Tranh cãi mãi về cái... hộp đèn

18/09/2019 - 11:30

PNO - Các tài xế taxi truyền thống tại Hà Nội đang kêu gọi sự “công bằng”. Họ dán các biểu ngữ có nội dung: “Muốn gắn hộp đèn cho xe chạy bằng ứng dụng công nghệ”.

Tài xế taxi truyền thống cho rằng, họ bị cấm một số tuyến đường, còn xe chạy ứng dụng công nghệ lại không, đây là điểm bất hợp lý. 

Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến giao Bộ Giao thông vận tải (GTVT) nghiên cứu bỏ hộp đèn trên nóc xe chạy ứng dụng công nghệ như Grab, Fastgo, chỉ quy định dán phù hiệu kinh doanh phản quang trên kính trước và sau xe. Nhiều công ty taxi truyền thống không nhất trí với quyết định này và các hiệp hội taxi truyền thống muốn đối thoại với Chính phủ.

Trên diễn đàn Grab Sài Gòn, tài xế chạy xe ứng dụng công nghệ cho rằng, phản ứng của các hãng taxi truyền thống chẳng có tác dụng gì, taxi truyền thống chỉ suy tàn nhanh hơn mà thôi. 

Tranh cai mai ve cai... hop den
Về phía cơ quan quản lý, để nhận dạng xe chạy ứng dụng công nghệ phục vụ cho kiểm soát, cũng chỉ cần không hơn một con tem phản quang gắn ở kính xe

Thực tế ra sao? Hãy cùng sơ lược để thấy được bức tranh toàn cảnh. 

Ứng dụng công nghệ gọi xe đã đi vào đời sống nhiều năm nay ở khắp thế giới, đem lại sự thuận tiện cho người dùng. Người dân ở các thành phố lớn ưa chuộng vì sự phục vụ chu đáo và giá cả rõ ràng.

Không chỉ với người sử dụng dịch vụ, nó còn thuận lợi cả với các cơ quan quản lý nhà nước như thuế, GTVT, ngân hàng, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình thanh toán không tiền mặt trong tương lai. Đến nay, ứng dụng gọi xe đã phát triển tương đối hoàn thiện, có hợp đồng qua e-mail, theo dõi hành trình theo thời gian thực trên ứng dụng, kiểm soát được tài xế trong hành trình và rõ ràng về giá cả.  

Gắn thêm hộp đèn trên mui xe ứng dụng công nghệ sẽ là thao tác quản lý dư thừa, gây tốn kém cho các lái xe. Chính phủ đã tính toán đúng khi giao bộ GTVT nghiên cứu chặt chẽ hơn về vấn đề này. Không phải tự nhiên hộp đèn bị hủy bỏ sau nhiều lần đề xuất. Kinh doanh vận tải dùng ứng dụng gọi xe là loại hình mới đối với vận tải hành khách. Nó phù hợp với điều kiện đời sống hiện tại, khi mà mỗi người ai cũng có điện thoại thông minh.

Trong nền kinh tế số hóa, nhận dạng một thương hiệu hay tìm kiếm một giao dịch, ta thường bắt đầu những hành vi ấy trên các nền tảng như mạng xã hội hay các ứng dụng. Nó hiệu quả và tiết kiệm hơn. Khác với phương thức tiếp thị và kinh doanh truyền thống.

Cụ thể, với các xe chạy ứng dụng công nghệ, nhận dạng của nó là ứng dụng công nghệ, là sự tương tác trên điện thoại, không phải nhận dạng vật lý trực quan là chiếc hộp đèn gắn trên mui xe. Xe chạy ứng dụng công nghệ là loại hình kinh doanh thay đổi hành vi của khách hàng theo hướng tiện lợi hơn, khoa học hơn.

Khách hàng không cần phải ra mép đường giữa trưa nắng gắt để tìm xe có hộp đèn; không phải ngó đầu ra cửa sổ dưới cơn mưa tầm tã, khách hàng vẫn biết xe đón mình đã tới đâu, xe hiệu gì, màu nào, biển số và tài xế ra sao, biết chính xác số tiền cho chuyến đi. Bấy nhiêu là đủ thông tin cho một hành trình. Như vậy, chiếc hộp đèn không đóng vai trò gì hữu ích, thậm chí còn rất vô duyên và gây tốn kém.

Về phía cơ quan quản lý, để nhận dạng xe chạy ứng dụng công nghệ phục vụ cho kiểm soát, cũng chỉ cần không hơn một con tem phản quang gắn ở kính xe. Thêm nữa, nếu bắt các xe chạy ứng dụng công nghệ phải gắn hộp đèn, sẽ phát sinh trường hợp làm giả hộp đèn, lợi dụng hộp đèn của các công ty ứng dụng công nghệ để lừa khách đi xe, dẫn đến mất uy tín và thất thu cho doanh nghiệp. Hộp đèn có thể làm giả nhưng ứng dụng gọi xe thì không thể. Không biết Bộ GTVT đã tính toán kỹ điều này?

Ở các quốc gia phát triển, để quản lý chặt chẽ loại hình này, họ dùng biển số màu vàng cho các xe có kinh doanh vận tải. Đó là việc làm khoa học và ít tốn kém nhất cho cả doanh nghiệp, hành khách lẫn cảnh sát giao thông. Với cơ quan quản lý, việc cần làm là tăng tính cạnh tranh của các loại hình cũ khi xuất hiện một loại hình mới hữu ích hơn. Như vậy, xã hội mới có thể tiến nhanh.

Công bằng trong thời buổi 4.0 là rạch ròi sự khác biệt từng cá thể, hiểu rõ mục đích, năng lực, điều kiện của từng khách hàng, từng đối tác, từng loại hình dịch vụ để giúp phục vụ khách hàng được tốt hơn, từ đó gia tăng doanh số của doanh nghiệp, góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách quốc gia. Kinh doanh thời buổi mới với tư duy “đồng phục” chắc chắn thất bại.

Đồng phục lạc hậu cần loại bỏ ở đây rõ ràng là chiếc hộp đèn. Ta vẫn có thể gọi được xe đi bất kể nơi đâu, các tài xế vẫn tìm được hành khách chuẩn xác, nhanh chóng và lịch sự thì cái hộp đèn phỏng có ích gì? 

Mỗi hình thức, quy chuẩn chỉ phù hợp với từng giai đoạn. Nếu ta cứ cố giữ một cái gì đó mang tính quen thuộc mà bỏ qua sự tiện lợi của công nghệ thì sẽ gây  tốn kém tiền bạc và công sức cho xã hội. Tư duy ấy luôn kéo kinh tế đất nước chậm lại, làm cho quốc gia tụt hậu so với bạn bè quốc tế. 

Nguyễn Tuấn Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI