Doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm ngành thực phẩm VN: Cơ hội và trả giá

24/05/2017 - 14:00

PNO - Những năm gần đây, các doanh nghiệp (DN) nước ngoài đang đánh mạnh vào nhiều công ty (CT) thực phẩm Việt.

Trước những cuộc mua bán liên quan đến các sản phẩm như các loại thịt tươi sống, thực phẩm chế biến, đông lạnh, vốn khó thể thiếu trên bàn ăn hàng ngày của người Việt Nam (VN) thì liệu điều gì sẽ xảy ra nếu ngành thực phẩm VN bị các DN nước ngoài chiếm lĩnh? 

Doanh nghiep nuoc ngoai thau tom nganh thuc pham VN: Co hoi va tra gia
 


Cơn sóng lớn thu mua 

Mới đây, tập đoàn CJ Cheil Jedang (CJ) của Hàn Quốc chính thức mua 71,6% cổ phần của CT Chế biến hàng xuất nhập khẩu Cầu Tre, một thương hiệu tự hào của ngành chế biến thủy hải sản VN.

Tin này tác động mạnh đến nhiều người tiêu dùng trong nước. Nhiều người cảm thấy hụt hẫng vì một thương hiệu lớn đã thuộc về quyền kiểm soát của DN nước ngoài. Trước đó, tập đoàn này cũng đã từng thu mua Minh Đạt, CT sản xuất thịt viên lớn nhất VN.

Ngoài ra, tập đoàn thực phẩm Daesang Corp của Hàn Quốc cũng mua lại 13 triệu cổ phiếu của CT Thực phẩm Đức Việt. Và không ít tập đoàn Nhật Bản, Thái Lan đã đầu tư mạnh tay để sản xuất thực phẩm tại VN.

Trước đó, Masan Food đã mua 32,8% cổ phần Cholimex Food và mua 100% CT Thực phẩm dinh dưỡng Sài Gòn (Saigon Nutri Food), chuyên sản xuất xúc xích để cạnh tranh với các đối tác ngoại.

Xu hướng thu mua các DN đang ập đến VN như cơn sóng lớn. Thậm chí nhiều nhà làm ăn nước ngoài đã phải đánh trận với nhau để mua cho được một đối tượng họ đã nhắm đến. Trước đây, CJ “ngắm nghía” CT Vissan. Song Massan đã vào cuộc, mạnh tay chi giá cao hơn nên đã giành phần thắng. Sau thất bại, CJ quay sang thu mua Cầu Tre và gần như đã hoàn thành mục tiêu xây dựng kinh doanh chuỗi khép kín trong ngành thực phẩm tại VN. 

Ồn ào hay thầm lặng?
Với trường hợp của Cầu Tre, ban đầu đại gia Hàn Quốc tăng tỷ lệ sở hữu khi nhận chuyển nhượng toàn bộ cổ phần từ ba cổ đông lớn với khoảng 47,33%… theo phương thức thỏa thuận không công khai.

Vào tháng 3/2017, DN này nâng tỷ lệ sở hữu lên 51,6% và mới đây chi thêm 187 tỷ đồng mua cổ phần tương đương 20% vốn điều lệ từ Satra để nắm giữ tỷ lệ như hiện tại. 

CJ có những bước đi tính toán rất kỹ. Để nắm chắc phần thắng, họ chọn từng cổ đông để đánh ngã chứ không phải bắt đầu từ Tổng CT Satra. 

Những động thái đó chứng tỏ DN này đã rất quyết liệt trong quá trình thu mua Cầu Tre. Điều đáng nói là CJ cũng bỏ qua nguyên nhân chính khiến DN Cầu Tre đặt mục tiêu lỗ trước thuế năm nay gần 25 tỷ đồng, kinh doanh tuột dốc ba năm liền.  

Tín hiệu nào từ người trong cuộc?

Bà Trần Thị Hòa Bình, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Cầu Tre cho biết các cổ đông có quyền chuyển nhượng cổ phần, riêng phần 20% vốn điều lệ từ Satra là chúng ta thoái vốn mang lại lợi nhuận cho Nhà nước. Sự mua bán này không nằm ngoài chiến lược phát triển khi ngành thực phẩm của ta hiện nay còn quá nhiều hạn chế.  

Bà Trần Thị Hòa Bình nói rõ: “Việc CJ trở thành cổ đông chiến lược là một cơ hội cho đôi bên. Phía DN nước ngoài rút ngắn thời gian xây dựng thương hiệu”. Cầu Tre có thế mạnh vượt trội khi sở hữu danh mục sản phẩm đa dạng, kênh tiêu thụ rộng, kinh nghiệm vận hành hơn 35 năm và có sản lượng xuất khẩu ổn định giúp CJ củng cố vị thế trong ngành thực phẩm  đông  lạnh. Trong thương vụ này, phía CT Cầu Tre sẽ có thêm nguồn vốn và công nghệ của họ để củng cố lại thương hiệu, mở rộng ngành hàng… giúp tạo nên giá trị thương hiệu. Quan trọng là chúng ta nhanh chóng đưa ra thị trường sản phẩm mới, mở rộng thị trường, tăng sức cạnh tranh”. 

Trên thực tế, cuộc chiến giành thị phần trong lĩnh vực thực phẩm đang ngày càng quyết liệt. Nhiều CT lớn trong nước cũng nhìn ra cơ hội, quyết tâm tham gia sâu vào lĩnh vực này bằng các cuộc mua bán - sáp nhập để tăng sức cạnh tranh. 

Song, nhiều chuyên gia trong ngành cho biết thế mạnh thị trường vẫn thuộc về các DN ngoại, khi họ sở hữu những thương hiệu VN lâu đời.

Một thị trường thực phẩm mà các DN nước ngoài giành quyền chủ động, thì quyền lực chi phối thị trường sẽ là của ai? Nguồn gốc và giá cả khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng sẽ như thế nào?

Đây là câu chuyện của 5-10 năm sau nữa, khi các DN nước ngoài đã bám rễ sâu và chắc tại VN. Và một câu hỏi lớn hơn được đặt ra: Khi các DN lớn bán thương hiệu cho nước ngoài, liệu thương hiệu VN có mãi còn và ai sẽ là người xây và đưa thương hiệu VN lên tầm thế giới như chủ trương của Chính phủ hiện nay? 

Chúng ta phải biết quản trị 

Về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng, chúng ta cần thoát khỏi tư duy cho rằng bán đi là mất hoặc khi họ thu tóm thì sẽ giành thế độc quyền. Thực tế cho thấy ngược lại, nếu chúng ta có môi trường kinh doanh tốt thì sẽ xuất hiện nhiều công ty cạnh tranh cùng sản phẩm, cùng giá trị, tạo nên một nền kinh tế thị trường đa dạng.

Doanh nghiep nuoc ngoai thau tom nganh thuc pham VN: Co hoi va tra gia
 


Hoặc nếu có kinh doanh độc quyền thì với lĩnh vực thực phẩm phong phú (không mang tính đặc thù), họ cũng chỉ độc quyền ở phân khúc của chính họ. Và DN phải sử dụng nguồn nguyên vật liệu của VN, nhưng áp dụng theo kỹ thuật của họ, khi hàng hóa xuất khẩu vẫn phải mang made in Việt Nam...

Con đường này người Nhật cũng đã trải qua. Vấn đề thành công hay không là chúng ta phải biết quản trị, nếu không DN VN sẽ mất đi vị thế của mình. 

Theo quan điểm của chuyên gia, tiến sĩ kinh tế Lê Đăng Doanh, các DN nước ngoài đổ bộ, thâu tóm nhiều doanh nghiệp Việt là lẽ bình thường. Làm sao để cho người tiêu dùng được hưởng lợi lớn nhất thì đó mới là câu chuyện.

Mặt khác chúng ta giữ lại lợi nhuận cho nước ta, đừng để có “tiếng mà không miếng”. Cụ thể như trường hợp của Samsung với hơn 50 tỷ doanh thu xuất khẩu, nhưng giá trị của phía Việt Nam chỉ có vài phần trăm, còn lại họ mang về đất nước của họ. Như vậy, thực chất DN chỉ làm thuê trên chính đất nước mình.

Doanh nghiep nuoc ngoai thau tom nganh thuc pham VN: Co hoi va tra gia
 


Nhân những cuộc mua bán này chúng ta cố gắng phát huy nội lực từ DN để tạo thế cạnh tranh ngang bằng chứ không chờ đợi phải có bàn tay “ngoại” người dân mới hưởng sản phẩm giá trị. 

Đức Phong

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI