Tiêu rớt giá thê thảm, người dùng vẫn phải trả giá cao

09/07/2018 - 16:30

PNO - Giá thu mua tiêu tại gốc là khoảng 55.000 đồng/kg. Tuy nhiên, giá thành phẩm tại các siêu thị lại khác hoàn toàn.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, giá hạt tiêu trong nước tháng 6/2018 giảm hẳn so với tháng trước.

Cụ thể, tháng 6/2018, giá hạt tiêu đen tại thị trường trong nước giảm từ 4,4% – 7,0% so với tháng 5/2018. Mức giá thấp nhất là 53.000 đồng/kg tại tỉnh Đồng Nai, mức cao nhất là 55.000 tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Giá hạt tiêu trắng đạt mức 97.000 VNĐ/kg, ổn định so với tháng 5/2018, nhưng thấp hơn so với mức giá 117.000 đồng/kg cùng kỳ năm 2017.Nhìn chung trong 6 tháng đầu năm, giá hạt tiêu giảm do nguồn cung lớn, giảm 16.000 – 17.000 đồng/kg so với thời điểm cuối năm 2017.

Tieu rot gia the tham, nguoi dung van phai tra gia cao

Giá tiêu giảm do nguồn cung dồi dào và thị trường xuất khẩu chưa có tín hiệu khởi sắc. Bên cạnh đó, diện tích trồng tiêu đã đã tăng một cách chóng mặt, cả nước có khoảng 152.668 ha. Số diện tích này đã vượt quy hoạch định hướng đến năm 2030 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hơn 300%.

Về xuất khẩu, theo số liệu thống kê sơ bộ, xuất khẩu hạt tiêu trong tháng 6/2018 đạt 23 nghìn tấn, trị giá 75 triệu USD. Số liệu này cho thấy giảm 0,4% về lượng và giảm 0,2% về trị giá so với tháng 5/2018, tăng 0,3% về lượng, nhưng giảm 30,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu hạt tiêu ước đạt 133 nghìn tấn, trị giá 457 triệu USD, tăng 5,9% về lượng, nhưng giảm 35,7% về trị giá so với 6 tháng đầu năm 2017.  

Cục Xuất nhập khẩu dự báo giá hạt tiêu sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới do áp lực dư cung. Theo Hiệp hội hạt tiêu quốc tế, trong vòng 5 năm trở lại đây sản lượng tồn kho tăng khoảng 20.000 tấn/năm. Dự kiến trong năm 2018, sản lượng hạt tiêu tồn kho từ vụ trước đạt khoảng 104.000 tấn. 

Vì sao có gia tăng đội biến này?

Sự gia tăng đột biến về số lượng một loại cây trồng khi nó có sự gia tăng đột biến về giá là câu chuyện muôn thuở của ngành nông nghiệp. Rất nhiều lần khi cà-phê tăng giá, hàng loạt diện tích trồng cà phê xuất hiện. Khi mía có giá cao, hàng loạt các cây trồng khác bị chặt bỏ để thay thế bằng mía... Và bây giờ là tiêu.

Những năm 2011, 2012, khi hàng loạt những bài báo viết về việc thu tiền tỷ từ tiêu, những triệu phú, tỷ phú xuất hiện nhờ tiêu... và những câu chuyện truyền miệng về sự giàu có khi trồng tiêu lan truyền thì ngay lập tức nhiều người nông dân bị cám dỗ.

PV báo Phụ Nữ có dịp đến một vùng trồng tiêu tại huyện Đức Trọng, Lâm Đồng. Đây là khu vực mà nhiều vườn tiêu mới mọc lên, một số vườn đã cho thu hoạch, một số chuẩn bị thu hoạch nhưng đa phần những diện tích này đều mới, trồng khoảng từ năm 2012, 2013.

Gặp ông Thanh Liêm, ngụ tại huyện Đức Trọng, ông kể khi nghe nói trồng tiêu cho năng suất tốt, giá lại cao. Một ha tiêu cho khoảng 5 tấn tiêu, với giá của năm 2013 tầm 180.000 đồng/kg thì 1 ha thu được khoảng 900 triệu đồng.

Tieu rot gia the tham, nguoi dung van phai tra gia cao

“Tôi tính nếu mình trồng, khi thu hoạch, nếu giá rớt xuống nửa thì vẫn được khoảng 500 triệu/ha. Nghĩ vậy nên tôi đã chặt bỏ một số diện tích cà phê kém hiệu quả để thay bằng hồ tiêu. Mọi chuyện mình tính cũng không bằng trời tính. Ai ngờ sau 4 năm trồng thì giờ giá tiêu rớt thê thảm, thu không đủ bù chi”, ông Liêm buồn bã kể tiếp.

Theo tính toán của ông Liêm, vốn đầu tư ban đầu cho 1ha tiêu hết khoảng 500 triệu đồng. Số tiền này là đã giảm bớt rất nhiều nhờ ông mua trụ cây sống từ cây muồng chứ không làm trụ bê tông.

Với trụ cây sống thì 1ha ông cần khoảng 1600 cây muồng với giá 40.000 đồng/cây là khoảng 64 triệu đồng. Số tiền còn lại là tiền đầu tư vào giống tiêu, 6000 đồng/cây (khoảng 13 triệu đồng), tiền phân tro (60 triệu đồng), tiền khoan giếng, chôn ông dây (60 triệu).

Để chăm sóc 1 ha tiêu cần khoảng 1 nhân công (250.000 đồng/ngày) làm xuyên suốt một năm. Như vậy tiền nhân công là gần 100 triệu đồng. Ba năm tốn khoảng 300 triệu đồng.

Với phép tính sơ bộ như vậy, nếu vườn tiêu chăm theo kiểu organic như nhà ông, hạn chế tối đa việc dùng thuốc thì 1 ha chỉ cho khoảng 3 tấn. Với giá 55.000 đồng thì ông chỉ thu về 165 triệu đồng. Như vậy, người nông dân trồng tiêu coi như làm không công trong rất nhiều năm trời.

Giải pháp nào cho người nông dân?

Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, trước tình trạng cung vượt cầu, giá liên tục giảm, ngành hạt tiêu Việt Nam có kế hoạch cắt giảm diện tích trồng tiêu đen gần 26,7%. Tuy nhiên, khi giải pháp vĩ mô chưa thực hiện thì làm sao để ổn định giá và ổn định cuộc sống cho người nông dân. Chẳng lẽ cứ bất cứ loại cây trồng nào khi cho thu hoạch đều phải giải cứu?

Tieu rot gia the tham, nguoi dung van phai tra gia cao

Dạo một vòng thị trường bán lẻ, tiêu trên thị trường vẫn có mức giá rất cao. Giá thu mua tại gốc là khoảng 55.000 đồng/kg. Tuy nhiên, giá thành phầm tại các siêu thị lại khác hoàn toàn. Như tại siêu thị Vinmart hay web adayroi.com, giá bịch 50g tiêu đen hạt thương hiệu Việt San là 18.000 đồng. Tức là 1kg tiêu bán với giá 360.000 đồng.

Tiêu đen hạt đựng trong hũ nhựa của NFC có giá 29.700 đồng cho 50g. Tức là 1kg tiêu có giá 594.000 đồng. Hay lọ tiêu xay của Dh Food là 17.000 đồng cho 45g, tức là 1kg tiêu xay có giá bán khoảng 377.000 đồng.

Hay tại Lotte có sản phẩm tiêu đen hạt của McCormick có giá 97.500 đồng cho lọ 35g, tức là 1kg tiêu này có giá bán 2.785.000 đồng...

Như vậy, hiện tại với giá cả tiêu rớt thê thảm nhưng người tiêu dùng vẫn phải bỏ cái giá quá cao để mua tiêu về dùng. Chính vì vậy, giải pháp duy nhất cho vấn đề dồi dào nông sản của người nông dân vẫn là đánh mạnh vào khâu xây dựng thương hiệu và phân phối sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Giải pháp này cần sự phối hợp đồng bộ của rất nhiều ngành nghề mà để thực hiện cần lắm ở cái tâm người quản lý.

Uyên Hồ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI