Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU: Có nguy cơ bị "treo" vì thẻ vàng IUU

10/11/2017 - 13:30

PNO - Nhận thẻ vàng cảnh cáo vì vi phạm quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp (IUU), Việt Nam đang đứng trước nguy cơ Nghị viện châu Âu có thể không thông qua Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU.

Nguy cơ ngoài dự liệu

Ngày 23/10, Ủy ban châu Âu đã chính thức cảnh báo thẻ vàng đối với Việt Nam (VN) - áp dụng trong 6 tháng, vì cho rằng VN nỗ lực chưa đủ đối với IUU. Vì thế, các doanh nghiệp trong khối EU sẽ giảm hoặc ngưng mua hàng hải sản của VN để tránh khả năng bị phạt, khiến tỷ lệ xuất khẩu hải sản VN sang EU đứng trước nguy cơ giảm sút.

Bà Mariam Garcia Ferre, Tham tán thứ nhất, Trưởng ban Thương mại và kinh tế, phái đoàn liên minh châu Âu tại VN cảnh báo, EU và VN đã kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do từ năm 2015, dự kiến sẽ được Nghị viện châu Âu chính thức thông qua vào khoảng giữa năm 2018.

Tuy nhiên, việc EU cảnh báo thẻ vàng đối với hoạt động xuất khẩu hải sản VN có thể khiến việc thông qua bị “treo” lại. Đây là vấn đề từng xảy ra với Thái Lan, quốc gia cũng nhận một thẻ vàng tương tự khi đang trong quá trình đàm phán với EU về Hiệp định thương mại tự do.  

Hiep dinh thuong mai tu do Viet Nam - EU: Co nguy co bi
Sau khi EU cảnh báo thẻ vàng, thiệt hại không chỉ ở ngành thủy hải sản mà có thể tác động đến Hiệp định tự do thương mại EU - Việt Nam.

Theo bà Mariam, chiếc thẻ vàng hiện chưa ảnh hưởng nhiều đến hoạt động xuất khẩu hải sản VN vào EU; nhưng EU sẽ tăng cường kiểm tra các lô hàng nhập khẩu từ VN.

Việc này chắc chắn làm lộ ra nhiều vấn đề khác như chất lượng hải sản, tồn dư lượng hóa chất, an toàn vệ sinh thực phẩm… - vốn là những điểm yếu lâu nay của hải sản VN. Sau 6 tháng, nếu tình hình không được cải thiện, VN sẽ bị coi là nước không hợp tác và phải gánh chịu trực tiếp nhiều ảnh hưởng tiêu cực khác.

“Việt Nam không thực tâm làm, chỉ lo đối phó”

Cũng theo bà Mariam, trước đây EU đã đưa ra những khuyến nghị theo thông lệ quốc tế về một số điều khoản trong bản dự thảo sửa đổi Luật Thủy sản của VN; vì luật và những văn bản dưới luật của VN về quản lý thủy hải sản bất hợp pháp chưa đủ tính răn đe đối với các vi phạm.

Nhưng đến nay, EU vẫn chưa nhận thấy VN có sự thay đổi nào theo khuyến nghị, chứng tỏ tham vấn của EU đã không được ghi nhận. EU còn chính thức gửi thông điệp đến Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNT) VN, bày tỏ lo ngại nếu luật này được thông qua, quá trình sửa đổi phải mất rất nhiều thời gian. EU xem đây là một vấn đề cực kỳ nghiêm trọng nhưng VN đã không hợp tác đầy đủ để giải quyết.

Bà Mariam cảnh báo, Chính phủ VN phải xem việc chống IUU là vấn đề mang tính bảo vệ tài sản của quốc gia chứ không phải chỉ nhằm để đối phó với các điều kiện thương mại trong hoạt động này. EU luôn sẵn sàng hỗ trợ VN, nhưng rất khó khi VN không coi đó là việc của mình.

Bà dẫn chứng, cách đây không lâu, Tổng cục Nghề cá EU có gửi thông báo đến Tổng cục Thủy sản VN đề nghị ngăn chặn một tàu quốc tế chở lô hàng hải sản vi phạm IUU đang muốn cập cảng VN, nhưng cuối cùng tàu này vẫn được cho phép cập cảng. EU lo ngại nguồn hàng vi phạm có thể được xé lẻ, phân tán vào các lô hàng hải sản từ VN xuất trở lại EU. Với những phản ứng như vậy, VN rất dễ bị thẻ đỏ: cấm đưa toàn bộ hải sản đánh bắt được vào EU!

EU dội hàng, Việt Nam sẽ mất thêm nhiều thị trường
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu hải sản đang có tâm lý là trong trường hợp xấu nhất - bị EU phạt thẻ đỏ, không xuất được hải sản vào thị trường này, thì sẽ xuất sang thị trường khác, ví dụ như Nhật Bản.

Thật ra, hiện một số nhà nhập khẩu hải sản lớn của Nhật cũng đã cảnh báo sẽ ngưng nhập hải sản VN nếu VN bị “thẻ đỏ” từ thị trường châu Âu.
Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó chủ tịch VASEP

Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó chủ tịch VASEP cho biết, quá trình thực thi chống IUU đã phát sinh nhiều vấn đề ngoài dự liệu; cụ thể như việc ngư dân bị các cá nhân, tổ chức nước ngoài dụ dỗ sang các vùng biển ngoài lãnh hải VN để đánh bắt trái phép. Muốn ngăn chặn hiệu quả, VASEP cần có sự hỗ trợ từ EU và Chính phủ VN.

Bà Mariam nhận định, có thể đến ngày Nghị viện EU họp quyết định việc thông qua Hiệp định thương mại tự do với VN, thẻ vàng vẫn chưa được dỡ bỏ; nhưng nếu có những bằng chứng thể hiện VN đã và đang thay đổi (có thể là các văn bản giải thích rõ VN đã làm gì trong hoạt động chống IUU), Nghị viện EU có thể xem xét để thông qua.

Mới đây, VASEP cũng đã có văn bản kiến nghị Bộ NN-PTNT, Chính phủ, Quốc hội… chỉ đạo rà soát thêm lần nữa dự thảo Luật Thủy sản sửa đổi trước ngày Quốc hội thông qua. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cũng nên xem xét việc dẫn đoàn VN sang làm việc với EU về IUU, ngay trong chuyến làm việc tháng 11/2017 này. 

Đăng Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI