như một hình thức kinh doanh tài chính. Chẳng hạn, nếu đem sổ tiết kiệm bằng tiền USD trị giá 2 tỷ đồng thế chấp ngân hàng, sẽ vay được 90% giá trị sổ (tức 1,8 tỷ đồng) với lãi suất 7%/năm. Khách hàng đem 1,8 tỷ đồng này gửi tiết kiệm ở ngân hàng khác với lãi suất 8-8,5%/năm, sẽ được hưởng chênh lệch 1-1,5% lãi suất. 

Không chỉ người dân, hiện một bộ phận doanh nghiệp cũng áp dụng hình thức này. Một số doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu hiện vẫn được chấp nhận cho vay ngoại tệ trung hạn với lãi suất đồng USD chỉ 2,8-4,7%/năm.Thay vì dùng tiền để làm ăn, có doanh nghiệp  bán số USD này, sau đó lấy tiền gửi ngân hàng với lãi suất 7-8%/năm. Hoặc có doanh nghiệp dùng số USD này làm ăn, nhưng sau khi bán hàng, thu USD về, nếu chưa đến kỳ trả nợ, doanh nghiệp bán số USD này cho ngân hàng và tiếp tục gửi tiết kiệm để hưởng lãi suất chênh lệch từ 3-3,5%. 

“Những doanh nghiệp có dòng tiền mặt tốt thường chọn cách làm này để hưởng chênh lệch. Chẳng hạn, doanh nghiệp có 100 tỷ đồng, đem gửi tiết kiệm kỳ hạn cao để hưởng lãi suất tối đa 8,5% rồi tiếp tục đem sổ tiết kiệm này thế chấp ngân hàng để vay tối đa 98% hạn mức sổ, sau đó lại lấy số tiền này gửi tiết kiệm tại ngân hàng khác để hưởng lãi suất. Từng có doanh nghiệp thực hiện liên tiếp 3-4 lần vay, gửi như vậy", Giám đốc một chi nhánh ngân hàng thương mại tại TP.HCM kể.  

Với phương thức vay, gửi này, đồng vốn sẽ chạy lòng vòng, tạo ra sự tăng trưởng tín dụng ảo trong hệ thống ngân hàng. Cách thức này đôi khi cũng mang lại rủi ro cho khách hàng. 

Vay tien lai suat thap gui noi cao huong chenh lech  co de 'an'?
Nhiều người tìm cách hưởng lãi suất chênh lệch mà không lường trước rủi ro

Chị T.T.N, ngụ tại Q.8, TP.HCM hiện đang lỗ nặng do lãi suất cho vay thay đổi nhưng không biết làm cách nào rút tiền ra. Đầu năm 2018, nghe nhân viên tín dụng hướng dẫn, chị N. gom hết USD trong nhà tương đương 3 tỷ đồng đem gửi tiết kiệm không lãi suất, sau đó lấy sổ tiết kiệm này đem gửi tại ngân hàng P. để vay 2,7 tỷ đồng với lãi suất 7%/năm, thời hạn 15 năm. 

Thực tế, chị N. chỉ được hưởng lãi suất 7% trong năm đầu; từ năm thứ hai trở đi, lãi suất thả nổi theo thị trường. Tuy nhiên, do nhân viên tín dụng không nói rõ “thả nổi” trong biên độ bao nhiêu, nghĩ rằng lãi suất thả nổi chỉ dao động trong mức 0,5-1%/năm nên chị N. đồng ý làm hồ sơ vay.

Tiếp đến, chị N. đem số tiền vay này gửi tiết kiệm tại ngân hàng B. Theo tư vấn, nếu gửi 24 tháng, chị được hưởng lãi suất trần lên đến 8,6%, nhưng vì ham lời nhiều, chị quyết định gửi đến 60 tháng (5 năm).

Đinh ninh lời được 1,6%/năm nên chị N. rất vui mừng vì số USD cất giữ nay “đẻ” ra tiền. Tuy nhiên, bước sang năm thứ hai, lãi suất vay tại ngân hàng P. thay đổi từ 7% nâng lên 8,5%/năm. Chị N. chạy hỏi nhân viên tín dụng thì được báo lãi suất thả nổi theo thị trường, chắc chắn sẽ không tăng nữa. Nghĩ còn hưởng chênh lệch 0,1%, chị N. tiếp tục “gồng”. 

Bước sang năm thứ ba, ngân hàng thông báo tăng lãi suất lên 11,2%/năm. Lúc này, chị N. như ngồi trên đống lửa vì bỗng chốc bị lỗ 4,2%/năm. Chị N. tức tốc đến ngân hàng B. rút sổ tiết kiệm để tất toán cho ngân hàng P. Lúc này, ngân hàng B. cho biết, theo quy định, chị N. phải gửi đủ 5 năm thì lãi suất mới được 8,6%, do chị N. rút giữa chừng nên chỉ được hưởng lãi suất không kỳ hạn là 2%/năm. 

Vậy là, chị N. đã lỗ 5% trong năm đầu, lỗ tiếp 6,5% trong năm thứ hai, lỗ 9,2% trong năm thứ ba. Chưa kể, sau khi rút được tiền, đem tất toán tại ngân hàng P., chị N. tiếp tục chịu phí phạt là 5%/tổng số tiền 2,7 tỷ đồng do trả nợ trước hạn. 

Tiến sĩ Doãn Hữu Tuệ, Chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết, nhiều khách hàng không lường trước được rằng, các ngân hàng chỉ áp dụng lãi suất huy động cao từ 8-8,5% cho những kỳ hạn dài từ 24 tháng trở lên. Trong khi đó, lãi suất vay ưu đãi thường chỉ trong năm đầu, đến năm thứ hai thường thả nổi theo thị trường nên khách nào may mắn thì lời ít hoặc huề vốn, xui thì lỗ nặng. 

Riêng với doanh nghiệp, nếu giá trị tiền gửi cao và với sự tính toán kỹ lưỡng thì có lời, nhưng việc sử dụng tiền sai mục đích là vi phạm hợp đồng tín dụng, nếu bị phát hiện thì rất rầy rà. Việc doanh nghiệp nhờ người đứng tên trên sổ tiết kiệm cũng tiềm ẩn rủi ro bị chiếm đoạt sổ. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI