Chủ tịch Mai Linh: 'Chúng tôi không bắt chẹt khách giờ cao điểm'

21/11/2017 - 00:05

PNO - Chia sẻ với báo Phụ Nữ, lãnh đạo Mai Linh cho biết dù ‘sinh sau, đẻ muộn’ nhưng MaiLinh Bike sẵn sàng cạnh tranh với các hãng ‘xe ôm công nghệ’ khác.

 

Xe ôm công nghệ hoạt động tại Việt Nam đã khá lâu nhưng mãi đến hôm nay Mai Linh mới chính thức nhập cuộc. Ông có thấy mình chậm chân không?

- Ông Hồ Huy, Chủ tịch HĐQT tập đoàn Mai Linh: Chúng tôi có quá trình chuẩn bị khoảng hai năm, hiện nay đang trong giai đoạn thử nghiệm và hoàn thiện, cả về quy trình vận hành lẫn công nghệ vì công nghệ dễ dính lỗi, phải update liên tục. 

Trước đó, chúng tôi chọn thời điểm chính thức tung ra là ngày 10/10/2017 nhưng phải đến ngày 20/11 mới có thể ra mắt. Nhưng cũng may mắn là đúng vào ngày Hiến chương nhà giáo, vừa tri ân thầy cô dạy dỗ, cũng vừa cho thấy doanh nghiệp Việt Nam đã thay đổi và áp dụng phương thức kinh doanh mới. Trong thời đại công nghệ 4.0 thì bất kì điều gì cũng nằm trong đó.

"Sinh sau, đẻ muộn" nên MaiLinh Bike chắc chắn sẽ có nhiều lợi thế. Đó là gì, thưa ông?

- Ứng dụng MaiLinh Bike được viết theo văn hóa truyền thống người Việt. Thời gian không cộng thêm khi tắc đường hay cao điểm, nghĩa là dù 7.500 đồng hay 11.000 đồng/cây số thì vẫn không tính thêm tiền như Grab, Uber.

Bên cạnh đó, lợi thế của MaiLinh Bike ngoài giúp khách hàng thuận tiện cũng như minh bạch khi đặt xe bằng ứng dụng thông qua việc thể hiện rõ thời gian di chuyển, chi phí khi đi xe,… thì đội ngũ lái xe cũng được đào tạo đúng quy trình phục vụ.

Chúng tôi tuyển dụng, đào tạo tài xế đưa vào kinh doanh đều theo quy trình và kiểm soát nghiêm ngặt. Ví dụ, một tổ xe 10 chiếc, một đội là 30 và tăng dần theo sự quản lý có tổ chức. Giống như quân đội, tiểu đội, đại đội tới tiểu đoàn, sư đoàn… Vì vậy, khi xảy ra điều gì không may với tài xế, khách hàng như tai nạn hay cướp giật thì Mai Linh lập tức hỗ trợ.

Chu tich Mai Linh: 'Chung toi khong bat chet khach gio cao diem'
Ông Hồ Huy, Chủ tịch HĐQT Mai Linh. Ảnh: Thái Nguyễn

Dù "sinh sau, đẻ muộn" nhưng MaiLinh Bike rất sẵn sàng cạnh tranh với các hãng "xe ôm công nghệ" khác, bằng việc học tập những thành quả của đối thủ trên "sân nhà", khắc phục những hạn chế để cho ra mô hình hoàn thiện nhất phục vụ khách hàng lẫn đối tác của MaiLinh Bike.

Để thu hút khách hàng, các hãng xe ôm công nghệ liên tục khuyến mại suốt 2 năm qua. MaiLinh Bike cũng sẽ như thế?

- Khi đăng kí một doanh nghiệp tại Việt Nam, vốn điều lệ là 20 tỷ nhưng mà lỗ đến 1000 tỷ, có nghĩa là liên tục khuyến mại như vậy thì theo luật cạnh tranh là khá bất bình đẳng và vi phạm luật pháp.

Mặt khác, chúng tôi cũng thấy mất thị trường nghiêm trọng như vậy mà người Việt Nam chẳng lẽ ngồi chờ thất bại hay sao? Vì thế, các doanh nghiệp sẽ có chiến lược khác nhau. 

Riêng Mai Linh, để cạnh tranh, trước tiên chúng tôi nâng cao chất lượng dịch vụ từ Mai Linh taxi, xe cho thuê,…; bên cạnh đó sẽ chăm sóc và luôn tâm niệm rằng “khách hàng là thượng đế, lái xe là ngọc hoàng”. Đây là hai đối tượng chiến lược để Mai Linh bảo vệ và đảm bảo quyền lợi.

Ông có thể chia sẻ rõ hơn về mức giá mà Mai Linh áp dụng đối với dịch vụ xe ôm công nghệ?

- Hiện tại, cước phí tối thiểu là 11.000 đồng (dưới hoặc bằng 2km), sau 2km đầu tiên sẽ áp dụng mức 3.700 đồng/km và 0 đồng giá cước thời gian.

Chiến lược về giá của chúng tôi là không bắt chẹt khách hàng trong lúc cao điểm, không thiếu trách nhiệm với người lao động. Mai Linh cũng cam kết chính sách dành cho tài xế sẽ càng ngày càng có lợi.

- Mai Linh Bike: 11.000 đồng giá cước tối thiểu (dưới 2km đầu tiên), sau 2km đầu tiên giá cước là 3.700 đồng/km; Phí thời gian là 0đ.

- GrabBike: 12.000 đồng (2km đầu tiên), sau 2km đầu tiên giá cước là 3.800 đồng/km; tăng giá giờ cao điểm hoặc nhu cầu khách tăng cao.

- Uber Moto: 10.000 đồng (2km đầu tiên), sau 2km giá là 3.700 đồng/km; phí thời gian là 200đ/phút.

Chúng tôi còn đang suy tính tới việc đưa ra mức thấp hơn chứ không có chuyện sau khi có nhiều khách hàng, đối tác thì buông lỏng việc quản lý, tăng giá cước, tăng chiết khấu.

Vấn đề ở đây là một khi hãng đưa ra chính sách có lợi cho tài xế thì họ sẽ gắn bó lâu dài với mình. Nếu cạnh tranh khốc liệt quá thì doanh nghiệp vẫn có thể hạ mức chiết khấu xuống, tầm 10%. Khi có đông người tham gia thì doanh nghiệp có hạ xuống cũng sẽ không sao.

Mai Linh có chính sách tuyển dụng ra sao để hỗ trợ những người muốn trở thành đối tác với hãng, tạo điều kiện họ mưu sinh thuận lợi hơn?

- Chúng tôi sẽ đóng bảo hiểm, y tế cho người lao động một cách bình đẳng. Thậm chí, MaiLinh Bike đang xây dựng gói bảo hiểm cho người tài xế và khách hàng khi sử dụng MaiLinh Bike.

Ngoài ra, MaiLinh Bike không giới hạn đối tượng tham gia, miễn là đáp ứng điều kiện, như là công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên; đủ điều kiện sức khoẻ để điều khiển xe mô tô theo quy định; có giấy phép (còn hạn sử dụng) lái xe hạng A1, A2...

Chúng tôi chỉ đặt ra một số yêu cầu về sức khỏe và nhân dáng. Phương tiện đi lại thì xe vẫn chạy tốt, vẫn đèo được người là được rồi. Tuy nhiên, trước hết cần kiểm tra chất lượng, an toàn xe.

Xin cảm ơn ông!

Trước đây, ông Hồ Huy - Chủ tịch HĐQT Mai Linh từng khẳng định hãng sẽ không tham dự vào bất kỳ vụ kiện cáo nào với Grab, Uber.

Ngoài ra, ông cũng nghiêm túc chỉ rõ những điểm đáng học hỏi của hai ứng dụng công nghệ nói trên, một của châu Á và một của châu Âu. Tuy nhiên, ông cho biết mình không đồng ý với quan điểm, văn hóa kinh doanh của đối thủ.

Cũng theo ông Huy, một doanh nghiệp muốn tồn tại lâu dài và bền vững phải đáp ứng được ba trách nhiệm lớn ngoài mục tiêu lớn nhất trong kinh doanh là kiếm tiền, bao gồm trách nhiệm đối với xã hội, với nhà đầu tư và với người lao động, đặc biệt là đóng góp cho ngân sách.

“Kiện hay không thì trước tiên phải nhìn về mình rồi xem đối thủ là người thế nào. Doanh nghiệp nào cũng có văn hóa riêng biệt nhưng có thể học hỏi lẫn nhau những gì tốt.

Tôi không lấy kiện cáo làm chính mà thay đổi chính mình là chính. Mình không tốt làm sao lái xe gắn bó, dẫn đến khách hàng sẽ không ngó ngàng khi lái xe kém”, ông Hồ Huy nói.

Thái Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI