Trà sữa: ngon nhưng… độc!

02/09/2016 - 09:47

PNO - Mới đây, Singapore đã loại nguyên liệu trà sữa của Đài Loan ra khỏi hệ thống cửa hàng bán lẻ vì có chứa phụ gia l-theanine, vốn bị cấm tại Singapore.

Trong khi đó, ở TP.HCM, nguyên liệu pha trà sữa không rõ nguồn gốc vẫn tràn lan, chưa thấy cơ quan nào kiểm tra về chất lượng.

Vốn một, lời năm

Xuất hiện trên thị trường đã lâu nhưng độ “hot” của trà sữa vẫn còn nguyên. Khắp các con đường, trước các cổng trường ở TP.HCM tràn ngập cửa hàng, xe đẩy bán trà sữa. Nhiều sinh viên mới ra trường, không thèm xin việc mà rẽ ngang đi bán trà sữa vì dễ kiếm lời do nguyên liệu chế biến quá rẻ. Tại chợ Bà Điểm (H.Hóc Môn), tôi hỏi mua bột trà sữa Đài Loan nhưng các tiểu thương cho biết, chỉ có bột trà sữa Việt Nam và Thái Lan. Đưa cho tôi một bịch màu xanh, chi chít tiếng Thái, một người bán hướng dẫn: “Gói 200g, giá 40.000đ, pha được 2 lít trà sữa. Muốn rẻ hơn thì lấy của Việt Nam. Những người bán trà sữa khu vực này đều lấy của Thái, mắc hơn một chút nhưng yên tâm về chất lượng”.

Tra sua: ngon nhung… doc!
Trà sữa chưa bao giờ hết hot ở cổng trường

Thế nhưng, ghé sạp bên cạnh, một tiểu thương khác cho biết: “Thái Lan gì ở đây, toàn hàng giả! Nếu lấy hàng Thái thì lấy của Đài Loan đi, rẻ hơn nhiều nhưng bao thơm, ngon”. Nói rồi chị tiểu thương này ghi cho chúng tôi địa chỉ một người quen chuyên bán bột trà sữa Đài Loan tại chợ Hòa Bình (Q.5). Đến chợ Hòa Bình, ông B. - người chúng tôi tìm, chỉ đưa ra các nguyên liệu pha chế trà sữa tương tự các sản phẩm tại chợ Bà Điểm.

Đến khi nghe nói có người quen giới thiệu, ông này mới niềm nở lôi ra một bao trắng, bên trong chỉ còn một ít bột trắng ngà, giá 25.000đ/kg. Hỏi có bán nửa ký không, ông B. đóng bao lại, khó chịu: “Ai đến đây cũng mua 5 - 10kg, cô mua nửa ký về làm gì?”. Nghe chúng tôi phân bua là mới ra bán trà sữa, mua về pha thử, nếu ngon sẽ mua dài hạn, ông B. mới chịu chia lại một ký. Vừa cân, ông B. vừa hướng dẫn cách pha: “1kg bột pha với khoảng 3-5 lít nước, 100g trà, sữa đặc có đường, tùy lượng nước mà bỏ thêm từ 0,5 - 1 kg đường. Nếu cô muốn lời nhiều hơn thì ra chợ Kim Biên mua tinh dầu hương trà (25.000đ/chai loại 160ml - PV), nhỏ vào vài giọt là thơm bát ngát, đường “siêu ngọt” (giá 350.000đ/kg - PV) bỏ vào vài viên là đủ ngọt mấy lít nước. Tôi nghe khách hàng của tôi nói vậy, cô làm thử coi”. Ông B. cho biết thêm, bột này nhập từ Đài Loan, dạng bao. Nhiều công ty nhập bột này về rồi đóng gói nói là hàng Việt Nam, Thái Lan để bán có lời hơn.

Nghe tôi hỏi mua bột béo pha trà sữa, một tiểu thương tại chợ Thái Bình (Q.1) lấy ra một bịch bột nhỏ trắng tinh, thơm mùi sữa, bên ngoài có chữ “béo” nói: “5.000đ/bịch/lạng. Sản phẩm có nhãn mác, thương hiệu đàng hoàng, đóng gói 1kg nhưng tui mới chiết ra hồi sáng”. Để chứng minh, trong cái túi lớn treo lủng lẳng ở góc sạp, ông chủ lôi ra một bịch bột béo chưa khui có thương hiệu Việt Nam.

Tại chợ Bình Tây (Q.6) nhiều sạp bán rất đa dạng nguyên liệu làm trà sữa. Tại quầy chuyên bán nguyên liệu chế biến các loại nước trong nhà lồng chợ, một phụ nữ nhiệt tình chia sẻ: “Tui cũng bán trà sữa cho học trò nè. Nhiều đứa ít tiền, cầm 1.000 - 2.000đ ra mua không lẽ không bán? Vì vậy, chỉ cần mua mấy loại rẻ rẻ là được. Bột trà, bột sữa béo, giá chỉ 50.000 - 60.000đ/ kg; nên chọn loại bột sữa béo nhiều vì tụi nhỏ thích hơn. Giá vốn mỗi ly lớn nhất chỉ khoảng 1.000 - 2.000đ, tùy độ đậm nhạt, nhưng mình có thể bán từ 8.000 - 10.000đ/ly lớn, ly nhỏ thì 5.000đ”.

Chưa có cơ quan nào kiểm tra chất lượng 

Mới đây, cơ quan Quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm và thú y Singapore (AVA) đã ra thông báo thu hồi nguyên liệu trà sữa của Chun Cui He (Đài Loan) ra khỏi chuỗi cửa hàng bán lẻ 7-Eleven. Nguyên nhân, loại trà sữa này chứa chất phụ gia L-theanine - là chất không có tên trong danh sách những phụ gia được phép sử dụng theo quy định an toàn thực phẩm của Singapore. AVA cho biết thêm, L-theanine cũng chưa được Ủy ban về phụ gia thực phẩm thuộc LHQ đánh giá mức độ an toàn khi dùng làm phụ gia thực phẩm.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng của nước này, vì lợi nhuận, các nhà sản xuất đã sử dụng các nguyên liệu rẻ tiền, những chất cấm để làm phụ gia như: plastic, hóa chất lạ có arsenic, sulfate sodium, đường hóa học, dầu thực vật hydro hóa, một loại axít béo có dạng trans… Loại axít này sẽ làm giảm hormone ở nam giới, ảnh hưởng tới chất lượng tinh trùng, ảnh hưởng sức khỏe sinh sản của phụ nữ, tăng nguy cơ các bệnh tim mạch, ung thư và vô sinh.

Tra sua: ngon nhung… doc!
Tại chợ Thái Bình (Q.1), trong cái túi lớn đựng các bịch bột pha trà sữa, ông chủ bỏ vào đó một bịch bột béo có thương hiệu Việt Nam để lấy lòng tin của khách

BS Trần Văn Ký, Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm VN cho biết, món trà sữa thực chất không có sữa mà cũng không có trà; thành phần chỉ có kem béo lẫn với hương bột trà và một số phụ gia khác. Vì lợi nhuận, người bán không dùng bột trà tự nhiên mà chế từ bột màu và hương liệu công nghiệp, khi uống không khác trà tự nhiên. Nếu dùng thường xuyên, thời gian tích tụ lâu dài sẽ gây tổn thương chức năng gan, thận; thậm chí suy gan, thận ở những trẻ có đề kháng yếu.

Vừa qua, lực lượng chức năng ở Hà Nội đã kiểm tra tạm giữ hơn 200kg nguyên liệu bột trà đựng trong bao bì tiếng Trung Quốc, không rõ nguồn gốc, được sản xuất, đóng gói tại xưởng làm trà trân châu mang thương hiệu Feeling Tea. Theo Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM, trong tháng Tám vừa qua, Chi cục đã tạm giữ 100kg và 2.341 đơn vị sản phẩm các mặt hàng thạch trân châu, bột béo, bột trà, sữa nước… do không có hóa đơn, chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Dù có mặt tại Việt Nam khá lâu, đã trở thành thức uống khá phổ biến trong giới trẻ nhưng đến nay, các cơ quan nhà nước chỉ dừng ở việc kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ; chưa có cơ quan nào kiểm tra về chất lượng, thành phần, mức độ an toàn của nguyên liệu pha trà sữa.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI