Ngồi nhà gọi món, hưởng... mưa khuyến mãi

14/07/2019 - 08:33

PNO - Ngại nắng mưa, không có thời gian... là những lý do khiến khách hàng chẳng muốn dắt xe ra hàng quán. Đừng lo, bạn chỉ cần “lướt, chạm” là ngay lập tức, thức ăn sẽ được giao tận nơi.

Nhiều lựa chọn

Theo thống kê từ Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, nếu như năm 2017 mới chỉ có 30% số người dân thành thị sử dụng các dịch vụ đặt món trực tuyến thì trong 6 tháng đầu năm 2018, con số đã chạm mốc 70%.

Và đến nay, khảo sát của Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar TNS tháng 4/2019 cho thấy, GrabFood là thương hiệu giao nhận thức ăn được sử dụng thường xuyên nhất tại Việt Nam với 81% lựa chọn, tiếp đến là Now của foody.vn và GoFood của GoViet.

Giữa tháng 5/2019, thị trường giao đồ ăn có thêm tân binh đến từ Hàn Quốc - Woowa Brothers. Đơn vị này cũng đã triển khai ứng dụng giao đồ ăn BAEMIN tại Việt Nam sau khi thâu tóm ứng dụng Vietnammm. Chính sự ra đời của nhiều hãng đã tạo ra cuộc cạnh tranh khốc liệt, khiến việc gọi đồ ăn ngày càng trở nên dễ dàng hơn với người tiêu dùng.

Ngoi nha goi mon, huong... mua khuyen mai
Giao đồ ăn trực tuyến tại Việt Nam đang là miếng bánh “béo bở”, thu hút nhiều đơn vị trong và ngoài nước đầu tư

Báo cáo mới nhất của Euromonitor cho thấy, thị trường đặt món trực tuyến tại Việt Nam có giá trị 33 triệu USD trong năm nay và dự báo sẽ đạt hơn 38 triệu USD vào năm 2020. Giao đồ ăn trực tuyến tại Việt Nam đang là miếng bánh “béo bở”, thu hút nhiều đơn vị trong và ngoài nước đầu tư.

Ông Trường Bomi, CEO của Ahamove, dự báo thị trường giao đồ ăn năm 2019 sẽ thực chất hơn và có sự tăng trưởng tốt. Bởi việc sử dụng smartphone ngày càng phổ biến hơn, thanh toán trực tuyến cũng tiện dụng hơn và người sử dụng có thể trả tiền qua ví điện tử tạo sự tiện lợi cho cả tài xế và người mua, nguồn cung là các nhà hàng sẽ tốt hơn, kích thích thị trường.

Công ty nghiên cứu thị trường GCOMM cũng vừa công bố nghiên cứu về mức độ hài lòng của người dùng đối với các dịch vụ đặt món trực tuyến tại thị trường Việt Nam. Cụ thể, 99% người tham gia khảo sát cho biết sử dụng các dịch vụ đặt thức ăn trực tuyến ít nhất 2-3 lần/tháng. Đáng chú ý, có đến 39% người tham gia khảo sát đặt món thông qua ứng dụng 2-3 lần/tuần. Và dù còn chiếm tỷ lệ rất nhỏ, chỉ 1%, nhưng thị trường đã bắt đầu hình thành một nhóm khách hàng có thói quen hầu như bật ứng dụng trên điện thoại di động để đặt thức ăn mỗi ngày. 

Tốc độ 

Hiện nay, đa số khách mua hàng đều mong muốn được giao hàng nhanh. Họ không muốn chờ đợi quá lâu, nhất là đồ ăn vì để lâu sẽ bị hỏng hoặc ăn kém ngon.

Nắm bắt được nhu cầu đó của khách hàng, cụ thể là nhu cầu muốn được thỏa mãn một cách nhanh chóng, thay vì đi lại giữa điều kiện thời tiết không thuận lợi, xe cộ đông đúc, khách hàng có thể đặt món thông qua ứng dụng giao đồ ăn. Quá trình để có một bữa ăn đơn giản chỉ là sử dụng chiếc điện thoại thông minh hoặc máy tính có kết nối internet lựa chọn, đặt hàng và ngồi chờ món ăn được đưa đến tận tay.

Tốc độ là yếu tố để người dùng quyết định chọn app. Mỗi đơn giao đồ ăn mà từ khi khách đặt đến khi nhận được hàng chỉ nên ở khoảng thời gian dưới 30 phút. Thời gian giao quá lâu sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đồ ăn và khách hàng phải chờ đợi lâu mới được ăn sẽ không tiếp tục sử dụng dịch vụ nữa. Do đó, lợi thế cạnh tranh của các ứng dụng giao đồ ăn sẽ thuộc về những ứng dụng chủ động được nguồn lực tài xế.

Ngoi nha goi mon, huong... mua khuyen mai
Các ứng dụng vừa tăng tính tiện ích vừa đưa khuyến mãi để hấp dẫn người dùng

Khách hàng mục tiêu của dịch vụ này là giới trẻ, nhân viên văn phòng - những người không có nhiều thời gian đi lại hoặc không muốn đi lại để ăn uống. 

Nhiều nhà hàng, quán ăn, quán cà phê không có đội ngũ giao nhận riêng. Không ít quán vẫn đang thuê tài xế xe ôm đi giao món thì việc hợp tác với một số công ty giao nhận để hoàn chỉnh quy trình đặt món là thượng sách, vừa bán được hàng, vừa quảng bá thương hiệu.

Ứng dụng gọi món trực tuyến hiện diện ngay trên điện thoại di động, có khả năng nhắc nhở khách hàng về một dịch vụ giao đồ ăn nhanh chóng và tiện lợi; các doanh nghiệp có thể tối đa hóa lợi nhuận và tiết kiệm chi phí thuê nhân viên để có thể trụ vững trên thị trường ngành dịch vụ cạnh tranh khốc liệt này.

Trên nhiều app đặt món, địa điểm hot (Top order) sẽ giúp khách hàng biết được những món ăn, thức uống được mọi người “cuồng” nhất và đặt hàng nhiều nhất trong tháng. Nhờ đó, bạn sẽ không sợ bị lạc hậu vì luôn được cập nhật những món ăn đang được ưa thích nhất thông qua ứng dụng.

“Mưa” khuyến mãi

Ra mắt chưa lâu và để thu hút người dùng, gần đây GrabFood liên tục tung ra các mã giảm giá từ 40.000 - 80.000 đồng cho khách mua đồ ăn qua ứng dụng này. Dịch vụ này còn để hẳn danh sách những hàng quán được miễn phí ship. 

Dịch vụ của Lala cũng thường xuyên có mã giảm từ 30-70% cho khách đặt đồ ăn, hoặc miễn phí ship cho khách mua. Trong khi đó, tháng Bảy này, now.vn cũng giảm giá từ 30-50% giá món ăn; foody.vn hoặc giảm giá đến 60% giá món ăn, hoặc đồng giá 15.000 đồng/món. GoFood giới thiệu nhiều combo hấp dẫn theo các khung giờ vàng trong ngày, combo mua 1 tặng 1 đối với món trà sữa. Nếu bạn là khách hàng mới lần đầu sử dụng dịch vụ, sẽ được Foody  tặng code giảm giá đến 80%. 

Baemin dù còn ít ứng dụng và ít món ăn, nhưng cũng kịp tung ra chương trình khuyến mãi khủng, lên đến 70%. Nhiều dịch vụ “mạnh tay” kết hợp các ngân hàng tặng voucher nếu bạn tải và sử dụng ví điện tử. 

Đặc biệt, nhiều ứng dụng còn có dịch vụ đặc biệt dành cho các “cú đêm”, phục vụ xuyên đêm đến 5g sáng với giá ship hàng gần như không đổi. Và từ cuối năm 2018, các ứng dụng giao đồ ăn đã đồng loạt ra mắt dịch vụ túi giữ nhiệt để đảm bảo chất lượng đồ ăn.

Theo nhiều quán ăn, các ứng dụng gọi món giúp cửa hàng tăng thêm đơn đến 30% nhưng khách hàng cũng rất dễ quay lưng với nhà cung cấp khi quán mới liên tục xuất hiện với những chương trình khuyến mãi hấp dẫn mà khách trẻ sẵn sàng “mạo hiểm” để trải nghiệm. Vì thế các quán phải có “phong độ” ổn định, kèm những chương trình hấp dẫn, mới lạ, độc đáo, thường xuyên. 

Thời gian gần đây, những ứng dụng đặt món ăn có lượng người truy cập lớn đã đặt cược vào thị trường giao đồ ăn bằng việc đổ tiền khuyến mãi để thay đổi hành vi người dùng. Số lần người dùng đặt đơn ăn online sẽ tăng dần từ đặt 1-2 lần/tháng, nâng lên 1-2 lần/tuần và sẽ tiếp tục tăng lên nhiều hơn - khoảng 1-2 lần/ngày trong 
tương lai. 

Năm tiêu chí quan trọng nhất được khách hàng xem xét khi quyết định lựa chọn dịch vụ đặt món, bao gồm: tốc độ giao hàng nhanh chóng (65%); món ăn được đóng gói gọn gàng, sạch sẽ (58%); món ăn được giao đến với chất lượng đảm bảo (56%); món ăn được giao chính xác theo đơn hàng đã đặt (50%); có nhiều món ăn với giá cả phải chăng (45%). 

Thiên Thiên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI