Những người giàu nhất Việt Nam đang tranh nhau làm nông dân

19/02/2017 - 07:46

PNO - Nếu như thời điểm 2007-2008, nhà giàu Việt Nam ồ ạt đổ vốn vào ngân hàng thì giai đoạn 2014 đến nay, các "đại gia" đều lần lượt dắt tay nhau đi đầu tư nông nghiệp.

Trong top những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt hiện nay, dường như chỉ còn đại gia mới nổi Trịnh Văn Quyết chưa nói đến nông nghiệp. Diện mạo của ngành này trong năm 2017 và thời gian tới được đánh giá là cực kỳ sôi động, khi hàng nghìn tỷ đồng vốn được các đại gia Phạm Nhật Vượng, Đoàn Nguyên Đức, Trần Đình Long, Nguyễn Duy Hưng đổ vào đầu tư chia thị phần.

Tỷ phú đôla trồng rau, chủ doanh nghiệp thép làm thức ăn gia súc

Doanh nghiệp của bầu Đức được xem là ông lớn đầu tiên có tuyên bố nghiêm túc với nông nghiệp.

Bầu Đức đã đổ đến khoảng 18.000 tỷ đồng trong khoảng 5 năm để đầu tư nông nghiệp một cách chuyên nghiệp trên quy mô lớn. Việc thành lập một công ty chuyên biệt để hoạt động trong lĩnh vực này cho thấy bầu Đức quyết lấy nông nghiệp làm mũi nhọn trong hoạt động kinh doanh.

Nhung nguoi giau nhat Viet Nam dang tranh nhau lam nong dan
Hầu hết các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam đều đang đổ vốn đầu tư nông nghiệp.

Dù giá cao su liên tục lao dốc khiến doanh nghiệp của đại gia phố núi chật vật, nhưng mảng mía đường, dầu cọ và đặc biệt đàn bò khoảng 90.000 con đang là nguồn thu chính hiện nay. Năm 2016, doanh thu từ bò mang lại cho bầu Đức 905 tỷ đồng.

Sau bầu Đức, tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng nhanh chóng tiến vào nông nghiệp khi xây dựng chuỗi khép kín trồng và tiêu thụ rau sạch từ năm 2015. Doanh nghiệp này này đầu tư đến khoảng 2.000 tỷ đồng với tham vọng định vị lại thị trường rau sạch tại Việt Nam và hướng đến xuất khẩu.

Không chịu đứng nhìn, ông Trần Đình Long, chủ Tập đoàn Hòa Phát cũng tuyên bố chia thị phần nông nghiệp, với việc đầu tư 300 tỷ đồng thành lập công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Hưng Yên có công suất 300.000 tấn/năm. Mục tiêu lãnh đạo tập đoàn này đặt ra trong vài năm tới là đạt doanh thu 3.000 tỷ đồng/năm. Hiện Hòa Phát đã đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng vào sản xuất thức ăn chăn nuôi và nuôi heo.

Massan gần 3 năm nay cũng liên tục thực hiện các cuộc thâu tóm doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp, để hoàn thiện chuỗi kinh doanh theo mô hình 3F (Feed: thức ăn chăn nuôi - Farm: nông trại - Food: thực phẩm).

Pan Pacific của đại gia Nguyễn Duy Hưng cũng liên tục đổ vốn để sở hữu cổ phần tại nhiều doanh nghiệp nông nghiệp như Công ty Xuất nhập khẩu thủy sản Bến Tre, Công ty Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (Agifish), Công ty cổ phần Chế biến hàng xuất khẩu Long An... Tính đến nay, PAN đã đầu tư vào nông nghiệp gần 150 triệu USD, tương đương hơn 3.300 tỷ đồng.

Hùng Vương của đại gia Dương Ngọc Minh cũng mua lại hàng loạt công ty cùng ngành, như Việt Thắng, An Giang, Lâm thủy sản Bến Tre...

Năm 2015, Hùng Vương còn công bố dự án chăn nuôi heo có tổng vốn đầu tư 2.000 tỷ đồng, gồm xây dựng 2 nhà máy thức ăn gia súc, gia cầm (tại Long An và Bình Định); hệ thống trang trại quy mô 2.380 con heo giống cụ kỵ (tại Long An, An Giang, Bến Tre, Bình Định); nhà máy sản xuất PRemix, thuốc thú y cùng các khâu hậu cần, logistics đi kèm. 

Nhung nguoi giau nhat Viet Nam dang tranh nhau lam nong dan
Cuộc cạnh tranh nông nghiệp công nghệ cao được cho sẽ cực kỳ sôi động trong thời gian tới.

Trước đó, ông chủ điện máy Nguyễn Kim cũng thể hiện tham vọng lấn sân vào nông nghiệp khi chi phối cổ phần lớn tại nhiều công ty lương thực, thực phẩm.

Nông dân đối mặt với sự cạnh tranh bằng máy móc hiện đại?

Năm 2016 là năm mà Chính phủ mới liên tục có những thông điệp mạnh mẽ và hành động cụ thể nhằm kêu gọi doanh nghiệp, nhà đầu tư đầu tư hơn nữa vào lĩnh vực nông nghiệp, đưa nền nông nghiệp nước nhà trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tương xứng cho GDP.

Đặc biệt, với thông điệp của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc sẽ có gói tín dụng 60.000 tỷ đồng cho nông nghiệp công nghệ cao, càng tạo thêm niềm tin cho doanh nghiệp khi đầu tư vào lĩnh vực này.

Tờ Nikkei của Nhật hôm 18/1 đưa tin, các công ty Việt Nam đang chi mạnh tay đầu tư vào lĩnh vực “nông nghiệp công nghệ cao”, để thúc đẩy quá trình hiện đại hóa ngành nông nghiệp đang rất tiềm năng.

Điển hình là Trường Hải (Thaco) – nhà sản xuất ôtô lớn nhất Việt Nam đang lên kế hoạch bán máy móc phục vụ nông nghiệp vào tháng 10 tới.

Vingroup cũng vừa chi khoảng 22,8 triệu USD phát triển 213ha trang trại tại tỉnh Thừa Thiên Huế đầu tháng 4 tới. 

 Vinamilk đã bán loại sữa organic đáp ứng tiêu chuẩn của Bộ Nông nghiệp Mỹ. Công ty đang có kế hoạch xuất khẩu sữa sang Campuchia và Lào.

FPT cũng vừa hợp tác với Fujisu mở trung tâm nghiên cứu ứng dụng IT vào nông nghiệp.

Tất cả những công ty này đều có chung một đặc điểm: Nhìn thấy tiềm năng tăng trưởng vô cùng to lớn trong lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam.

Nhung nguoi giau nhat Viet Nam dang tranh nhau lam nong dan
Nông dân được cho là sẽ đối mặt với sự cạnh tranh từ máy móc, công nghệ sản xuất hiện đại theo chuẩn quốc tế của các tập đoàn lớn.

Năm 2016, nông nghiệp và ngư nghiệp đóng góp 16,3% tổng GDP. Hiên hơn 60% người dân trong nước làm nông nghiệp hoặc có thành viên trong gia đình làm nông nghiệp.

Tuy nhiên, lĩnh vực này còn đang tụt hậu, và nhiều nông dân đang trồng cấy phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết.

Chính vì vậy khi rất nhiều tập đoàn lớn trong nước tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp, những người nông dân này được cho là sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh từ những trang trại với máy móc hiện đại, công nghệ và tiêu chuẩn quốc tế.

Mang tiền sang Lào, Campuchia trồng cao su, nuôi bò

Phát biểu tại Hội nghị về đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam sang các nước tiểu vùng sông Mê Kông ngày 17/2, đại diện Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết tính đến tháng 1/2017, Việt Nam có 1.188 dự án đầu tư tại 70 quốc gia, vùng lãnh thổ với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 21,395 tỷ USD.

Thị trường chủ yếu là Lào với 270 dự án, trị giá 5,12 tỷ USD; Campuchia với 191 dự án giá trị hơn 2,85 tỷ USD. Ngoài ra còn đầu tư vào một số quốc gia khác như Mỹ, Nga, châu Phi…

Lĩnh vực đầu tư chủ yếu của các doanh nghiệp Việt là nông lâm nghiệp, viễn thông, khai khoáng, dịch vụ khám chữa bệnh… Đây là những lĩnh vực thế mạnh của Việt Nam, được thể hiện rất rõ về quy mô và cơ cấu vốn tại hai nước Lào, Campuchia, gần đây là Myanmar.

Cụ thể, tại Campuchia, trong tổng số vốn hơn 2,85 tỷ USD, các doanh nghiệp Việt Nam rót hơn 1,9 tỷ USD đầu tư lĩnh vực nông nghiệp (chiếm gần 67% tổng vốn). Tại Lào, trong tổng vốn 5,12 tỷ USD, doanh nghiệp Việt rót hơn 2,2 tỷ USD vào lĩnh vực nông nghiệp, thủy lợi...

Riêng Tập đoàn Cao su Việt Nam hiện có 23 dự án trồng cao su tại Lào và Campuchia, tổng diện tích đăng ký 139.450 ha. Hoàng Anh Gia Lai có 4 dự án, với diện tích đăng ký 38.758 ha, diện tích đã trồng đạt 31.229 ha.

Hồng Ân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI