Gói vay 5.000 tỷ đồng không đủ lực đẩy lùi 'tín dụng đen'

23/03/2019 - 11:10

PNO - Dù có triển khai gói vay 50.000 tỷ hay 100.000 tỷ đồng đi nữa, cũng không thể loại trừ được “tín dụng đen”, vì nhu cầu vay tiền của người có thu nhập thấp, giới trẻ rất lớn.

Nhằm giúp người dân tiếp cận nhanh với nguồn vốn của ngân hàng, đồng thời góp phần ngăn chặn, đẩy lùi “tín dụng đen”, đầu năm 2019, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) phát vay gói tín dụng 5.000 tỷ đồng với thủ tục, hồ sơ nhanh gọn trong ngày. Theo các chuyên gia, đây là sự hỗ trợ tích cực về vốn cho người lao động nghèo nhưng không nên kỳ vọng gói vay phát huy tác dụng đẩy lùi nạn cho vay nặng lãi.  

Goi vay 5.000 ty dong khong du luc day lui 'tin dung den'
Dùng gói vay để đẩy lùi “tín dụng đen” là khó khả thi.

Đáp ứng nhanh nhu cầu đột xuất

Đại diện Agribank cho biết, hiện ngân hàng đang ưu tiên thực hiện gói vay 5.000 tỷ đồng này. Theo đó, hạn mức mỗi món vay không quá 30 triệu đồng, lãi suất hợp lý, giải ngân trong ngày, dành cho cá nhân, hộ gia đình có mục đích chi tiêu hợp pháp, cấp thiết như chi phí học tập, khám chữa bệnh, mua đồ dùng, trang thiết bị gia đình, kể cả người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Với các trường hợp có nhu cầu vay trên 30 triệu đồng, Agribank sẽ vận dụng các gói tín dụng phù hợp. 

Hiện Agribank có hơn 2.300 điểm giao dịch. Để người dân dễ dàng tiếp cận gói vay 5.000 tỷ đồng này, Agribank còn đẩy mạnh cho vay qua các tổ vay vốn, chủ động đăng ký với chính quyền địa phương để mở rộng phạm vi hoạt động của điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng ở các huyện, vùng sâu, vùng xa - nơi điều kiện đi lại của người dân còn khó khăn. Mặc dù gói vay mới triển khai được hơn một tháng, nhưng Agribank đã cho vay tại 43 tỉnh, thành phố với gần 6.000 lượt khách hàng, doanh số cho vay đạt gần 130 tỷ đồng. Agribank cũng tăng cường kiểm soát chặt chẽ hoạt động cho vay, rà soát, đối chiếu các khoản vay, nghiêm cấm cán bộ cấu kết, tiếp tay cho các đối tượng hoạt động “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi. 

Cần phát triển hệ thống tài chính vi mô  

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - Cố vấn cấp cao Hội đồng Quản trị Ngân hàng Quốc Dân (NCB) - cho rằng, dù có triển khai gói vay 50.000 tỷ hay 100.000 tỷ đồng đi nữa, cũng không thể loại trừ được “tín dụng đen”, vì nhu cầu vay tiền của người có thu nhập thấp, giới trẻ rất lớn; hơn nữa, dù điều kiện cho vay từ gói 5.000 tỷ đồng đã thoáng hơn nhưng những người đang dính nợ xấu, thu nhập quá thấp sẽ không thể tiếp cận khoản vay này. Thêm nữa, bất kỳ gói vay nào, dù xét duyệt dễ dàng đến đâu, cũng không thể phát vay trong vòng 30 phút như “tín dụng đen”.

Goi vay 5.000 ty dong khong du luc day lui 'tin dung den'
 

Đồng quan điểm trên, tiến sĩ - luật sư Bùi Quang Tín (Trường đại học Ngân hàng TP.HCM) cho rằng, “tín dụng đen” thường gắn với nền kinh tế phi chính thức và các hoạt động không hợp pháp, trong đó, đối tượng chính là người cá độ đá banh, cờ bạc, hút chích, thậm chí vi phạm nghiêm trọng về pháp luật. Do đó, thật khó triệt tiêu nạn “tín dụng đen” bằng gói vay tiêu dùng 5.000 tỷ đồng. Theo ông Tín, về nguyên tắc, điều kiện vay càng dễ thì rủi ro càng tăng. Gói 5.000 tỷ đồng là gói vay tín chấp, người vay được giải ngân rất nhanh, nếu họ không trả được nợ hoặc dính vào vòng lao lý lúc đang gánh khoản vay thì ngân hàng sẽ rất khó xử lý. Để gói tín dụng này hoạt động hiệu quả, hạn chế rủi ro, ngân hàng phải thẩm định kỹ. Người đi vay có thể không có dòng tiền ổn định nhưng phải chứng minh được khả năng trả nợ. 

Gói vay này ra đời nhằm giúp người dân tiếp cận nguồn vốn ngân hàng mà không cần tài sản thế chấp, do đó, đòi hỏi ngân hàng phải có công cụ để thu hồi vốn. Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho biết, mô hình tài chính vi mô ở Bangladesh rất hay, thay vì cần có người đứng ra bảo lãnh thì có ít nhất năm người trong cùng một đơn vị, phường, xã với người vay ký kết vào hợp đồng tín dụng, cam kết sẽ cố gắng hỗ trợ người đi vay trả nợ.  

Theo tiến sĩ Hiếu, hiện không có một quốc gia nào trên thế giới loại trừ triệt để “tín dụng đen” mà chỉ có thể hạn chế đến mức thấp nhất. Ngoài giúp người dân hiểu biết về tài chính, Chính phủ cần có những chương trình giúp người dân tự xây dựng kế hoạch tài chính, biết cách sử dụng tiền, tư vấn cho họ cách thương lượng với ngân hàng để tái cơ cấu lại nợ, hoặc tư vấn cho họ nguồn vay để trả nợ. Cần phát triển hệ thống tài chính vi mô vốn gắn liền với các tổ chức cộng đồng ở cơ sở. Nhà nước cần có những chính sách phù hợp để phát triển loại hình tài chính vi mô này.

Goi vay 5.000 ty dong khong du luc day lui 'tin dung den'
 

Hiện nay, hoạt động cho vay của các ngân hàng, công ty tài chính do Luật Các tổ chức tín dụng điều chỉnh, trong khi “tín dụng đen” lại là các giao dịch dân sự, mà Bộ luật Dân sự lại không có quy định chặt chẽ về loại giao dịch này. Để kiểm soát, ngăn chặn “tín dụng đen”, cần phải có sự chung tay của nhiều cơ quan chức năng chứ không chỉ riêng ngành ngân hàng. Theo tiến sĩ Bùi Quang Tín, quy định về quản lý hình thức cho vay giữa các chủ thể với nhau theo pháp luật dân sự cần chi tiết hơn. Về phần mình, người dân cũng nên tiếp cận nhiều hơn kiến thức về tài chính, pháp lý, tránh trường hợp vi phạm pháp luật dân sự, đặc biệt liên quan đến lãi suất, trần lãi suất. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI