Nhà đầu tư nước ngoài lo ngại hàng giả, nhái tại Việt Nam

12/05/2018 - 08:37

PNO - Với hơn 90 triệu dân, Việt Nam là thị trường tiêu dùng tiềm năng, nhưng lại khiến nhiều doanh nghiệp (DN) nước ngoài e ngại vì tình trạng hàng giả, nhái, kém chất lượng tràn lan.

Với hơn 90 triệu dân, Việt Nam là thị trường tiêu dùng tiềm năng, nhưng lại khiến nhiều doanh nghiệp (DN) nước ngoài e ngại vì tình trạng hàng giả, nhái, kém chất lượng tràn lan. Đây là chia sẻ của nhiều DN nước ngoài tại hội thảo Nâng cao nhận thức về quyền sở hữu trí tuệ (SHTT), tại TP.HCM, ngày 10/5.

Theo các DN, sản phẩm bị làm giả nhiều nhất là bánh kẹo, dược phẩm, mỹ phẩm, hàng thời trang…

Nha dau tu nuoc ngoai lo ngai hang gia, nhai tai Viet Nam
Bánh kẹo, dược phẩm, mỹ phẩm, hàng thời trang… là những sản phẩm bị làm giả nhiều nhất.

Ông Jeong Jong Yeon - Đại diện Orion Group - cho biết, sản phẩm Choco - Pie bị làm giả rất nhiều bằng cách thiết kế bao bì y chang nhưng tên gọi khác, như: bánh Choco Pai, hộp bánh làm còn tám cái. Thậm chí, có doanh nghiệp làm giả kiểu dáng Choco - Pie Hàn Quốc rồi xuất sang các nước Trung Đông, châu Á… và kiện ngược lại Orion Group.

Bà Jaeheon Lee - Trung tâm Nghiên cứu SHTT Hàn Quốc (KISTA) - chia sẻ, ngày càng nhiều DN Hàn Quốc bị vi phạm về SHTT, làm nhái hàng hóa; tập trung ở các sản phẩm như: mỹ phẩm, dược phẩm, hàng tiêu dùng.

Ông Kwanyoung Kim - Cục QLTT Hàn Quốc - bày tỏ lo ngại, rất nhiều người mua hàng nhái, giả qua kênh bán lẻ hiện đại, truyền thống và cả kênh thương mại điện tử. “Điều lạ là nhiều người biết rõ đang mua hàng giả, nhái, nhưng vẫn tiếp tay để chúng phát tán trên diện rộng. Hàng giả vẫn được bày bán tràn lan dù có đến sáu cơ quan quản lý liên quan” - ông Kwanyoung Kim nói.

Ông Trần Hùng - Phó cục trưởng Cục QLTT TP.HCM - khẳng định: “Thực thi quyền SHTT có ý nghĩa ngày càng quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia, đặc biệt trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Hàng nhái, giả làm thiệt hại ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, giảm sút niềm tin của người tiêu dùng”.

Theo KOTRA, số lượng các DN FDI tại Việt Nam đăng ký bảo hộ quyền SHTT cao gấp tám lần so với DN trong nước, nhất là trong lĩnh vực dược phẩm. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng hàng giả, hàng nhái tràn lan ở nước ta là do nguồn nhân lực còn hạn chế, cơ chế thực thi quyền SHTT chồng chéo, thủ tục bất cập, nhận thức của người tiêu dùng còn thấp.

Anh Kim

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI