Thị trường Nhật Bản rộng mở, sao hàng Việt khó vào?

13/12/2018 - 06:00

PNO - Việt Nam và Nhật Bản vừa ký biên bản ghi nhớ hợp tác, đưa mục tiêu đến năm 2020, kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang Nhật đạt 500 triệu USD và đến năm 2015 là 1 tỷ USD.

Nhật Bản hiện là thị trường nhập khẩu tiềm năng lớn đối với nhiều loại hàng hóa của Việt Nam (VN), trong đó có nông sản, thủy hải sản. Song, để hàng vào được thị trường này không dễ!

Thị trường mở nhưng khắt khe

Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch Hiệp hội thực phẩm minh bạch (AFT), đánh giá thị trường Nhật Bản rất nhiều tiềm năng, người tiêu dùng Nhật đang có sự thay đổi về thói quen tiêu dùng. Trước đây, người Nhật không thích ăn cá nước ngọt, nhưng sau này họ ăn cá nước ngọt, nhờ đó VN xuất khẩu được cá tra vào Nhật.

Thi truong Nhat Ban rong mo, sao hang Viet kho vao?
Cá tra xuất khẩu sang Nhật

Bên cạnh đó, quan hệ đối ngoại giữa VN và Nhật Bản tốt đẹp, doanh nghiệp (DN) Việt có nhiều cơ hội làm ăn với các đối tác Nhật. Công nghiệp chế biến của VN học nhiều kinh nghiệm từ Nhật, DN Nhật mua hàng và sẵn sáng hướng dẫn DN Việt nắm rõ các tiêu chuẩn, yêu cầu để đáp ứng đầy đủ, xuất hàng thành công sang Nhật.

Tuy nhiên, không phải DN nào cũng có thể xuất khẩu hàng hóa sang Nhật dễ dàng. Nhiều lô hàng bị trả về chỉ vì những sai số trong tiêu chuẩn chất lượng đã được đánh giá, kiểm định từ các đối tác Nhật.

“Nếu DN nản sẽ rất dễ bỏ cuộc. Muốn xuất khẩu sang thị trường Nhật, đòi hỏi DN phải kiên nhẫn, có thể phải mất từ 6 tháng đến 1 năm mới có thể xuất khẩu được hàng và hàng bị trả về nếu không đạt yêu cầu chất lượng thỏa thuận ban đầu là điều dễ xảy ra. Phía Nhật có những tiêu chuẩn rất khắt khe về chất lượng và giá cả phải cạnh tranh”, ông Nguyễn Mạnh Việt, Tổng giám đốc Công ty TNHH Fosllea nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Mạnh Việt, Tổng giám đốc Công ty TNHH Fosllea, dẫn chứng: Công ty Fosllea xúc tiến đưa nhiều công ty VN xuất khẩu hàng sang Nhật, như bánh kẹo Bibica, cơm dừa Bến tre,... Khi Bibica xuất khẩu bánh kẹo sang Nhật, trong quá trình làm việc với Nhật, đàm phán xong giá cả, đối tác bên Nhật lấy mẫu về kiểm tra, đạt yêu cầu, lô hàng thứ nhất xuất khẩu sang Nhật thành công. 

Đến lô thứ hai họ cũng lấy mẫu kiểm tra hai lần và đạt yêu cầu, nhưng lần xuất khẩu này trùng vào dịp trung thu, Bibica tập trung sản xuất bánh trung thu, nhập khẩu nguồn dầu từ thị trường khác, dù tỷ lệ sai lệnh rất nhỏ so với kết quả kiểm tra trước đó nhưng lô hàng bị đối tác Nhật trả về.

Hơn thế, đối tác Nhật quan tâm tới hệ thống sản xuất, quản lý; đóng hàng phải đúng chuẩn, đạt yêu cầu chất lượng vệ sinh chứ không chỉ là chất lượng sản phẩm (SP).

Đối tác Nhật sẵn sàng chia sẻ, chuyển giao công nghệ nhưng quan trọng họ phải nhìn thấy được ý chí và quyết tâm của lãnh đạo DN muốn làm, làm tới cùng và làm tốt. Vì vậy, DN Việt muốn xuất khẩu hàng hóa sang Nhật cần xây dựng hệ thống tốt với quy trình, quy chuẩn rõ ràng và có ghi chép những thông tin cụ thể để lưu lại.

Thi truong Nhat Ban rong mo, sao hang Viet kho vao?
Xoài Việt Nam là một trong những loại trái cây được người tiêu dùng Nhật ưa chuộng.

Thế nhưng, theo đánh giá của bà Minh, nhiều DN Việt không chịu ghi chép, mặc dù các tiêu chuẩn đưa ra đều yêu cầu phải ghi chép rõ ràng; nhiều DN cũng thực hiện nhưng chỉ để đối phó. “Sự khác nhau giữa DN Nhật và DN Việt là nhiều DN Việt muốn đi nhanh, không coi trọng xây dựng văn hóa, niềm tin, năng lực vững chắc.  DN xuất khẩu không nên chỉ là người mua, đứng ngoài mà phải sát cánh cùng nông dân, tư vấn, hỗ trợ họ để cải thiện đất, phân bón, để đảm bảo chất lượng SP đồng nhất và điều quan trọng là phải xây dựng được hệ sinh thái”.

Chất lượng phải đồng nhất

Nói về hàng hóa VN xuất khẩu sang Nhật, ông Yuichiro Shiotani, Tổng giám đốc Công ty TNHH Aeon Topvalue VN (công ty phụ trách hoạt động xuất khẩu hàng VN sang các thị trường nước ngoài thông qua hệ thống của Aeon) dẫn chứng câu chuyện quả xoài.

Ông Yuichiro Shiotani cho biết ông rất thích xoài cát chu VN, ở VN ông thường xuyên mua loại xoài này. Khi trở về Nhật, ông thấy có một loại xoài đỏ cao cấp có giá bán khá cao. Song, gần đây Mexico cũng cung cấp loại xoài tương tự nhưng giá rẻ hơn. Người tiêu dùng Nhật rất thẳng thắn, không phải cứ là người Nhật thì sử dụng SP của Nhật, mà SP nào chất lượng, giá rẻ hơn thì họ mua.

“Vào tháng 10/2018, chúng tôi đã xuất khẩu xoài của VN qua Nhật. Về độ ngọt, xoài VN tương tự xoài của Thái Lan, Philipines, nhưng đáng tiếc là giá xoài VN cao hơn, bằng giá xoài đỏ của Mexico. Trong khi xoài Pakistan, nhập khẩu vào Nhật Bản có giá rẻ, độ ngọt (độ đường) từ 18 – 20 độ; xoài của Nhật độ ngọt từ 15 – 24; xoài Thái Lan, Philipines độ ngọt từ 15 – 18; xoài VN, độ ngọt trung bình là 15, nhưng đáng tiếc là không ổn định, thường dao động từ 10 – 20 độ.

Tôi mua xoài có quả rất ngọt, lần sau mua thì không ngọt nữa nhưng giá vẫn như vậy. Tôi thấy hơi khó chịu về điều này. Từ thực tế đó, tôi thấy rằng đối với nông sản của VN, điều rất quan trọng là cần phải hạn chế sự không đồng đều về chất lượng. Khi tôi trao đổi về trái xoài VN, người nông dân Nhật cho biết có thể khống chế độ đường từ 20 – 22, mức độ đường của trái xoài ổn định thì khi bán ở thị trường Nhật, người tiêu dùng Nhật sẽ chọn. Phương pháp cũng không phức tạp, nên chọn thời điểm thu hoạch, cách bảo quản và thời điểm xuất hàng”, ông Yuichiro Shiotani chia sẻ.

Từ câu chuyện trái xoài, nhìn rộng ra để hàng hóa VN có chỗ đứng ở thị trường Nhật thì theo ông Yuichiro Shiotani, DN Việt phải nhìn kỹ, tìm hiểu kỹ thị trường Nhật. DN Việt nên đến Nhật xem SP tương tự mình đang bán về chất lượng, giá cả để so sánh, tham khảo thị trường. Từ đó, DN quyết định cải thiện, tăng chất lượng SP, đảm bảo chất lượng SP đồng nhất và kiểm soát giá bán cho phù hợp.

Theo xếp hạng GDP (tổng sản phẩm quốc nội), Nhật Bản đứng sau Mỹ, Trung Quốc. Nhật Bản là một trong những nước có chỉ số tiêu thụ hàng hóa cao trên thế giới. Rất nhiều nước muốn bán SP tốt vào thị trường Nhật. Chính vì vậy, các DN khi đưa hàng vào thị trường này phải đối mặt với sự cạnh tranh rất lớn. Theo đó, chất lượng SP cao thì giá bán cao và ngược lại. DN phải nỗ lực tăng chất lượng SP và giảm giá bán SP thì mới cạnh tranh được ở thị trường Nhật.

Bên cạnh đó, điều quan trọng là DN Việt phải xây dựng niềm tin và vượt qua các yêu cầu của Nhật thì mới có thể xuất khẩu SP sang Nhật và có nhiều lợi ích từ thị trường này.

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI