Quy định phạt 'chữ ký không giống mẫu' làm khó doanh nghiệp?

05/05/2018 - 07:19

PNO - Theo Nghị định 41/2018/NĐ-CP (Nghị định) có hiệu lực từ ngày 1/5, trên các chứng từ kế toán, nếu “chữ ký của một người không thống nhất hoặc không đúng với sổ đăng ký mẫu chữ ký”, sẽ bị phạt từ 5 - 10 triệu đồng.

Theo các luật sư, quy định này hợp lý, ngăn được những trường hợp ký khống, giả chữ ký. Trong khi đó, theo các doanh nghiệp, quy định này đưa ra vô tình làm khó họ, bởi không thể có chuyện chữ ký lúc nào cũng thống nhất được.

Tiêu chuẩn “thống nhất” không rõ ràng

Chị Hương Giang – kế toán công ty TNHH xuất nhập khẩu thương mại H.P (H.Bình Chánh, TP.HCM) tỏ ra khá bất ngờ khi nghe đến thông tin “chữ ký kế toán phải thống nhất và đúng với chữ ký mẫu”.

Chị Giang cho biết, mặc dù Nghị định đã có hiệu lực nhưng đến nay chị chưa nghe công ty nói gì đến việc phải đi đăng ký chữ ký cho kế toán. Riêng bản thân chị và rất nhiều bạn bè kế toán làm trong lĩnh vực xuất nhập khẩu cũng không nghe về thông tin này.

Quy dinh phat 'chu ky khong giong mau' lam kho doanh nghiep?
 

Theo chị Giang, Nghị định này sẽ gây khó cho kế toán và cả doanh nghiệp. Bởi chữ ký tùy theo tâm trạng, thời điểm, không thể có chuyện “trăm chữ giống như một” được.

Có thể một số doanh nghiệp sẽ đưa ra quy định, nếu kế toán ký sai thì phải chịu trách nhiệm số tiền xử phạt, lúc này kế toán luôn trong tâm trạng lo lắng, sợ ký không giống, riêng giám đốc doanh nghiệp cũng mất thời để kiểm tra từng chữ ký của kế toán.

“Hàng ngày, công ty chúng tôi có hàng trăm hóa đơn, chứng từ cần phải có chữ ký như ủy nhiệm chi thanh toán công nợ ngoại tệ, ủy nhiệm chi thuế, hóa đơn mua bán, công nợ phải thu của khách hàng, công nợ phải trả cho nhà cung cấp, sổ quỹ tiền mặt… Làm cách nào để chữ ký đều giống nhau được bây giờ?” – chị Giang lo lắng.

Theo chủ một công ty dịch vụ báo cáo thuế tại Q.Bình Thạnh, hiện nay nhiều công ty tư nhân phần lớn đều không có kế toán mà thay vào đó chọn các dịch vụ báo cáo thuế, báo cáo tài chính bên ngoài để tiết kiệm chi phí. Trung bình mỗi tháng công ty nhận báo cáo thuế cho gần 30 doanh nghiệp, không lẽ mỗi kế toán phải đăng ký hàng chục chữ ký mẫu với cơ quan thuế?

Ông Nguyễn Lâm Viên, tổng giám đốc công ty Vinamit cho biết chưa biết về thông tin này. Đứng ở góc độ là chủ doanh nghiệp, quan điểm của ông Viên quy định này là không hợp lý.

"Tôi làm doanh nghiệp 30 năm, ngay cả chữ ký của tôi cũng bị ngân hàng trả về để xác minh lại vì không giống chữ ký mẫu. Đơn giản là chữ ký 20 năm về trước phải khác so với chữ ký bây giờ. Tôi không rõ tiêu chuẩn “thống nhất” là như thế nào? Mục đích của Bộ tài chính đưa ra để làm gì? Nếu để giảm việc “ký khống, ký giả chứng từ” thì chứng tỏ hệ thống quản lý nhà nước có vấn đề. Chữ ký của người đứng đầu doanh nghiệp mới quan trọng, bởi nếu người đứng đầu không chịu ký thì kế toán cũng không làm được gì” – ông Viên nhận định.

Luật sư: Nghị định này là hợp lý!

Đó là khẳng định của Luật sư Nguyễn Văn Hậu – Chủ tịch Trung tâm trọng tài thương mại luật gia Việt Nam. Ông cho rằng, Nghị định không hề gây khó cho doanh nghiệp như một số người nghĩ.

Luật kế toán nêu rõ: chứng từ kế toán là những giấy tờ mang tính phản ánh nghiệp vụ để hoàn thành ghi sổ kế toán và phải có chữ ký trên đó. Chứng từ phải có đủ chữ ký của người đủ thẩm quyền hoặc người được ủy quyền ký. Riêng chứng từ kế toán chi tiền phải do người có thẩm quyền ký duyệt chi và kế toán trưởng hoặc người được ủy quyền ký trước khi thực hiện, tức là mỗi chứng từ chi tiền phải có đủ chữ ký của kế toán trưởng và người được cấp trên ủy nhiệm. 

Nếu chứng từ không đủ chữ ký của những người liên quan thì không được gọi là chứng từ kế toán. Chữ ký chứng từ không được ký in trực tiếp qua giấy than, ký bằng mực đỏ, chữ ký của một người nhưng không thống nhất.

Chứng từ kế toán rất quan trọng, đánh giá được tình hình hoạt động, thu chi ngân sách của từng doanh nghiệp. Thực tế, trong thời gian qua, có nhiều vụ án tố tụng hình sự xảy ra liên quan đến việc làm giả chứng từ kế toán. Hoặc có công ty, có những ông chủ sử dụng vốn sai mục đích nhưng nhờ người lập chứng từ giả để cung cấp cho các ngân hàng hoặc trốn thuế. Chính vì vậy, Bộ Tài chính mới trình với Chính phủ và đưa vào Nghị định.

Theo chị Quế Trân - kế toán tại một cơ quan nhà nước, Nghị định đưa ra là đúng. Nhiều người nghĩ rằng tất cả kế toán đều phải đăng ký mẫu chữ ký là không đúng, chỉ có kế toán trưởng hoặc kế toán được cấp trên ủy nhiệm ký vào các chứng từ kế toán mới đăng ký. Bên cạnh đó, việc đăng ký chữ ký mẫu cũng đơn giản chứ không hề phức tạp. Nghị định này đưa ra nhằm tránh trường hợp một trong hai cá nhân đứng tên trên chứng từ kế toán làm ăn phi pháp.

Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, ý thống nhất ở đây tức là: khi đăng ký chữ “Trâm” thì buộc sau đó phải ký đủ chữ “Trâm”, chữ “Trâm” có thể mập hơn hoặc ốm hơn, nét chữ đậm hơn hoặc nhạt hơn.

Nhưng nếu ký tắt thành “Tr” hoặc tự ý thêm “Bích Trâm” sẽ không được gọi là thống nhất. Hoặc chữ ký có chữ “H” nhưng sau đó ký bỏ mất chữ “H” thì không được gọi là thống nhất. Thống nhất không nhất thiết là phải giống nhau từng chi tiết hoặc như bản sao.

“Rất nhiều chữ ký giống nhau, na ná nhau, việc đăng ký chữ ký là để tạo sự khác biệt và đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp chứ không hề gây khó” Luật sư Nguyễn Văn Hậu nói.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI