Trẻ có thể uống phải sữa bò tồn dư thuốc kích dục

05/01/2019 - 06:00

PNO - Bà Thái Hương - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn TH, đưa ra cảnh báo như trên tại hội nghị tổng kết hoạt động năm 2018 và triển khai kế hoạch năm 2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diễn ra ngày 3/1.

Theo bà Thái Hương, hiện chưa có quy chuẩn quốc gia về sữa và nhiều nông sản, thực phẩm thiết yếu , hoặc có nhưng không được thực thi một cách chặt chẽ.

Bà Hương lấy ví dụ, trong ngành sữa, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định nông dân, doanh nghiệp chăn nuôi không được tiêm thuốc kích dục cho bò sữa, nhưng việc thực thi quy định này lại bị bỏ ngỏ. Trong khi đó, loại thuốc này tồn dư trong sữa có thể khiến trẻ dậy thì sớm. 

Tre co the uong phai sua bo ton du thuoc kich duc

Do đó, bà Thái Hương kêu gọi, cần phải quản lý chất lượng từng ly sữa trong học đường. Thực tế, lượng sữa tươi sản xuất trong nước hiện vào khoảng 1 tỷ ly/năm, đủ để đáp ứng chương trình sữa học đường, nhưng một số đơn vị xin đưa cả sữa bột pha lỏng vào chương trình này.

Theo bà, cần luật hóa bằng các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia đối với những sản phẩm thiết yếu. Có như vậy, thị trường gần một trăm triệu dân này mới không phải lo ăn, uống phải sản phẩm bẩn của những nhà sản xuất thuộc nhóm “chợ đen” trên thị trường thế giới và cạnh tranh trong nước cũng lành mạnh hơn. 

Bà Hương cho biết, trong một hội thảo quốc tế, Chủ tịch Hiệp hội Dinh dưỡng Nhật Bản đã thông tin, ngay từ năm 1954, Nhật Bản đã ban hành Luật Dinh dưỡng học đường, trong đó có bữa ăn học đường, sữa học đường, nên thể trạng người Nhật thay đổi rõ rệt.

Khi sữa nói riêng và nông sản, thực phẩm nói chung có bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn rõ ràng, được giám sát, quản lý chặt chẽ, người dân sẽ được hưởng lợi lớn, ngành nông nghiệp cũng phát triển bền vững. Việc giám sát không chặt nảy sinh những hành động đối phó, gian dối. 

Bà Thái Hương khẳng định, doanh nghiệp không xin Chính phủ tiền, mà cần một thể chế và chính sách phù hợp. Hầu hết các doanh nghiệp đã hoạch định kế hoạch phát triển và có thể cạnh tranh lành mạnh, sòng phẳng; ngân sách chỉ nên hỗ trợ (nếu có) ở khâu cuối cùng của sản phẩm. Còn nếu cứ hỗ trợ ở từng khâu, sẽ dẫn đến việc chạy chọt, lợi ích nhóm.

Chẳng hạn, muốn khuyến khích phát triển sữa hữu cơ (organic), hằng năm, doanh nghiệp mang hóa đơn bán hàng ra, Chính phủ có chính sách hỗ trợ trên mỗi lít sữa organic; doanh nghiệp muốn được nhận hỗ trợ, phải đưa hóa đơn lên, để chứng minh mình có doanh thu, có làm thực tế. 

Cũng tại hội nghị, ông Trần Mạnh Báo - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình - cho rằng, cần có cơ chế quản lý chặt chẽ hơn đối với việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật. Với tình trạng sử dụng bừa bãi như hiện nay, những loại thuốc này có nguy cơ tồn dư, ngấm vào nguồn nước ngầm, ảnh hưởng lâu dài đến các thế hệ sau.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại hội nghị này, trong năm 2018, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản ước đạt 40,2 tỷ USD, tăng 9,6% so với năm 2017; thặng dư thương mại của ngành nông nghiệp đạt 8,72 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 19,51 tỷ USD, tăng 1,4%, xuất khẩu thủy sản ước đạt 9,01 tỷ USD, tăng 8,5%; xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản ước đạt 9,34 tỷ USD, tăng 15,7% so với năm 2017.

Năm 2018, ngành nông nghiệp tiếp tục duy trì 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 5 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ USD, gồm gỗ và sản phẩm gỗ (8,86 tỷ USD), tôm (3,59 tỷ USD), rau quả (3,81 tỷ USD), cà phê (3,46 tỷ USD), hạt điều (3,43 tỷ USD). 

Đăng Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI