Lao đao vì trùng tên với doanh nghiệp sai phạm

17/08/2019 - 07:06

PNO - Trùng tên hoặc có tên gần giống với các doanh nghiệp sai phạm, làm ăn gian dối, một số doanh nghiệp làm ăn chân chính bị vạ lây.

Trùng tên vô tình hay cố ý?

Mới đây, Phòng Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã triệt phá đường dây sản xuất tân dược, thực phẩm chức năng giả quy mô lớn do Nguyễn Đình Lạc Thư - Phó giám đốc Công ty TNHH TNM Asia Pharmacy - (Q.7) - và Lê Văn Khối cầm đầu. 

Đáng chú ý, Lê Văn Khối lại là Giám đốc Công ty TNHH Dược phẩm Đông dược Việt. Tên công ty này khá giống với tên Công ty cổ phần Dược phẩm Việt (VIETPHARM). Do hai tên công ty khá dài nên nhiều người gọi tắt là Đông dược Việt. Trớ trêu, khi ông Khối bị bắt, hoạt động kinh doanh của VIETPHARM (đóng tại khu công nghiệp Long Hậu, xã Nhị Thành, H.Thủ Thừa, tỉnh Long An) lại bị ảnh hưởng không nhỏ.

Ông Phạm Quốc Vinh - Tổng giám đốc VIETPHARM - cho biết, doanh số của công ty sụt giảm khoảng 30%, khách hàng liên tiếp gọi điện đòi trả hàng hoặc làm khó dễ, xác minh thông tin. Doanh nghiệp (DN) này buộc phải nhờ cơ quan chức năng tại TP.HCM và tỉnh Long An hỗ trợ để được minh oan. 

Lao dao vi trung ten voi doanh nghiep sai pham
Công ty cổ phần Dược phẩm Việt (trái) và Công ty TNHH Dược phẩm Đông dược Việt là hai công ty hoàn toàn khác nhau

Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Hưng Thịnh (Hưng Thịnh Corp) cũng vừa ra thông báo về việc xuất hiện một dự án trùng tên. Cụ thể, cuối năm 2018, Hưng Thịnh Corp có mở bán căn hộ dự án Biên Hòa New City tại TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Tuy nhiên, gần đây, lại có đơn vị chào bán một dự án mang tên Biên Hòa New City 2 cũng tại TP.Biên Hòa. Dự án này thuộc Công ty cổ phần Đầu tư Mekong Nam Á - một DN môi giới, lĩnh vực đăng ký kinh doanh chỉ là tư vấn, môi giới, đấu giá bất động sản, đấu giá quyền sử dụng đất chứ không có dự án. Không chỉ vậy, một công ty có tên Hưng Thịnh Cát Tường của Công ty cổ phần Bất động sản Hưng Thịnh - trùng tên 100% với công ty thành viên của Hưng Thịnh Corp - cũng bỗng dưng xuất hiện.

Đại diện Hưng Thịnh Corp cho hay, không ít rắc rối đã xảy ra từ việc trùng tên này.
Hàng loạt DN, sản phẩm cũng chịu không ít rắc rối vì sự trùng tên, như Sắc Ngọc Khang của Công ty Dược phẩm Hoa Thiên Phú trùng tên với mỹ phẩm mủ trôm Sắc Ngọc Khang của Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Xuất nhập khẩu Tân Đại Dương; sản phẩm của Công ty Ích Nhân và sản phẩm của Công ty Ngân Anh cùng có tên Bảo Xuân. 

Lỗ hổng của luật

Luật sư Nguyễn Hà Phong (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng, tình trạng trùng tên là do lỗ hổng pháp lý rất lớn trong lĩnh vực đăng ký tên DN. Dù luật không cho phép đăng ký trùng tên DN có trước, nhưng chỉ cần có sự khác biệt nhỏ, vẫn được chấp nhận. 

Tên DN gồm hai thành tố là loại hình DN và tên riêng. Ví dụ, tên Công ty cổ phần Dược phẩm Việt có loại hình DN là “công ty cổ phần” và tên riêng là “Dược phẩm Việt”. Cơ quan đăng ký kinh doanh chỉ đối chiếu tên đăng ký với tên DN đã có từ trước để từ chối trong các trường hợp viết và đọc hoàn toàn giống nhau, trùng tên riêng, tên riêng chỉ thêm có chữ Tân, chữ Mới, Miền Đông, Miền Tây, số thứ tự…

Ví dụ đã có Công ty cổ phần Dược phẩm Việt thì không được đặt là Công ty TNHH Dược phẩm Việt hay Công ty cổ phần Tân Dược phẩm Việt. Nhưng các công ty lách luật vẫn được phép đặt tên thành Công ty cổ phần Dược phẩm Việt Song Ngân. 

Do đó, đối với vụ Công ty cổ phần Dược phẩm Việt thì DN sai phạm kia đã cố tình lách luật, không đặt trùng tên mà lại đặt thành Công ty TNHH Dược phẩm Đông dược Việt, tức đã thêm cụm từ “Đông dược” vào giữa tên “Dược phẩm Việt”. Hoặc một DN đã đăng ký kinh doanh tại tỉnh Long An nhưng một DN khác tại TP.HCM vẫn có thể sử dụng tên gọi này. 

Theo luật sư Phong, việc xử lý tranh chấp về trùng tên DN, trùng tên thương hiệu sản phẩm còn nhiều vướng mắc mà bất lợi nghiêng về phía DN làm ăn chân chính. Hiện nay, cơ quan đăng ký kinh doanh không có quyền tự đổi tên DN mà phải do DN đăng ký đổi tên. Vướng mắc ở chỗ, nếu DN không tự giác mà cố ý dùng giống tên thì cơ quan đăng ký kinh doanh cũng đành “bó tay” vì không có quy định xử phạt DN. Hình thức xử phạt DN nặng nhất là thu hồi giấy chứng nhận đăng ký DN nhưng lại không áp dụng được cho trường hợp DN không chịu đổi tên. Trong trường hợp này, DN thắng kiện phải nộp đơn yêu cầu thi hành án. Nếu DN sai phạm không thi hành án thì có thể xử lý hình sự tội không thi hành án. 

Riêng với tình trạng trùng tên thương hiệu, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, DN chân chính phải khiếu nại lên Bộ Khoa học và Công nghệ. Hình thức xử phạt cũng là phạt tiền, thu hồi sản phẩm trên thị trường nhưng thời gian thu hồi phải mất vài tháng và không biết DN vi phạm có chịu thu hồi hay không. Đã có trường hợp DN sai phạm tìm cách lật lọng, đòi kiện ngược ra tòa; thời gian đợi tòa xử kéo dài hàng năm trời. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI