Tố nhau niêm yết giá vé không chuẩn, các hãng bay còn 'mánh' nào chưa lộ?

17/09/2019 - 19:28

PNO - Vietnam Airlines (VNA) cho rằng, nhiều hãng hàng không niêm yết giá rẻ nhưng giá thực tế không hề rẻ, trong khi các hãng bay khác tố ngược VNA ép hành khách bỏ tiền sử dụng những dịch vụ mà họ không cần.

Đầu tháng 9, Vietnam Airlines (VNA) đề nghị Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), Cục Hàng không (Bộ Giao thông) yêu cầu các hãng khác niêm yết giá vé đúng quy định. Theo VNA, theo Nghị định 177/2013, việc niêm yết giá phải gồm đầy đủ thuế, phí, lệ phí nếu có.

Trong khi đó, nhiều hãng hàng không hiện niêm yết giá vé không bao gồm thuế phí và hành khách chỉ biết được mức giá đầy đủ sau khi thanh toán. Đối tượng mà VNA đem so sánh có lẽ không ai khác chính là là các hãng hàng không giá rẻ.

Chia sẻ với báo Phụ Nữ TP.HCM, đại diện VNA cho biết, việc niêm yết không đúng quy định khiến không ít khách hàng tưởng nhầm giá rẻ mới mua. Chẳng hạn, nhiều hãng có chính sách bán vé giá 0 đồng, 299.000 đồng hay 399.000 đồng/vé. Tuy nhiên, khi khách hàng đặt mua, tiền vé thực tế phải thanh toán luôn cao hơn rất nhiều mức này.

“Điều này dễ gây hiểu nhầm cho khách hàng về mức giá chênh lệch không chính xác giữa các hãng, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh tại thị trường, tâm lý người mua cũng cảm thấy bị lừa dối”, đại diện VNA bày tỏ.

To nhau niem yet gia ve khong chuan, cac hang bay con 'manh' nao chua lo?
Nhiều chiêu trò trong việc bán vé được chính các hãng hàng không "bóc mẽ" nhau. Ảnh minh họa

Đặt vấn đề về việc Jetstar Pacific Airline trực thuộc VNA, nhưng chính sách giá vé cũng không cộng gộp (?). VNA lại cho rằng, phân khúc khách hàng của Jetstar rất rõ ràng là hướng đến cạnh tranh với các hãng hàng không giá rẻ khác. 

Phản hồi trước ý kiến của VNA,  một hãng hàng không cho rằng, việc niêm yết giá vé về một mức thanh toán cuối cùng như trước giờ của VNA thực tế cũng không minh bạch.

Trong giá vé trọn gói của VNA có quy định hành lý ký gửi 20kg (hiện đã lên 23kg), suất ăn trên các chuyến bay… Tuy nhiên, khách hàng sẽ phải mặc nhiên thanh toán các khoản chi phí cho các dịch vụ mà họ không có nhu cầu hoặc không sử dụng. Tức là khách có nhu cầu ăn hay không ăn thì vẫn phải trả tiền suất ăn khi bay.

Sau khi đề nghị của VNA được phát đi, Vietjet Air đã gửi phản hồi lên hai cơ quan Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), Cục Hàng không (Bộ Giao thông) với nội dung cho rằng, việc niêm yết giá vé gộp như VNA không đảm bảo tính công khai, minh bạch (vì khách mặc nhiên chi trả loạt phí dịch vụ gộp dù không sử dụng) trái lại hãng Vietjet Air vẫn tuân thủ đúng theo Nghị định 177/2013 quy định về việc niêm yết giá vé.

Cụ thể theo hãng này, quy định và các văn bản pháp luật liên quan không quy định rõ doanh nghiệp phải niêm yết một mức giá gộp của hàng hóa, dịch vụ đã bao gồm cả thuế, phí... hay từng yếu tố cấu thành nên giá hàng hóa, dịch vụ đó bao gồm giá gốc cộng với thuế, phí, giá dịch vụ đi kèm. Do đó, đại diện Vietjet Air khẳng định việc lựa chọn phương thức niêm yết chi tiết từng yếu tố của Vietjet là không trái luật.

Trước lý lẽ của các hãng bay, thông tin từ Cục Hàng không Việt Nam cũng chưa hoàn toàn rõ ràng. Cục cho rằng, các hãng phải niêm yết giá vé máy bay một cách đầy đủ, bao gồm các thành phần cấu thành nên giá.

Cục này cũng đã có cuộc họp với Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) và các hãng hàng không về việc niêm yết giá vé máy bay có hay không bao gồm thuế phí.

To nhau niem yet gia ve khong chuan, cac hang bay con 'manh' nao chua lo?
Các hãng hàng không mới đây bị cảnh báo cạnh tranh không lành mạnh. Ảnh: Quốc Thái

Cục Hàng không Việt Nam cũng sẽ báo cáo Bộ Giao thông Vận tải sửa thông tư quy định về khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa, trong đó sẽ quy định cụ thể hơn về hình thức, nội dung niêm yết thống nhất giữa các hãng.

Rất nhiều hành khách khi biết thông tin các hãng tố nhau mới vỡ lẽ các hãng đều thiếu minh bạch. Một hành khách tại TP.HCM bày tỏ, từ lâu anh biết rõ việc giá niêm yết của một số hãng giá rẻ tại Việt Nam chỉ bao gồm chi phí gốc, mà ẩn đi những chi phí khác của vé như tiền thuế, phí, dịch vụ kèm theo, tiền suất ăn, tiền đưa đón sân bay…  

Sau khi đặt vé, rất nhiều lần anh phải “giật mình” vì trả gấp đôi số tiền niêm yết ban đầu. “Chưa biết là cách niêm yết vậy có đúng luật hay không nhưng chúng tôi luôn có cảm giác cách niêm yết này thiếu minh bạch…”, anh này cho hay.

Ngoài ra, theo chiều khách hàng, nếu tất cả các hãng cùng công bố giá vé một cách minh bạch thì khách hàng sẽ có cơ sở so sánh cụ thể và không có cảm giác bị lừa dối, hãng hàng không cũng không sợ bị thương hiệu trong cùng phân khúc ‘kèn cựa’ vì giá công khai rõ ràng. Tâm lý người mua, ai cũng muốn sở hữu vé giá rẻ.

Do đó, để có thể thu hút khách hàng, không ít hãng hàng không chấp nhận dùng “chiêu thức” quảng cáo quá tay. Thế nhưng theo nhiều người dân, hành động này khiến khách hàng cảm thấy bị lừa đảo, quảng cáo lạm dụng. Về phía khách hàng, phần đông ủng hộ việc niêm yêt mức giá cuối cùng, vì vừa đảm bảo minh bạch, "thuận mua vừa bán", tiết kiệm thời gian lựa chọn, vì khỏi làm nhiều bước để so sánh giá giữa các hãng…

Quốc Thái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI