Uống viên thanh lọc, sạch máu hay mất tiền?

18/12/2018 - 14:00

PNO - Thanh lọc, đào thải độc tố, làm sạch máu giúp cải thiện hệ tiêu hóa, tuần hoàn; thúc đẩy quá trình tái tạo tự nhiên, làm đẹp da, trẻ hóa cơ thể… là những công dụng được quảng cáo rất kêu cho dòng sản phẩm này.

Rầm rộ quảng cáo sản phẩm như “thần dược”

Các sản phẩm (SP) viên uống thanh lọc, đào thải độc tố, làm sạch máu (gọi tắt: viên uống làm sạch máu – PV) được chào bán nhiều nhất trên chợ mạng và các cửa hàng chuyên doanh thực phẩm chức năng. Chỉ cần gõ cụm từ “viên uống làm sạch máu”, Google cho ra 9,660 triệu kết quả dẫn đến các trang bán các SP này với đủ nguồn gốc, xuất xứ Nhật, Úc, Ấn Độ, Pháp,… với nhiều mức giá khác nhau, từ 250.000 - 4 triệu đồng/SP.

Uong vien thanh loc, sach mau hay mat tien?
Viên uống Monmali – Hacho Skim Power được chào bán trên mạng, quảng cáo có công dụng "thanh lọc, đào thải, làm sạch máu"

Trang chotinhcuaboo.com chào bán viên uống làm sạch máu hiệu Monmali - Hacho Skim Power, xuất xứ Nhật Bản, giá 3,5 triệu đồng/hộp 30 gói x 5 viên.

Tư vấn cho chúng tôi, người bán phân tích các nguyên nhân khiến “máu chứa độc tố” như: môi trường ô nhiễm, thức ăn bẩn tích tụ theo thời gian; hệ tiêu hóa quá tải, hoạt động đào thải kém; chất độc hại dư thừa ngấm qua thành ruột đi vào máu…

Không chỉ “làm sạch máu”, nhiều SP còn được quảng cáo “giải độc, khử độc, thanh  lọc toàn bộ các cơ quan nội tạng trong cơ thể và đào thải các chất độc và cặn bã độc hại ra khỏi cơ thể một cách an toàn nhất. Thanh lọc, giải độc, và làm sạch hệ thống cơ thể từ gan, thận, mạch bạch huyết, tới da và ruột và toàn bộ hệ thống tiêu hóa…

“Những yếu tố này dẫn đến tình trạng căng thẳng oxy hóa, diễn ra trong tế bào bên trong cơ thể và khiến chị già trước tuổi. Máu lưu thông khắp cơ thể để nuôi sống toàn bộ cơ quan, nội tạng mà không được giải độc, lọc sạch thì không chỉ làm da sạm, nám, xỉn màu mà còn gây ra nhiều căn bệnh khác. Chị nên uống viên làm sạch máu để cải thiện chất lượng máu, tăng hệ miễn dịch giúp chống chọi bệnh tật, ngăn chặn lão hóa; da tươi trẻ, hồng hào. Chỉ cần uống 5 viên/ngày vào buổi tối sau khi ăn 30 phút hoặc vào buổi sáng”, nhân viên bán hàng mời chào.

Theo thông tin giới thiệu về SP, Monnali B-Hachi Skin Power có thành phần được chiết xuất từ ​​vỏ cây thông ven biển của Pháp và chiết xuất baba Nhật Bản, chứa hơn 40 loại khoáng chất, vitamin và các acid amin, sữa ong chúa, đồng thời bổ sung sắt, kẽm, canxi… Phù hợp cho mọi tối tượng nam, nữ, người lớn tuổi; nhất là những người có cường độ làm việc liên tục, áp lực, thường xuyên bị căng thẳng, stress...

Đáng nói, SP được giới thiệu có chất Pycnogenol như… “thần dược” giúp loại bỏ các gốc tự do, ngăn chặn quá trình oxy hóa và những tổn thương do stress gây ra; thúc đẩy hệ thống miễn dịch, tăng cường bảo vệ mao mạch, động mạch máu, ngăn ngừa co thắt động mạnh và hội chứng đông máu do stress, làm sạch máu và giúp cải thiện tuần hoàn máu.

Uong vien thanh loc, sach mau hay mat tien?
Nhiều trang mạng chào bán viên uống thanh lọc máu nhưng không có cơ sở khoa học chứng minh rõ ràng.

Thị trường còn bán nhiều SP tương tự có giá rẻ hơn, chỉ vài trăm nghìn đồng/SP. Đến một cửa hàng chuyên bán thực phẩm chức năng trên đường Yên Đỗ (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), chúng tôi hỏi mua viên uống giải độc cơ thể, nhân viên bán hàng đưa chúng tôi SP Neem Organic India và giới thiệu là “viên uống thanh lọc máu”, hộp 60 viên, giá 310.000 đồng giảm còn 260.000 đồng, xuất xứ Ấn Độ.  

Người bán nhấn mạnh “thành phần chính của SP là cây neem từ lâu đã được sử dụng như một vị thuốc trong y học cổ truyền với tác dụng chữa được nhiều chứng bệnh như tiểu đường, viêm da cơ địa, nổi mề đay mẩn ngứa…” và khuyên chúng tôi nên mua dùng, uống đều đặn từ 2 - 3 tháng, 1 - 2 viên sau bữa ăn, 2 lần/ngày. Song, nhân viên bán hàng lưu ý “nếu uống 1 - 2 tháng nếu thấy chóng mặt thì ngưng dùng SP”. Chúng tôi hỏi “vì sao có tình trạng đó?” thì nhân viên trả lời ngắn gọn: “tùy cơ địa, tình trạng từng người”.

PGS.TS.Nguyễn Hữu Đức nhấn mạnh: “Nếu là thuốc thì phải mua trong nhà thuốc chứ không được mua bán trao tay, nhất là mua qua mạng càng không nên. Chế độ ăn uống cân bằng là có lợi cho cơ thể nhất, không cần thiết phải bổ sung gì thêm; không nên tự ý bổ sung bất kỳ loại thực phẩm chức năng nào. Nếu cơ thể đang bị tình trạng gì, có bệnh thì tốt nhất nên đến bác sĩ khám, tư vấn và kê toa mới nên dùng”.

Viên uống Oriental Botanicals Detoxelim bán trên trang hangucchinhhang.com.vn còn được giới thiệu “giải độc toàn bộ cơ thể”, xuất xứ Úc, 1.260.000 đồng/ hộp 60 viên. Theo nơi bán, SP có thành phần thảo dược từ cây Pau D'Arco (ở rừng Amazone) được người dân bản địa sử dụng để chữa rất nhiều các loại bệnh và được các nhà khoa học nghiên cứu là có chứa chất chống ung thư.

SP còn hỗ trợ cơ thể chống lại các loại bệnh: nhiễm nấm, nhiễm khuẩn đường ruột, rối loạn đường ruột, bụng khó chịu, đầy bụng, sình hơi, da bị mụn nhọt, viêm da, viêm amiđan và tạo dịch nhầy…

Không nên tự ý sử dụng

Có thể thấy, các nơi bán “bóc tách” một vài thành phần được giới thiệu có trong SP, nhấn mạnh về tính năng “thần dược” của chất đó trong chữa trị bệnh, từ đó gián tiếp “thổi phồng” công dụng của SP như thuốc phòng, chữa bệnh đánh vào tâm lý những người tiêu dùng đang gặp những tình trạng bệnh lý.

Thế nhưng, PGS.TS.Nguyễn Hữu Đức – Giảng viên thỉnh giảng khoa Dược, ĐH Y Dược TP.HCM, khẳng định: “Không có thuốc nào thần diệu như vậy, nghe qua là đã thấy quảng cáo không đúng. Cơ quan quan trọng trong cơ thể để thanh lọc chất độc là thận. Không có gì uống vào mà có thể thanh lọc, làm sạch máu được. Quảng cáo về công dụng SP như vậy là hoàn toàn không đáng tin cậy”.

Uong vien thanh loc, sach mau hay mat tien?
"Không có gì uống vào mà có thể thanh lọc, làm sạch máu được. Quảng cáo về công dụng SP như vậy là hoàn toàn không đáng tin cậy", PGS.TS.Nguyễn Hữu Đức khẳng định.

Theo PGS.TS.Nguyễn Hữu Đức, nếu SP là thực phẩm chức năng hay thuốc, người tiêu dùng đều phải tìm hiểu kỹ xem SP có được Bộ Y tế cấp phép lưu hành không. Mỗi công dụng SP phải có cơ sở khoa học chứng minh rõ ràng chứ không thể nói thiếu cơ sở minh chứng.

“SP lọc cái gì, gồm những chất gì, lọc bằng cách nào,… đều phải được chứng minh cụ thể, phải có những y văn, khoa học chứng minh; thông tin bao bì SP phải có số công bố chất lượng, đăng ký lưu hành do bộ Y tế cấp. Nếu không có đầy đủ thông tin, nghiên cứu khoa học chứng minh, không khéo uống vào tiền mất tật mang vì những SP không có đầy đủ thông tin rõ ràng có nguy cơ chứa chất độc hại.

Uong vien thanh loc, sach mau hay mat tien?
Chế độ ăn uống cân bằng là có lợi cho cơ thể nhất, không cần thiết phải bổ sung gì thêm. Bảng dinh dưỡng cân đối theo khuyến nghị của Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM.

Trên mạng quảng cáo rất nhiều SP với công dụng như “thần dược” nhưng hoàn toàn không có chứng cứ; đặc biệt, thuốc là phải có chứng cứ. Những SP lưu hành không hợp pháp thường sẽ chứa độc tố trong đó, tốt nhất không nên sử dụng”, PGS.TS.Nguyễn Hữu Đức khuyến cáo.

Theo quy định, nếu SP là thực phẩm chức năng thì trên bao bì SP phải ghi rõ: “SP này không phải là thuốc, không thay thế thuốc chữa bệnh” và nơi bán phải thông tin rõ cho người mua, không được lập lờ như thuốc, nhất là khi nhấn mạnh vào hiệu quả, công dụng của SP dễ khiến người mua nhầm tưởng là thuốc chữa bệnh.

Kể cả trong Đông y cũng không có SP nào có những tác dụng thanh lọc, đào thài độc tố, làm sạch máu mà phải xác định rõ tình trạng cơ thể đang bị gì, từ đó mới có bài thuốc cụ thể.

Lương y Nguyễn Đức Nghĩa - Hội Dược liệu TP.HCM phân tích: “Trong Đông y có bát cương: trong, ngoài, nóng, lạnh, thực, hư, âm, dương và bát pháp: hãn, hạ, hóa, tiêu, thanh, thổ, ôn, bổ. Phải từ bát cương mới ra bát pháp, không một pháp nào mà dùng cho tất cả loại bệnh. Quảng cáo SP dù là thuốc hay thực phẩm chức năng mà có tác dụng thanh lọc, đào thài độc tố, làm sạch máu là không thể. Chưa kể, phải có chỉ định, chống chỉ định rõ ràng và nói rõ những tác dụng phụ không mong muốn chứ không thể nói chung chung là phù hợp cho mọi đối tượng”.

Lương y Nguyễn Đức Nghĩa lưu ý: những bài thuốc thanh lọc, giải nhiệt, giải độc, những người già yếu, viêm đại tràng mãn tính, trào ngược dạ dày, tì vị hư hàn, tiêu chảy… phải có chỉ định của thầy thuốc, bác sĩ chuyên môn chứ không nên tự ý dùng.

Thạc sĩ dược sĩ Đỗ Văn Dũng - Trưởng phòng Nghiệp vụ Dược, Sở Y tế TP.HCM - khẳng định không có loại thuốc uống nào dùng để lọc máu cho cơ thể. Việc lọc máu trong y học hiện nay chỉ thực hiện trên người bệnh nặng như: suy thận phải chạy thận nhân tạo hoặc người bị ngộ độc nặng phải lọc máu cấp cứu.

Với một số loại cây dược liệu quảng cáo chứa hoạt chất giúp thanh lọc máu cũng chưa có bằng chứng y học hay công bố các nghiên cứu. Đơn cử như cây xoan Ấn Độ (còn gọi là cây neem) được trồng nhiều ở Ninh Thuận, Bình Thuận chứa hoạt chất Azadirachta indica từ cành, lá, hoa cũng không phải để thanh lọc máu, thải chất độc; thế nhưng một số lương y cho rằng loại này có thể giúp chữa mụn nhọt, hắc lào... là chưa chính xác.

Tại Ấn Độ, hoạt chất Azadirachta indica có hữu dụng trong phòng chống bệnh sốt rét mặc dù nghiên cứu lâm sàng trên người chưa được đầy đủ. Ngoài ra dịch chiết lá, hạt và dầu neem được sử dụng phổ biến để phòng trị một số bệnh trong y học như chống nhiễm trùng, tẩy giun sán. Một số sản phẩm được chế biến thành thuốc bảo vệ thực vật, kem chống muỗi, xà phòng vệ sinh… chủ yếu dùng ngoài da. Do đó, với việc sử dụng cây thuốc, sản phẩm từ thuốc không theo chỉ định của bác sĩ có thể dẫn tới ngộ độc, nhất là khi hoạt chất từ cây được nghiên cứu đường uống chưa đầy đủ.

V.Thanh ghi

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI