Thị trường dược trong tầm ngắm của đại gia

16/04/2018 - 12:10

PNO - Chỉ từ năm 2017 tới nay, thị trường dược đã có nhiều biến động về sự tham gia của nhiều tên tuổi lớn của doanh nghiệp Việt như Thế Giới Di Động, Nguyễn Kim, FPT Retail, Digiworld, và mới đây nhất là Vingroup.

Nhập cuộc từ sản xuất đến phân phối

Một cách sớm sủa phải kể đến đại gia bán lẻ Nguyễn Kim. Từ năm 2014, Nguyễn Kim đã đầu tư vào Cty CP Dược Lâm Đồng (Ladophar). Đến năm 2017, Nguyễn Kim cho biết sẽ tăng tỉ lệ nắm giữ cổ phần tại Ladophar bằng cách mua thêm cổ phiếu để đạt tỉ lệ hơn 51%. Ngoài ra, đại gia này cũng đầu tư vào một chuỗi bán lẻ dược nhưng chưa quảng bá chính thức.

Như vậy với Nguyễn Kim, việc nhập cuộc vào thị trường dược từ khâu trồng trọt đến sản xuất và phân phối, bán lẻ. Ở giai đoạn này, sản phẩm của Ladophar phần lớn là thực phẩm chức năng và dinh dưỡng từ vùng thổ nhưỡng Lâm Đồng.

Với Thế Giới Di Động, kế hoạch nhảy vào thị trường bán lẻ dược phẩm đã được vạch ra từ 2-3 năm trước nhưng cho đến cuối năm 2017 mới công bố chính thức việc mua lại chuỗi nhà thuốc Phúc An Khang, sau đó đặt lại tên là An Khang.

Thi truong duoc trong tam ngam cua dai gia
Cuối năm 2017, Thế Giới Di Động mới công bố chính thức việc mua lại chuỗi nhà thuốc Phúc An Khang, sau đó đặt lại tên là An Khang. 

Nhà bán lẻ hàng công nghệ lớn của Việt Nam cho biết kế hoạch sẽ phát triển chuỗi nhà thuốc lên 500 điểm trong 2-3 năm tới. Tuy nhiên, về các động thái thúc đẩy chuỗi nhà thuốc An Khang từ cuối năm 2017 đến nay lại chưa cho thấy thực sự mạnh mẽ.

Không bán lẻ nhưng Digiworld – một doanh nghiệp phân phối hàng công nghệ - đã nhảy vào lĩnh vực phân phối dược phẩm và thực phẩm chức năng. Chưa có dấu hiệu nào cho thấy Digiworld có thể bứt phá trong lĩnh vực này.

Nhưng với Vingroup, việc công bố dự án Vinphar với tổng kinh phí đầu tư khoảng 100 triệu USD xây dựng một trung tâm nghiên cứu và sản xuất đông và tây dược trên diện tích 10ha thực sự gây chú ý.

Trên thực tế hiện nay, Vingroup có hệ thống bệnh viện Vinmec, có hệ thống siêu thị tiện lợi, siêu thị tổng hợp, siêu thị điện máy và hệ thống nhà thuốc, có kinh nghiệm về phân phối và bán lẻ…

Cùng chia sẻ chiếc bánh thị trường đang to dần

Trong số các đại gia nhảy vào thị trường dược phẩm hiện nay, FPT Retail cho thấy quyết tâm mạnh mẽ trong việc mở rộng chuỗi nhà thuốc Long Châu mà hệ thống bán lẻ hàng công nghệ này đã mua lại.

Trong năm 2017, chuỗi nhà thuốc Long Châu đã có 10 cửa hàng tập trung ở TP.HCM. Nhà bán lẻ này đang có kế hoạch sẽ mở khoảng 100 shop bán thuốc trong năm 2018 và đến năm 2020 sẽ đạt khoảng 400 shop chiếm khoảng 30% thị phần bán lẻ dược phẩm.

Thi truong duoc trong tam ngam cua dai gia
FPT Retail cho thấy quyết tâm mạnh mẽ trong việc mở rộng chuỗi nhà thuốc Long Châu mà hệ thống bán lẻ hàng công nghệ này đã mua lại. 

So với các chuỗi bán lẻ dược phẩm khác tại TP.HCM, hiện Long Châu có thương hiệu mạnh hơn, có số đầu thuốc cao phong phú đa dạng hơn các chuỗi khác song giá bán lại “mềm” hơn. Riêng doanh thu bình quân mỗi tháng của shop Long Châu hơn đứt các chuỗi khác, đạt mức 134.000USD/tháng so với mức 32.000 USD/tháng của Phúc An Khang hay 18.000 USD/tháng của Phano…

Trong đại hội cổ đông của FPT Retail mới đây bà Nguyễn Bạch Điệp – Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của FPT Retail – cho biết, hiện giá trị thị trường dước phẩm hơn 5 tỉ USD trong đó 1/3 nằm tại các nhà thuốc bệnh viện, 1/3 ở các phòng khám, phòng mạch và 1/3 còn lại bán lẻ ở các nhà thuốc.

Trong khoảng 2-3 năm tới, FPT Retail phấn đấu doanh thu từ ngành hàng dược phẩm, thiết bị y tế, thực phẩm chức năng chiếm khoảng 40% doanh thu, và lấy khoảng 30% thị phần bán lẻ dược tại các shop, thì cũng đã có khoảng 10.000 tỉ đồng doanh thu.

Thời điểm này chưa có chuỗi bán lẻ dược nào chiếm tới 20% thị phần, chính vì thế đây cũng là cơ hội vàng cho những nhà bán lẻ đầu tư mạnh mẽ, thần tốc mở chuỗi ra phạm vi cả nước. 

Tuy nhiên, khi các đại gia đánh hơi được “chiếc bánh” thị trường dược không hề nhỏ (năm 2017 bằng khoảng ½ thị trường hàng công nghệ điện thoại, điện tử, điện máy, và được dự báo đạt 7,3 tỉ USD vào năm 2019) thì cũng đồng thời bắt đầu lao vào cùng chia sẻ chiếc bánh.

Chính vì thế hiện nay, tương lai của ngành phân phối và bán lẻ dược phẩm dù có thể khởi sắc với phương thức bán hàng hiện đại hơn, phục vụ tốt hơn và có nhiều tiện ích hơn cho khách hàng nhưng cũng đã cho thấy dấu hiệu tính bầy đàn.

Thời điểm này chưa có chuỗi bán lẻ dược nào chiếm tới 20% thị phần, chính vì thế đây cũng là cơ hội vàng cho những nhà bán lẻ đầu tư mạnh mẽ, thần tốc mở chuỗi ra phạm vi cả nước. Vào cuối năm 2017, hi vọng này được đặt vào hai cái tên là Thế Giới Di Động và FPT Retail nhưng đến hết quí I/2018, nhánh bán lẻ FPT đang thể hiện khát vọng và quyết tâm hơn.

Trong khi đó, Thế Giới Di Động được cho rằng đang phải giải quyết nhiều bài toán ưu tiên khác (chuỗi Bách Hóa Xanh; Vuivui.com; tái cơ cấu và kiện toàn, mở rộng Trần Anh) nên việc mở chuỗi dược phẩm An Khang chưa được thúc đẩy tương xứng.

Diệu Tiên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI