Từ bỏ ống hút nhựa, nhiều người chuyển sang dùng ống hút từ tre, cỏ...

24/10/2018 - 10:00

PNO - Từ chỗ chỉ một số cá nhân sử dụng, nay xu hướng dùng ống hút làm từ tre, cỏ bàng, inox… thay thế ống hút nhựa ngày càng trở nên phổ biến.

“Ngày càng có nhiều khách khi gọi đồ uống thường dặn nhân viên không cắm ống hút vào ly, họ dùng ống hút mang theo. Thường là ống hút làm từ inox, tre, cỏ bàng. Dùng xong khách lại rửa và mang về”, chị Hà, chủ quán cà phê trên đường Lê Văn Sỹ (Q.Tân Bình, TP.HCM), cho biết về chuyện lạ của quán mình.

Ban đầu, chị Hà lo ngại khách chê ống hút của quán không đảm bảo vệ sinh. Tuy nhiên, những vị khách trẻ tuổi giải thích, họ không muốn dùng ống hút nhựa vì lý do bảo vệ môi trường.

Tu bo ong hut nhua, nhieu nguoi chuyen sang dung ong hut tu tre, co...
 

Theo chị Hà, khách hàng đầu tiên dùng những loại ống hút này là nhóm sinh viên Trường đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM. Họ đến quán học nhóm và tự chuẩn bị ống hút, thậm chí là muỗng bằng gỗ dừa đựng trong những chiếc túi vải xinh xắn. Có khi những vị khách này còn tặng quán cả bó ống hút làm từ cỏ bàng cho khách dùng. Thấy nhiều khách hàng thích thú, chị Hà sau đó thường xuyên mua loại ống hút này phục vụ tại quán.

Bình quân, mỗi ngày quán bán ra khoảng 150-170 ly đồ uống và ít nhất một nửa trong số đó dùng tới ống hút. Dù ống hút nhựa rẻ và tiện lợi  nhưng nữ chủ quán cho biết, đã được các bạn trẻ chia sẻ những nguy hại của ống hút nhựa với môi trường, sức khỏe người dùng… nên chị chấp nhận dùng ống hút làm từ cỏ bàng dù chi phí cao gấp 5-6 lần ống hút nhựa.

“Đó là trào lưu đáng ủng hộ. Nếu tất cả các quán cà phê, giải khát chuyển qua dùng loại ống hút này thì đó là một sự thay đổi kỳ diệu…”, nữ chủ quán 9x chia sẻ.

Chị Phan Trúc Phương, ngụ tại Q.2 kể, thói quen không dùng ống hút nhựa của chị từ ngày còn là sinh viên đến giờ cũng gần chục năm. Thói quen là bài học vô tình từ một người thầy. Thường trước mỗi tiết học, lớp chuẩn bị nước uống, khăn, phấn… cho giảng viên.

Tuy nhiên, có một thầy không bao giờ sử dụng ống hút đã cài sẵn trên thân chai nước suối. Một lần thắc mắc với thầy, lớp được thầy giải thích: ống hút nhựa sản xuất ra không được rửa mà đóng gói đem bán ngay, bề mặt trong của ống nhựa có vô số hạt nhựa li ti, chắc chắn sẽ theo nước uống vào cơ thể.

Ngày nào cũng dùng vài ba chiếc ống hút liên tục thì lâu dài một lượng hạt nhựa không nhỏ sẽ được nạp vào cơ thể. Biết bao thứ bệnh từ đó mà sinh ra. Thấy hợp lý, nhiều năm qua, chị Phương luôn mang theo chiếc ống hút bằng inox. 

Anh Thụ, đầu mối cung cấp ống hút tre và cỏ bàng từ tỉnh Long An cho một số điểm bán lẻ tại TP.HCM, cho biết, hơn một năm trước, trung bình mỗi tháng anh bán ra chỉ khoảng 1.000 ống hút, phần lớn từ cỏ bàng, nhưng nay số lượng đã cao hơn gấp hơn chục lần. Nông dân trồng loại cỏ này tại huyện Đức Hòa, Đức Huệ… tỉnh Long An cũng có nhiều đầu mối phân phối hơn, dù giá bán ống hút làm từ vật liệu hữu cơ mắc hơn nhiều so với ống hút nhựa.

Chẳng hạn, các loại ống hút tre làm thủ công khá tỉ mỉ, đẹp mắt có giá bình quân từ 7.000-10.000 đồng, có thể tái sử dụng nhiều lần. Loại ống hút bằng cỏ bàng thì rẻ hơn, khoảng 500-600 đồng/ống, nhưng bất lợi là không sử dụng được nhiều lần. “Nếu người dùng ý thức được tác hại đến môi trường, sức khỏe… của ống hút nhựa, thì giá thành những sản phẩm này không cao…”, anh Thụ nhận xét.

Theo ông Nguyễn Trần Tùng, Giám đốc truyền thông Trung tâm Hành động và Liên kết vì môi trường và phát triển (CHANGE) trực thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, người ta tìm thấy hạt nhựa siêu nhỏ trong 83% mẫu nước uống từ vòi, và trong 93% mẫu nước uống đóng chai. 

Việc tiếp xúc thường xuyên với các hóa chất trong đồ nhựa dùng một lần (như BPA, styrene) sẽ gây nguy cơ mắc các bệnh như ung thư, viêm gan, dị ứng, rối loạn hệ thần kinh, rối loạn nội tiết và vô sinh. Cho nên, xu hướng tiêu dùng giảm thải rác thải nhựa không chỉ Việt Nam mà cả thế giới đang khuyến khích. 

Thư Hùng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI