Taxi truyền thống tiếp tục ‘kêu cứu’ lên Bộ, Vinasun khẳng định kiện Uber, Grab đến cùng

25/12/2017 - 10:41

PNO - Trong văn bản mới nhất gửi lên Bộ GTVT, Hiệp hội taxi TP.HCM đã chỉ ra một số bất cập khi vận hành, thí điểm hai hãng taxi công nghệ lớn là Grab và Uber. Đồng thời yêu cầu nên coi hai ‘nhà xe’ này là taxi.

‘Cần chấm dứt ngay khi hết thời hạn thí điểm’

Trong văn bản gửi Bộ GTVT, Hiệp hội nêu quan điểm: “Grab và Uber là hai đơn vị vận tải hành khách taxi. Đơn vị cung cấp phần mềm chỉ nên cũng cấp phần mềm, không được định giá cước, không sử dụng nguồn vốn của mình để khuyến mãi, không điều hành trực tiếp vận tải, không ký hợp đồng trực tiếp với lái xe mà chỉ kỳ hợp đồng với đơn vị vận tải”.

Đồng thời, Hiệp hội cũng đề nghị ngăn cấm việc sử dụng nguồn vốn nước ngoài vào việc khuyến mãi, quảng cáo để thao túng, chiếm lĩnh thị trường vận tải bằng taxi rồi báo lỗ.

“Cần quy định máy chủ đặt ở Việt Nam, hợp đồng ký phải xử lý tranh chấp ở Việt Nam”, văn bản của Hiệp hội taxi TP.HCM nêu rõ.

Taxi truyen thong tiep tuc ‘keu cuu’ len Bo, Vinasun khang dinh kien Uber, Grab den cung
Sau Hiệp hội taxi Hà Nội, Hiệp hội taxi TP.HCM gửi văn bản 'kêu cứu' đến Bộ GTVT.

Ngoài ra, Hiệp hội cũng chỉ ra một số quy định mới về phần mềm, trách nhiệm quản lý cũng như việc cần chấm dứt ngay khi hết hạn thí điểm và tổ chức chấn chỉnh quản lý sai sót, giải quyết những tồn đọng sau khi hết thời gian thí điểm trong Nghị quyết 24 của Bộ GTVT trong khi chưa ban hành nghị định mới.

Theo Hiệp hội taxi TP.HCM, “một số hiện tượng quan trọng đã phát sinh trong việc thực hiện Quyết định 24 của Bộ GTVT” như:  Grab và Uber điều hành quản lý như một doanh nghiệp vận tải taxi trong khi thực tế chỉ được là cung ứng phần mềm. Từ đó, ‘tự nhiên hình thành thị trường thống nhất với quy mô lớn’ chỉ có 2 công ty (Grab và Uber) điều hành cạnh tranh với các doanh nghiệp taxi qua chính sách giá, khuyến mãi,… được Hiệp hội cho là trái với định luật cạnh tranh.

Phía Hiệp hội cũng chỉ ra những vấn đề về pháp lý và giải quyết phát sinh khi các đơn vị vận tải nước ngoài đến Việt Nam. Cụ thể, pháp lý về ký kết với công ty nước ngoài bị yếu thế, xử lý tranh chấp ở Hà Lan khó khăn...

Bên cạnh đó, đơn vị này cũng đặt câu hỏi về số liệu xe chính xác mà Uber, Grab báo cáo. Theo Hiệp hội, hiện chưa có cơ quan nào quản lý số xe này, làm sao xác định thuế đã được đóng đủ qua phần mềm hay không?

“Còn có rủi ro trong việc đầu tư xe con cũng như lái xe chạy hợp đồng với đơn vị Uber, Grab. Khi họ chiếm lĩnh thị trường taxi liệu có còn duy trì tỷ lệ ăn chia trên doanh thu vận tải 20-25% hay sẽ thay đổi còn 70%, thậm chí là thấp hơn? Quyền lợi bảo hiểm đối với lái xe sẽ ra sao”, trích văn bản của Hiệp hội Taxi TP.HCM.

Trước Hiệp hội Taxi TP.HCM, Hiệp hội Taxi Hà Nội từng có văn bản kiến nghị dừng hẳn Uber, Grab trong tháng 9. 

Taxi truyền thống: Uber, Grab dùng tiền để ‘chẹt’

Trước đó, trao đổi với PV, ông Tạ Long Hỷ - Phó tổng giám đốc Vinasun cho biết hãng sẽ theo đuổi vụ kiện Grab, Uber đến cùng vì cách thức làm ăn bát nháo trên thị trường.

“Chúng tôi đang tiếp tục thu thập chứng cứ và sẽ theo đuổi vụ kiện này đến cùng. Chúng tôi được biết không chỉ có Vinasun mà còn nhiều hãng khác tại Hà Nội và TP.HCM sẽ tiếp tục kiện Grab, Uber vì hình thức cạnh tranh không lành mạnh. Cơ bản nhất ở đây là họ đang phá giá”, ông Hỷ nói.

Taxi truyen thong tiep tuc ‘keu cuu’ len Bo, Vinasun khang dinh kien Uber, Grab den cung
Vinasun kiên quyết kiện, Mai Linh nói không!

Theo phân tích của ông Hỷ, không chỉ riêng tại Việt Nam mà ở nhiều nước đều có luật chống phá giá. Như việc xuất khẩu cá tra sang Mỹ, sơ suất cũng bị kiện bán phá giá ngay. Vậy tại sao tại thị trường Việt Nam, các hãng này đưa các mức giá thất thường mà mình không có động thái gì để điều chỉnh.

“Chính vì thế chúng tôi sẽ khởi kiện họ, và kiến nghị Nhà nước xem xét về vấn đề chính sách quản lý giá. Chứ như kiểu cá lớn nuốt cá bé hiện nay thì không ổn. Không riêng Vinasun mà sẽ có nhiều hãng cũng sẽ kiện Grab và Uber, và tất nhiên chúng tôi cũng sẽ theo đuổi vụ kiện này. Chúng tôi đang trong giai đoạn tập hợp chứng cứ”, ông Tạ Long Hỷ nhấn mạnh.

Phó tổng giám đốc Vinasun còn cho biết thêm, vấn đề không nằm ở chỗ Grab và Uber chỉ đơn thuần là đơn vị cung cấp phần mềm hay do bộ máy, chính sách của các hãng taxi truyền thống quá lỗi thời. “Tôi cho rằng dù có thay đổi cách nào, nâng cấp dịch vụ đến mức nào cũng không thể cạnh tranh được với kiểu cạnh tranh như vậy. Bởi họ dùng tiền để “chẹt” mà, chứ không phải cạnh tranh bằng dịch vụ hay chất lượng. Hai cái này hoàn toàn khác nhau. Họ đã cố tình bù lỗ, bù lỗ và bù lỗ cho đến khi người ta chết thì thôi. Đây không phải là cạnh tranh mà là một hình thức triệt tiêu đối thủ”, đại diện Vinasun nói.

Ngược Vinasun, ông Hồ Huy, Chủ tịch HĐQT Mai Linh - khẳng định hãng sẽ không tham dự vào bất kỳ vụ kiện cáo nào với Grab, Uber.

Ngoài ra, ông cũng nghiêm túc chỉ rõ những điểm đáng học hỏi của hai ứng dụng công nghệ nói trên, bên cạnh hạn chế về quan điểm và văn hóa kinh doanh của Grab, Uber khi đến Việt Nam.

“Nói một cách nghiêm túc là đáng phải học hai sản phẩm này, một của châu Á và một của châu Âu. Tuy nhiên, có một điều là quan điểm, văn hóa kinh doanh của họ tôi lại không đồng ý”, ông Hồ Huy nói.

Cũng theo ông Huy, lựa chọn hình thức kiện các hãng công nghệ về vi phạm cách thức làm việc hay kiến nghị về chính sách áp thuế không công bằng chưa hẳn là một biện pháp có thể giải quyết được vấn đề từ gốc đến ngọn.

“Kiện hay không thì trước tiên phải nhìn về mình rồi xem đối thủ là người thế nào. Doanh nghiệp nào cũng có văn hóa riêng biệt nhưng có thể học hỏi lẫn nhau những gì tốt. Tôi không lấy kiện cáo làm chính mà thay đổi chính mình là chính. Mình không tốt làm sao lái xe gắn bó, dẫn đến khách hàng sẽ không ngó ngàng khi lái xe kém”, ông Hồ Huy đưa quan điểm.

Thái Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI