Người tiêu dùng khó phân biệt heo gạo bằng mắt thường

10/11/2018 - 06:00

PNO - Thông tin Bình Phước phát hiện 108 người mắc bệnh heo gạo (sán dây), người tiêu dùng lo ngại liệu heo gạo từ Bình Phước có về TP.HCM và làm sao nhận biết?

Hiện nay, hơn 80% nguồn heo cung cấp cho TP.HCM là từ các chợ đầu mối trong thành phố, 15% còn lại là từ các công ty lớn như Vissan… Ngoài ra, vẫn còn khoảng 5% nguồn thịt heo từ các lò mổ đến trực tiếp các chợ lẻ. Theo đó, việc kiểm soát chất lượng, an toàn nguồn thịt heo có khác nhau.

Nguoi tieu dung kho phan biet heo gao bang mat thuong
Nhiều người tiêu dùng TP.HCM lo ngại liệu heo gạo từ Bình Phước có về TP.HCM và làm sao nhận biết

Ông Lê Văn Tiễn – Phó giám đốc chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn cho biết, heo vào chợ đầu mối phải thực hiện đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo, được kiểm soát từ trang trại tới lò mổ và heo vào chợ phải có gắn vòng, tem truy xuất nguồn gốc.

Trước khi heo vào chợ đầu mối phải chịu sự kiểm soát của cơ quan thú y, vào chợ rồi thì tổ công tác của Ban an toàn thực phẩm thành phố kiểm tra, giám sát. Thịt heo phải đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm từ thân thịt sạch, heo không bơm nước, không tồn dư hóa chất,… Đồng thời, tổ an toàn thực phẩm và tổ bảo vệ chợ cũng chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát.

Theo PGS.TS Lê Thành Đồng - Viện trưởng Viện Sốt rét & Ký sinh trùng - Côn trùng TP.HCM, 108/904 người tại Phú Nghĩa, Đắk Ơ, Bù Gia Mập của huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước mắc bệnh heo gạo, với sự hiện diện của ấu trùng sán dải heo là tỉ lệ khá cao.

Tình trạng nhiễm bệnh tại đây rất cao, khả năng lây lan rất lớn do tập quán chăn nuôi lợn thả rong, sinh hoạt, vệ sinh chưa đảm bảo, thói quen ăn uống người dân tại đây thường ăn thịt tái, sống, làm nem, gỏi,… 

Theo quy định, đến 6 giờ sáng, heo không được vào chợ nữa. Tuy nhiên, thực tế vẫn có thương nhân trà trộn heo bên ngoài vào bán tiếp, bị bảo vệ phát hiện, báo ban an toàn thực phẩm xử lý.

“Quy trình kiểm soát nguồn thịt heo vào chợ rất chặt chẽ, từ trước tới giờ chúng tôi chưa phát hiện có tình trạng bày bán heo gạo. Tuy nhiên, sau khi biết thông tin Bình Phước xuất hiện heo gạo và nhiều người nhiễm bệnh heo gạo, ban quản lý chợ báo cáo ban an toàn thực phẩm để tăng cường kiểm tra, giám sát heo vào chợ, lấy mẫu kiểm tra; đồng thời thông báo, tuyên truyền đến thương nhân nên kiểm tra kỹ nguồn heo, không được bán heo nhiễm bệnh”, ông Tiễn khẳng định.

Thực tế, rất khó phát hiện ra heo gạo, mà phải lấy mẫu thịt heo kiểm nghiệm. Vì vậy, người tiêu dùng (NTD) bằng mắt thường cũng không thể nhận biết được heo gạo. Tuy nhiên, chị Nga – tiểu thương chuyên doanh thịt heo tại chợ Căn cứ 26A, Q.Gò Vấp, TP.HCM cho biết, theo kinh nghiệm của chị, khi nhập heo vào, nếu bề mặt thịt có những bất thường như có các nốt nhỏ trắng hình hạt gạo, có thể con heo đó bị bệnh heo gạo, chị sẽ trả về lò giết mổ, không bán heo bệnh.

“Heo gạo trước đây thỉnh thoảng còn có, chứ sau này nhập heo vào tôi không thấy có tình trạng này. Để an toàn, tôi lấy heo từ chợ đầu mối về bán chứ không lấy trực tiếp từ lò mổ nữa vì toàn bán cho khách quen, phải giữ uy tín”, chị Nga nói.

Ông Lê Văn Quyết – Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Nam Bộ khẳng định trước giờ trong hiệp hội chăn nuôi Nam Bộ chưa phát hiện có tình trạng heo gạo.

“Chúng tôi thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo, tuyên truyền để các hộ chăn nuôi thực hiện đúng các quy định trong chăn nuôi, không để xảy ra tình trạng heo nhiễm bệnh”, ông Quyết cho biết.

Về phía NTD, theo các chuyên gia an toàn thực phẩm, NTD nên mua thịt heo ở các cửa hàng, điểm bán uy tín; nếu mua ở chợ cần lưu ý có thể nhận biết heo gạo thông qua những vùng cơ ở gốc lưỡi hay cơ đùi. Nếu heo gạo thì tại các vị trí này có thể xuất hiện các hạt như hạt gạo nếp, mật độ dày có thể tạo thành nhóm hay từng bọc.

Nguoi tieu dung kho phan biet heo gao bang mat thuong
Sán dải heo (sán dây lợn)

Trong các nốt này có ấu trùng sán dây, đây là loại sán thường sống ký sinh trong hệ tiêu hóa của heo. Khi ăn miếng thịt loại này, không cẩn thận có thể bị nhiễm sán vào người. 

Ấu trùng sán có thể chết khi đun sôi ở nhiệt độ 100 độ C trong 10 phút. Tuy nhiên, không ít người chủ quan đun không đủ thời gian hoặc để nguyên tảng thịt đem luộc dẫn đến thịt không chín và ấu trùng sán vẫn sống. Khi ăn vào cơ thể, ấu trùng sán sẽ ký sinh gây bệnh, hút chất dinh dưỡng làm cơ thể gầy yếu.

PGS.TS Lê Thành Đồng - Viện trưởng Viện Sốt rét và Ký sinh trùng - Côn trùng TP.HCM cho biết, Viện đã thông báo cho y tế địa phương về tình trạng nói trên tại Bình Phước để tổ chức phòng chống dịch bệnh cho nhân dân. Tuy nhiên, đến nay việc điều trị cho những người nhiễm bệnh chỉ được thực hiện một số rất ít. Điều đáng quan tâm là tình trạng chăn nuôi heo thả rông tương tự như các xã của huyện Bù Gia Mập mà chưa được phát hiện.

PGS.TS Lê Thành Đồng khuyến cáo: “Các thực phẩm như: nem chua, gỏi, thịt lợn tái, rau sống,… rất dễ có nguy cơ gây nhiễm ấu trùng và sán dây trưởng thành. Mặt khác, vệ sinh, phóng uế bừa bãi cũng sẽ khiến bệnh này lây lan nhanh từ người sang người. Ở các địa phương, cơ quan có thẩm quyền phải quản lý chặt chẽ lò mổ, tiêu chuẩn vệ sinh giết mổ. Đặc biệt, không nuôi heo thả rông để tránh lây lan bệnh trên diện rộng”.

Theo PGS.TS Lê Thành Đồng, tùy thuộc vào người ăn hay nuốt phải trứng, nang ấu trùng mà có thể mắc các bệnh như bệnh ấu trùng sán heo hay bệnh sán trưởng thành ở ruột. Nếu nang sán nằm trong cơ, người bệnh có thể thấy những u nhỏ, chắc, kích thước khoảng 1 – 2 cm hoặc bằng hạt đỗ, lạc, không ngứa, không đau… Nếu trên miếng thịt heo có các hạt tròn nhỏ màu trắng ngà thì heo cũng đã nhiễm bệnh.

Một người mắc bệnh heo gạo phải được điều trị, theo dõi bệnh thường xuyên để tránh những biến chứng do ấu trùng hóa nang gây ra. Nếu người bệnh tuân thủ nghiêm ngặt theo hướng dẫn của bác sĩ, có thể khỏi bệnh sau 7 ngày.

Nguyễn Cẩm - Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI