Cỏ kế đồng có thật sự nguy hiểm đến mức phải cấm nhập lúa mì?

11/10/2018 - 14:30

PNO - Ở góc độ khoa học, cỏ kế đồng có thực sự là mối nguy hại khiến Cục Bảo vệ Thực vật (BVTV) phải ra quyết định tái xuất và có thể cấm nhập lúa mì từ những nước có nguồn lúa mì nhiễm loại cỏ dại này?

Tại một diễn đàn diễn ra cách đây ít ngày, đại diện Cục BVTV cho hay, Cục đã thí nghiệm và thấy cây (còn gọi là cỏ) kế đồng - Cirsium arvense mọc rất dễ. Do có nguy cơ nên phải kiểm soát, có thể phải cấm để không có loại cây này mọc, tránh lây lan ra môi trường thì kiểm dịch không còn tác dụng.

Đối tượng của kiểm dịch là những thực vật chưa có tại thị trường Việt Nam và có khả năng gây thiệt hại nên Cục BVTV phải kiểm soát chặt để ngăn chặn nguy cơ. Dưới đây là ý kiến của các chuyên gia về vấn đề nói trên.

Giáo sư Nguyễn Lân Hùng, Chuyên gia nông nghiệp, vi sinh học:

"Cục Bảo vệ Thực vật quá thận trọng!"

Co ke dong co that su nguy hiem den muc phai cam nhap lua mi?
 

Tôi tìm hiểu thì loại cỏ dại này gần như không độc. Cũng chưa thấy cỏ này mọc ở nước ta. Cục BVTV lo ngại vì những điều chưa diễn ra mà đưa quy định bắt buộc tái xuất e rằng quá thận trọng. Chưa kể, quy định đột ngột như vậy chắc chắn ảnh hưởng, khiến doanh nghiệp chịu thiệt hại.

Tiến sĩ Trần Duy Khanh, người có hơn 40 năm tìm hiểu về nông nghiệp:

"Cỏ kế đồng là sinh vật cạnh tranh, không gây độc"

Co ke dong co that su nguy hiem den muc phai cam nhap lua mi?
 

Trong quy trình kiểm dịch thực vật sẽ có hai trường hợp bị cấm là sinh vật gây hại (các loại sâu bệnh, côn trùng…) và sinh vật cạnh tranh (chẳng hạn như cây kế đồng đang được nói tới nhiều) dinh dưỡng của cây trồng khác.

Cây kế đồng có đặc điểm chỉ sinh sôi khi trồng cùng cây lúa mì. Trong khi ngành BVTV hiện cũng chưa đánh giá thực trạng lúa mì trồng ở Việt Nam ra sao, đa phần là… xem qua ảnh. Nhưng nghe cảnh báo từ thế giới mà cấm. Tôi khẳng định kế đồng chỉ cạnh tranh dinh dưỡng chứ không gây hại cho cây trồng.

Đặc biệt, nếu chẳng may nó lẩn trong lúa mì cũng không độc hại ngay cả khi người tiêu dùng ăn phải. Vì tại Nga, hạt của loại cỏ dại này là thức ăn rất ưa thích của loài chim sẻ.  Kế đồng có cạnh tranh với cây lúa và những loại cây trồng khác ở Việt Nam hay không thì chưa ai biết. Vì chưa thí nghiệm, chưa kiểm tra.

Tài liệu của Bộ Nông nghiệp ghi nhận loại cỏ này gần như xuất hiện trên khắp thế giới, và có thể đã có ở Việt Nam nhưng Cục BTVT chưa phát hiện ra. Nếu lúa mì nhập về làm hạt giống mà đưa ra quy định cấm này thì tôi hoàn toàn đồng ý. Nhưng nếu DN nhập về để chế biến bột mì, làm thức ăn chăn nuôi… qua công đoạn nghiền, chế biến thì Cục chỉ nên giám sát quy trình vận chuyển từ cảng về nhà máy của DN.  

Theo quan điểm cá nhân tôi, có người cho rằng Việt Nam có thể thay nguồn cung lúa mì từ các nước mà đang xuất khẩu lúa mì vào VN. Ai phát biểu như vậy là không hiểu gì về cây trồng. Mỗi loại cây trồng phù hợp với loại thổ nhưỡng khác nhau. Việt Nam chỉ có thể trồng lúa nước chứ không thể trồng lúa mì. Nếu chúng ta trồng lúa mì thì có thể nạn đói năm 1945 sẽ tái diễn. DN đang nhập khẩu từ các nước có truyền thống canh tác lúa mì như Nga, Mỹ, Úc, Canada… nên không có lý gì khuyên DN mang tiền đi mua sản phẩm đắt mà chất lượng tồi từ những nước kém ưu thế hơn.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM: "Cỏ kế đồng chỉ gây chướng bụng nếu ăn phải nhiều"

Co ke dong co that su nguy hiem den muc phai cam nhap lua mi?
 

Tôi tìm hiểu cỏ kế đồng có thể gây chướng bụng nếu ăn nhiều, nhưng lại chẳng ai ăn cỏ hết nên khả năng gây độc cho người dùng là rất khó. 

Quy định của Cục BVTV chưa liên quan đến lĩnh vực an toàn thực phẩm, chỉ là vấn đề về kiểm dịch thực vật. Bộ cũng có những công bố nếu để cây kế đồng lọt ra môi trường tự nhiên sẽ gây hại, giống như vụ việc ốc bưu vàng, rùa tai đỏ… trước đây. 

Cục BVTV làm sao bảo vệ được môi trường và cây trồng tại Việt Nam nhưng cùng phân tích sự cảnh giác quá cao độ có phù hợp hay không. Tại sao mình cấm mà các quốc gia lân cận không cấm (?); từ xưa đến giờ, mấy chục năm rồi nhập lúa mì từ Mỹ và Canada rồi nếu có lây lan ra môi trường thì cũng đã lây lan rồi chứ không phải đợi đến ngày hôm nay. Nếu cấm bây giờ có ý nghĩa gì?.

Quan trọng nhất, chúng ta nhập lúa mì về để xay xát, chế biến thành bột mì và một số sản phẩm rồi tái xuất những sản phẩm này đi nhiều nước, tỷ lệ bao nhiêu phần trăm nhập về làm hạt giống để có thể trồng trong tự nhiên có nguy cơ gây hại?. Nếu chứng minh được nó gây hại thì trình tự pháp lý để ra quyết định này có phù hợp hay không? 

Theo Nghị định 116 quy định về BVTV, Quốc hội khóa 13, trong trường hợp có thể gây hại cho quần thể thực vật tại Việt Nam thì trách nhiệm ban hành quy định cấm nhập khẩu thuộc thẩm quyền Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn.

Nhưng hiện đây mới chỉ là chỉ đạo của Cục BVTV cho Chi cục BVTV các địa phương, vùng. Và công văn gửi cho các doanh nghiệp ngày 5/9 mà có hiệu lực từ ngày 1/11 như vậy có gấp quá hay không? Nếu là dịch cúm gia cầm hay một tình huống nào đó thực sự khẩn cấp thì chúng ta mới áp dụng, còn làm như thế này thì doanh nghiệp sẽ thiệt hại rất lớn.

Cây kế đồng phân bố ở Châu Âu, Châu Á (Afganistan, Acmenia, Aizecbaizan, Trung Quốc, Georgia, Ấn  Độ, Iran, Nhật Bản, Hàn Quốc, Lebanon, Pakistan, Thổ  Nhĩ  Kỳ, Turkmenistan); Châu Phi; Bắc Mỹ (Canada, Mexico, USA.); Nam Mỹ (Chile); Châu Đại Dương (Australia, New Zealand). 

Co ke dong co that su nguy hiem den muc phai cam nhap lua mi?
Cây kế đồng

Là cây phân tính, hoa đầu mọc thành cụm dạng ngù ở ngọn, có hoa đực và hoa cái mọc trên đầu riêng rẽ. Hoa rất nhiều, có từ 1-5 hoa trên mỗi nhánh, hoa đực dạng hình cầu, hoa cái dạng cái bình. Tổng bao cao 10 -20 mm, có nhiều lá bắc xếp lợp, không có gai.

Hoa dạng ống, màu hồng tía đến hồng nhạt hoặc trắng. Hoa cái dài 23 - 26 mm, ống hoa dài 20 - 23 mm, thùy 2 mm, nhụy phát triển, bao phấn tiêu giảm hoặc không có bao phấn. Hoa đực dài 12 - 14 mm, ống dài 7 - 8,5 mm, thùy 3- 4 mm, có hoặc không có nhụy, bầu tiêu giảm, bao phấn dài 4 mm, hạt phấn có đường kính 42 - 44 µm. 

Quả bế thuôn dẹt, thẳng hoặc hơi cong, nhẵn bóng, có rãnh chạy dọc, ở giữa đỉnh của hạt lồi lên dạng hình chóp. Hạt dài 2,5 – 4 x 1 mm, màu vàng rơm,  nâu sáng đến nâu tối. Đỉnh hạt có túm lông màu trắng nhưng đôi khi có màu nâu, dạng lông chim, dài 2 mm, dễ rụng.

Phương thức gây hại: Cây kế đồng cạnh tranh dinh dưỡng với cây trồng do bộ rễ rất phát triển, tốc độ sinh trưởng nhanh, khả năng cạnh tranh lấn chiếm lớn làm ảnh hưởng đến năng suất và phẩm chất cây trồng. Lá cây có nhiều gai sắc nhọn gây ảnh hưởng đến đồng cỏ chăn nuôi gia súc. Cây kế đồng cạnh tranh với rất nhiều loài cây trồng gồm những cây trồng quan trọng như ngô, đậu Hà Lan, đậu tương, bông, lanh, kê, lúa miến, đại mạch, mạch ba góc, yến mạch, kiều mạch, lúa mạch đen, lúa mỳ, đậu, khoai tây, cà rốt...   (Theo tài liệu của Cục Bảo vệ thực vật)

Thư Hùng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI