Khi doanh nhân không chăm chăm vào doanh thu

13/10/2019 - 06:30

PNO - Ngày càng xuất hiện những mô hình kinh doanh hướng tới phúc lợi của cộng đồng, sự bền vững của sinh kế…

Nhân kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), Báo Phụ Nữ TP.HCM ghi nhận ý kiến của các nữ doanh nhân - những người lựa chọn kinh doanh để đem đến sự thay đổi to lớn hơn cho xã hội.

Phạm Thị Hương Giang (Jang Kều) - nhà sáng lập Quỹ Sống (Life Foundation), cựu Chủ tịch Tập đoàn GroupG Asia Pacific (Singapore):
Kiếm tiền để xây nhà cho dân vượt lũ

Khi doanh nhan khong  cham cham vao doanh thu
Có những ngã rẽ cuộc đời, giờ nhìn lại, hóa ra nó đến từ những tháng ngày chăm sóc cậu con trai mắc bệnh tự kỷ của mình. Có những lúc thấy kiệt sức, nhưng khi quan sát hành động ngây thơ của con, mình lại có những quyết định bước ngoặt. Đó là khi tôi quyết định tặng bớt cho bạn bè những công ty mình đang điều hành, chỉ giữ lại công ty chuyên về tư vấn chiến lược, sáng tạo và nhóm công ty chuyên về công nghệ, thương mại để có thời gian thực hiện dự án “nhà chống lũ”.

Rong ruổi trong những chuyến thiện nguyện khắp mọi miền đất nước, khi về đồng bằng sông Cửu Long đúng dịp vùng này bị hạn mặn nghiêm trọng, tôi thấy người dân cơ cực vô cùng. Tôi nghĩ ngay việc làm sao để họ có được những căn nhà an toàn. Người miền Tây không thực sự cần một căn nhà quá rộng mà họ cần một môi trường sống ổn định và sinh kế, nên việc xây cho họ một căn nhà không gắn với một môi trường sống bền vững thì họ cũng bỏ nhà đến thành thị để lập nghiệp.

Cái khó nhất khi thực hiện dự án “nhà chống lũ” là thay đổi tư duy và tìm được cộng sự giỏi. Những dự án từ thiện làm theo cách truyền thống xưa nay luôn “cho không” người dân, trong khi đây là dự án nhằm phát triển xã hội. “Nhà chống lũ” không cho không ai cái gì.

Chúng tôi chỉ hỗ trợ người dân 50%, số còn lại do họ bỏ tiền túi ra. Người dân được tham gia tạo dựng tổ ấm, góp sức từ quá trình thiết kế đến xây dựng và giám sát việc thi công ngôi nhà của mình. Chúng tôi luôn tâm niệm, phải đặt mình vào cuộc sống của họ để tìm hiểu xem họ muốn gì, cần gì, từ đó giải quyết giúp các vấn đề vệ tinh như sinh kế, môi trường sống, đáp ứng nhu cầu văn hóa…

Nguồn vốn của chúng tôi được tạo dựng qua nhiều hình thức, trong đó có phát động trên mạng, thông qua các sự kiện hoặc hợp tác với cá nhân, doanh nghiệp bán các sản phẩm và thu về quỹ. Tôi vẫn là chủ của 5-6 công ty, những công ty mà mình bỏ tiền túi để thành lập và dành lợi nhuận cho nguồn quỹ.

Đến giờ, điều thành công nhất của dự án “Nhà chống lũ” là tìm hiểu được 11 mô hình đáp ứng đặc trưng về địa bàn, địa chất, văn hóa, tập tục… của từng khu vực, thói quen sống của người dân.

Điều vui hơn là dự án “Nhà chống lũ” đã nhanh chóng vươn rộng thành “Làng hạnh phúc” - một mô hình cộng đồng thu nhỏ với đầy đủ các yếu tố sinh kế và tập quán. Rất may mắn khi “Làng hạnh phúc” đang dần hiện thực hóa, mà cụ thể là tại tỉnh Sóc Trăng. Từ một vùng đất trống, đồi trọc, cỏ hoang cao đến tận nóc nhà thì sau hai năm, đã trở thành một làng trù phú tuyệt đối với cây trồng và sinh kế; mất hai năm nữa thì sẽ hoàn thiện toàn bộ theo ý tưởng mà tôi đề ra.

Lúc trước, công sức của chúng tôi có thể đo được bằng số căn nhà, nhưng hiện tại, con số này đã thay đổi. Nó có thể là những ngôi làng, những mảnh đất được phủ xanh. Khó đong đếm hơn nhưng chắc chắn niềm vui cũng lan tỏa rộng hơn, nhân lên nhiều hơn.

Hồ Thị Hồng Đào - Phó giám đốc marketing Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op):
Từng bước thay dần sản phẩm nhựa để cứu môi trường

Khi doanh nhan khong  cham cham vao doanh thu

Từ năm 2011, hệ thống siêu thị Co.opmart của Saigon Co.op là hệ thống bán lẻ hàng tiêu dùng hiện đại đầu tiên tại Việt Nam dám thay thế 100% túi nhựa bằng túi ni-lông thân thiện với môi trường. Đến năm 2019, siêu thị của chúng tôi bắt đầu bọc thực phẩm bằng các loại vật liệu thân thiện với thiên nhiên như lá chuối, dây lát, lá lục bình... và vẫn đang tiếp tục từng bước hạn chế sản phẩm nhựa dùng một lần trên hệ thống.

Hiệu quả lớn nhất của việc này là định hướng cho người tiêu dùng thói quen sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, từ đó lan tỏa ý thức chung đến cộng đồng, đặc biệt là cộng đồng các doanh nghiệp sản xuất. Các doanh nghiệp sẽ ý thức tìm tòi phát triển những sản phẩm thân thiện với môi trường, hạn chế đẩy chất thải ra môi trường sống.

Điển hình như khi toàn bộ hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op gồm Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.opSmiles... hoàn toàn ngưng kinh doanh ống hút nhựa thì hàng loạt đơn vị sản xuất sản phẩm này chuyển sang sản xuất và kinh doanh ống hút giấy, ống hút gạo thân thiện môi trường hoặc ống hút thủy tinh, inox sử dụng nhiều lần.

Khó khăn lớn nhất là thuyết phục người tiêu dùng thay đổi thói quen. Cũng may mắn là ý thức về môi trường của người dân Việt Nam chúng ta ngày càng nâng cao nên vấn đề này bước đầu đã có được những thuận lợi nhất định.

Điển hình là sau việc gói rau củ bằng lá chuối, Saigon Co.op thực hiện “Ngày không túi ni-lông”. Dù trọn cả ngày đó, bà con phải tự đem theo giỏ xách, túi giấy để đựng hàng hóa, khá bất tiện nhưng gần 1 triệu khách hàng của Saigon Co.op hết sức vui vẻ, không một lời than phiền. Cái khó thứ hai chính là nguồn nguyên liệu tự nhiên thay thế. Việc này bước đầu chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ từ nhà vườn, các hợp tác xã là đối tác cung cấp nông sản cho siêu thị. 

Saigon Co.op đang thận trọng áp dụng từng bước, theo lộ trình phù hợp, bởi nó không đơn giản là việc kinh doanh hay không, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng này và thói quen tiêu dùng. Khi ngừng kinh doanh, phải để cho doanh nghiệp sản xuất có đủ thời gian để chuyển đổi, từ đó tạo ra nguồn sản phẩm thay thế phù hợp.

Việc từng bước hạn chế sản phẩm nhựa dùng một lần là lộ trình mà Saigon Co.op chúng tôi chắc chắn sẽ thực hiện trong tương lai gần sau khi đã thay hàng loạt túi ni-lông bằng túi thân thiện với môi trường, thay bao gói thực phẩm bằng lá chuối, thay ống hút nhựa bằng ống hút giấy...

Start-up Nguyên Võ - người sáng lập, điều hành dự án ống hút cỏ Green Joy Straw:
Kiếm tiền rất vui nhưng kiếm tiền mà hạnh phúc thì còn gì bằng 

Khi doanh nhan khong  cham cham vao doanh thu

Lần đầu xem clip ghi lại cảnh nhóm cứu hộ chật vật lấy từ mũi chú rùa biển một chiếc ống hút nhựa mắc kẹt đã lâu, tôi bị ám ảnh và nghĩ mình cần phải làm gì đó. Một chiếc ống hút, ly nhựa, chúng ta chỉ sử dụng trong khoảng 5-10 phút nhưng phải mất mấy trăm năm để nó phân hủy. Chính những đồ nhựa bỏ đi trở thành nguyên nhân gây hại cho cộng đồng sinh vật và cả con người. 

Tôi nghĩ đến cỏ bàng - một loài cây nằm trong họ cói, mọc hoang dại ở hầu khắp đồng bằng sông Cửu Long, thân dưới cứng, to dạng ống, rất lý tưởng để biến chúng thành những chiếc ống hút. Loại cỏ này từ lâu đã là nguyên liệu làm ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ như túi xách, khay đựng, giỏ rác, chụp đèn, thậm chí là đệm, chẹ lót nôi trẻ em... 

Thuận lợi với tôi là người dân trồng cỏ bàng sẵn sàng cung ứng nguồn cỏ nguyên liệu. Bản thân họ cũng gặp khó vì đầu ra trước nay bấp bênh, có khi phải đốt bỏ. Khi làm ống hút, giá trị kinh tế của loài cỏ này tăng lên gấp 3-5 lần so với việc chỉ làm đồ thủ công như trước đây. Tôi thấy mình có ích với nông dân.

May mắn nữa là ống hút cỏ bàng được người Việt đón nhận nhiệt thành, rồi các đầu mối nước ngoài cũng tìm đến. Qua 8 tháng hoạt động, sản phẩm của mình vào được 100 chuỗi nhà hàng, khách sạn trong nước, hơn 30 thị trường tiếp cận với sản phẩm, gồm cả Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Bỉ, Tây Ban Nha, Malaysia, Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Ống hút cỏ tươi để ở nhiệt độ mát của tủ lạnh có thể bảo quản được 3 ngày, ống hút khô có thể dùng được vài tháng, có thể cạnh tranh được với ống hút nhựa. Tuy nhiên, cái khó là giá bán lẻ mỗi chiếc ống hút cỏ khoảng 800 đồng/chiếc, khách mua sỉ thì khoảng 650-700 đồng/chiếc, cao gấp hàng chục lần giá ống hút nhựa dùng một lần. Rất nhiều khách hàng muốn ủng hộ sản phẩm xanh nhưng khi nghe mức giá, không khỏi băn khoăn. Những khách hàng lớn hơn như chuỗi dịch vụ ăn uống lại không đủ kinh phí để đưa ống hút cỏ thay thế ống hút nhựa.

Tôi sẽ phải mở rộng vùng nguyên liệu và đầu tư hệ thống sản xuất theo hướng tự động. Chỉ có như vậy mới giải quyết được bài toán về giá. Việc gọi vốn từ một chương trình mới đây giúp tôi giải tỏa phần nào khó khăn của mình. Khởi nghiệp xuất phát từ mong muốn lan tỏa tinh thần sống xanh và phát triển bền vững đến cộng đồng. Câu nói khiến tôi nhớ nhất từ shark Liên, người chấp nhận rót vốn là “kiếm tiền thì rất vui nhưng kiếm tiền mà hạnh phúc nữa thì còn gì bằng". 

Quốc Thái - Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI