Lợi dụng nghệ sĩ bị ung thư để bán sản phẩm tràn lan trên mạng

06/09/2018 - 06:00

PNO - Hiện không ít người rao bán thực phẩm chức năng (TPCN) xách tay từ Nhật với công dụng ngừa, điều trị ung thư. Điều đáng nói, các loại TPCN này được người bán vô tư rao là thuốc, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.

“Tát nước theo mưa” để thu lợi

Mới đây, một facebooker có nickname Y.T rao bán sản phẩm từ Nhật và khẳng định: Đây là thuốc “trị ung thư chứ không còn là hỗ trợ điều trị, dù là giai đoạn nào”.

Theo quảng cáo, dược phẩm này được làm ra từ một giáo sư ở Nhật. Tuy nhiên, sản phẩm này chưa được cấp giấy phép được do quá trình cấp phép rất nhiêu khê (?!) - theo giải thích của vị giáo sư này. Vì vậy, ông ta tập trung cung cấp thuốc cho các người bệnh quen biết và tất cả đã khỏi... 100%! 

Loi dung nghe si bi ung thu de ban san pham tran lan tren mang
Rao bán thực phẩm chức năng (TPCN) xách tay từ Nhật với công dụng ngừa, điều trị ung thư

Hiện sản phẩm được quảng cáo có giá 4 triệu đồng/hộp. Song, tuyệt nhiên lại không hề đá động gì đến tên thuốc, thành phần sản phẩm.

Tương tự, rất nhiều facebooker khác còn liệt kê những cái chết vì ung thư của các diễn viên, ca sĩ từ năm 2015 đến nay rồi quảng cáo các loại thuốc trị ung thư của Nhật. Một trong số đó là sản phẩm có tên Fucoidan, giá hơn 2 triệu đồng/hộp.

Loi dung nghe si bi ung thu de ban san pham tran lan tren mang
Fucoidan được quảng cáo tác dụng như "thần dược"

Theo người bán, sản phẩm này có khả năng hỗ trợ điều trị ung thư, tăng cường hệ miễn dịch, tăng sức đề kháng để tế bào ung thư không thể di căn... Người khỏe mạnh có thể phòng bệnh bằng cách uống 2 viên/ngày. Người bị bệnh thì dùng 20 viên/ngày trước hoặc sau bữa ăn.

Quảng cáo sai phạm tràn lan

“Fucoidan” là cụm từ được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây, nhất là trong vấn đề hỗ trợ điều trị ung thư. Fucoidan là TPCN, song nhiều cửa hàng muốn bán được sản phẩm đã quảng cáo lập lờ sản phẩm này có công dụng điều trị như thuốc. Thậm chí, có cửa hàng còn gọi là “thuốc Fucoidan” gây nhầm lẫn với người tiêu dùng.

Tại trang website của công ty TNHH thương mại dịch vụ B. (Q.7, TP.HCM), Fucoidan được quảng cáo là thuốc với nhiều chủ đề bài viết: “Liều dùng thuốc Fucoidan để ngừa ung thư”, “Thuốc Fucoidan ở đâu tốt nhất”, “Miêu tả quy trình sản xuất thuốc trị ung thư Fucoidan tại Nhật Bản”…

Cụm từ “thuốc Fucoidan” trong bài viết đều được công ty in đậm lên. Thậm chí, một số dòng sản phẩm của Fucoidan như: Tokuno Fucoidan 100, Okinawa Fucoidan Kanehide Bio… còn được công ty gọi là thuốc “trị ung thư” thay vì là “hỗ trợ điều trị ung thư”.

Hiện TPCN đang bị thả nổi, nhiều hàng giả, hàng kém chất lượng được quảng cáo thái quá về tính năng sản phẩm trong khi việc quản lý hiện nay lại quá lỏng lẻo.

TPCN là sản phẩm liên quan đến sức khỏe, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến người tiêu dùng nếu đó là sản phẩm kém chất lượng.

Đã đến lúc cơ quan chức năng cần phải chung tay vào cuộc,không thể để tình trạng bát nháo như vậy tiếp diễn mãi. 

PGS.TS.DS Nguyễn Hữu Đức – ĐH Y Dược TP.HCM

Một số nơi không gọi là thuốc nhưng “ém” luôn cụm từ TPCN theo quy định.

Tại website nhathuoc365.vn quảng cáo TPCN Fucoidan Max (Hàn Quốc), tuy nhiên trong suốt nội dung quảng cáo, cửa hàng này không hề gọi đây là TPCN. Ngay sau phần quảng cáo cũng không có câu “Sản phẩm không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh” theo quy định của Bộ Y tế.

PGS.TS.DS Nguyễn Hữu Đức – ĐH Y Dược TP.HCM cho biết, hiện nay có nhiều khái niệm "thuốc Fucoidan" tồn tại. Cụm từ “thuốc Fucoidan” cũng được sử dụng khá phổ biến trong người dùng. Nhưng thực tế, Fucoidan không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Đây là một nhầm lẫn thường gặp trong việc phân biệt giữa thuốc và thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị bệnh.

Chính sự hiểu lầm Fucoidan là thuốc nên nhiều người sử dụng Fucoidan như một loại thuốc để điều trị ung thư, thậm chí bỏ luôn liệu trình điều trị và chỉ sử dụng Fucoidan.

“Đã là TPCN thì chỉ có công dụng hỗ trợ một phần nào đó, không thể thay thế thuốc điều trị được. Việc tự ý bỏ ngang liệu trình điều trị có thể khiến bệnh tình thêm nguy hiểm. Riêng về loại thuốc điều trị ung thư mà vị giáo sư người Nhật nào đó nghiên cứu, đây chắc chắn là trò lừa. Đừng tin vào truyền miệng kẻo rước bệnh vào người vì những loại thuốc không rõ danh tính, nguồn gốc, độ an toàn” – PSG.DS.TS Nguyễn Hữu Đức khuyến cáo.

Lê Quân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI