Giữa ma trận thịt heo 'sạch'

24/03/2019 - 06:00

PNO - Từ thịt heo hữu cơ, thịt heo thảo mộc, đến thịt heo thả vườn, thịt heo rừng… rất nhiều sản phẩm đang được rao bán đánh vào tâm lý sợ dịch bệnh của người tiêu dùng. Thế nhưng, liệu các loại thịt heo này có sạch?

Đủ loại thịt heo… “sạch”

Trong khi dịch tả heo châu Phi chưa lắng, người tiêu dùng (NTD) lại dấy lên nỗi lo ăn phải heo nhiễm giun sán. Nỗi lo này dâng cao khi ngành y tế họp báo tuyên bố về tỷ lệ nhiễm sán trong toàn dân, nhân vụ một trường mầm non ở Bắc Ninh bị tố cho học sinh ăn thịt heo giống thịt lợn gạo. 

Trước đây, thông tin về tình trạng heo bị tiêm thuốc an thần; ăn chất tăng trọng, chất tạo nạc… khiến nhiều người chọn cách giảm ăn thịt heo hoặc chuyển sang tìm mua thịt heo hữu cơ, thịt heo thảo mộc; hay mua “thịt heo quê” nuôi thả vườn và tin tưởng là thịt “sạch” do… người quen bán.

Giua ma tran thit heo 'sach'
Mua thịt đóng gói sẵn, người tiêu dùng nên xem kỹ thông tin nhãn mác.

Chị Thảo (37 tuổi, ngụ Q.Bình Tân, TP.HCM) cho biết, trước giờ nhà chị có thói quen mua thịt heo của em họ ở quê gửi lên. Có đủ loại thịt đùi, ba rọi, sườn non, móng giò, đuôi heo… được phân sẵn, rửa sạch và đóng gói 0,5kg, 1kg đông lạnh, hút chân không. “Heo được nuôi thả vườn, không cho ăn cám công nghiệp nên nạc, mỡ cân đối; thịt ngọt, thơm. Hơn nữa, giá cả ổn định chứ không tăng theo thị trường, hàng giao tận nhà. Thậm chí, nếu yêu cầu, thịt được ướp sẵn gia vị, mua về chế biến nhanh chóng”, chị Thảo chia sẻ.

Ngoài thịt heo được chăn nuôi công nghiệp, thị trường xuất hiện thêm nhiều điểm bán thịt heo hữu cơ, thịt heo thảo mộc với giá đắt đỏ. Tại một cửa hàng giới thiệu chuyên bán thịt heo hữu cơ, thịt heo sạch ở phường Cô Giang (Q.1, TP.HCM), giá thịt ba rọi rút xương 225.000 đồng/kg; thịt thăn, nạc dăm 230.000-240.000 đồng/kg; bắp heo rút xương, đuôi heo 210.000-220.000 đồng/kg; chân giò trước, sau 160.000-190.000 đồng/kg… 

Người bán giải thích: “Thịt heo sạch là sản phẩm không có thuốc, chất kích thích tăng trưởng, kháng sinh, hoóc-môn… Heo được ăn thức ăn hữu cơ, các hạt ngũ cốc và uống nước sạch…”. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi “có giấy tờ gì chứng minh đúng là thịt heo sạch, thịt heo hữu cơ không?” thì… cửa hàng không cung cấp được. Nhìn thịt heo pha lóc sẵn từng loại, không có thông tin gì đi kèm người mua khó biết được có đúng là thịt heo sạch, thịt heo hữu cơ hay không. 

Mới nhất trên thị trường hiện nay là thịt heo thảo mộc được nuôi bằng gừng, tỏi, nghệ… không dùng kháng sinh trị bệnh cho heo. Thịt heo thảo mộc cũng có giá khá cao, như: ba rọi rút sườn 185.000 đồng/kg; sườn non 220.000 đồng/kg; phi lê 145.000 đồng/kg... Song thực tế, tại TP.HCM chỉ có một số ít doanh nghiệp lớn phân phối thịt heo thảo mộc và số điểm bán cũng còn hạn chế. Thế nhưng, trên mạng khá nhiều nơi chào bán thịt heo nhà nuôi thả vườn, nuôi bằng gừng, tỏi, nghệ… và gắn mác “thịt heo thảo mộc”. Nhiều người nghe người bán nói sao tin vậy và mua, chứ không có cơ sở để kiểm chứng thực, hư. 

Nhận diện thịt heo hữu cơ, thịt heo thảo mộc

So sánh thịt heo công nghiệp, heo hữu cơ, heo thảo mộc thì điểm khác biệt là ở con giống, thức ăn, môi trường chăn nuôi… Giám đốc một công ty phân phối thịt heo và các sản phẩm từ heo cho biết: heo thảo mộc được tuyển chọn từ các con giống chất lượng cao như: Yorkshire, Landrace, Duroc, Pietrain và chăn nuôi tại trại có quy mô lớn, mô hình khép kín, đảm bảo đầy đủ các quy định theo tiêu chuẩn VietGAP. Quy trình giết mổ tại nhà máy cũng được giám sát nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn HACCP đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Giua ma tran thit heo 'sach'
Để tránh mua nhầm heo bệnh, người tiêu dùng nên mua thịt heo ở các điểm bán uy tín có sự kiểm soát của cơ quan chức năng.

Bên cạnh đó, môi trường nuôi heo thảo mộc đạt tiêu chí an toàn cao, heo được cho ăn thảo dược gồm gừng, tỏi, nghệ… để ức chế vi khuẩn có hại, tăng cường miễn dịch, đảm bảo không sử dụng kháng sinh trong quá trình chăn nuôi. Vì vậy, thịt heo khi ăn có mùi thơm, vị ngọt; hàm lượng dinh dưỡng cao, không tồn dư kháng sinh và an toàn cho sức khỏe người dùng. 

Đại diện một công ty có thương hiệu cho biết: “Chúng tôi chọn heo thịt có trọng lượng bình quân đạt 50kg/con, bắt đầu cho ăn thức ăn có bổ sung thảo mộc đến khi giết thịt heo đạt trọng lượng 110-120kg/con. Tổng thời gian từ nuôi đến giết mổ khoảng 70 ngày, hoàn toàn không sử dụng kháng sinh, tỷ lệ nuôi sống đạt 100%. Khu vực giết mổ phải bảo đảm an toàn vệ sinh và an sinh cho heo, thức ăn thảo mộc phần nào giúp giảm được mùi hôi của chuồng trại trong suốt quá trình chăn nuôi…”, đại diện công ty chia sẻ. 

Một trong những ưu điểm của sản phẩm thịt heo thảo mộc là hàm lượng cholesterol thấp hơn so với thịt heo thông thường và ngược lại, hàm lượng dinh dưỡng cao hơn các loại thịt heo thông thường. Bên cạnh đó, các tinh chất từ thảo mộc thiên nhiên còn giúp làm mềm sợi thô của bắp thịt, khử mùi tanh, tăng độ ngọt của thịt.

Đặc biệt, mua đúng thịt heo đạt tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, thảo mộc… NTD có thể quét mã QR Code để truy xuất nguồn gốc từng con heo, biết rõ heo từ trại chăn nuôi nào, quy trình chăn nuôi, giết mổ, phân phối... Trên nhãn sản phẩm phải có thông tin thể hiện sản phẩm đã được chứng nhận VietGap, hữu cơ…

Mua thịt heo an toàn ở đâu?

Có thể thấy, nhiều NTD vẫn còn thói quen mua thịt heo dựa vào niềm tin giữa người bán - người mua. Thế nhưng, bác sĩ Trần Văn Ký - Phụ trách chuyên môn Hội Khoa học Kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam - cảnh báo: heo nuôi theo kiểu thả rông, thả vườn như ở quê và giết mổ tự phát ở hộ gia đình nhỏ lẻ rồi tự đem đi phân phối là không đảm bảo các quy định về kiểm soát thú y, dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm… Từ môi trường, điều kiện nuôi đến thức ăn, giết mổ, bảo quản, vận chuyển, phân phối… không được kiểm soát chặt chẽ của cơ quan chức năng, dẫn đến nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao. 

Chưa kể, ở quê điều kiện giết mổ, bảo quản thịt còn sơ sài; không có hệ thống đông lạnh đạt tiêu chuẩn để cấp đông đến tâm thịt nhanh. Phần lớn dùng tủ đông, tủ lạnh thông thường thì khả năng tâm thịt không được cấp đông kịp thời theo đúng tiêu chuẩn, thịt sẽ bị hư hỏng trong quá trình vận chuyển. Hoặc thịt không được rã đông đúng cũng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng thịt. Tệ hơn là trong trường hợp thịt bị bệnh tật hay nhiễm sán, NTD khó biết được. 

Giua ma tran thit heo 'sach'
 

Thực tế, tình trạng mua - bán thịt heo online hiện nay gần như bị thả nổi, cơ quan chức năng khó kiểm soát. Theo đại diện Cục Quản lý thị trường TP.HCM, hiện lực lượng quản lý thị trường vẫn thường xuyên phối hợp với Chi cục Thú y thành phố và đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra các điểm giết mổ, phân phối thịt heo nhưng chủ yếu là các điểm thực tế, còn trên mạng nhiều trường hợp khi kiểm tra mới phát hiện địa chỉ “ma”, hoặc người bán chỉ đăng hình ảnh, giá cả; khi có người mua mới chuyển hàng vào phân phối, tẩu tán hàng nhanh chóng. Khi lực lượng kiểm tra đến thì không có hàng hóa, thiếu cơ sở để đánh giá, xử lý vi phạm. 

Vì vậy, để tự bảo vệ, NTD không nên mua thịt heo trôi nổi, không có nguồn gốc rõ ràng và không được kiểm soát thú y chặt chẽ; chỉ nên mua thịt heo ở những siêu thị, cửa hàng, điểm bán uy tín, được quản lý, kiểm soát. Thịt heo mát, heo đông lạnh đóng gói phải có đầy đủ thông tin nhãn mác: nhà sản xuất, công bố tiêu chuẩn chất lượng (VietGap, hữu cơ, thảo mộc…), ngày sản xuất - hạn sử dụng…

“Về cảm quan nhìn bằng mắt thường, NTD chỉ nên mua thịt heo có màu hồng tươi, khô ráo; khối thịt rắn chắc, các thớ thịt đều; ấn tay vào miếng thịt có độ đàn hồi cao. Tuyệt đối không mua thịt heo có màu sẫm, chảy nước, mất tính đàn hồi; miếng thịt nhìn không căng bóng…”, bác sĩ Ký lưu ý. 

Mới đây, lực lượng Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM liên tiếp phát hiện hai vụ vi phạm tuồn heo nghi bệnh lở mồm long móng vào chợ đầu mối Bình Điền. Tổng số heo nghi bệnh bị thu giữ, tiêu hủy lên tới 1,8 tấn. Trên thân thịt hoàn toàn không có dấu kiểm soát giết mổ, các móng chân heo bong tróc (biểu hiện điển hình của bệnh lở mồm long móng); không có giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh…

Giua ma tran thit heo 'sach'
Thịt nghi nhiễm bệnh tuồn vào chợ đầu mối Bình Điền bị lực lượng chức năng thu giữ, tiêu hủy.

Riêng đoàn kiểm tra liên ngành phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm TP.HCM trong tuần qua cũng đã phát hiện, tạm giữ 545kg thịt, mỡ, da heo không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc và tiêu hủy 160kg thịt gia súc, gia cầm không có giấy chứng nhận kiểm dịch.

Nguyễn Cẩm

Từ khóa cba
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI