Mua sim xài rồi: Đang yên lành, bỗng dưng bị gọi điện đòi nợ

21/05/2018 - 06:41

PNO - Nhiều khách hàng sau khi mua sim mới về dùng, bỗng nhiên nhận được các cuộc điện thoại từ công ty tài chính, các điểm cho vay, yêu cầu trả nợ.

Một số khách hàng khác cũng đau đầu vì mình không sử dụng mạng xã hội Zalo nhưng lại có người dùng mạng này với số điện thoại của mình để vay mượn nợ, kêu gọi ủng hộ từ thiện. 

Mệt mỏi vì mua trúng sim cũ

Đại diện Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng cho biết, từ đầu năm 2018 đến nay, tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng của cục (1800 68 38) đã tiếp nhận trên 90 cuộc gọi của người tiêu dùng phản ánh việc bỗng dưng có người gọi điện thoại đòi nợ, sau khi sử dụng sim mới, có trường hợp bị quấy rối liên tục suốt nửa năm với tần suất 10 cuộc gọi/ngày.

Mua sim xai roi: Dang yen lanh, bong dung bi goi dien doi no
Nhiều khách hàng bức xúc vì bị đòi nợ vô cớ.

Anh Minh Cảnh - nhân viên một công ty truyền thông tại Q.3, TP.HCM - cho biết, cách đây nửa tháng, anh có mua một số điện thoại mới thuộc mạng MobiFone. Mới sử dụng được một ngày, anh Cảnh nhận được cuộc gọi từ số điện thoại 0932 785 3xx, tự xưng là nhân viên Công ty tài chính FE Credit: “Đề nghị anh Đặng Quốc Trí thanh toán tiền mua iPhone 6 trả góp. Hiện anh còn nợ 2 tháng”. 

Anh Cảnh giải thích mình chưa từng vay tiền, cũng không phải là khách hàng tên Trí hay người thân quen của Trí, nhưng sau đó, mỗi ngày, anh vẫn nhận được vài cuộc gọi tương tự. Anh Cảnh gọi vào số điện thoại trên nhưng không liên lạc được, anh cũng không thể chặn được số vì mỗi ngày, nhân viên công ty trên sử dụng một số điện thoại khác nhau.

Nhân viên này khẳng định: khi nào khách hàng Đặng Quốc Trí thanh toán hết 2 tháng nợ, mới thôi làm phiền. “Tôi rất mệt mỏi. Vợ tôi thì nghi ngờ do tôi giấu giếm vay tiền. Tôi đang định bỏ luôn số điện thoại này nhưng vẫn còn tiếc vì đã mua với giá gần 300.000 đồng” - anh Cảnh than. 

Một số người còn bị nhân viên tài chính dọa dẫm, dùng lời lẽ rất “hổ báo”. Chị Việt Đoan - ngụ tại Q.Bình Tân, TP.HCM - kể, chị mua một sim điện thoại Viettel trả sau được 2 tháng, hạn sử dụng sim là 1 năm.

Trong hai tháng qua, ngày nào chị cũng bị nhân viên từ FE Credit gọi cả chục lần từ các số khác nhau để đòi nợ chủ cũ. Chị đã khẳng định không phải là người vay, cũng không quen biết với chủ sim cũ nhưng vẫn bị nhân viên gọi điện thoại hăm dọa báo công an. Chị Đoan chưa kịp trả lời thì nhân viên đã tắt máy.

Ngoài bị đòi nợ vô cớ, một số người khi mua sim mới còn bị tình trạng chủ cũ dùng số điện thoại đăng ký tài khoản trên mạng xã hội Zalo hoặc phục vụ cho mục đích bất chính khác.

Chị Thu Trang - nhân viên tại một cơ quan nhà nước, ngụ tại Q.3, TP.HCM - cho biết, cách đây 1 tháng, chị đến một cửa hàng điện thoại di động mua một sim điện thoại Viettel trị giá 300.000 đồng. Sau đó, chị phát hiện số điện thoại này đang được chủ cũ dùng đăng ký tài khoản trên Zalo.

Từ tài khoản Zalo này, chị thường xuyên bị yêu cầu cung cấp mã giao dịch. Chủ tài khoản Zalo này còn thường xuyên kêu gọi ủng hộ từ thiện, vay mượn tiền. “Bạn bè tôi cứ nghĩ tài khoản Zalo này là của tôi nên đã chuyển tiền vào số tài khoản của người giả mạo” - chị Trang bức xúc. Ngay sau đó, chị Trang tìm cửa hàng điện thoại để nhờ xóa tài khoản Zalo kia. 

Theo nhân viên cửa hàng này, hiện trên thị trường đa phần là sim cũ khởi tạo lại, nếu muốn mua thuê bao mới 100%, phải chịu mức giá khá cao. “Chẳng lẽ khi có nhu cầu sử dụng số điện thoại mới, khách hàng phải chấp nhận những phiền toái từ sim cũ” - chị Trang bày tỏ. 

Lỗi nhà mạng hay công ty tài chính?

Trao đổi với chúng tôi, đại diện các nhà mạng cho biết, các sim đã có người sử dụng đều là những sim bị nhà mạng thu hồi (do chủ thuê bao không nạp tiền và bị khóa sim) để khởi tạo và cho vào kho số bán.

Những trường hợp bỗng dưng bị đòi nợ có thể là do khách hàng sử dụng lại số thuê bao của chủ cũ đang vay nợ; bị người khác lấy thông tin cá nhân để cung cấp cho ngân hàng khi làm thủ tục vay nợ. Những cuộc gọi này xuất phát từ các đơn vị tài chính, không liên quan đến nhà mạng. 

Quả thật, hiện đang phổ biến tình trạng người vay nợ lấy số điện thoại của người khác điền khống vào hồ sơ vay vốn, nhưng các tổ chức tài chính, tín dụng không chịu xác minh thông tin số điện thoại mà người vay cung cấp. 

Mua sim xai roi: Dang yen lanh, bong dung bi goi dien doi no
Hiện đang phổ biến tình trạng người vay nợ lấy số điện thoại của người khác điền khống vào hồ sơ vay vốn.

Đại diện Công ty FE Credit thừa nhận, thời gian qua, có nhiều thông tin phản ánh của khách hàng về tình trạng “không vay nhưng bị đòi nợ”. Khi làm hồ sơ vay tại FE Credit, khách phải khai hai số điện thoại tham chiếu là người thân để phòng trường hợp khoản nợ xấu, nợ quá hạn và công ty sẽ căn cứ vào hai số điện thoại này để nhắc nhở người vay trả nợ. Có thể do số điện thoại tham chiếu sau một thời gian không còn dùng, được bán lại, bị thu hồi hoặc do nhập liệu sai số điện thoại… nên mới dẫn đến tình trạng trên. 

“Hiện công ty đang nâng cấp, kiểm soát lại toàn bộ hệ thống. Nếu nhân viên nhắc nợ có hành vi vi phạm, sẽ bị xử phạt; nếu khách hàng bị nhân viên công ty gọi nhầm thì hãy phản ánh trực tiếp lên số tổng đài công ty, chúng tôi sẽ rà soát dữ liệu, xóa số khỏi hệ thống và xin lỗi khách hàng” - đại diện công ty này nói. 

Đại diện Công ty tài chính Home Credit cho biết thêm, sau khi khách hàng nộp đơn đề nghị vay vốn, công ty sẽ chấm điểm dựa trên nhiều tiêu chí như lịch sử tín dụng, khả năng hoàn trả vốn vay.

Việc gọi điện cho người thân theo số điện thoại khách hàng cung cấp là có nhưng được thực hiện ngẫu nhiên chứ không gọi hết 100%. Khách hàng có lịch sử tín dụng tốt thì bước thẩm định có thể nhanh hơn. Không thể có chuyện chạy theo doanh số mà công ty bỏ qua bước thẩm định cho vay vì nhân viên tư vấn bán hàng và bộ phận thẩm định là hai bộ phận độc lập. 

Nhân viên bán hàng không thể quyết định về việc khách hàng có được vay vốn hay không. Hoa hồng cho nhân viên bán hàng còn phụ thuộc vào quá trình trả nợ của khách hàng, điều này buộc nhân viên phải tư vấn đầy đủ, ghi nhận thông tin chính xác.

Bộ phận thẩm định chịu trách nhiệm về rủi ro nợ xấu nên không có chuyện công ty vì chạy theo doanh số mà cho vay dễ dàng để phải đối mặt với nợ xấu về sau.

Để tránh tình trạng sim bị chủ cũ sử dụng đăng ký tài khoản Zalo với mục đích xấu, ông Đặng Thanh Phong - Trưởng bộ phận truyền thông Công ty cổ phần Thế Giới Di Động -  cho biết, sau khi mua sim, khách hàng nên nhờ nhân viên kiểm tra và xóa tài khoản Zalo (trường hợp đã có người đăng ký Zalo). Cũng có trường hợp sim đã đăng ký chính chủ nhưng đăng ký Zalo lại là một người khác.

Theo ông Phong, có thể là do khách hàng mua sim khuyến mãi tại cửa hàng bên ngoài, sim này đã được kích hoạt và đăng ký bằng tên người khác (thường là tên và thông tin của đại lý kích hoạt sim đó).

Sau này, sim được chuyển đổi thành thông tin của khách hàng nhưng thông tin tài khoản Zalo vẫn chưa được chuyển đổi. Với trường hợp này, khách hàng liên hệ với số tổng đài Zalo để được chuyển đổi thông tin. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI