Làm sao để 'rơi' đúng cách?

06/12/2019 - 06:30

PNO - Ở Hàn Quốc, thất bại đồng nghĩa với việc bạn rơi xuống đáy. Vậy làm sao để sống sót khi con đường phía trước đầy áp lực cạnh tranh khiến bạn có thể là người về sau bất cứ lúc nào?

Người trẻ Hàn Quốc lao vào cuộc đua mà họ biết trước áp lực, kiệt sức chờ sẵn nhưng không ít người buộc phải đưa chân, vì họ không còn sự lựa chọn nào khác. Ý tưởng học cách để “rơi” đang trở thành xu hướng giúp người Hàn Quốc phải suy nghĩ để tự cứu lấy mình. 

Chữa lành cho chính mình

Park Cho Bin muốn làm điều mà hầu hết người trẻ ở xứ sở kim chi cho là bất thường: nghỉ việc. 21 tuổi, ở giai đoạn sở hữu sức trẻ tràn trề, đầy hoài bão và ước mơ, cô gái này nhận ra những điều cô có không mang đến cho cô cảm giác hạnh phúc.

Cô làm bán thời gian ở vị trí nhân viên xử lý dữ liệu nhưng công việc là thứ trống rỗng bên trong cô. Park Cho Bin ứng tuyển để trở thành một thành viên khu nghỉ dưỡng Don’t Worry Village (làng Đừng Lo Lắng). Đây là nơi chữa lành những tổn thương từ áp lực xã hội mà giới trẻ Hàn Quốc đang phải gánh chịu.

Lam sao de 'roi' dung cach?
Người trẻ Hàn Quốc đối diện với áp lực học tập, thi cử, tìm kiếm việc làm và mặc định thành công chỉ gói gọn trong những tiêu chuẩn này

Người sáng lập ngôi làng đặc biệt này là Hong Dong Woo (33 tuổi), người khá thành công trong vai trò doanh nhân nhưng lại không cảm thấy mình trọn vẹn bởi anh nhận ra trong sâu thẳm, mình chẳng có được cảm giác bình an.

Hong Dong Woo hiểu có rất nhiều người trẻ Hàn Quốc đang đối mặt với vô vàn khó khăn, bị mắc kẹt giữa việc phải luôn thể hiện, chứng minh mình là người tài giỏi, thành công trong khi họ luôn cô đơn, lo sợ một ngày nào đó nếu chẳng may thất bại thì cuộc đời họ sẽ đi về đâu. 

Trước thực trạng người dân đổ xô về thành thị, dân số già tăng mạnh ở nông thôn, những người già thầm lặng qua đời, nhiều nơi trở nên quạnh hiu, vắng bóng con người, chính phủ Hàn Quốc đã phát động chương trình tái phát triển những nơi như thế. Hong Dong Woo nhận ra đây chính là cơ hội. Anh tìm được nguồn tài trợ giúp biến một ngôi nhà bỏ hoang ở khu Tây Nam thành phố ven biển Mokpo thành làng Đừng Lo Lắng - nơi những trái tim cần tình yêu thương hơn sự ganh đua về đích khiến người lớn bỗng hóa cô đơn trong thời đại này. 

Hong Dong Woo chăm chút cho chốn đi về thật cẩn thận. Đích thân anh phỏng vấn những người muốn đến sống cùng để hiểu rõ vì sao họ cần một không gian để chia sẻ, xoa dịu như thế và họ muốn vẽ lại cuộc đời mình ra sao.

Người được chọn sẽ có sáu tuần khám phá những sở thích khác nhau của bản thân, hiểu về những con người hoàn toàn xa lạ nay bỗng trở thành người thân sống bên cạnh mình và một trong những điều tuyệt vời nhất chính là họ được sống trong môi trường trong lành của vùng quê. Với Hong Dong Woo, đây là trạm dừng cho người trẻ có được cơ hội nỗ lực một lần nữa, để nhận ra họ thật sự cần gì trong cuộc sống thay vì cứ chạy về phía trước. 

Lam sao de 'roi' dung cach?
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In động viên mọi người dũng cảm đối diện và vượt qua thất bại

Park Cho Bin tìm được công việc rất sớm và cô từng nghĩ đó là thành công, đích đến quan trọng nhất ở độ tuổi của mình. Nhưng khi có được công việc, Park Cho Bin nhận ra mình đã đánh mất ước mơ trở thành sinh viên ngành âm nhạc. Dừng lại công việc không mong muốn, chữa lành bản thân và sống với cảm xúc nhiều hơn chính là cách Park Cho Bin lựa chọn.

Cô hiểu rằng trong cuộc sống, ngoài những thước đo thành tích, còn rất cần sự lắng đọng, tình yêu thương, niềm hứng khởi trong những việc mình làm. Park Cho Bin lên kế hoạch tài chính đủ để xoay xở trong những ngày “nghỉ dưỡng” và quyết định quay trở lại giảng đường, theo đuổi đam mê âm nhạc bị chôn vùi bấy lâu. 

Phía sau thất bại là cánh cửa mở rộng

 Năm ngoái, Hàn Quốc chạm đến kỷ lục không mong đợi với tỷ lệ thất nghiệp ở độ tuổi 25-34 lên đến mức cao nhất trong gần hai thập niên, dẫn đến tình trạng nhiều người Hàn Quốc bế tắc, phải ra nước ngoài tìm việc làm, cảm thấy bất lực khi phải cạnh tranh đến kiệt sức.

Park Cho Bin cũng như nhiều người trẻ khác nhận ra giữa những xoay vần của nhiều loại áp lực, một cá nhân được tự động “lập trình” rằng mình phải thành công từ khi chỉ mới là một đứa bé. Họ phải hiểu thất bại là nỗi ô nhục, là vết nhơ và là cánh cửa đóng sập tương lai của mình. Họ chưa bao giờ được một lần ôm ấp lấy thất bại để hiểu bản thân mình hơn và giờ đây, họ quyết định chậm lại để tìm điểm cân bằng. 

Nhà xã hội học Lee Jae-yeol thuộc Đại học Quốc gia Seoul vừa ra mắt quyển sách If You Were Born Again, Would You Live in Korea? (Nếu được sinh ra một lần nữa, liệu bạn có chọn Hàn Quốc để sống không?”). Quyển sách khám phá những lý do khiến Hàn Quốc trở thành quốc gia có dân số kém hạnh phúc cũng như có tỷ lệ tự tử thuộc nhóm cao nhất thế giới (tỷ lệ tự tử cao nhất trong nhóm các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế - OECD).

Tác giả viết rằng: “Đất nước chúng ta là đất nước gắn liền với tiêu chuẩn thành công, chúng ta nỗ lực thật nhiều, và rồi chúng ta có được những thành tích. Nhưng cùng lúc đó, giá trị xã hội bị thu hẹp, gói gọn ở thành tựu kinh tế, kéo theo sự đòi hỏi một cách máy móc rằng chỉ có thành công, sự cạnh tranh khốc liệt mới là đích nhắm quan trọng nhất, là mục tiêu phải đạt được”. 

Chính phủ Hàn Quốc nhìn thấy những điều đang diễn ra. Năm ngoái, lần đầu tiên Hàn Quốc tổ chức triển lãm Thất bại ở Seoul. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In có mặt, đích thân dành lời động viên, nhắn nhủ đến những người trẻ đang vật lộn với cuộc đua tìm việc làm và những chủ doanh nghiệp đang đối diện với khó khăn chất chồng trong kinh doanh rằng: “Chúng ta hãy cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này”.

Thông điệp trên hoàn toàn khác biệt so với văn hóa nhìn nhận thất bại mà người Hàn Quốc quá quen thuộc trong nhiều thập niên vừa qua. Người dân Hàn ngại nhận mình thất bại. Bấy lâu xã hội không khuyến khích nhắc đến thất bại mà luôn thúc ép mọi người hướng đến tiêu chuẩn phải chiến thắng nỗi sợ hãi, phải thành công tuyệt đối và có quá nhiều từ “phải” trong hành trình sống của mỗi người. Nối tiếp triển lãm năm ngoái, triển lãm năm nay với mục tiêu giáo dục về cách nhìn nhận thất bại có chủ đề “Thất bại ổn thỏa hơn” đã diễn ra ở Seoul tháng Chín vừa qua.

Lam sao de 'roi' dung cach?
Những người trẻ ở làng Đừng Lo Lắng chia sẻ về những trải nghiệm và cùng nhau hàn gắn tổn thương sau thất bại

Tại đây, rất nhiều câu chuyện truyền cảm hứng đã được chia sẻ. Điều thú vị ở triển lãm chính là những góc trưng bày câu chuyện người thật việc thật, về những người từng bị gắn mác “người thất bại” dũng cảm đối diện, tìm kiếm lối đi riêng và chạm đến thành công một cách trọn vẹn hơn. 

Han Dong Seok vốn là người làm việc trong lĩnh vực in ấn. Anh rơi vào cảm giác lạc lõng, chông chênh đến tuyệt vọng ở thời điểm công ty khó khăn, lao dốc và phá sản. Nhưng Han Dong Seok không trốn chạy, anh tin mình sẽ tìm ra được con đường mới. Một lần, trong lúc xem phóng sự về những côn trùng có thể ăn được, anh nảy ra ý tưởng kết hợp dế để đưa vào quá trình nuôi gà lấy trứng. Trứng vốn là thực phẩm không thể thiếu của người Hàn Quốc.

Ý tưởng của Han Dong Seok đã chạm được nhu cầu thị trường. Anh thành công khi rẽ hướng và giờ đây, công ty anh quản lý là một trong những nơi đi đầu trong việc cung cấp cho thị trường trứng từ các con gà được nuôi bằng dế. Đến triển lãm không chỉ có người trẻ mà có cả những người đã bước qua nửa đời người, lần đầu tiên chấp nhận mình thất bại. Họ đến để tìm kiếm kinh nghiệm, cảm hứng cho chính mình.

Anh Scott Park không ngại chia sẻ câu chuyện anh đang trong giai đoạn hoàn tất thủ tục đóng cửa nhà máy sản xuất vải vì thua lỗ. Anh kể rằng lẽ ra mọi thứ nên chấm dứt sớm hơn để anh đón nhận cơ hội mới nhưng anh bị mắc kẹt, không dám bước ra vì sợ định kiến mình là người thất bại: “Ở Hàn Quốc, thất bại đồng nghĩa với việc bạn rơi xuống đáy”. 

Gạt bỏ định kiến “xấu xí” về thất bại là bước đi đầu tiên chính phủ Hàn Quốc lựa chọn nhằm gửi đến người trẻ thông điệp tích cực rằng phía sau thất bại là cánh cửa mở rộng, nơi đó ai cũng có thể bắt đầu hành trình trải nghiệm kế tiếp của chính mình. 

Thiên Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI