Thương mại điện tử xuyên biên giới: Bài 1 – Tận dụng sân chơi lớn, đưa sản phẩm ra thế giới

08/10/2018 - 20:07

PNO - Gần đây, Amazon có kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam bán hàng trên kênh phân phối của mình. Một số doanh nghiệp Việt Nam đã phất lên nhờ nhanh chân xúc tiến hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới

Đi lên nhờ Amazon

Bà Hân Nguyễn - Giám đốc cơ sở Andre Gift Shop, cho biết: trước đây chủ yếu bán sản phẩm ở trong nước chỉ với 4 nhân viên. Sau khi đẩy mạnh bán hàng xuyên biên giới qua các trang TMĐT, hiện xưởng sản xuất đã mở rộng hơn 300m2 với 35 nhân viên và sản phẩm được bán đến hàng nghìn khách hàng trên toàn thế giới. 

“Hiện, chỉ tính riêng doanh số bán hàng từ Amazon chiếm 50% trong tổng doanh số bán hàng trực tuyến của chúng tôi và theo kế hoạch, sẽ tăng lên 70% trong năm sau. Mục tiêu là chúng tôi sẽ mở rộng bán sản phẩm qua các thị trường Úc, châu Âu và Nhật Bản vào cuối năm nay thông qua kênh bán hàng amazon”, bà Hân Nguyễn chia sẻ.

Thuong mai dien tu xuyen bien gioi: Bai 1 – Tan dung san choi lon, dua san pham ra the gioi
Thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới đang trở thành một xu hướng toàn cầu. Ảnh minh họa

Cơ hội bán hàng xuyên biên giới mở rộng hơn cho người bán hàng Việt khi mới đây, Amazon chính thức cung cấp trang web tiếp thị bằng tiếng Việt (services.amazon.vn) và trang facebook (fb.com/banhangamazon) giúp người bán hàng Việt dễ dàng tìm thông tin, tài liệu và sự hỗ trợ để bắt đầu việc bán hàng trên Amazon.

Khi kinh doanh trên Amazon, các đơn vị kinh doanh có thể tiếp cận được hơn 300 triệu tài khoản khách hàng ở hơn 180 quốc gia trên toàn cầu mà không phải tốn công sức, chi phí để mở hệ thống phân phối ở thị trường nước ngoài. Đặc biệt, Amazon hỗ trợ giao hàng. Hàng được lưu trữ tại các trung tâm hoàn thiện đơn hàng của Amazon và khi có khách mua hàng, đơn vị này sẽ lấy hàng, đóng gói và vận chuyển, cung cấp dịch vụ chăm sóc khách hàng cho các đơn hàng. 

Theo Bộ Công thương, VN được đánh giá là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng TMĐT nhanh nhất thế giới, với tốc độ 35% mỗi năm (cao gấp 2,5 lần so Nhật Bản).

Dự báo, thị trường này sẽ đạt mức 10 tỉ USD vào năm 2020. Hiện tại, tỷ lệ TMĐT của toàn cầu đã chiếm gần 10% tổng doanh thu bán lẻ, tại Trung Quốc là 14 - 15%.

Ngoài những cam kết hỗ trợ từ Amazon như trên, ông Nguyễn Ngọc Dũng – Phó chủ tịch Hiệp hội TMĐT VN (VECOM) cho biết, VECOM sẽ làm cầu nối giúp các Hiệp Hội có sản phẩm đặc thù có thể đưa SP bán xuyên biên giới qua các trang TMĐT; là cầu nối giữa các nhà cung ứng dịch vụ với các người bán; hỗ trợ thành lập các trung tâm, giúp các nhà sản xuất có thể đưa sản phẩm lên Amazon, Ebay…

Theo đánh giá của VECOM, Việt Nam hiện là thị trường thu hút nhiều đại gia TMĐT nước ngoài. Tốc độ tăng trưởng TMĐT của VN năm 2017 đạt trên 25% và tốc độ này có thể được duy trì trong giai đoạn 2018 – 2020. Riêng lĩnh vực bán lẻ trực tuyến, doanh thu năm 2017 tăng 35%; tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ chuyển phát từ 62% lên 200%…

“Sắp tới, chúng tôi sẽ tổ chức hội chợ giúp liên kết giữa các cộng đồng, các nhà sản xuất, các người bán hàng amazon trên toàn thế giới về VN chia sẻ kinh nghiệm. Vì vậy, các đơn vị nên tận dụng cơ hội bán hàng trên các trang TMĐT để đưa sản phẩm của mình ra toàn cầu, qua đó giới thiệu những sản phẩm chủ lực, đặc trưng của Việt Nam ra toàn thế giới”, ông Dũng khuyến nghị. 

Cơ hội lớn cho người bán hàng trên toàn cầu

Các trang TMĐT toàn cầu được giao dịch phổ biến hiện nay là Amazon, Ebay, Alibaba, Taobao…. Trong đó, Amazon chiếm 44% thị phần tại Mỹ, Ebay chiếm 7%. Theo thống kê, hiện có 55% người mua hàng ở Mỹ khi muốn tìm thông tin về sản phẩm là lên Amazon.

So với các trang TMĐT khác, Alibaba được đánh giá là website TMĐT toàn cầu lớn nhất thế giới với quy mô khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, có trên 100 triệu thành viên đang hoạt động và 3 triệu lượt tìm kiếm mua hàng mỗi ngày. Riêng tại Việt Nam, có tới 300.000 thành viên đăng ký tài khoản và 1.000 doanh nghiệp trong số đó đã và đang là thành viên uy tín của Alibaba. Cơ hội, thị trường cho tất cả người bán hàng trên toàn cầu là rất lớn. 

Thuong mai dien tu xuyen bien gioi: Bai 1 – Tan dung san choi lon, dua san pham ra the gioi
Cơ hội bán hàng xuyên biên giới nay mở rộng hơn cho người bán hàng Việt

Ông Nguyễn Kỳ Minh – Giám đốc Trung tâm Phát triển TMĐT (Cục TMĐT và Kinh tế số) cho biết quy mô thị trường TMĐT Khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2017 trên 600 tỉ USD và được dự báo đến năm 2021 sẽ vượt ngưỡng 1.000 tỉ USD. Tương tự, thị trường TMĐT Đông Nam Á năm 2015 đạt doanh số khoảng 5,5 tỉ USD và dự báo đến năm 2025 sẽ đạt trên 88 tỉ USD.

Theo đánh giá của VECOM, VN hiện là thị trường thu hút nhiều đại gia TMĐT nước ngoài. Tốc độ tăng trưởng TMĐT của VN năm 2017 đạt trên 25% và tốc độ này có thể được duy trì trong giai đoạn 2018 – 2020. Riêng lĩnh vực bán lẻ trực tuyến, doanh thu năm 2017 tăng 35%; tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ chuyển phát từ 62% lên 200%;…

Theo ông Minh, có nhiều xu hướng mới tác động tới thị trường TMĐT hiện nay, trong đó có xu hướng giọng nói (voice) và hình ảnh (photos) buộc người bán hàng trên các trang TMĐT phải thay đổi cách thức kinh doanh để bắt kịp xu hướng mua hàng của NTD. Liệu kinh doanh xuyên biên giới có thực sự là xu hướng kinh doanh của người bán hàng Việt Nam hay không?

“Đến năm 2020 – 2021, người tiêu dùng sẽ không tham khảo thông tin sản phẩm dựa trên nội dung mô tả, từ khóa quan trọng nữa mà họ tìm kiếm sản phẩm qua hình ảnh và giọng nói. Photos và voice là xu hướng tìm kiếm thông tin của NTD. Sắp tới đây thị trường sẽ tràn ngập các loại thiết bị có sử dụng voice”, ông Minh nhấn mạnh. 

Bên cạnh đó, các nền tảng giúp kinh doanh qua mạng cũng sẽ thay đổi, không chỉ dừng lại ở hạ tầng tổng hợp mà đi vào từng lĩnh vực cụ thể như: nông nghiệp, du lịch, y tế, tài chính, giáo dục, hàng tiêu dùng… sẽ giúp bán hàng xuyên biên giới tốt hơn. 

Nguyễn Cẩm

Thương mại điện tử xuyên biên giới - Bài 2: Doanh nghiệp còn ái ngại với thương mại điện tử

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI