Doanh nghiệp không ngó lơ chợ truyền thống

31/01/2018 - 11:00

PNO - Để "bám chắc" thị trường trong nước, các DN đang ráo riết nắm lại các kênh phân phối lẻ, tiệm tạp hóa, sạp chợ để phát triển thị trường nội địa bền vững. Họ định hướng mỗi tiểu thương như một nhà phân phối lớn,...

Nhiều doanh nghiệp (DN) thuê một phần sạp của tiểu thương để bày bán sản phẩm, thậm chí còn cử nhân viên đến hỗ trợ, nhằm đẩy mạnh phân phối sản phẩm qua kênh này.

Đang vào mùa tết, người đi chợ Bến Thành, Tân Định, Bà Chiểu (TP.HCM) bị “ngộp” bởi nhiều nhãn hàng được bày biện xôm tụ, sang trọng ở các sạp. DN Long Thuận “mạnh tay” thương lượng với tiểu thương mua đứt vị trí mặt tiền ở sạp chợ Bến Thành để quảng bá thương hiệu trong một thời gian ngắn.

Tại sạp bách hóa Lan (chợ Bến Thành, Q.1), một góc bên trái sạp là khu chỉ dành để trưng bày các sản phẩm của thương hiệu này. Hơn 30 mặt hàng trà hoa bưởi, nước ép bưởi, tinh dầu bưởi… trong một tông màu xanh của những vỏ hộp sắc nét được xếp dài và khá thoáng trên hai kệ gỗ, ánh đèn rọi vào sáng choang gây sự chú ý của người đi mua sắm. 

Doanh nghiep khong ngo lo cho truyen thong
Các sản phẩm mít sấy khô của Vinamit được trưng bày đẹp mắt tại chợ An Đông.

Lương y Đoàn Văn Khanh - Giám đốc DN tư nhân Long Thuận - chia sẻ: “Trước đây, sản phẩm của công ty chỉ xuất hiện tại các siêu thị, hội chợ,  nhưng nay chúng tôi muốn phủ rộng và giữ vững thị phần nội địa nên ký gửi tại các chợ truyền thống. Tuy nhiên, không chỉ gửi sản phẩm và chia hoa hồng cho tiểu thương, công ty còn cử nhân viên tập huấn tiểu thương cách tư vấn sản phẩm và chỉ ký gửi khi họ đã rành rẽ về khả năng tư vấn, thuyết phục khách hàng”.

10g sáng, chúng tôi thấy một khách đến sạp mua tinh dầu, cô nhân viên tư vấn vanh vách đủ thành phần, công dụng. Để làm bật sản phẩm này lên so với các sản phẩm từ thương hiệu khác, nhân viên còn kể luôn công đoạn chiết xuất tinh dầu như thế nào để tinh dầu luôn nguyên chất. Về khoản này thì các DN cho rằng chợ còn “ăn đứt siêu thị”.  

Mặt bằng kinh doanh ở chợ rất hạn chế, hàng hóa rất nhiều, tiểu thương sẽ khó lòng cho DN can thiệp vào việc sắp xếp sản phẩm. Nhiều DN phải “lấy lòng” tiểu thương, bằng cách cho nhân viên hỗ trợ lau chùi, sắp xếp hàng hóa của mình.

Tại sạp Bích Phương ở chợ Phạm Văn Hai (Q. Tân Bình), các thương hiệu bánh của Công ty cổ phần Thực phẩm Pand Food (hiện đang sở hữu 50,4% cổ phần của Bibica) được ưu tiên trưng bày ngay cửa chính của sạp. 14g ngày 17/1, một nhân viên từ nhà phân phối của công ty này đến sạp lau chùi quầy kệ, bài trí lại tất cả sản phẩm.

Chị Phương - chủ sạp - cho biết, cứ cách nửa tháng, nhân viên công ty đến đây làm những việc này giúp chị nên thỉnh thoảng, chị ưu tiên trưng bày sản phẩm công ty này ra ngoài để khách dễ lựa chọn.

Nhiều chủ DN vừa và nhỏ cho biết, song song với việc tìm cách đưa hàng vào siêu thị, DN cũng phải phát triển các kênh phân phối khác để giữ quyền chủ động.

Hơn nữa, chợ luôn là kênh phân phối tốt, nhất là khi hình ảnh kinh doanh tại các chợ đang được nâng cấp, hiện đại, lịch sự hơn. 

Cũng theo chị Phương, vài  năm trở lại đây, thương hiệu Mondelez Kinh Đô cũng đẩy mạnh quảng bá, trưng bày sản phẩm so với lúc trước. Nhân viên của công ty này còn đến chợ tư vấn, giới thiệu sản phẩm, bánh nào để mua ăn, bánh nào mua để thờ cúng, bánh nào nên làm quà tặng cho “kinh tế” nhất. Nhiều DN còn chiết khấu bổ sung hoặc tặng thêm hàng khi tiểu thương trưng bày sản phẩm ở mặt tiền, trong thời gian 1 – 2 tuần.

Có công ty còn tạo độ phủ rộng tại các chợ. Chợ An Đông có 150 sạp chuyên kinh doanh mặt hàng bách hóa, thực phẩm chế biến thì đã có gần 50 sạp trưng bày sản phẩm mít sấy khô của Công ty cổ phần Vinamit. Tại sạp Kim Oanh, có hẳn một thanh sắt bắc ngang sạp để treo các loại mứt sấy, trong đó,  mít sấy được ưu tiên treo chính giữa, ở vị trí dễ thấy. Còn tại các sạp khác, sản phẩm của Vinamit cũng được trưng bày ngay ngắn trên kệ. 

Ông Nguyễn Quốc Hoàng - Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Pan Food - nói: “Công ty không mở sạp làm kênh phân phối riêng, nhưng có đội ngũ chào hàng đến tất cả các chợ theo mô hình nhà phân phối”.

Nhiều chủ DN vừa và nhỏ cho biết, song song với việc tìm cách đưa hàng vào siêu thị, DN cũng phải phát triển các kênh phân phối khác để giữ quyền chủ động. Hơn nữa, chợ luôn là kênh phân phối tốt, nhất là khi hình ảnh kinh doanh tại các chợ đang được nâng cấp, hiện đại, lịch sự hơn.

Chú trọng bán hàng, quảng bá thương hiệu tốt trên tất cả các kênh là chiến lược lâu dài để sản phẩm Việt bám trụ ở thị trường nội địa trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI