Thịt heo Việt xuất ngoại chính ngạch: Cánh cửa đã hé

27/06/2018 - 16:00

PNO - Ngành nông nghiệp Việt Nam rất phấn khởi vì đã xuất được lô thịt heo chính ngạch đầu tiên sang Myanma.

Theo hợp đồng ký kết hợp tác, mỗi tháng phía Việt Nam sẽ xuất khẩu tối thiểu 1 container 40 feed (khoảng 26 tấn thịt heo tươi đông lạnh) sang thị trường của Myanmar. 

Thịt heo xuất đi là thịt heo sạch, an toàn vệ sinh và có thể truy xuất được nguồn gốc. Đáng chú ý, giá thịt heo tươi xuất khẩu cao hơn rất nhiều so với giá thị trường trong nước, đặc biệt so với giá thế giới còn cao hơn khoảng 15%.

Đây có thể là tín hiệu đầu tiên cho thấy ngành chăn nuôi ở Việt Nam đã có những đổi mới sau một thời gian dài chìm đắm trong các vấn đề nhức đầu liên quan tới thịt heo.

Thit heo Viet xuat ngoai chinh ngach: Canh cua da he
Ngành nông nghiệp Việt Nam rất phấn khởi vì đã xuất được lô thịt heo chính ngạch đầu tiên sang Myanma. Ảnh minh họa.

Ví như giá rớt thảm hại chỉ còn 20.000 đồng/ký, toàn dân giải cứu thịt heo, nào là thịt heo có tồn dư kháng sinh cao, heo bị bơm nước, chất lượng có vấn đề. Và nếu có xuất khẩu thì quanh đi quẩn lại chỉ là xuất tiểu ngạch cho thị trường Trung Quốc. Và một ít thịt heo sữa xuất sang thị trường Hồng Kông.

Thành công này đánh dấu việc ngành chăn nuôi Việt Nam bắt đầu chinh phục được các rào cản về tiêu chuẩn kỹ thuật và chất lượng của quốc gia nhập khẩu để xuất khẩu thịt heo. Đây là một kênh quan trọng để đưa các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam đến thị trường thế giới. 

Tất nhiên cần nói thêm về khả năng vượt qua rào cản này cho thịt heo Việt Nam không phải tới từ các doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam mà từ các doanh nghiệp có vốn nước ngoài. Mà cụ thể ở đây là Tập đoàn Mavin cùng Tập đoàn Sojitz Nhật Bản.

Vào cuối tháng 5/2018, container thịt lợn đầu tiên của Mavin đã cập cảng Yagoon - Myanmar và được đơn vị nhập khẩu thực hiện việc thông quan, kiểm dịch thành công. Thịt lợn của Mavin được đối tác đánh giá cao về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Mavin cũng đang đàm phán để xuất khẩu các sản phẩm thịt chế biến như dăm bông, xúc xích, thịt xông khói vào thị trường này ngoài thịt heo tươi.

Mavin là liên doanh giữa Australia và Việt Nam, đã có 15 năm hoạt động tại Việt Nam. Đây là doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam, sở hữu trọn vẹn chuỗi giá trị “từ nông trại tới bàn ăn” và là công ty duy nhất tại Việt Nam khép kín hoạt động trong các lĩnh vực: thức ăn chăn nuôi, con giống và hoạt động chăn nuôi, dược thú y, thực phẩm. 

Thit heo Viet xuat ngoai chinh ngach: Canh cua da he
Từ cánh cửa mở hé của xuất khẩu thịt heo cho tới khi có thể nâng cao kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này còn là một chặng rất dài. Ảnh minh họa.

Phối hợp cùng Tập đoàn Mavin để xuất khẩu thịt heo ra thế giới là Công ty Sojitz Việt Nam, thành viên của Tập đoàn Sojitz - Nhật Bản, một tập đoàn hàng đầu của Nhật Bản hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực bao gồm thương mại và sản xuất tại nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. 

Nghĩa là sự đóng góp của hai công ty có vốn nước ngoài này đã giúp cho doanh nghiệp và nông dân Việt Nam có thể mạnh dạn bước tiếp trên con đường xuất khẩu thịt heo. Có đi bước một mới đi được bước tiếp theo.

Nhưng đằng sau bước tiếp theo này là cái gì? Chính là bài toán của công nghiệp hóa ngành chăn nuôi và phải đi theo hướng Tiêu dùng Xanh để cung ứng các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, sạch, tươi và ngon. Nghĩa là phải có sự đầu tư và phát triển đồng bộ từ các chủ trang trại, từ doanh nghiệp thu mua, từ các nhà khoa học, từ ngân hàng và từ các nhà quản lý.

Một bài toán không dễ giải ở một quốc gia dù có truyền thống chăn nuôi song quen làm theo lối cũ, nhỏ lẻ, không kiểm soát tốt chất lượng và quy trình sản xuất, thậm chí có không ít người thích chạy theo lợi nhuận trước mắt mà bỏ quên lợi ích lâu dài.

Bởi vậy nên từ cánh cửa mở hé của xuất khẩu thịt heo cho tới khi có thể nâng cao kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này còn là một chặng rất dài. Mà hy vọng sẽ có nhiều chủ trang trại, chủ doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam dám dũng cảm bước qua.

Nguyễn Anh Thi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI