Doanh nghiệp Việt sốt ruột với cách mạng công nghiệp 4.0 đang đến

13/04/2018 - 15:00

PNO - Cuộc cách mạng 4.0 có tác động mạnh mẽ đến các ngành: sản xuất tự động hóa, giao thông, tài chính ngân hàng, giáo dục, y tế, nông nghiệp và mở ra cơ hội cho tất cả các quốc gia trên thế giới.

“Tại Việt Nam (VN), cuộc cách mạng 4.0 đang dần lộ rõ nhưng vẫn còn khá mới mẻ. Làn sóng công nghệ mới này giúp doanh nghiệp (DN) nâng cao năng năng lực cạnh tranh; sản xuất đổi mới sáng tạo các sản phẩm, dịch vụ; giảm tiêu hao nguyên nhiên liệu, chi phí trong sản xuất vận hành; đặc biệt đáp ứng chính xác hơn nhu cầu của khách hàng”, ông Phạm Thiết Hòa – GĐ Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC) nhận định tại hội thảo DN VN với cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra ngày 12/4 tại TP.HCM.

Tăng năng suất nhờ tự động hóa

Ông Trịnh Thành Nhơn – TGĐ Công ty (CT) hóa mỹ phẩm quốc tế ICC, dẫn chứng: trước đây, máy móc còn lạc hậu, CT có đến 150 công nhân làm thủ công. Nay, trang bị công nghệ mới, CT sản xuất sản lượng tăng gấp ba lần nhưng sử dụng chưa tới 50 công nhân.

Doanh nghiep Viet sot ruot voi cach mang cong nghiep 4.0 dang den
DN VN đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại để nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời đại 4.0.

Cụ thể, trước đây sản xuất trong 1 giờ được 4.000 hộp kem đánh răng và sử dụng 20 công nhân, nay chỉ cần 4 công nhân; trước đây 1 giờ sản xuất 500 kg xà phòng cần 15 công nhân, nay cũng 1 giờ nhưng sản xuất đến 2 tấn xà phòng và chỉ tốn 5 công nhân.

“Với hiệu quả đó, trong năm 2018, chúng tôi sẽ nhập một hệ thống thiết bị tự động hóa dây chuyền sản xuất bột giặt. Hiện nay, công ty sản xuất 1 giờ được 5 tấn bột giặt, cần 15 lao động. Nhưng nếu tháng 6 này nhập thiết bị về thì mỗi giờ công suất đạt 7 tấn  và chỉ cần 5 lao động. Chúng tôi đang tự động hóa, hợp lý hóa trong sản xuất để nâng cao khả năng cạnh tranh”, ông Nhơn nói.

Ông Phạm Hoàng Thái Dương – Nhà sáng lập Công ty cổ phần Color Life, khẳng định: “Phải ứng dụng công nghệ thì mới giải quyết được hàng ngàn đơn hàng mỗi ngày và tiết kiệm hàng trăm triệu đồng/tháng, tránh được những thất thoát không đáng có và doanh thu thể hiện tức thời. Các nhà đầu tư  cũng nhìn vô hệ thống mà quan sát được tình hình kinh doanh của CT và từ đó có quyết định đầu tư chính xác hơn”.

Ông Nguyễn Lâm Viên – TGĐ CT Cổ phần Vinamit cho biết: “Trong 5 năm gần đây, Vinamit nghiên cứu rất kỹ về ứng dụng công nghệ sinh học. Với công nghệ sinh học và công nghệ sấy đông khô, chúng tôi đã tạo ra sản phẩm sữa chua đông khô. Đây là sản phẩm chủ lực của Vinamit trong năm 2018”.

Không chỉ DN sản xuất tích cực chuyển mình theo kịp thời kỳ công nghiệp mới, một số DN thương mại – dịch vụ cũng đã chuẩn bị tâm thế cho cuộc hội nhập mới này khá sớm.

Bên cạnh hệ thống Etour bán tour trực tuyến, CT Du lịch Vietravel đã cho ra mắt ứng dụng mua tour trực tuyến trên điện thoại và được khách hàng đánh giá cao. CT cổ phần Color Life ứng dụng công nghệ khép kín từ đặt hàng, giao hàng, quản lý sản xuất, kế toán tài chính, nhân sự và chăm sóc sau bán hàng,... đem lại nhiều giá trị vận hành.

Còn nhiều trăn trở

Ông Lê Đình Phong – nghiên cứu viên Trung tâm triển khai, Khu công nghệ cao TP.HCM cho rằng, nền công nghiệp sản xuất VN vẫn đang trong giai đoạn tự động hóa toàn phần đến tự động hóa toàn bộ.

Những nhà máy sản xuất có mức độ tự động hóa cao thường nằm ở các thương hiệu lớn hoặc có đầu tư từ nước ngoài, một phần do tận dụng giá nhân công lao động thấp, trong khi vốn đầu tư cho các dây chuyền tự động rất lớn.

Ông Liêu Hưng Tiến - GĐ kinh doanh Công ty Haravan nhận thấy DN VN chưa nhìn ra nguy cơ cho hàng VN khi hàng hoá ngoại nhập tràn vào VN theo con đường thương mại điện tử (TMĐT).

Doanh nghiep Viet sot ruot voi cach mang cong nghiep 4.0 dang den
 

Rất nhiều DN có lợi thế về phân phối, bán lẻ thông thường, nhưng làm TMĐT thì họ không biết bắt đầu từ đâu, trong khi VN có đến 60% dân số dùng internet; online 25 giờ/người/tuần.

PGS.TS Lê Hoài Quốc – Trưởng ban Ban quản lý khu Công nghệ cao, đánh giá trên bình diện thế giới, cách mạng công nghiệp đang tạo ra những thách thức liên quan đến những chi phí điều chỉnh ngắn đến trung hạn do tác động không đồng đều đến các ngành khác nhau, nên có những ngành tăng trưởng mạnh mẽ, có những ngành sẽ phải thu hẹp đáng kể.

Trong từng ngành, cũng có sự khác biệt: DN tạo ra những công nghệ mới sẽ tăng trưởng nhanh; ngược lại, DN lạc hậu về công nghệ sẽ bị thu hẹp, đào thải.

Theo đánh giá của các chuyên gia, cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tác động đáng kể đến VN. Những ngành được hưởng lợi là du lịch, thương mại nội địa, công nghệ thông tin. Giáo dục, y tế, xây dựng. Một số ngành có thể bị tác động tiêu cực, cần có kế họach tái cơ cấu cho phù hợp như năng lượng, điện, điện tử, công nghiệp chế tạo, dệt may.

Ở phạm vi quốc gia, theo PGS.TS Lê Hoài Quốc, VN cần tiếp tục giải quyết những vấn đề liên quan đến kinh tế, xã hội và môi trường còn tồn đọng từ giai đoạn tăng trưởng nóng trước đây. Đồng thời, nhanh chóng tận dụng những cơ hội và vượt lên những thách thức mới xuất hiện, chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, hỗ trợ DN giảm thâm dụng lao động phổ thông.

PGS.TS Lê Hoài Quốc: “Riêng TP.HCM cần chuyển đổi cơ cấu lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất theo hướng giảm thâm dụng lao động phổ thông, tăng thâm dụng công nghệ và thâm dụng lao động có kỹ năng chuyên môn cao bằng chính sách, cơ chế ưu đãi áp dụng cho các DN và cho các CT phát triển hạ tầng khu công nghiệp. Có cơ chế ràng buộc các DN FDI tham gia phát triển chuỗi cung ứng nội địa, có cơ chế đặc biệt để khuyến khích DN trong nước đầu tư tham gia chuỗi cung ứng nội địa.

TP.HCM cũng cần hỗ trợ các hoạt động nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ, khuyến khích đổi mới sáng tạo, thúc đẩy thiết lập các cụm liên kết ngành, đào tạo liên ngành. Và dành ưu tiên đầu tư công cho phát triển kết cấu hạ tầng gắn với việc cải thiện tính kết nối (mở rộng độ bao phủ, tăng tốc độ truy cập và hạ giá sử dụng Internet); phát triển thị trường vốn dài hạn, và thúc đẩy sự phát triển của các quỹ đầu tư mạo hiểm gắn với phát triển công nghệ và sáng tạo”.

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI