Mua trả góp, coi chừng 'dính' bảo hiểm khoản vay

15/12/2018 - 06:00

PNO - Cuối năm, nhiều khách hàng mua sắm theo dạng vay mua trả góp. Vì chạy theo hoa hồng, doanh số, không ít nhân viên tín dụng tư vấn lập lờ về việc mua bảo hiểm khoản vay khiến sau này, khoản tiền lãi phát sinh nhiều hơn.

Chị Ngọc Hà - ngụ tại Q.Bình Thạnh, TP.HCM - vay 3 triệu đồng từ một công ty tài chính để mua điện thoại trả góp với lãi suất 0%, góp trong 3 tháng, số tiền phải trả là 1 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, chị bất ngờ khi số tiền này “đội” lên thành 1.133.000 đồng.

Chị thắc mắc thì được giải thích, chị đã mua bảo hiểm khoản vay là 400.000 đồng nên ngoài số tiền gốc đã vay, chị phải đóng thêm số tiền 133.000 đồng/tháng. “Lúc tôi làm hồ sơ vay, không hề nghe nhân viên nhắc đến việc phải mua bảo hiểm, khi đến kỳ hạn thanh toán, mới biết có khoản bảo hiểm đó” - chị Hà kể. 

Mua tra gop, coi chung 'dinh' bao hiem khoan vay
 

Còn chị Kim Thanh - ngụ tại Q.Tân Bình, TP.HCM - vay tín chấp 100 triệu đồng tại Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) thời hạn 5 năm để sửa chữa nhà. Sau khi hoàn tất hồ sơ vay, chị được nhân viên đề nghị ký hợp đồng mua bảo hiểm khoản vay, số tiền 5 triệu đồng. Nhân viên này cho biết, quy định của ngân hàng, ai vay cũng phải mua bảo hiểm. Nghe vậy, chị đành vay thêm 5 triệu đồng nữa để mua bảo hiểm. 

Một số trường hợp muốn mở thẻ tín dụng, phải mua bảo hiểm khoản vay, nhưng nhân viên ngân hàng không tư vấn rõ ràng. Chị Thu Hồng - ngụ tại Q.3, TP.HCM - được Công ty tài chính FE Credit mời chào mở thẻ tín dụng với hạn mức là 28.400.000 đồng.

Lúc nhân viên tư vấn làm hồ sơ và lúc nhận thẻ tín dụng, chị không hề nghe đến khoản tiền bảo hiểm nào, nhưng khoảng một tháng sau đó, điện thoại chị bỗng nhận được tin nhắn thông báo đã đăng ký thành công bảo hiểm người vay tín dụng với mức phí 400.000 đồng/năm, tương đương 1.096 đồng/ngày. 

Theo giải thích của các tổ chức tín dụng, vay mua hàng trả góp là dạng vay tín chấp (không có tài sản thế chấp), rủi ro cao nên khách thường được tư vấn mua bảo hiểm khoản vay. Khi mua bảo hiểm, trong trường hợp khách không may gặp những rủi ro không lường trước như tai nạn, qua đời và mất khả năng chi trả, công ty bảo hiểm sẽ đứng ra trả nợ thay cho khách hàng. Đây cũng là yếu tố quan trọng để các tổ chức tín dụng dễ dàng phê duyệt khoản vay của khách. 

Theo luật sư Nguyễn Hà Phong (Đoàn Luật sư TP.HCM), quy chế cho vay của tổ chức tín dụng ban hành kèm theo Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước không quy định việc khách hàng phải mua bảo hiểm liên quan đến khoản vay khi khách hàng vay vốn tại tổ chức tín dụng.

Như vậy, việc khách hàng mua bảo hiểm đối với khoản vay là thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng với khách hàng vay trên cơ sở tự nguyện của các bên. Tuy nhiên, một số tổ chức tín dụng không tư vấn cụ thể khiến khách hàng nghĩ đây là một khoản chi phí bắt buộc và không hiểu hết lợi ích của bảo hiểm khoản vay. 

Thông thường, mức phí bảo hiểm phụ thuộc từng công ty bảo hiểm, dao động từ 0,9-6% trên số tiền gốc mà khách hàng đăng ký vay tín chấp tại ngân hàng. Ví dụ, khách hàng vay 20 triệu đồng, mức phí bảo hiểm là 5,5% thì khách sẽ phải đóng thêm số tiền 1.100.000 đồng.

“Bảo hiểm khoản vay là chi phí không bắt buộc nên các tổ chức tín dụng cần tư vấn cụ thể, rõ ràng, minh bạch cho khách hàng. Đồng thời, khách hàng cần chủ động hỏi rõ nhân viên tư vấn các khoản bảo hiểm trước khi đặt bút ký hồ sơ. Trên thực tế, có những tổ chức tín dụng nghiêm cấm nhân viên tư vấn lập lờ để ép khách mua bảo hiểm khoản vay; thậm chí, có những nơi ghi rõ trong hợp đồng là không có bảo hiểm khoản vay, để khách thấy trước khi đặt bút ký” - luật sư Nguyễn Hà Phong nói. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI