Điện thoại thương hiệu Việt: Hồn Trương Ba, da hàng thịt

03/05/2014 - 11:11

PNO - PN - Thị trường điện thoại di động trong nước từng chứng kiến sự ra đời của hàng loạt thương hiệu Việt như FPT, Q-mobile, Viettel hay Mobiistar… Điều đáng nói, tuy được quảng bá là thương hiệu Việt nhưng tỷ lệ nội địa hóa...

edf40wrjww2tblPage:Content

Những cái tên nói trên là số ít thương hiệu còn tồn tại đến thời điểm này, tuy nhiên, khả năng cạnh tranh với những “ông lớn” để phát triển bền vững trong tương lai lại là vấn đề khác. Bởi thời gian gần đây, những thương hiệu lớn cũng đã chú trọng phát triển những dòng sản phẩm bình dân với giá khoảng hai đến ba triệu đồng, điện thoại thương hiệu Việt khó cạnh tranh.

Dien thoai thuong hieu Viet: Hon Truong Ba, da hang thit

Thị trường điện thoại di động trong nước hiện nay hầu như không có dấu ấn của doanh nghiệp Việt

Đặt hàng rồi gắn nhãn

Theo lý giải của anh T., người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh điện thoại di động (ĐTDĐ), khoảng ba, bốn năm trước, khi người tiêu dùng (NTD) Việt còn ưa chuộng ĐTDĐ Trung Quốc (TQ), anh từng sang TQ đặt hàng, sau đó về Việt Nam bỏ sỉ cho các cửa hàng. Với đơn đặt hàng khoảng vài ngàn chiếc, phía TQ có thể gắn bất kỳ cái tên nào theo yêu cầu của anh T. “Giá cả thì tùy vào yêu cầu chất lượng của mình. Ngoài ra, họ cũng có sẵn những mẫu điện thoại hoàn chỉnh chưa được gắn thương hiệu để mình chọn”, anh T. nói. Anh T. cho rằng, hầu hết ĐTDĐ thương hiệu Việt hiện nay đều đặt mua những sản phẩm có sẵn từ các công ty TQ, chẳng hạn như K-Touch. NTD có thể dễ dàng nhận ra thực tế này, bởi hầu hết những chiếc điện thoại thương hiệu Việt đều được ghi rõ “made in China”. Một thương hiệu Việt từng chống chế rằng, ngay cả Nokia hay Apple cũng “made in China”, huống hồ một thương hiệu Việt Nam. Tuy nhiên, anh T. nói rõ: chiếc điện thoại do nước ngoài đầu tư nhà máy sản xuất tại TQ hoàn toàn khác với loại đặt hàng cho doanh nghiệp TQ muốn làm gì thì làm, lúc mang về chỉ gắn mác Việt.

Thông thường, các công ty Việt Nam chọn những sản phẩm đã chứng minh thành công thương mại khá tốt ở thị trường TQ hoặc những sản phẩm chứng tỏ sự ổn định để đặt hàng đưa về Việt Nam. Sau khi đặt hàng, các nhà sản xuất TQ sẽ cài đặt phần mềm, giao diện và sản xuất vỏ có mác hiệu theo yêu cầu của các công ty Việt Nam. “Tôi từng được một doanh nghiệp sản xuất điện thoại TQ đề nghị liên kết để bán hàng no name (điện thoại chưa dán nhãn) cho các doanh nghiệp Việt. Tuy nhiên, tôi thấy NTD ngày càng yêu cầu cao đối với sản phẩm điện tử, viễn thông nên tôi từ chối”, anh T. cho hay. Hiện tại, có khá nhiều doanh nghiệp khẳng định sản phẩm của mình là thương hiệu Việt, tuy nhiên chưa có đơn vị nào chứng minh tỷ lệ nội địa hóa - ngoài ngôn ngữ là tiếng Việt. Q-mobile từng đề nghị cơ quan chức năng công nhận là thương hiệu quốc gia, tuy nhiên khi được yêu cầu chứng minh nguồn gốc cũng như tỷ lệ nội địa hóa thì thương hiệu này không đưa ra được.

Giải thích cho cách làm của một số doanh nghiệp Việt Nam, anh P., người từng làm việc nhiều năm trong một công ty chuyên thiết kế bo mạch cho các thương hiệu điện thoại, trong đó có cả các thương hiệu TQ, cho biết việc muốn thay đổi thiết kế phần cứng, chẳng hạn như camera nhiều “chấm” hơn hay chip của các hãng nổi tiếng… đều có thể dẫn đến sự gia tăng chi phí và thường đi kèm với yêu cầu số lượng đặt hàng lớn. Các thương hiệu nổi tiếng luôn đặt hàng thiết kế theo yêu cầu chất lượng của họ, còn các doanh nghiệp TQ thì lại yêu cầu giá thành thấp. “Đây chính là nguyên nhân giải thích vì sao những chiếc smartphone TQ thường mau xuống cấp sau một thời gian sử dụng. Đa số điện thoại giá rẻ có xuất xứ từ TQ sử dụng con chip MTK của nước này nên thời gian sử dụng rất ngắn”, anh P. cho hay. Ngoài ra, vấn đề ổn định nguồn cho máy hoạt động là yếu tố quan trọng, song các doanh nghiệp TQ cũng không yêu cầu khắt khe. Do đó, tình trạng sập nguồn hay chạy chậm, chết chip thường xuyên diễn ra.

Thiếu dấu ấn, dễ bị khai tử

Với cách đặt hàng từ các doanh nghiệp sản xuất TQ, về dán mác và phân phối, các công ty Việt Nam có thể kiếm lời trong thời gian vài năm. Tuy nhiên, tình hình sẽ ngày càng trở nên khó khăn hơn khi các công ty sản xuất smartphone giá rẻ TQ như Lenovo, ZTE, Huawei, Oppo… đẩy mạnh sự hiện diện trực tiếp ở thị trường Việt Nam và hãng lớn cũng bắt đầu chú tâm hơn đến phân khúc giá rẻ. Ngoài ra, NTD ngày càng đòi hỏi cao hơn về chất lượng. Hàng loạt smartphone mác Việt đã bị khai tử như Mobell, Malata, Wellcome, Hi-mobile, Bluefone… Trước thực tế này, các doanh nghiệp Việt lại đổi hướng sang phân phối các thương hiệu TQ. Ở thời điểm giữa năm ngoái, thị trường ĐTDĐ trong nước gần như mới chỉ có sản phẩm điện thoại Lenovo là thương hiệu của TQ. Tuy nhiên, đến thời điểm này, TQ đã chính thức có ba thương hiệu được các doanh nghiệp Việt Nam phân phối ở thị trường trong nước là Lenovo, Oppo và Huawei. Ngoài ra, các dòng smartphone bình dân từ Haier và Gionee hay ZTE, Xiaomi… cũng đang tìm đường vào Việt Nam.

Thực tế cho thấy, thị trường ĐTDĐ trong nước hiện nay hầu như không có dấu ấn của các doanh nghiệp Việt, mặc dù vẫn hiện diện một số thương hiệu Việt ở các hệ thống phân phối. Nếu không có sự đầu tư mạnh mẽ và chiến lược phát triển bền vững, phù hợp, thị phần của những chiếc smartphone mác Việt sẽ dần bị teo tóp và khả năng bị khai tử là rất lớn.

 Ca Hảo

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI