Nữ doanh nhân Nhan Húc Quân: Dùng người bằng sự khích lệ

11/10/2014 - 19:35

PNO - PNCN - Khởi đầu bằng công việc nhân viên văn phòng; khi làm chủ doanh nghiệp với hơn 200 nhân viên, chị Nhan Húc Quân - Tổng giám đốc (TGĐ) Công ty TNHH Bao bì giấy nhôm New Toyo (100% vốn đầu tư nước ngoài) đã tạo được sự đồng...

edf40wrjww2tblPage:Content

 Tạo cú hích thị trường nội địa

* Để trở thành TGĐ của doanh nghiệp lớn, phải chăng một phần là do chị có khởi đầu khá tốt khi là cháu ruột của Chủ tịch Tập đoàn New Toyo Singapore?

- New Toyo có vốn đầu tư 100% của Singapore. Với công ty nước ngoài, họ yêu cầu năng lực làm việc, không quan tâm đến mối quan hệ gia đình - dù thực tế, xuất phát điểm của công ty là mô hình doanh nghiệp gia đình. Vì thế, trở thành TGĐ của một doanh nghiệp lớn, tôi khẳng định không có sự ưu ái nào ở đây. Thực tế, tôi đã trải qua nhiều công việc tại đây. Khi số lượng nhân viên ban đầu chỉ vài người, tôi đã làm mọi việc, từ bán hàng, đi gặp đối tác, đi nhận hàng… Và tôi phải mất 13 năm đi từ nhân viên đến phó tổng, rồi mới trở thành TGĐ điều hành hơn 200 lao động.

Nhiều người tưởng tôi có chú ruột sẽ thuận lợi hơn, nhưng thật sự, tôi có những áp lực không nhỏ khi gánh tránh nhiệm. Thay đổi cả một thể chế với hơn 200 con người đang làm việc lúc bấy giờ là điều cực kỳ khó khăn. Khi đưa ra những quyết định đổi mới con người, tôi chạm đến chén cơm của họ. Với người làm thâm niên, tôi cho thời gian để họ học hỏi, nhưng nếu không tiến bộ, tôi buộc cho họ nghỉ việc. Với mối quan hệ trong dòng họ, tôi phải chịu những lời không hay… Tôi không “tuyệt tình” mà giải quyết mọi vấn đề trên cơ sở lấy con người làm gốc và tìm mọi cách để hài hòa lợi ích giữa các bên để dẫn dắt mọi người hướng về mục tiêu chung. Sau đó, mọi người cũng hiểu và không còn thái độ khó chịu. Tôi có một bí quyết dụng người là luôn khích lệ, dù công việc họ làm chưa hoàn chỉnh như mong muốn. Sự khích lệ này mang lại thái độ tích cực trong công việc, điều tôi đã học được ở ba tôi.

* Trong thời gian điều hành, chị đã có những cú hích thị trường nội địa bằng những sản phẩm hoàn toàn cạnh tranh với nước ngoài. Chị có thể chia sẻ bí quyết?

- Năm 1993, khi New Toyo vào Việt Nam, công ty đã có sự đột phá khi là đơn vị đầu tiên sản xuất giấy nhôm, ống giấy cho thị trường nội địa. Nhưng phân xưởng sản xuất chật chội, mặt bằng nhỏ, lại thêm cách quản lý nên phát triển không mạnh. Khi quyết định chọn hướng “ra riêng” theo mô hình quản lý công ty - một quyết định táo bạo, anh em ai cũng đồng lòng, bởi nó phù hợp với xu thế tất yếu của thị trường, của xã hội.

Từ phó tổng lên TGĐ, tôi bắt đầu cho xây dựng hệ thống ISO, SA và OHSAS (an toàn lao động) theo tiêu chuẩn quốc tế. Tôi đã có chế độ đãi ngộ nhân viên, tạo dựng môi trường làm việc tốt… Kết quả, khi hệ thống đi vào hoạt động, hiệu quả kinh doanh tăng rõ rệt, tinh thần nhân viên phấn chấn hẳn, bầu không khí làm việc thể hiện rõ sức mạnh của tập thể.

Ngoài sản phẩm chủ lực là giấy ghép nhôm, ghép màng… năm 2009, chúng tôi là đơn vị đầu tiên mạnh dạn đưa ra thị trường những sản phẩm mới an toàn và chất lượng như khay, đĩa, ly, chén giấy…

Biết từ chối và chấp nhận đúng lúc

* Quản lý bao nhiêu con người, gánh nặng cũng như áp lực của chị không phải là ít, và chị đã vượt qua bằng cách nào?

- Giải quyết những vấn đề xung đột giữa con người với nhau không chỉ cần kiến thức mà phải có cả vốn sống. Để làm tròn vai của mình, không còn cách nào khác là học và học liên tục. Phải học kỹ năng lãnh đạo, quản lý thời gian, biết từ chối và chấp nhận đúng lúc, biết sắp xếp thứ tự ưu tiên trong công việc và cuộc sống. Ngoài ra, tôi cho rằng, cần biết tận hưởng thú vui với chuyện chợ búa vào những ngày cuối tuần, hướng về những công việc thiện để tâm hồn thư thái.

* Lợi thế cũng như hạn chế của nữ doanh nhân là gì? Có bao giờ chị nản lòng với hàng núi công việc của mình?

- Lợi thế của phụ nữ là “ăn chắc mặc bền”, tỉ mỉ, kiên nhẫn và bao dung. Nhiều người cho rằng đó cũng là những hạn chế với nữ doanh nhân làm lãnh đạo, ngược lại, tôi cho rằng đó chính là điểm mạnh để hạn chế thấp nhất những rủi ro, và những đức tính ấy cũng góp phần không nhỏ tạo nên sự thành công cho bản thân và doanh nghiệp. Thú thật, đôi lúc tôi cũng chạnh lòng khi những gút mắc trong công việc chưa thống nhất, nhưng những từ ngữ tiêu cực như “nản lòng”, “bó tay” không nằm trong từ điển của tôi.

Phụ nữ làm quản lý cũng có hạn chế vì mềm yếu, tôi cũng từng bị cám dỗ bởi “cơm áo gạo tiền”, nhưng tôi đã vượt qua được. Đơn giản, nếu mình cầm cương mà làm điều khuất tất, thì chắc chắn sẽ có lúc nhân viên biết được, làm sao họ nể và nghe mình.

* Chị dung hòa thế nào giữa cuộc sống gia đình và công việc?

- Đã là phụ nữ thì không thể lơ là gia đình. Tôi luôn dành thời gian cuối tuần, những ngày nghỉ hè, nghỉ lễ tết cho gia đình. Con cái luôn tìm đến mẹ để tâm sự trò chuyện, đó là niềm hạnh phúc với tôi. Tôi không ôm đồm việc chăm sóc nhà cửa mà vận động các thành viên cùng tham gia, nhỏ làm việc nhỏ, lớn làm việc lớn.

* Xin cảm ơn chị!

 ĐỨC PHONG (thực hiện)

Thuộc phái “chân yếu, tay mềm”, nhưng họ đã chứng minh thuyết phục rằng, phụ nữ khi bước ra thương trường vẫn mang lại hiệu quả kinh doanh không kém nam giới, thậm chí còn thuận lợi hơn do biết linh hoạt giữa nhu và cương, tình và lý.
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI