Hàng ngoại nhập - hễ kiểm tra, lại lòi ra hàng 'dỏm'

04/08/2018 - 07:00

PNO - Mỹ phẩm thì lấy hàng Trung Quốc, Thái Lan giả ngoại, quần áo thì lấy hàng Trung Quốc, Thái Lan loại xịn rồi mướn các cơ sở gia công thay đổi tem, nhãn thành hàng Việt Nam xuất khẩu.

Khi nghe chúng tôi ngỏ ý muốn kinh doanh mỹ phẩm và hàng thời trang, các tiểu thương tại chợ Bình Tây (Q.6, TP.HCM) đã nhiệt tình hướng dẫn như vậy. Theo họ, các shop trong trung tâm thương mại lâu nay cũng làm theo cách đó. 

Hàng giả cũng có… trung cấp, cao cấp

Mã vạch của các sản phẩm nội địa Nhật luôn có hai đầu số là 45 và 49, trong đó, mã 49 là hàng do Nhật sản xuất, còn mã 45 là hàng nhập khẩu từ các nước Hàn Quốc, Trung Quốc, được sản xuất theo tiêu chuẩn Nhật. 

Trước đây, mỹ phẩm Trung Quốc giả hàng hiệu vẫn giữ nguyên mã vạch 69 - mã vạch của Trung Quốc - và trên sản phẩm, có dòng chữ made in P.R.C. - viết tắt của cụm từ People’s Republic of China, tức Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa; còn hiện nay, sản phẩm của Trung Quốc giả hàng hiệu cũng in mã vạch của Nhật. 

Hang ngoai nhap - he kiem tra, lai loi ra hang 'dom'
Mỹ phẩm bán tại các chợ có nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc - Ảnh: P.HUY

Tiểu thương sạp mỹ phẩm V. (chợ Bình Tây) đưa chúng tôi một sản phẩm có tên Tiara Girl CC Cream loại 50ml của Nhật Bản rồi kêu chúng tôi thử đoán giá, đoán xem hàng của nước nào. 

Quan sát sản phẩm, chúng tôi cho rằng, đó là hàng Nhật, vì dù trên vỏ sản phẩm có hàng chữ “made in Korea” nhưng mã vạch mang đầu số 45, được sản xuất tại các nước Trung Quốc, Hàn Quốc theo tiêu chuẩn Nhật.

Tuy nhiên, chị tiểu thương khẳng định, đây là hàng của Trung Quốc, chỉ có giá 170.000 đồng/sản phẩm. Trong khi đó, sản phẩm cùng loại hiện được bán trên thị trường với giá 450.000-480.000 đồng/sản phẩm. 

Cũng tại chợ Bình Tây, ghé qua một sạp khác, hỏi về mỹ phẩm Tiara Girl CC Cream của Trung Quốc, chị tiểu thương báo giá 120.000 đồng/sản phẩm. Trên nhãn sản phẩm này, mã vạch bắt đầu bằng số 69, là mã vạch của Trung Quốc.

Chị tiểu thương lý giải, sản phẩm có mã vạch mang đầu số 45 thì giá hơi cao, vì đạt chuẩn hàng giả cao cấp; còn mã vạch mang đầu số 69 là hàng giả trung cấp, giá rẻ hơn.

Cũng theo chị, người kinh doanh mỹ phẩm mới thuộc mã vạch, còn khách hàng sử dụng thì không ai chú ý. Nhiều hãng lớn trên thế giới đặt nhà máy sản xuất tại Trung Quốc, nên dù sản phẩm mang mã vạch 69, người bán chỉ cần nói hàng Nhật gia công tại Trung Quốc thì khách sẽ tin. 

Giống như một số “đầu nậu” Trung Quốc, người Thái cũng làm giả sản phẩm rất tinh vi về bao bì, nhãn mác và giả luôn cả mã vạch. Nếu tiểu thương không thừa nhận đó là sản phẩm Thái Lan, người tiêu dùng chắc chắn không thể phân biệt được đâu là sản phẩm Hàn Quốc thật, đâu là sản phẩm giả của Thái Lan. Ngoài làm giả sản phẩm của Nhật, Hàn, hiện trên thị trường có vô số loại sản phẩm giả các thương hiệu nổi tiếng của Đức, Ý, Mỹ…

Hàng giả thành hàng “cao cấp”

Hiện trên mạng xã hội Facebook, giới sinh viên đang chia sẻ rần rần về một thiên đường mỹ phẩm mang tên Sino (283/56 Cách Mạng Tháng Tám, P.12, Q.10, TP.HCM). Cửa hàng này có khoảng 60 thương hiệu đình đám của Đức, Ý, Mỹ, với giá dao động từ 76.000-490.000 đồng/sản phẩm.

Chủ cửa hàng luôn cam kết sản phẩm chính hãng và hiện trang Facebook của cửa hàng này thu hút hàng triệu lượt theo dõi. Khách hàng không ngừng chia sẻ, bình chọn.

Một khách hàng có nickname Ngò Rí chia sẻ: “Cách đây 1 tháng, Sino bán cho mình một hũ kem của Mỹ với giá 185.000 đồng. Mình quan sát, nghi ngờ Sino bán hàng trộn, không đảm bảo chất lượng, mình liền hỏi cửa hàng về hóa đơn, chứng từ mua từ chính hãng thì được hẹn 1 tuần sẽ trả lời nhưng hơn 1 tuần, chỉ nhận được phản hồi là người nhà bên Mỹ đang tìm. Sau đó, Sino gọi điện thoại giải thích, do cửa hàng sơ suất lúc mua hàng ở Mỹ nên mới mua nhầm hũ kem trên và sau khi kiểm tra sản phẩm, cửa hàng đã ngừng cung cấp loại kem này”.

Nhận được tin báo từ khách hàng, Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM kiểm tra, phát hiện 310 sản phẩm gồm son môi, sữa rửa mặt, kem che khuyết điểm, lăn khử mùi… tại Sino được nhập lậu nên không có hóa đơn chứng từ, hàng không rõ nguồn gốc. 

Vàng thau lẫn lộn

Một số đơn vị kinh doanh biết rõ hàng Trung Quốc hoặc trên sản phẩm ghi rõ “made in China” nhưng vẫn cố tình nhập nhèm trong quảng cáo để đánh lừa người tiêu dùng. 
Cửa hàng của Công ty cổ phần Đầu tư thương mại Mini Số Việt Nam (Miniso) tại Q.6, chuyên kinh doanh hàng Nhật, có khá đông khách hàng là nữ đến mua mỹ phẩm và hàng tiêu dùng, giá từ 43.000-430.000 đồng/sản phẩm (tùy loại).

Hầu hết sản phẩm được bày bán gồm quần áo, phụ kiện, đồ gia dụng, thiết bị điện, điện tử, thực phẩm, hóa mỹ phẩm đều ghi nơi sản xuất là Trung Quốc, bên cạnh nhãn dán ghi tiếng Anh và chi chít tiếng Nhật.

Nhiều sản phẩm không có một dòng chữ Việt nào. Dù quảng cáo có hơn 80% sản phẩm đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia nhưng theo quan sát của chúng tôi, gần như 100% hàng đều ghi xuất xứ Trung Quốc.

Tương tự, tại các cửa hàng Ilahui, Mini Good, Daiso, Yoyoso (kinh doanh các sản phẩm đồ chơi, đồ dùng cho bé, mỹ phẩm, thời trang, quà tặng, văn phòng phẩm), hàng hóa, phong cách phục vụ, cách bài trí cửa hàng đều mang phong cách Hàn, Nhật.

Khi thắc mắc xuất xứ, nhân viên khẳng định: “Nguyên liệu và thiết kế đều của Hàn Quốc, nhưng sản phẩm được gia công tại Trung Quốc”.

Theo Luật Thương mại, Luật Quảng cáo, nhãn sản phẩm phải ghi rõ thông tin hàng hóa, nhưng trên thực tế, hầu như 100% cửa hàng kinh doanh hàng ngoại đều ghi thông tin lập lờ để đánh lừa khách hàng.

“Chúng tôi sẽ đấu tranh mạnh mẽ với các doanh nghiệp kinh doanh không lành mạnh, lừa dối khách hàng. Chúng tôi sẽ kiểm tra chặt chẽ các doanh nghiệp có lượng sản phẩm tung ra thị trường lớn để bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng” - ông Trần Hùng, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Tổ trưởng Tổ công tác 334 (tổ công tác chống hàng giả, được thành lập theo Quyết định số 334/QĐ-BCT do Bộ Công thương ban hành ngày 24/1/2018), khẳng định. 

Kiểm tra tại một số cửa hàng bán sản phẩm ngoại nhập ở TP.HCM như Koala (150/33 Nguyễn Trãi, P.Bến Thành, Q.1; 38 Trần Nhân Tôn, P.2, Q.10; 460 Lê Văn Sỹ, P.2, Q.Tân Bình), cửa hàng Đồ Mỹ (35 Tân Hải, P.13, Q.Tân Bình), Cửa hàng Tường Huệ (646V Nguyễn Trãi, P.11, Q.5), cửa hàng Sky Mart (840 Nguyễn Văn Linh, Q.7), hộ kinh doanh Minh Hải (228 Lý Chính Thắng, Q.3), Alle Mart (269 Tân Sơn Nhì, Q.Tân Phú), Kej House (150 Trương Vĩnh Ký, Q.Tân Phú), chi nhánh Công ty cổ phần Sachi (130A Nguyễn Đình Chiểu, Q.3), cửa hàng mỹ phẩm Hàn Quốc (70 Nam Cao, Q.9), Công ty mỹ phẩm Anh Đào Xanh (492 đường 3 Tháng 2, Q.10), cửa hàng sức khỏe và sắc đẹp Guardian của Công ty TNHH MTV Thương mại và đầu tư Liên Á Châu (23-25 Hoàng Hoa Thám, Q.Tân Bình) và một số sạp tại chợ Bến Thành, Q.1, lực lượng chức năng đã phát hiện 27.000 sản phẩm mỹ phẩm được quảng cáo nhập từ Mỹ, Nhật, Hàn, Úc, Ý nhưng không có hóa đơn, chứng từ. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI