Chưa được phép, thẩm mỹ viện vẫn tùy tiện lăn kim làm đẹp da

08/05/2019 - 06:58

PNO - Trao đổi với chúng tôi, BS Nguyễn Thị Huỳnh Mai- Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM- khẳng định, hiện kỹ thuật PRP chưa được Bộ Y tế cấp phép thực hiện tại các cơ sở làm đẹp, nếu các cơ sở vẫn thực hiện là phạm luật.


Nhà chức trách Mỹ hiện đang điều tra ít nhất hai trường hợp bị nhiễm HIV trong số các khách hàng từng sử dụng dịch vụ PRP (platelet rich plasma, tức công nghệ lăn kim bằng huyết tương giàu tiểu cầu) tại một cơ sở làm đẹp ở bang New Mexico. Kỹ thuật này chưa được Bộ Y tế cấp phép nhưng tại TP.HCM, dịch vụ làm đẹp bằng kỹ thuật này đang bùng nổ, ẩn chứa nhiều rủi ro cho khách hàng. 

Mạo xưng “được cấp phép”

Tại Bệnh viện Thẩm mỹ Đông Á (Q.1, TP.HCM), khi nghe chúng tôi muốn lăn kim xóa sẹo rỗ, nhân viên tại đây soi da, phân tích cấu trúc da một cách sơ sài rồi khuyên chúng tôi nên trị bằng kỹ thuật PRP. 

Theo nhân viên này, khi bị đứt tay, khoảng vài giờ sau dịch vàng sẽ tiết ra, gọi là huyết tương, chúng có nhiệm vụ phân chia tế bào vùng tổn thương, làm lành vết thương. Dựa vào nguyên lý này, bác sĩ sẽ lấy một lượng máu trên cơ thể khách hàng, cho vào máy quay ly tâm, tách lấy huyết tương để trị sẹo. Trong quá trình lăn kim, bác sĩ sẽ đưa huyết tương này vào da để tái tạo toàn bộ bề mặt da cho khách. Do có nồng độ tiểu cầu cao nên mức độ hồi phục, tái tạo da gấp 5 - 10 lần so với các phương pháp thông thường. Nhân viên tại đây báo giá 8 triệu đồng/liệu trình nhưng trong tháng này, bệnh viện giảm giá 50%, những lần làm sau sẽ giảm 40%. Trong một liệu trình điều trị, ngoài đưa huyết tương giàu tiểu cầu vào da, bác sĩ sẽ kết hợp thêm nhiều công nghệ như chiếu sáng da, laser trị lỗ chân lông to, cắt sẹo với những trường hợp sẹo rỗ lâu năm. 

Chua duoc phep, tham my vien van tuy tien lan kim lam dep da
Nhân viên đang soi da tư vấn về kỹ thuật PRP cho khách

Trên trang web của mình, bệnh viện này khuyên khách hàng tìm đến những địa chỉ thực hiện kỹ thuật PRP uy tín, được sở y tế cấp phép, bác sĩ thực hiện phải được Bộ Y tế cấp chứng chỉ hành nghề, hệ thống máy móc có đầy đủ chứng nhận của FDA (Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ), điều trị PRP theo đúng quy trình do Bộ Y tế ban hành. “Tại Việt Nam, hiện chỉ có một số cơ sở đáp ứng được những yếu tố trên, trong đó có Bệnh viện Thẩm mỹ Đông Á” - bệnh viện này khẳng định trên website.

Không chỉ bệnh viện thẩm mỹ, các phòng khám da liễu, spa chăm sóc da cũng quảng cáo rầm rộ kỹ thuật này. Nhân viên tại Galaxy spa Ngân Hà (Q.10, TP.HCM) khẳng định, điều trị sẹo rỗ bằng kỹ thuật PRP theo quy trình đạt tiêu chuẩn nghiêm ngặt nhất do Bộ Y tế ban hành, cam kết sẽ hoàn tiền và chịu toàn bộ trách nhiệm nếu kết quả điều trị không khả quan và gây ra những biến chứng xấu cho da mặt, sức khỏe khách hàng. Còn tại phòng khám da liễu Doctor Scar (Q.10, TP.HCM), nhân viên cho biết, phương pháp lăn kim trị sẹo rỗ PRP đã được thực hiện, mang lại hiệu quả điều trị cao hơn cho 5.000 khách hàng. Tại SVan clinic & Spa (Q.1, TP.HCM), nhân viên khẳng định, quy trình chiết tách tế bào máu tự thân đúng chuẩn vệ sinh theo quy định của Bộ Y tế, nhưng khi chúng tôi thắc mắc quy định này gồm những gì thì nhân viên chỉ trả lời qua loa rồi lảng sang chuyện khác. 

Để thu hút khách hàng, một spa còn quảng cáo giảm giá khi dùng kỹ thuật này với mức giảm sốc, từ 2 triệu đồng xuống còn 168.000 đồng. Với mức giá này, hậu quả có thể xảy ra, thậm chí có thể nhiễm HIV vì để có giá rẻ, các spa có thể sẽ sử dụng một bộ kim lăn cho tất cả khách hàng hoặc dùng thiết bị không đảm bảo chất lượng, vệ sinh. 

Nhiều rủi ro, biến chứng

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM - khẳng định, hiện kỹ thuật PRP chưa được Bộ Y tế cấp phép thực hiện tại các cơ sở làm đẹp, nếu các cơ sở vẫn thực hiện là phạm luật. 

Một cán bộ thuộc Phòng Thanh tra Sở Y tế TP.HCM cho biết thêm, nhiều cơ sở làm đẹp quảng cáo rầm rộ kỹ thuật PRP trên trang web, Facebook nhưng khi đoàn thanh tra đến làm việc thì các cơ sở này thường chối, cho rằng chỉ quảng cáo chứ không thực hiện. Thậm chí có cơ sở còn đăng quảng cáo kỹ thuật PRP trẻ hóa da trên tạp chí, nhưng giải thích với đoàn thanh tra rằng chỉ quảng cáo vậy chứ không thực hiện hoặc chỉ sử dụng tế bào gốc thực vật (được Bộ Y tế cho phép) để chăm sóc da chứ không sử dụng tế bào gốc tự thân. Theo quy định, hiện Sở Y tế chỉ quản lý phòng khám và các cơ sở giải phẫu thẩm mỹ, còn các spa, thẩm mỹ viện thông thường thì do quận, huyện cấp phép, quản lý và tuyệt đối không được triển khai các kỹ thuật xâm lấn, sử dụng dao kéo gây chảy máu như xăm môi, xăm mắt, tẩy nốt ruồi, tiêm thuốc, phẫu thuật, lăn kim… Việc các thẩm mỹ viện và spa quảng cáo sai sự thật, thực hiện các kỹ thuật vượt quá phạm vi cho phép vẫn diễn ra phổ biến. Vị cán bộ này cũng khẳng định, hiện Bộ Y tế chưa cho phép ứng dụng tế bào gốc trong điều trị thẩm mỹ ở các cơ sở tư. 

Cách đây không lâu, Bệnh viện Da Liễu TP.HCM tiếp nhận bệnh nhân Võ Thanh C. (ngụ tại Q.8, TP.HCM) trong tình trạng mặt sưng tấy, da chảy đầy dịch và mủ, mắt, môi sưng húp. Theo lời kể của người nhà, C. vừa đến một cơ sở thẩm mỹ để xóa sẹo rỗ trên mặt bằng kỹ thuật PRP. Theo tư vấn của nhân viên, C. phải làm năm liệu trình, giá 28 triệu đồng nhưng vừa làm được một liệu trình thì bị tai biến. Là người trực tiếp điều trị cho C., bác sĩ Nguyễn Hữu Hà - Phó khoa Thẩm mỹ, Bệnh viện Da Liễu TP.HCM - nhận định, cũng may C. đến bệnh viện sớm, nếu để tình trạng nhiễm trùng kéo dài, có thể dẫn đến viêm màng não, nguy hiểm đến tính mạng do vị trí tổn thương rất gần với não. 

Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Hà, khoa vẫn thường tiếp nhận nhiều trường hợp bị mụn rộp do nhiễm Herpes, dị ứng, da thâm đen, thậm chí bị nhiễm trùng nặng do làm đẹp bằng lăn kim. Lăn kim tạo vi tổn thương để kích thích tế bào tăng sinh, tái tạo, là phương pháp tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Trước hết, nếu kim lăn không rõ nguồn gốc, bảo quản kim không đạt chuẩn thì việc tái sử dụng có thể gây viêm nhiễm vi-rút HIV, vi-rút viêm gan A, B, C. Nếu kỹ thuật viên không có kinh nghiệm, lăn kim không đúng cách sẽ làm rách mô liên kết, thủng mạch, mao mạch máu dẫn đến tụ huyết dưới da, làm da đen sạm và phải tốn rất nhiều chi phí để điều trị cho da bình thường trở lại. Ngoài ra, dưỡng chất bôi lên da sau khi lăn kim, nếu không bảo đảm vệ sinh (quy trình quay ly tâm không đảm bảo) cũng có thể gây dị ứng da. Làn da chỉ tăng sinh tế bào khi lăn kim lần đầu, số lần lăn kim càng tăng thì quá trình tăng sinh càng giảm, thậm chí mất luôn tiến trình tăng sinh đã tạo ra trước đó. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI